VCCI logo

LIÊN ĐOÀN THƯƠNG MẠI VÀ CÔNG NGHIỆP VIỆT NAM

Vietnam Chamber of Commerce and Industry

Thứ 7, 28/12/2024 | English | Vietnamese

Trang chủDoanh nghiệpSửa thuế TNDN vì mục tiêu phục vụ doanh nghiệp

Sửa thuế TNDN vì mục tiêu phục vụ doanh nghiệp

02:28:00 PM GMT+7Thứ 6, 13/09/2024

Để đảm bảo tính khả thi, đáp ứng thực tế hoạt động của doanh nghiệp, góp ý dự thảo Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi), nhiều ý kiến cho rằng, các sắc thuế phải đơn giản, rõ ràng, dễ hiểu,...

Bộc lộ nhiều “khoảng trống”

Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) hiện hành được Quốc hội khóa XII tại kỳ họp thứ 3 thông qua ngày 3/6/2008, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/1/2009 (thay thế cho Luật Thuế TNDN năm 2003). Qua hơn 15 năm thực hiện, Luật Thuế TNDN đã đi vào cuộc sống, tác động tích cực đến nhiều mặt kinh tế - xã hội của đất nước và đạt được các kết quả quan trọng.

Thực tế triển khai chính sách thuế TNDN Cũng bộc lộ một số tồn tại, hạn chế, như tính ổn định chưa cao, một số nội dung ban hành chưa lường hết được các tác động, ảnh hưởng trên thực tế; một số quy định hiện hành không còn phù hợp với tình hình kinh tế trong và ngoài nước. Tác động của ưu đãi thuế đối với việc phân bổ nguồn lực và thu hút đầu tư có chọn lọc vào các lĩnh vực, địa bàn được khuyến khích còn hạn chế. Pháp luật về thuế TNDN đang bộc lộ “khoảng trống” trong điều chỉnh các vấn đề thuế mới phát sinh trong quá trình hợp tác quốc tế như chống xói mòn nguồn thu và chuyển lợi nhuận; thuế tối thiểu toàn cầu…

Theo ông Nguyễn Văn Được - Tổng giám đốc Công ty TNHH Kế toán và tư vấn thuế Trọng Tín chia sẻ, việc sửa đổi Luật Thuế TNDN chắc chắn sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn cho cộng đồng doanh nghiệp và giúp cho doanh nghiệp được thụ hưởng chính sách được hiệu quả hơn. Đồng thời góp phần tạo sự công bằng, bình đẳng giữa các loại hình và từ đó kích thức đầu tư, sản xuất và kinh doanh tạo đà cho phát triển kinh tế.

Chuyên gia thuế Nguyễn Văn Được – Tổng giám đốc công ty TNHH Kế Toán và tư vấn thuế Trọng Tín, Ủy viên BCH Hội Tư vấn Thuế Việt Nam.

Chuyên gia thuế Nguyễn Văn Được – Tổng giám đốc công ty TNHH Kế Toán và tư vấn thuế Trọng Tín, Ủy viên BCH Hội Tư vấn Thuế Việt Nam.

Thông qua việc hoàn thiện những thiếu sót và khắc phục các bất cập gây khó khăn đối với doanh nghiệp tại Luật Thuế TNDN hiện hành thì Luật sửa đổi bổ sung Luật Thuế TNDN đã: Mở rộng và cụ thể hóa đối tượng điều chỉnh cũng như đối tượng nộp thuế để đảm bảo quyền đánh thuế của Việt Nam góp phần tăng thu NSNN đồng thời đảm bảo công bằng, bình đẳng bảo vệ và bảo hộ Doanh nghiệp trong nước trong bối cảnh kinh tế mới; bổ sung các trường hợp được miễn thuế, ưu đãi thuế, thuế suất ưu đãi để phù hợp với thực tiễn giúp doạn nghiệp được thụ hưởng chính sách phù hợp hơn và hiệu quả hơn từ đó phát huy được mục tiêu điều tiết vỹ mô thông chính sách thuế; Bên cạnh đó bổ sung phương pháp tính thuế trực tiếp trên doanh thu và phương tính tính thuế đơn giản phù hợp với một số trường hợp đặc thù và thông lệ quốc tế; Quy định lới rộng các khoản chi phí được trừ mà doanh nghiệp thực tế phát sinh phù hợp với các quy định của pháp luật có liên quan cũng như cho phép chuyển lỗ không phân biệt giữa các lĩnh vực kinh doanh…

