Thứ 4, 27/11/2024 | English | Vietnamese
10:28:00 AM GMT+7Thứ 4, 13/11/2024
Việc sửa đổi toàn diện Luật Hóa chất nhận được sự đồng tình nhằm tạo cơ chế, chính sách đủ mạnh đưa ngành công nghiệp hóa chất Việt Nam phát triển xứng tầm.
Chuẩn bị kỹ lưỡng và nghiên cứu một cách thấu đáo
Theo Bộ Công Thương, thực hiện Nghị quyết số 41/2023/NQ-UBTVQH15 ngày 18/12/2023 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, quá trình xây dựng hồ sơ dự án Luật Hóa chất (sửa đổi) đã được thực hiện theo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho ý kiến về dự án Luật Hóa chất (sửa đổi) tại phiên họp thứ 37 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội |
Bên cạnh việc tổ chức lấy ý kiến của các bộ, ngành, địa phương, các tổ chức, cá nhân liên quan theo quy định, nhằm có đầy đủ cơ sở khoa học, thực tiễn, Cơ quan chủ trì soạn thảo đã tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo, tọa đàm để lấy ý kiến các bộ, ngành, địa phương, cộng đồng doanh nghiệp, các hiệp hội, các chuyên gia, các tổ chức quốc tế, nhà khoa học trong và ngoài nước.
Hồ sơ Dự án Luật đã được Bộ Tư pháp tổ chức họp Hội đồng thẩm định ngày 29/5/2024, Bộ Tư pháp đã Báo cáo thẩm định số 132/BCTĐ-BTP ngày 6/2024. Cơ quan chủ trì soạn thảo đã tiếp thu, giải trình ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp và hoàn thiện Hồ sơ dự án Luật.
Ngày 13/6/2024, Chính phủ đã họp cho ý kiến về nội dung của dự án luật và thông qua tại Nghị quyết số 97/NQ-CP ngày 24/02/2024. Trên cơ sở ý kiến của các Thành viên Chính phủ, cơ quan chủ trì soạn thảo đã có báo cáo tiếp thu, giải trình ý kiến Thành viên Chính phủ và hoàn thiện dự án Luật Hóa chất (sửa đổi).
Đặc biệt, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tổ chức nhiều phiên họp xem xét về dự án Luật Hóa chất (sửa đổi). Chẳng hạn, ngày 1/8, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội tổ chức Hội thảo đóng góp ý kiến cho dự thảo Luật Hóa chất (sửa đổi); ngày 30/8, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường tổ chức Phiên họp thẩm tra sơ bộ dự án Luật Hóa chất (sửa đổi); ngày 4/10, phiên họp toàn thể lần thứ 10 của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường tiếp tục thẩm tra dự thảo Luật Hóa chất (sửa đổi).
Dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, ngày 12/9, tại Phiên họp thứ 37, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Hóa chất (sửa đổi). Ngoài ra, dự án Luật này cũng nhận được sự quan tâm của các Đoàn đại biểu Quốc hội. Đơn cử, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Tuyên Quang đã tổ chức Hội nghị lấy ý kiến góp ý dự thảo Luật Hóa chất (sửa đổi).
Những ý kiến đóng góp, đánh giá, đề xuất đều bám sát vào các nhóm vấn đề trọng tâm của dự thảo Luật theo sự phát triển của khoa học công nghệ; công nghiệp hóa chất và phát triển bền vững; các tiêu chí về phát triển ngành công nghiệp hóa chất.
Tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên khẳng định, dự án Luật Hóa chất (sửa đổi) đã được Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường và các cơ quan của Quốc hội thẩm tra kỹ lưỡng; Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thảo luận cho ý kiến.
Trên cơ sở tiếp thu kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ý kiến thẩm tra của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Chính phủ đã giao Bộ Công Thương rà soát, chỉnh lý các báo cáo, tài liệu trong hồ sơ Dự án Luật Hóa chất (sửa đổi), bao gồm: Báo cáo đánh giá tác động của chính sách; báo cáo việc lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong dự án Luật; bản đánh giá thủ tục hành chính; bổ sung nội dung thuyết minh, đánh giá, số liệu để làm sâu sắc hơn các nội dung được quan tâm.
