VCCI logo

LIÊN ĐOÀN THƯƠNG MẠI VÀ CÔNG NGHIỆP VIỆT NAM

Vietnam Chamber of Commerce and Industry

Chủ nhật, 13/07/2025 | English | Vietnamese

Trang chủDoanh nghiệp'Siết chặt quy tắc xuất xứ hàng hóa, cơ hội lớn đang mở ra với Việt Nam'

'Siết chặt quy tắc xuất xứ hàng hóa, cơ hội lớn đang mở ra với Việt Nam'

11:59:00 AM GMT+7Thứ 5, 10/07/2025

Ông Nguyễn Xuân Phú, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Sunhouse cho rằng, trong bối cảnh dịch chuyển của chuỗi cung ứng toàn cầu và các chính sách siết chặt quy tắc xuất xứ hàng hóa, cơ hội lớn đang mở ra với Việt Nam là rất lớn.

Việt Nam cần tham gia vào những ngành quy mô lớn

Tại Diễn đàn Tăng trưởng Kinh tế Việt Nam 2025 (VEGF) mới đây, ông Nguyễn Xuân Phú, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Sunhouse đã chia sẻ, ở Châu Á, chỉ có 4 nền kinh tế từng đạt được tăng trưởng kinh tế hai con số trong nhiều năm liên tục như mục tiêu mà Việt Nam đang hướng tới, đó là Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc) và Trung Quốc.

Điểm chung của những nền kinh tế tăng trưởng liên tục hai con số là phát triển các ngành công nghệ cao và vào được thị trường Mỹ. “Vào được thị trường Mỹ, chúng ta có thể vào tất cả các thị trường khác”, ông Phú nói.

Muốn thúc đẩy tăng trưởng, Việt Nam phải tập trung vào các ngành sản xuất quy mô lớn.

Ông Phú cho biết, Sunhouse đã rất nỗ lực trong 4 năm qua và là một trong số ít doanh nghiệp sản xuất công nghiệp tiếp cận được thị trường Mỹ. Dự kiến năm nay, Sunhouse xuất khẩu vào thị trường Mỹ khoảng 3.000 tỷ đồng.

Theo Chủ tịch Sunhouse, khách hàng Mỹ rất “đơn giản”, để vào thị trường Mỹ cần sản phẩm “5 sao” nhưng “giá Trung Quốc”. Vì vậy, cần tạo ra năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp Việt Nam để vào thị trường Mỹ.

Trong bối cảnh dịch chuyển của chuỗi cung ứng toàn cầu và các chính sách siết chặt quy tắc xuất xứ hàng hóa, cơ hội lớn đang mở ra với Việt Nam là rất lớn.

Muốn vào những ngành có thể thúc đẩy tăng trưởng, Việt Nam cần tham gia vào những ngành có quy mô lớn. Tuy nhiên, việc tiếp cận và tham gia vào những chuỗi cung ứng lớn đối với các doanh nghiệp Việt Nam là điều vô cùng khó khăn. Vì vậy, doanh nghiệp cần sự đồng hành từ Nhà nước để tạo ra năng lực cạnh tranh.

Ông Phú chỉ ra rằng, Trung Quốc là một hình mẫu đáng học hỏi. Chính quyền mỗi địa phương đều có quỹ đầu tư, các địa phương này sẽ lựa chọn ra những ngành nghề chiến lược và đầu tư vào 1 - 2 doanh nghiệp tiềm năng nhất, hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng năng lực cạnh tranh trong giai đoạn đầu.

Cách làm của Trung Quốc là ban đầu, họ bán không cần có lãi để lấy đơn hàng chạy “full” công suất, tham gia vào chuỗi cung ứng. “Nếu muốn có lãi ngay thì không bao giờ vào được ngành công nghệ cao”, ông Phú nói.

Vì vậy, ông Phú đề nghị, doanh nghiệp và Nhà nước phải đồng hành cùng nhau, chọn ngành nghề, xác lập lợi thế cạnh tranh cho doanh nghiệp.

Ở góc độ doanh nghiệp dệt may, ông Lê Tiến Trường, Chủ tịch Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex), cũng nêu bật thách thức tăng trưởng trong bối cảnh thị trường toàn cầu đang chững lại. Hiện quy mô xuất khẩu của ngành dệt may của Việt Nam đã đạt hơn 45 tỷ USD. 

Tuy nhiên, nếu kỳ vọng tăng trưởng 10% mỗi năm đến 2030, con số xuất khẩu cần đạt khoảng 80 tỷ USD, theo ông Trường, điều này là bất khả thi nếu chỉ phát triển theo chiều rộng trong khi tổng cầu thế giới vẫn chưa phục hồi sau đại dịch.

Ưu đãi “hay nhất” mà doanh nghiệp mong muốn là thuế

Bên cạnh các giải pháp vi mô, các chuyên gia cũng cho rằng cần có những chính sách tài khóa và tiền tệ linh hoạt để kiểm soát rủi ro kinh tế vĩ mô.

Theo đó, TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV, đề xuất bốn nguyên tắc lớn để đảm bảo tính bền vững trong huy động và sử dụng nguồn lực tài chính bao gồm: đầu tư cần cân đối với tiết kiệm; phải chú trọng hiệu quả đầu tư; phân bổ nguồn lực tài chính phải tối ưu hơn; và mô hình tăng trưởng phải dựa nhiều hơn vào tăng năng suất thay vì chỉ khai thác lao động giá rẻ và tài nguyên.

