VCCI logo

LIÊN ĐOÀN THƯƠNG MẠI VÀ CÔNG NGHIỆP VIỆT NAM

Vietnam Chamber of Commerce and Industry

Chủ nhật, 20/04/2025 | English | Vietnamese

Trang chủTin tổng hợpSửa toàn diện Luật Ngân sách nhà nước, tạo nền tảng cho giai đoạn phát triển mới

Sửa toàn diện Luật Ngân sách nhà nước, tạo nền tảng cho giai đoạn phát triển mới

10:35:00 AM GMT+7Thứ 7, 12/04/2025

Việc sửa đổi toàn diện Luật Ngân sách nhà nước có ý nghĩa chiến lược với việc quản lý, sử dụng tài chính – ngân sách của quốc gia, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn mới.

Ngày 11/4, Bộ Tài chính đã tổ chức Hội nghị toàn quốc lấy ý kiến về sửa đổi toàn diện Luật Ngân sách Nhà nước (NSNN).

Đẩy mạnh phân cấp, tăng sự chủ động, linh hoạt

Chủ trì hội nghị, Thứ trưởng Bộ Tài chính Hồ Sỹ Hùng cho biết việc sửa đổi toàn diện Luật NSNN là một nhiệm vụ hết sức quan trọng, có ý nghĩa chiến lược đối với việc quản lý, sử dụng tài chính – NSNN của quốc gia, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn mới, đồng hành cùng cả nước bước vào kỷ nguyên mới.

Sửa toàn diện Luật Ngân sách nhà nước, tạo nền tảng cho giai đoạn phát triển mới
Thứ trưởng Bộ Tài chính Hồ Sỹ Hùng phát biểu khai mạc hội nghị. Ảnh: Đức Minh
Dự thảo Luật NSNN (sửa đổi) được xây dựng trên quan điểm: Thể chế hóa đầy đủ các chủ trương, định hướng của Đảng, Nhà nước; Luật hoá những vấn đề đã rõ, phù hợp với thực tiễn; quy định các vấn đề mang tính nguyên tắc, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất giữa các quy định của pháp luật; Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, tạo sự chủ động, linh hoạt, nâng cao sự tự chủ của các địa phương theo tinh thần “địa phương quyết, địa phương làm, địa phương tự chịu trách nhiệm”; Kế thừa và phát huy những thành tựu của Luật hiện hành; sửa đổi, bổ sung những quy định không còn phù hợp để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc.

Sau hơn 8 năm thực hiện, Luật NSNN năm 2015 đã góp phần quan trọng trong việc quản lý, sử dụng NSNN một cách hiệu quả, minh bạch, có đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Tuy nhiên, trong bối cảnh mới, với những thay đổi về kinh tế, xã hội, quốc tế, Luật đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập, cần phải được sửa đổi, bổ sung để phù hợp với thực tiễn, đáp ứng yêu cầu phát triển.

Phát biểu tại hội thảo, bà Kristina Buende - Trưởng ban Hợp tác Phái đoàn Liên minh châu Âu đánh giá Việt Nam đang đứng trước thời khắc rất quan trọng và việc sửa đổi Luật NSNN là một bước đi quan trọng để đưa Việt Nam tiến nhanh vào giai đoạn phát triển mới. Để đạt được mục tiêu mong muốn khi sửa đổi Luật, đòi hỏi chúng ta phải có tầm nhìn chiến lược cho tương lai bởi nền kinh tế hiện đại đòi hỏi phải có cơ sở pháp lý vững chắc đáp ứng yêu cầu của các hoạt động kinh tế.

Sửa toàn diện Luật Ngân sách nhà nước, tạo nền tảng cho giai đoạn phát triển mới
Bà Kristina Buende - Trưởng ban Hợp tác Phái đoàn Liên minh châu Âu phát biểu. Ảnh: Đức Minh

Theo bà Kristina Buende, ở mọi quốc gia, Luật NSNN được coi là đạo luật cơ bản để phát triển kinh tế, xây dựng hạ tầng cơ sở, thu hút FDI. Với những kinh nghiệm phát triển của mình, cả từ những bài học thành công và thất bại, EU sẽ tích cực hỗ trợ Việt Nam trong dự án quan trọng này. EU hoàn toàn tin tưởng rằng với bộ luật được xây dựng với tinh thần đổi mới mạnh mẽ, hiện đại, hoàn chỉnh về pháp lý sẽ giúp Việt Nam tăng trưởng bền vững, phát triển toàn diện và bao trùm.