Theo Bộ Công Thương, quan điểm khi xây dựng Luật Hóa chất (sửa đổi), đó là kế thừa và phát triển các quy định của Luật Hóa chất năm 2007, tránh gây khó khăn trong quá trình thực thi cho các cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp, đồng thời đáp ứng yêu cầu thực tiễn trong hoạt động hóa chất. Tiếp cận với xu thế và hài hòa với hệ thống quản lý hóa chất của các nước trên thế giới nhưng phải đảm bảo tính khả thi trong điều kiện về trình độ phát triển, cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực của Việt Nam.
Đồng thời, thiết kế hệ thống thủ tục hành chính theo hướng đồng bộ, đơn giản hóa nhưng vẫn đảm bảo hiệu lực quản lý; tạo điều kiện tối đa cho doanh nghiệp thực hiện các thủ tục hành chính, đi kèm xây dựng cơ chế giám sát thực thi và hậu kiểm hiệu quả. Đẩy mạnh cải cách hành chính, cắt giảm và đơn giản hoá điều kiện đầu tư kinh doanh, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, tăng năng lực cạnh tranh quốc gia.
Bên cạnh đó, thực hiện Chính phủ điện tử, áp dụng tối đa công nghệ thông tin, bắt kịp xu hướng chuyển đổi số, ứng dụng tối đa khoa học công nghệ, lợi thế của môi trường mạng trong hoạt động quản lý để tránh phát sinh khối lượng công việc quá lớn cho cơ quan quản lý nhà nước từ trung ương đến địa phương trong điều kiện nguồn nhân lực hạn chế, từ đó tập trung nâng cao chất lượng quản lý.
Định hướng quản lý hóa chất dựa trên đánh giá rủi ro để lựa chọn hóa chất cần quản lý chặt chẽ nhằm tối ưu hóa việc sử dụng nguồn lực của cơ quan quản lý nhà nước, của xã hội trong giảm thiểu rủi ro, nguy hiểm của hóa chất. Áp dụng các quy định quản lý có mức độ chặt chẽ phù hợp với các loại hóa chất có mức độ rủi ro khác nhau một cách đồng bộ trong toàn bộ vòng đời từ khâu xuất, nhập khẩu, sản xuất, kinh doanh, vận chuyển, sử dụng và thải bỏ. Tăng cường vai trò, trách nhiệm của các cơ quan nhà nước ở địa phương trong việc quản lý hóa chất.
Thẩm tra sơ bộ dự án Luật Hóa chất (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy cho biết, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường cơ bản tán thành với sự cần thiết ban hành Luật Hóa chất (sửa đổi). Hồ sơ dự án Luật đã đủ điều kiện để trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 8 này. Đồng thời, đề nghị Cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục rà soát dự thảo Luật với các luật khác, các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên trong quá trình hoàn thiện dự thảo Luật.
Phát biểu giải trình tại phiên họp thứ 37 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, hóa chất ngày càng được sử dụng rộng rãi trong đời sống xã hội, sản xuất và sinh hoạt, đồng thời, cũng tiềm ẩn nguy cơ rất lớn với sức khỏe và môi trường cả trong ngắn hạn và dài hạn. Vì thế, không chỉ ở Việt Nam, các nước đều cho rằng, việc kiểm soát rủi ro hóa chất vẫn là 1 ẩn số và cũng là một thách thức rất lớn.
Bởi vậy, khi thực hiện nhiệm vụ chủ trì soạn thảo sửa đổi Luật Hóa chất, Bộ Công Thương rất chú trọng việc tổng kết thực hiện sau gần 16 năm thực hiện Luật Hóa chất hiện hành, chú trọng tiếp thu ý kiến của các chuyên gia, các đối tượng bị tác động, đòi hỏi của thực tiễn và đặc biệt gắn với kinh nghiệm của các nước, nhất là các nước trong khu vực.
