Sau sáp nhập tỉnh Đồng Nai nằm trong Top đầu cả nước về thu hút FDI
Ảnh minh họa.

Với quy hoạch 83 khu công nghiệp, 63 cụm công nghiệp và Khu kinh tế Cửa khẩu Hoa Lư trên 25,8 ngàn ha, cùng lợi thế hệ thống giao thông kết nối hoàn thiện trên cả 5 phương diện (đường bộ, đường thủy nội địa, hàng hải quốc tế, đường sắt và đường hàng không), Đồng Nai tiếp tục là cực hút các dự án FDI vào nhiều lĩnh vực.

Bên cạnh đó, hệ thống giao thông của tỉnh Đồng Nai sau hợp nhất cũng thuộc diện đa dạng bậc nhất cả nước. Đặc biệt, Đồng Nai sẽ trở thành tỉnh có đường biên giới trên đất liền tiếp giáp Vương quốc Campuchia dài nhất Việt Nam, có 4 cửa khẩu (Cửa khẩu quốc tế Hoa Lư, các cửa khẩu chính: Hoàng Diệu, Lộc Thịnh; Cửa khẩu phụ Tân Tiến) và một lối mở, thuận lợi để kết nối với tam giác phát triển Việt Nam - Lào - Campuchia.

Sở Tài chính tỉnh Đồng Nai cho biết, các dự án FDI thu hút mới tập trung vào các ngành sản xuất chất bán dẫn, linh kiện điện, điện tử; cơ khí chế tạo; dệt; sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn… đáp ứng tiêu chí thu hút các dự án chất lượng cao, thân thiện với môi trường.

Đáng chú ý, không có dự án thuộc danh mục ngành nghề có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, thâm dụng lao động; đảm bảo các tiêu chí về công nghệ tiên tiến; phù hợp với chủ trương thu hút đầu tư của tỉnh.

Đến nay, Đồng Nai đã ký kết 42 bản ghi nhớ, thỏa thuận hợp tác quốc tế cấp tỉnh lần đầu với 13 quốc gia trên thế giới và thực hiện 14 bản tái ký kết. Đồng Nai xác định lấy lợi thế về vị trí và giao thông thuận lợi, mũi nhọn là phát triển công nghiệp để tạo đột phá, trong những năm gần đây, tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh luôn đạt ở mức cao và ổn định, bình quân 8% năm. Sau sáp nhập, tỉnh Đồng Nai mới sẽ tiếp tục là một trong những tỉnh phát triển công nghiệp hàng đầu của Việt Nam./.

Sau sáp nhập, tỉnh Đồng Nai mới có diện tích trên 12,7 ngàn km², dân số hơn 4,4 triệu người. Số lượng khu công nghiệp của tỉnh Đồng Nai mới tăng lên đáng kể, mở ra nhiều cơ hội để Đồng Nai thu hút các dự án FDI đầu tư sản xuất, kinh doanh.