Đặc biệt mức thuế suất thuế TNDN đã được điều chỉnh cho một số lĩnh vực, nghành nghề và đối tượng cần được ưu tiên, ưu đãi hỗ trợ như Doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp được chuyển đổi từ Hộ kinh doanh hay các ưu đãi được điều chỉnh phù hợp với bản chất cũng như đồng bộ với các quy định của pháp luật có liên quan như Luật đầu tư, Luật giáo dục và các cam kết, thỏa thuận quốc tế như các Hiệp định thuế, Thuế tối thiểu toàn cầu…

Bên cạnh sự thuận lợi nói trên thì khi Luật sửa đổi Luật Thuế TNDN có hiệu lực cũng sẽ là rào cản và gây khó khăn cho một số đối tượng đang được hưởng lợi từ chính sách thuế TNDN hiện hành nay không còn được hưởng các chính sách đó. Bên cạnh đó, Luật vẫn chưa quy định đối với một số khoản chi phí mã doanh nghiệp thực tế chi ra cho tài trợ Thể thao, tài trợ du lịch… hay các khoản chi phí bị khống chế được xây dựng khá lâu như chi phí khấu hao của xe ô tô dưới 9 chỗ ngồi có nguyên giá 1.6 tỷ đồng. Hay, các ưu đãi thuế đối với địa bàn, nghành nghề, quy mô không còn phù hợp cũng như các chính sách được quy định xiết chặt hơn, khoa học hơn sẽ gây áp lực cho doanh nghiệp về việc tuân tủ pháp luật từ đó tăng tăng chi phí thuế, chi phí tuân thủ dẫn đến “giá thành toàn bộ tăng”, giảm hiệu quả đầu tư cũng như giảm sức cạnh tranh trên thị trường.

Vì vậy, cần thiết phải ban hành Luật Thuế TNDN (sửa đổi) nhằm hoàn thiện các quy định về chính sách thuế TNDN để thể chế hóa đầy đủ, kịp thời các chủ trương, định hướng của Đảng, Nhà nước về cải cách hệ thống chính sách thuế nói chung, chính sách thuế TNDN nói riêng; đảm bảo tính minh bạch, dễ hiểu, dễ thực hiện, tính thống nhất, đồng bộ của pháp luật về thuế TNDN với quy định của pháp luật có liên quan; thúc đẩy cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; khuyến khích, thu hút đầu tư vào các ngành, lĩnh vực và địa bàn ưu tiên.

Theo Luật sư Nguyễn Văn Hùng, Công ty Luật TNHH Phúc Nguyễn, chia sẻ, trải qua hơn 15 năm thực hiện, Luật Thuế TNDN 2008 đến nay đã bộc lộ nhiều tồn tại, hạn chế do không còn phù hợp với những biến động của nền kinh tế, chính trị, xã hội , một số quy định bổ sung của dự thảo còn chưa thật sự phù hợp với tình hình thực tế, dẫn đến “thiệt thòi” cho cho doanh nghiệp, ví dụ:

Dự thảo bổ sung quy định về chi phí không được trừ tại Điều 9.2.m “Khoản chi không tương ứng với doanh thu tính thuế”. Trên thực tế, nảy sinh tình huống doanh nghiệp bỏ chi phí chuẩn bị đầu tư hoặc đã bỏ tiền đầu tư dự án kinh doanh. Tuy nhiên, do các lý do khách quan, dự án gặp rủi ro và doanh nghiệp không có doanh thu từ dự án đó (doanh nghiệp vẫn có doanh thu từ hoạt động sản xuất kinh doanh khác). Trong những trường hợp như vậy, cơ quan thuế thường căn cứ vào quy định “khoản chi không tương ứng với doanh thu tính thuế” để loại bỏ chi phí chuẩn bị đầu tư, chi phí đã đầu tư của dự án gặp rủi ro.

Luật sư Nguyễn Văn Hùng Công ty Luật TNHH Phúc Nguyễn.

