Thứ 4, 16/04/2025 | English | Vietnamese
10:12:00 AM GMT+7Thứ 3, 15/04/2025
Dự án Luật Ngân sách nhà nước (sửa đổi) đang được Bộ Tài chính khẩn trương, nỗ lực hoàn thiện để trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 9 tới đây. Đây là dự án luật quan trọng, có ý nghĩa chiến lược đối với việc phát triển kinh tế.
![]() |
Hội thảo toàn quốc lấy ý kiến về sửa đổi toàn diện Luật Ngân sách nhà nước, diễn ra ngày 11/4. Ảnh: Chính phủ |
Để hoàn thiện dự thảo trình các cấp có thẩm quyền, ngày 11/4, Bộ Tài chính đã tổ chức Hội nghị toàn quốc lấy ý kiến về sửa đổi toàn diện Luật Ngân sách nhà nước.
Tạo điều kiện để địa phương chủ động, sáng tạo
Theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Hồ Sỹ Hùng, việc sửa đổi toàn diện Luật Ngân sách nhà nước là một nhiệm vụ hết sức quan trọng, có ý nghĩa chiến lược đối với việc quản lý, sử dụng tài chính - ngân sách nhà nước của quốc gia, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn mới.
Mở rộng phạm vi sử dụng nguồn tăng thu Tại dự thảo, việc xử lý tăng, giảm thu, chi so với dự toán trong quá trình chấp hành ngân sách nhà nước được sửa đổi theo hướng: bỏ quy định thứ tự ưu tiên khi phân bổ số tăng thu và các khoản dự toán chi còn lại của cấp ngân sách, đồng thời mở rộng phạm vi được sử dụng nguồn lực này (bổ sung tăng dự phòng ngân sách và các nhiệm vụ cần thiết khác chưa được bố trí dự toán ngân sách năm sau)..., nhằm nâng cao hiệu quả, tính kịp thời trong giải quyết các vấn đề phát sinh. |
Với tinh thần này, dự thảo Luật Ngân sách nhà nước (sửa đổi) được xây dựng trên quan điểm: thể chế hóa đầy đủ các chủ trương, định hướng của Đảng, Nhà nước; luật hóa những vấn đề đã rõ, phù hợp với thực tiễn; quy định các vấn đề mang tính nguyên tắc, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất giữa các quy định của pháp luật; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, tạo sự chủ động, linh hoạt, nâng cao sự tự chủ của các địa phương theo tinh thần “địa phương quyết, địa phương làm, địa phương tự chịu trách nhiệm”; kế thừa và phát huy những thành tựu của Luật hiện hành; sửa đổi, bổ sung những quy định không còn phù hợp để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc.
Đồng tình với tầm quan trọng của sửa đổi Luật, bà Kristina Buende - Trưởng ban Hợp tác Phái đoàn Liên minh châu Âu (EU) đánh giá việc sửa đổi Luật Ngân sách nhà nước là một bước đi quan trọng để đưa Việt Nam bước vào giai đoạn phát triển mới.
Ở mọi quốc gia, luật ngân sách đều được coi là đạo luật cơ bản để phát triển kinh tế, xây dựng hạ tầng cơ sở, thu hút đầu tư nước ngoài. EU tin tưởng rằng, bộ luật được xây dựng với tinh thần đổi mới mạnh mẽ, hiện đại, hoàn chỉnh về pháp lý sẽ giúp Việt Nam tăng trưởng bền vững, phát triển toàn diện và bao trùm, bà Kristina Buende cho biết.
Tóm tắt một số nội dung sửa đổi tại dự thảo Luật, ông Vũ Đức Hội - Vụ trưởng Vụ Ngân sách nhà nước (Bộ Tài chính) cho hay, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung các quy định về đổi mới cơ chế phân cấp nguồn thu giữa ngân sách trung ương và ngân sách địa phương theo hướng tăng cường vai trò chủ đạo của ngân sách trung ương. Đồng thời, tạo điều kiện cho ngân sách địa phương tự chủ, chủ động hơn trong việc huy động, sử dụng nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội.
Bên cạnh đó, dự thảo rà soát, sửa đổi các quy định về phân cấp nhiệm vụ chi ngân sách theo hướng phân định rõ ràng trách nhiệm, quyền hạn của mỗi cấp trong việc sử dụng ngân sách, ưu tiên bố trí nguồn lực cho những nhiệm vụ trọng tâm, đặc biệt là phát triển khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.
Để tăng phân cấp, phân quyền trong lập dự toán và chấp hành ngân sách, dự thảo Luật bổ sung thẩm quyền của Chính phủ trong điều chỉnh dự toán thu, chi của một số bộ, cơ quan trung ương và địa phương nhưng không làm tăng mức vay, bội chi ngân sách; tăng thẩm quyền cho ủy ban nhân dân các cấp ở địa phương quyết định điều chỉnh dự toán chi ngân sách địa phương, sau đó mới báo cáo lại cấp có thẩm quyền.
Dự thảo cũng rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa các thủ tục hành chính, tối ưu hóa quy trình, thủ tục trong công tác lập dự toán, chấp hành, quyết toán ngân sách.