Cũng tại phiên họp thứ 37, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cũng nhận định Ban soạn thảo đã chuẩn bị dự án Luật Hóa chất (sửa đổi) rất công phu nhiều tháng nay. Đồng thời, đề nghị, dự thảo Luật tiếp tục rà soát, thể chế hóa chủ trương tại Kết luận số 81 ngày 4/6/2024 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khóa XI về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên môi trường…; triển khai lộ trình cấm sử dụng các loại hóa chất độc hại, gây ô nhiễm nguồn nước đã nêu tại Kết luận số 36 ngày 23/6/2022 của Bộ Chính trị… Đây là các kết luận quan trọng với yêu cầu phải đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, chuyển đổi năng lượng công bằng.
Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý, trong điều khoản giải thích từ ngữ cần rà soát, nghiên cứu, bổ sung thêm, nhất là các cụm từ đưa ra trong chiến lược, nghị quyết của Đảng khi đưa vào luật hóa phải dễ hiểu. Đối với vấn đề quản lý sử dụng hóa chất, cần khuyến khích các doanh nghiệp cải tiến quy trình công nghệ, chuyển đổi sang các hóa chất ít nguy hại hơn hoặc giảm thiểu sử dụng hóa chất nguy hại… Trong vấn đề này, chúng ta cần tăng cường kiểm soát, truy xuất nguồn gốc hóa chất, đặc biệt là các hóa chất nhập khẩu.
Kỳ vọng về những bước phát triển mới
Thảo luận tại Tổ về dự án Luật Hóa chất (sửa đổi) tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, các đại biểu Quốc hội bày tỏ đồng tình với sự cần thiết phải sửa đổi toàn diện luật nhằm cụ thể hóa chủ trương của Đảng về phát triển ngành công nghiệp hóa chất cũng như quản lý hóa chất, khắc phục những bất cập, hạn chế sau 17 năm thực hiện luật.
Đại biểu Nguyễn Thị Kim Anh, đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Ninh |
Đại biểu Nguyễn Thị Kim Anh, đoàn Bắc Ninh nhất trí về sự cần thiết ban hành Luật nhằm thể chế hóa chủ trương, chính sách của Đảng xác định ngành hóa chất là một trong những ngành công nghiệp nền tảng, tạo cơ chế, chính sách đủ mạnh để thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp hóa chất.
Đại biểu cũng nhất trí với việc quản lý hệ thống hóa chất theo toàn bộ vòng đời từ sản xuất, vận chuyển, xuất khẩu, nhập khẩu, thải bỏ hóa chất; quản lý chặt đối với hóa chất nguy hiểm; nâng cao hiệu quả phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất.
Về chính sách của Nhà nước trong lĩnh vực hóa chất (Điều 6), đại biểu đề nghị làm rõ sự cần thiết đối với chính sách quy định tại khoản 3 về bố trí ngân sách nhà nước và thu hút các nguồn lực xã hội hóa để thực hiện các nhiệm vụ, chương trình, dự án phát triển công nghiệp hóa chất.
Về các hành vi bị cấm (Điều 7), đại biểu Nguyễn Thị Kim Anh đề nghị cần quy định cụ thể hơn các hành vi bị cấm, thay vì chung chung "thực hiện hoạt động hóa chất trái quy định". Đồng thời, về sử dụng hóa chất (Điều 21), cần quy định rõ thẩm quyền ban hành danh mục hóa chất cấm sử dụng là của Bộ trưởng, thông qua thông tư chứ không phải văn bản hành chính.
Góp ý cụ thể về Điều 71 Kế hoạch phòng ngừa ứng phó sự cố hóa chất cấp tỉnh trong dự thảo Luật, đại biểu Lưu Bá Mạc, đoàn Lạng Sơn cho rằng, khi triển khai luật mới, UBND cấp tỉnh sẽ phải ban hành một Kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất cấp tỉnh, đồng thời, trên cơ sở kế hoạch, phải tổ chức các cuộc diễn tập ứng phó sự cố hóa chất cấp tỉnh.
Đại biểu tán thành với sự cần thiết phải xây dựng Kế hoạch phòng ngừa, ứng phó, đồng thời tán thành với việc phải tổ chức diễn tập, để địa phương, các cơ quan, đơn vị chủ động, kịp thời ứng phó sự cố hóa chất một cách an toàn, hiệu quả.