Luật sư Nguyễn Văn Hùng Công ty Luật TNHH Phúc Nguyễn.

Điều này là bất hợp lý và ảnh hưởng tiêu cực đến động lực đầu tư của doanh nghiệp. Nếu không cho phép tính chi phí được trừ trong trường hợp này sẽ khiến các doanh nghiệp ngần ngại khi mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh, triển khai đầu tư các dự án mới có rủi ro cao, các dự án đầu tư mạo hiểm, mô hình kinh doanh mới, hoặc các hoạt động đổi mới sáng tạo. Trong khi đây lại là những lĩnh vực, hoạt động mang lại động lực tăng trưởng cho Việt Nam trong giai đoạn tới.

Do đó, cần nghiên cứu về việc bổ sung thêm các loại chi phí liên quan đến việc chuẩn bị đầu tư và đầu tư các dự án mới nhưng sau đó gặp rủi ro dẫn đến không có doanh thu vào diện chi phí được trừ khi xác định nghĩa vụ thuế thu nhập doanh nghiệp.

Về thời điểm xác định doanh thu để tính thu nhập chịu thuế đối với dịch vụ: Dự thảo bổ sung quy định về thời điểm xác định doanh thu để tính thu nhập chịu thuế đối với dịch vụ là thời điểm hoàn thành việc cung ứng dịch vụ cho người mua hoặc thời điểm lập hoá đơn cung ứng dịch vụ. Tuy nhiên, trên thực tế, quy định này chưa phù hợp với hình thức kinh doanh thu tiền trước và cung cấp dịch vụ theo thời hạn như các dịch vụ tập thể thao phòng gym, các gói xem phim trực tuyến… Các dịch vụ này thường được thu tiền và lập hoá đơn một lần để cung cấp dịch vụ cho một thời gian xác định trước.

Ví dụ, khách hàng trả tiền một lần cho gói dịch vụ phòng gym trong ba năm. Trong trường hợp này, nếu áp dụng thời điểm lập hoá đơn thì toàn bộ doanh thu sẽ được ghi nhận trong năm đầu tiên và hai năm còn lại có doanh thu bằng không; nếu áp dụng thời điểm hoàn thành cung ứng dịch vụ thì doanh thu sẽ được ghi nhận toàn bộ vào năm cuối cùng, hai năm trước đó có doanh thu bằng không. Cả hai cách này đều không phù hợp với nguyên tắc kế toán doanh thu tương ứng với chi phí, bởi chi phí hoạt động của phòng gym sẽ chia đều cho cả 3 năm (khấu hao, điện nước, nhân sự…). Do đó, cần cân nhắc bổ sung trường hợp trên vào quy định thời điểm xác định doanh thu.

Rà soát lại ưu đãi thuế

Trước những tồn tại, bất cập nêu trên, tại Nghị quyết số 07-NQ/TW ngày 18/11/2016 của Bộ Chính trị đã đề ra chủ trương và giải pháp: “Hoàn thiện chính sách thu gắn với cơ cấu lại thu ngân sách nhà nước theo hướng bao quát toàn bộ các nguồn thu, mở rộng cơ sở thu,...; hạn chế tối đa việc lồng ghép chính sách xã hội trong các sắc thuế và chính sách miễn, giảm, giãn thuế, bảo đảm tính trung lập của thuế, góp phần tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, công bằng, khuyến khích đầu tư, điều tiết thu nhập hợp lý”.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Góp ý dự thảo Luật Thuế TNDN (sửa đổi), đại diện Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, thực tế có trường hợp DN bỏ chi phí chuẩn bị đầu tư hoặc đã bỏ tiền đầu tư dự án kinh doanh, song lý do khách quan, dự án gặp rủi ro và DN không có doanh thu từ dự án đó. Trong những trường hợp như vậy, cơ quan thuế thường căn cứ vào quy định “khoản chi không tương ứng với doanh thu tính thuế” để loại bỏ chi phí chuẩn bị đầu tư, chi phí đã đầu tư của dự án gặp rủi ro.