Ưu đãi “hay nhất” mà doanh nghiệp mong muốn là thuế.

Bình luận thêm về sự đồng hành của Nhà nước với doanh nghiệp, Trưởng ban Chính sách, Chiến lược Trung ương Trần Lưu Quang cho biết, ưu đãi “hay nhất” mà doanh nghiệp hiện rất mong muốn là ưu đãi thuế.

“Ví dụ doanh nghiệp làm được cái gì thì giảm luôn thuế đó, như vậy rất công khai, minh bạch, có tác dụng thực chất”, ông Quang nói.

Để hóa giải khó khăn thách thức, làm mới các động lực tăng trưởng trong giai đoạn phát triển mới, Phó Thủ tướng Nguyễn Chí Dũng đã đưa ra các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm.

Thứ nhất, phải tiếp tục hoàn thiện thể chế, đổi mới công tác xây dựng và thực thi pháp luật theo hướng minh bạch, ổn định và tiệm cận các chuẩn mực quốc tế. Thời gian qua, nước ta đã tập trung giải quyết được một số "điểm nghẽn" về thể chế, tăng cường phân cấp, phân quyền, cải cách thủ tục hành chính, phân định rõ thẩm quyền giữa chính quyền các cấp trong nhiều lĩnh vực phù hợp với cuộc cách mạng về tổ chức bộ máy.

Thứ hai, cần tiếp tục rà soát, hoàn thiện hệ thống pháp luật trong các lĩnh vực trọng yếu, như đất đai, khoáng sản, quy hoạch… Đồng thời, ưu tiên tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của hơn 2.887 dự án với quy mô vốn hơn 235 tỷ USD và diện tích đất khoảng 347.000 ha để khơi thông nguồn lực cho phát triển.

Thứ ba, huy động tối đa mọi nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển, lấy đầu tư công để "dẫn dắt", là "vốn mồi" để huy động đầu tư của khu vực kinh tế ngoài Nhà nước. Trong đó, tập trung phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại; phấn đấu sớm hoàn thành các dự án hạ tầng trọng điểm quốc gia; đồng bộ, đa dạng hoá các loại hình nguồn điện với cơ cấu hợp lý, bảo đảm an toàn hệ thống, giá thành hợp lý; phát triển các nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng mới, năng lượng sạch phù hợp với điều kiện, trình độ phát triển kinh tế trong từng thời kỳ.

Thứ tư, tận dụng và phát huy lợi thế của không gian phát triển mới từ kết quả sáp nhập, hợp nhất các địa phương và mô hình chính quyền địa phương 2 cấp; khai thác tối đa tiềm năng từ các động lực tăng trưởng mới, tạo đột phá phát triển các lĩnh vực, như KHCN, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, bán dẫn, AI, lượng tử... cùng với các mô hình kinh tế mới, như các khu thương mại tự do, trung tâm tài chính... gắn với phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao và mạng lưới nhân tài trong và ngoài nước.

Thứ năm, hỗ trợ phát triển và gắn kết các thành phần kinh tế, gồm: Kinh tế tư nhân, kinh tế nhà nước và khu vực FDI để tạo "sức mạnh tổng hợp" cho phát triển kinh tế đất nước. Đây là những động lực chính để tái cấu trúc nền kinh tế, xác lập mô hình tăng trưởng mới, thúc đẩy phát triển nhanh và bền vững dựa trên KHCN, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, tạo sự chuyển biến về chất trong giai đoạn phát triển mới.

Thứ sáu, tập trung thu hút các dự án đầu tư trọng điểm trong các ngành chiến lược, có quy mô vốn lớn, có khả năng tạo đột phá và hiệu ứng lan tỏa kinh tế, Phó Thủ tướng cũng đề nghị thúc đẩy hội nhập quốc tế trong tình hình mới. Trong đó, nội lực phải được đặt ở vị trí quyết định; ngoại lực là nguồn lực bổ sung, hỗ trợ quá trình phát triển, bảo đảm hội nhập toàn diện, sâu rộng mà vẫn giữ vững độc lập tự chủ, nâng cao năng lực tự cường và khả năng thích ứng trước mọi biến động toàn cầu.

TheoKỳ Thư (Tạp chí điện tử Đầu tư Tài chính)
Copy link

Văn bản pháp luật

Liên kết

Website nội bộ của VCCI

Footer logo

Bản quyền bởi Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI 

  Tòa VCCI, Số 9 Đào Duy Anh, Đống Đa, Hà Nội, Việt Nam

Giấy phép xuất bản số 190/GP-TTĐT cấp ngày 27/10/2023

Người chịu trách nhiệm chính: Ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch VCCI

Quản lý và vận hành: Trung tâm Truyền thông và Thông tin Kinh tế - VCCI
Văn Phòng - Lễ tân:  Phụ trách website: Liên hệ quảng cáo:
📞 + 84-24-35742022 📞 + 84-24-35743084 📞 + 84-24-35743084
 + 84-24-35742020   vcci@vcci.com.vn   

Truy cập phiên bản website cũ.                                                     Thiết kế và phát triển bởi ADT Global