Rút ngắn thời gian tổng hợp, lập, quyết toán ngân sách
Phát biểu tại hội thảo, đại diện Sở Tài chính nhiều địa phương bày tỏ sự thống nhất cao với việc sửa đổi toàn diện Luật Ngân sách nhà nước với nhiều nội dung đổi mới mạnh mẽ. Đặc biệt là các vấn đề như: phân cấp quản lý nguồn thu, nhiệm vụ chi và quan hệ giữa các cấp ngân sách; sửa đổi các nguyên tắc cơ bản về cân đối ngân sách nhà nước, quản lý ngân sách nhà nước; làm rõ một số khái niệm chi đầu tư phát triển, chi trả nợ lãi, trả nợ gốc, quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách.
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước Trần Văn Mi, dự thảo đã cập nhật, tháo gỡ nhiều vướng mắc của địa phương trong quá trình thực hiện. Chẳng hạn gỡ vướng mắc về tạm ứng quỹ dự trữ tài chính, mở rộng nội dung chi của quỹ dự phòng ngân sách, bỏ việc lập kế hoạch tài chính 3 năm… Qua đó, tạo thuận lợi cho cả cơ quan tài chính và các đơn vị sử dụng ngân sách.
Bên cạnh đó, các đại biểu cũng nêu một số ý kiến đề xuất và kiến nghị giải pháp phù hợp để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc nhằm đảm bảo dự thảo Luật phù hợp với thực tiễn, đáp ứng yêu cầu phát triển trong tình hình mới.
Đại diện TP. Hồ Chí Minh, Giám đốc Sở Tài chính Lê Huỳnh Mai đề xuất bổ sung quy định cho phép địa phương thực hiện các khoản chi hạ tầng có tính chất liên vùng, mở rộng chính sách hỗ trợ cho các địa phương trong và ngoài nước theo khả năng cân đối của địa phương, giao hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định.
Đồng thời, đề xuất hướng dẫn cụ thể về khoản tiết kiệm chi và quy định rõ cơ chế sử dụng khoản tiết kiệm chi để tránh tình trạng cắt giảm chi tiêu không hợp lý hoặc sử dụng không đúng mục đích.
Qua các đề xuất đóng góp, các đại biểu bày tỏ mong muốn dự thảo Luật Ngân sách nhà nước sửa đổi sẽ nhận được sự tán thành cao tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV. Từ đó, đưa Luật Ngân sách nhà nước trở thành hệ thống quy phạm phục vụ công tác quản lý ngân sách, góp phần ổn định và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giải quyết tốt hơn các vấn đề an sinh xã hội; đảm bảo nhiệm vụ quốc phòng, an ninh, đối ngoại và xử lý kịp thời những vấn đề phát sinh.
Ưu tiên bố trí nguồn lực cho phát triển khoa học công nghệ Để phù hợp với yêu cầu thực tiễn, dự thảo Luật Ngân sách nhà nước (sửa đổi) đã sửa đổi một số nguyên tắc quản lý chi ngân sách nhà nước, các khoản chi từ nguồn viện trợ không hoàn lại thực hiện theo quy định của Chính phủ. Trường hợp phát sinh nhiệm vụ chi chưa được dự toán hoặc dự toán bố trí chưa đủ, thì báo cáo cấp có thẩm quyền bổ sung dự toán cho phép thực hiện; ưu tiên bố trí chi ngân sách nhà nước cho phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; bố trí ngân sách để thực hiện các nghĩa vụ của Nhà nước trong các cam kết quốc tế, cam kết với các nhà đầu tư. Đối với hỗ trợ từ ngân sách nhà nước cho các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách, dự thảo bổ sung quy định hỗ trợ kinh phí để thực hiện mục tiêu phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Đồng thời, bỏ điều kiện hỗ trợ là phải có khả năng tài chính độc lập, nguồn thu, nhiệm vụ chi không trùng với nguồn thu, nhiệm vụ chi của ngân sách nhà nước. Các nhiệm vụ chi ngân sách nhà nước được bố trí từ hai nguồn (chi đầu tư công và chi thường xuyên) được quy định mở rộng phạm vi đối với chi cho công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng; chi phí chuẩn bị, phê duyệt dự án đầu tư công sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài; lập, thẩm định, phê duyệt báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư; lập, thẩm định, quyết định đầu tư dự án. |
10:11:00 AM GMT+7Thứ 3, 15/04/2025
10:10:00 AM GMT+7Thứ 3, 15/04/2025
10:07:00 AM GMT+7Thứ 3, 15/04/2025
Website nội bộ của VCCI
Liên kết nhanh
Bản quyền bởi Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI
Tòa VCCI, Số 9 Đào Duy Anh, Đống Đa, Hà Nội, Việt Nam
Giấy phép xuất bản số 190/GP-TTĐT cấp ngày 27/10/2023
Người chịu trách nhiệm chính: Ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch VCCI
Quản lý và vận hành: Trung tâm Truyền thông và Thông tin Kinh tế - VCCI | ||
Văn Phòng - Lễ tân: | Phụ trách website: | Liên hệ quảng cáo: |
📞 + 84-24-35742022 | 📞 + 84-24-35743084 | 📞 + 84-24-35743084 |
+ 84-24-35742020 | vcci@vcci.com.vn |
Truy cập phiên bản website cũ. Thiết kế và phát triển bởi ADT Global