Tuy nhiên, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc để có thể tích hợp vào các kế hoạch ứng phó sự cố có liên quan của địa phương. Cụ thể, hiện nay Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 104/QĐ-TTg ngày 22/1/2019 về việc phê duyệt kế hoạch hành động quốc gia về phòng ngừa, phát hiện và chuẩn bị ứng phó nguy cơ, sự cố hóa học, sinh học, bức xạ và hạt nhân giai đoạn 2019 - 2025 (gọi tắt là CBRN).
Theo đó, ở cấp quốc gia, đã giao cho Ủy ban quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm, cứu nạn chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan, địa phương lập kế hoạch, xây dựng kịch bản, tổ chức diễn tập ứng phó sự cố CBRN cấp quốc gia. Ở địa phương cũng tương ứng có một kế hoạch chung cho ba lĩnh vực: Hóa học, sinh học, bức xạ và hạt nhân.
Để đảm bảo phù hợp, tránh trùng lắp, tránh lãng phí không cần thiết ở địa phương, đại biểu cho rằng, có thể cân nhắc tích hợp vào một kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố cho các lĩnh vực có liên quan, có cùng lực lượng (các ban, sở, ngành) hoặc tách riêng hẳn ra thành các kế hoạch có lĩnh vực riêng biệt, không nên có sự trùng lắp cùng nội dung lĩnh vực, nhưng ở các kế hoạch khác nhau. Mặt khác, cân nhắc về khoảng thời gian định kỳ tổ chức diễn tập ứng phó sự cố, nên giao cho UBND cấp tỉnh, căn cứ tình hình thực tiễn địa phương sẽ cụ thể hóa thời gian định kỳ hoặc đột xuất sẽ tổ chức diễn tập.
Báo cáo thẩm tra dự án Luật Hóa chất (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy nêu, có ý kiến đề nghị làm rõ chính sách do Nhà nước ưu đãi và do Nhà nước đầu tư; có chính sách đầu tư thích đáng, chọn lọc, trọng tâm, trọng điểm để phát triển công nghiệp hóa chất; làm rõ tiêu chí cụ thể về quy mô nguồn vốn, tiến độ giải ngân quy định trong dự thảo Luật hoặc giao Chính phủ quy định.
Cùng với đó, đề nghị nghiên cứu, bổ sung quy định về đầu tư phát triển, đào tạo, tuyển dụng nguồn nhân lực chuyên môn cao; khuyến khích đầu tư nghiên cứu, ứng dụng các loại hóa chất ít độc hại cho môi trường và sức khỏe con người, hướng tới tăng trưởng xanh và kinh tế tuần hoàn; thúc đẩy sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học.
Ông Phùng Mạnh Ngọc, Cục trưởng Cục Hóa chất (Bộ Công Thương) cho biết, hiện nay, quy định về quản lý hóa chất chủ yếu tập trung vào hoạt động sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu hóa chất. Trong khi đó, các quy định đối với hoạt động sử dụng hóa chất chưa đảm bảo được hiệu lực quản lý, các quy định về vận chuyển, thải bỏ hóa chất còn chung chung và chưa được quan tâm, dẫn đến những lỗ hổng quản lý trong chu trình vòng đời của hóa chất. Nhiều sản phẩm tiêu dùng chứa hóa chất nguy hiểm có thể ảnh hưởng trực tiếp đến người dân hoặc có thể ảnh hưởng lâu dài đến môi trường khi thải bỏ, tuy nhiên Luật chưa có quy định điều chỉnh.
Ngoài ra, việc thi hành pháp luật về quản lý hóa chất đôi khi còn chưa nghiêm. Nhiều hóa chất nguy hiểm bị sử dụng sai mục đích gây ra nhiều khó khăn cho cơ quan quản lý và doanh nghiệp. Nhiều đơn vị xem nhẹ các quy định về an toàn hóa chất, không thực hiện hoặc thực hiện đối phó, hình thức, chưa đảm bảo công tác phòng ngừa và ứng phó sự cố hóa chất. Giữa các cơ quan quản lý còn thiếu cơ chế phối hợp, chia sẻ thông tin về công tác quản lý hóa chất. “Với những bất cập trên, dự thảo Luật Hóa chất (sửa đổi) lần này được kỳ vọng sẽ có những quy định chặt chẽ hơn trong quản lý hóa chất độc hại, nguy hiểm” - ông Phùng Mạnh Ngọc nhấn mạnh.