Điều này là bất hợp lý và ảnh hưởng tiêu cực đến động lực đầu tư của doanh nghiệp. Nếu không cho phép tính chi phí được trừ trong trường hợp này, doanh nghiệp sẽ ngần ngạu khi mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh, triển khai đầu tư các dự án mới có rủi ro cao, dự án đầu tư mạo hiểm, mô hình kinh doanh mới hoặc các hoạt động đổi mới sáng tạo. Bên cạnh đó, theo đại diện VCCI, quy định khoản chi không phù hợp với quy định của pháp luật chuyên ngành có thể hiểu rất rộng dễ dẫn đến loại trừ nhiều khoàn chi hợp lý của doanh nghiệp khi tính thuế thu nhập chịu thuế, vì vậy cần được làm rõ.

Theo ông Nguyễn Văn Phụng, nguyên Cục trưởng Cục Thuế Doanh nghiệp lớn (Tổng cục Thuế) chia sẻ: “chúng ta phải có quan điểm rõ ràng về danh mục ưu đã đầu tư có thể rộng, nhưng danh mục ưu đãi thuế TNDN phải hẹp hơn, bời vì nguồn lực của chúng ta có hạn không thể ưu đãi một cách tràn lan được. Và danh mục ưu đãi đầu tư phải dùng nhiều biện pháp khác nhau, trong đó thuế TNDN chỉ là một trong những biện pháp xem xét, Tôi cho rằng danh mục ngành nghề, danh mục ưu đãi đầu tư cần phải rà soát để thu hẹp lại. Những trường hợp áp dụng mức thuế xuất thấp như thuế xuất 17% trong 10 năm, hoặc 10% trong 15 năm, làm sao để giữ danh mục ở mức ưu đã cao, nên phải rà soát để danh mục trở nên gọn gàng”.

Về vấn đề những ưu đãi cho doanh nghiệp hiện nay vẫn chưa có sự rõ ràng, minh bạch, vậy việc sửa đổi Luật Thuế TNDN này có sự thay đổi nào rõ rệt hơn không để hỗ trợ doanh nghiệp trong việc phát triển kinh doanh và cải thiện nguồn nhân lực, ông Nguyễn Văn Được - Tổng giám đốc Công ty TNHH Kế toán và Tư vấn thuế Trọng Tín, thông tin thêm, về cơ bản Luật sửa đổi bổ sung Luật Thuế TNDN đã có sự điều chỉnh khá rõ ràng, chi tiết và cụ thể nhằm đảm bảo bao quát, đồng bộ và phù hợp với thực tiễn cũng như các cam kết và thỏa thuận quốc tế. Tuy nhiên, việc ưu đãi thuế hiện nay vẫn còn những nội dung cần được làm rõ và tiếp tục nghiên cứu, điều chỉnh cho phù hợp nhằm tạo động lực hỗ trợ cho các doanh nghiệp phát triển nhanh, mạnh và bền vững cụ thể:

Thứ nhất: Theo Luật sửa đổi Luật Thuế TNDN thì các quy định về ưu đãi khác với Luật này thì được thực hiện theo Luật Thuế TNDN là điều phù hợp nhằm đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ với các quy định pháp luật có liên quan và tránh các hiện tượng ưu đãi tràn lan, ưu đãi không đúng đối tượng như trước đây tại các Văn bản pháp luật chuyên nghành. Tuy nhiên, Luật chưa quy định trong trường hợp các chính sách ưu đãi thuế cần được thực hiện theo các “quyết sách của Đảng, Nhà nước tại các thời điểm sau ngày Luật thuế TNDN có hiệu lực” thì được thực hiện như thế nào?

Do đó, Luật Thuế TNDN lần này cần bổ sung các quy định áp dụng các chính sách ưu đãi thuế theo các trường hợp nêu trên để tránh bỏ sót hoặc tránh thiệt thòi cho doanh nghiệp không được thụ hưởng thụ kịp thời chính sách ưu đãi do Luật Thuế TNDN chưa sửa đổi bổ sung kịp thời.

Thứ hai: Chính sách ưu đãi cần thu hẹp một số lĩnh vực không trọng yếu và gia tăng mạnh mức ưu đãi cho các đối tượng cần được ưu đãi thu hút như Công nghệ cao, môi trường, nông nghiệp, lâm nghiệp … và các địa bàn cần được ưu đãi để thúc đẩy phát triển gắn với lợi thế quốc gia.

Ví dụ, cần hạn chế các ưu đãi đối với Khu công nghiệp, khu chế xuất đã được hình thành ổn định, hạn chế các trường hợp trục lợi chính sách từ việc “ruột cũ, bình mới”, hoặc di chuyển dự án đầu tư rời khỏi địa bàn hết ưu đãi sang địa bàn ưu đãi mới …

Thứ ba: Tiêu thức ưu đãi vẫn còn cào bằng chưa đi vào bản chất, chưa phân biệt đối tượng được ưu đãi một cách triệt để.

Ví dụ ưu đãi đối với DNVVN cần được xác định theo tiêu trí doanh thu tương ứng với từng lĩnh vực sản xuất, thương mại và dịch vụ thay vì cào bằng một mức doanh thu như dự thảo là chưa phù hợp.

Thư tư: Cần bổ sung một số trường hợp ưu đãi như “Doanh nghiệp xã hội” để đảm bảo khuyến khích khối tư nhân cùng với nhà nước giải quyết các vấn đề an sinh, xã hội, môi trường và đồng bộ, phù hợp với các quy định Pháp luật có liên quan như Luật doanh nghiệp 2020…cũng như bổ sung các trường hợp ưu đãi đối với kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn từ khâu đầu tư, sản xuất đến lưu thông, tiêu dùng và hậu tiêu dùng nhằm phù hơp với định hướng phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn theo kế hoạch giai đoạn 2050 và Luật bảo vệ môi trường. 

Cuối cùng, vấn đề thuế tối thiểu toàn cầu cần được đặt ra theo hướng gia tăng các ưu đãi thuế và thực hiện quyền đánh thuế nhằm tăng nguồn thu và tiếp tục ưu đãi hỗ trợ dưới các hình thức khác như tăng chi phí, hỗ trợ chi phí và nhiều hình thức hỗ trợ khác thay thế các ưu đãi thuế suất, ưu đãi miễn giảm thuế không còn là ưu thế cạnh tranh đầu tư…nhằm tiếp tục thu hút đầu tư FDI và đặc biệt là các ông lớn.

Cũng theo Luật sư Nguyễn Văn Hùng, Luật Thuế TNDN hiện nay đã bộc lộ nhiều điểm hạn chế, một số nội dung ban hành chưa lường hết được các tác động, ảnh hưởng trên thực tế, một số quy định hiện hành không còn phù hợp với tình hình kinh tế trong và ngoài nước, vì vậy việc ban hành Luật Thuế TNDN sửa đổi là cần thiết và cấp bách.

Nhìn chung, dự thảo Luật Thuế TNDN của Bộ Tài chính đã thể hiện được nhiều ưu điểm, song cũng không thể tránh khỏi những bất cập cần điều chỉnh kịp thời trước khi được thông qua và áp dụng trong thời gian tới. Để có thể ban hành Luật Thuế TNDN sửa đổi được hoàn thiện nhất, Bộ Tài chính cần xem xét kỹ những ý kiến đóng góp của các doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức từ đó cân nhắc sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật cho phù hợp, đạt hiệu quả cao nhất trong quá trình áp dụng của doanh nghiệp. 

TheoTạp chí Tài chính Doanh nghiệp
Copy link

Văn bản pháp luật

Liên kết

Website nội bộ của VCCI

Footer logo

Bản quyền bởi Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI 

  Tòa VCCI, Số 9 Đào Duy Anh, Đống Đa, Hà Nội, Việt Nam

Giấy phép xuất bản số 190/GP-TTĐT cấp ngày 27/10/2023

Người chịu trách nhiệm chính: Ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch VCCI

Quản lý và vận hành: Trung tâm Truyền thông và Thông tin Kinh tế - VCCI
Văn Phòng - Lễ tân:  Phụ trách website: Liên hệ quảng cáo:
📞 + 84-24-35742022 📞 + 84-24-35743084 📞 + 84-24-35743084
 + 84-24-35742020   vcci@vcci.com.vn   

Truy cập phiên bản website cũ.                                                     Thiết kế và phát triển bởi ADT Global