Từ góc độ chuyên gia, ông Đỗ Thanh Bái, Chủ tịch Hội đồng trách nhiệm xã hội tự nguyện các doanh nghiệp Hóa chất Việt Nam nhận định, Luật Hóa chất cũ đã đề cập đến vấn đề quản lý hóa chất, nhưng luật hóa chất sửa đổi thì cách tiếp cận chặt chẽ hơn, toàn diện hơn theo đúng nguyên tắc quản lý hóa chất theo vòng đời sản phẩm.
Luật cũ đã có những quy định đưa ra trong việc mua bán hóa chất và trong luật mới lần này điều đó được củng cố chặt chẽ hơn. Khi chúng ta làm tốt quy trình thủ tục mua bán hóa chất thì những sự việc tương tự như vụ đầu độc liên quan đến hóa chất (xyanua) sẽ quản lý được. "Trong Luật Hóa chất mới, việc quản lý an toàn và an ninh hóa chất đã được đề cập một cách toàn diện hơn" - ông Đỗ Thanh Bái nói.
Cũng theo ông Bái, Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược phát triển ngành công nghiệp hóa chất đến năm 2030, tầm nhìn 2040, và đặc trưng đáng kể nhất là hiện đại hóa ngành công nghiệp dựa trên khoa học và công nghệ, đồng thời, càng ngày càng bỏ dần những quy mô nhỏ lẻ trở thành quy mô lớn. Điều này, cũng đã được thể hiện ở dự thảo Luật Hóa chất.
PGS. TSKH Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Đầu tư nước ngoài đánh giá, việc sửa đổi một số luật, trong đó có Luật Hóa chất sẽ giúp Việt Nam cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động và cơ hội cho Việt Nam trong thu hút đầu tư nước ngoài.
Sau kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, trên cơ sở ý kiến thảo luận của các Đại biểu Quốc hội và kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ sẽ chỉ đạo Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tiếp tục nghiên cứu, tiếp thu chỉnh sửa, bổ sung, hoàn thiện Dự thảo Luật Hóa chất (sửa đổi), bảo đảm thể chế hóa đầy đủ các quan điểm, chủ trương của Đảng trong lĩnh vực hóa chất; đồng thời rà soát, xử lý các mâu thuẫn, chồng chéo, bất cập (nếu có) với các luật khác để bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất, khả thi của hệ thống pháp luật, phù hợp với bối cảnh trong nước, quốc tế hiện nay và tương thích với các điều ước quốc tế và các công ước về hóa chất mà Việt Nam tham gia nhằm thúc đẩy công nghiệp hóa chất phát triển hiệu quả, bền vững. |
02:09:00 PM GMT+7Thứ 4, 27/11/2024
02:07:00 PM GMT+7Thứ 4, 27/11/2024
02:04:00 PM GMT+7Thứ 4, 27/11/2024
Website nội bộ của VCCI
Liên kết nhanh
Bản quyền bởi Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI
Tòa VCCI, Số 9 Đào Duy Anh, Đống Đa, Hà Nội, Việt Nam
Giấy phép xuất bản số 190/GP-TTĐT cấp ngày 27/10/2023
Người chịu trách nhiệm chính: Ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch VCCI
Quản lý và vận hành: Trung tâm Truyền thông và Thông tin Kinh tế - VCCI | ||
Văn Phòng - Lễ tân: | Phụ trách website: | Liên hệ quảng cáo: |
📞 + 84-24-35742022 | 📞 + 84-24-35743084 | 📞 + 84-24-35743084 |
+ 84-24-35742020 | vcci@vcci.com.vn |
Truy cập phiên bản website cũ. Thiết kế và phát triển bởi ADT Global