Ưu tiên nguồn lực cho phát triển khoa học công nghệ

Trình bày tóm tắt những nội dung sửa đổi tại dự thảo Luật NSNN, ông Vũ Đức Hội - Vụ trưởng Vụ NSNN (Bộ Tài chính) cho hay dự thảo Luật NSNN (sửa đổi) tập trung giải quyết một số vấn đề trọng tâm.Đó là, đổi mới cơ chế phân cấp nguồn thu giữa ngân sách trung ương và ngân sách địa phương theo hướng tăng cường vai trò chủ đạo của ngân sách trung ương, đồng thời tạo điều kiện cho ngân sách địa phương có tính tự chủ, chủ động hơn trong việc huy động, sử dụng nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội.

Sửa toàn diện Luật Ngân sách nhà nước, tạo nền tảng cho giai đoạn phát triển mới
Vụ trưởng Vụ Ngân sách nhà nước Vũ Đức Hội trình bày tóm tắt dự thảo. Ảnh: Đức Minh

Bên cạnh đó, dự thảo rà soát, sửa đổi các quy định về phân cấp nhiệm vụ chi ngân sách theo hướng phân định rõ ràng trách nhiệm, quyền hạn của mỗi cấp trong việc sử dụng ngân sách, ưu tiên bố trí nguồn lực cho những nhiệm vụ trọng tâm, đặc biệt là phát triển khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.

Về phân cấp, phân quyền trong công tác lập dự toán và chấp hành ngân sách, dự thảo Luật tăng thẩm quyền cho Chính phủ trong việc quyết định điều chỉnh dự toán thu, chi của một số bộ, cơ quan trung ương và địa phương nhưng không làm tăng mức vay, bội chi NSNN, tăng thẩm quyền cho UBND các cấp ở địa phương quyết định điều chỉnh dự toán chi ngân sách địa phương, sau đó mới báo cáo lại cấp có thẩm quyền.

Việc xử lý tăng, giảm thu, chi so với dự toán trong quá trình chấp hành NSNN được sửa đổi theo hướng: bỏ quy định thứ tự ưu tiên khi phân bổ số tăng thu và các khoản dự toán chi còn lại của cấp ngân sách, đồng thời mở rộng phạm vi được sử dụng nguồn lực này (bổ sung tăng dự phòng ngân sách và các nhiệm vụ cần thiết khác chưa được bố trí dự toán ngân sách năm sau).... nhằm nâng cao hiệu quả, tính kịp thời trong giải quyết các vấn đề phát sinh.

Sửa toàn diện Luật Ngân sách nhà nước, tạo nền tảng cho giai đoạn phát triển mới
Giám đốc Sở Tài chính TP.Hồ Chí Minh Lê Huỳnh Mai phát biểu. Ảnh: Đức Minh

Dự thảo cũng rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa các thủ tục hành chính, tối ưu hóa quy trình, thủ tục trong công tác lập dự toán, chấp hành, quyết toán ngân sách.

Địa phương quyết, địa phương làm, địa phương tự chịu trách nhiệm

Phát biểu tại hội thảo, đại diện Sở Tài chính nhiều địa phương bày tỏ sự thống nhất cao với việc sửa đổi toàn diện Luật NSNN, với nhiều nội dung đổi mới quan trọng, mạnh mẽ, theo tinh thần “địa phương quyết, địa phương làm, địa phương tự chịu trách nhiệm”. Đặc biệt là các nội dung đổi mới cơ chế phân cấp nguồn thu, tăng sự chủ động cho các địa phương; phân định rõ ràng trách nhiệm, quyền hạn của mỗi cấp trong sử dụng ngân sách; tăng thẩm quyền cho UBND các cấp về điều chỉnh dự toán chi…

Theo các địa phương, dự thảo đã cập nhật, tháo gỡ nhiều vướng mắc của địa phương trong quá trình thực hiện. Chẳng hạn như gỡ vướng mắc về tạm ứng quỹ dự trữ tài chính, mở rộng nội dung chi của quỹ dự phòng ngân sách, bỏ việc lập kế hoạch tài chính 3 năm, bỏ quy định về giao số kiểm tra…

Sửa toàn diện Luật Ngân sách nhà nước, tạo nền tảng cho giai đoạn phát triển mới
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước Trần Văn Mi nêu ý kiến tại hội thảo. Ảnh: Đức Minh

Bên cạnh đó, các đại biểu cũng nêu một số ý kiến đề xuất và kiến nghị các giải pháp phù hợp để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc nhằm đảm bảo dự thảo Luật phù hợp với thực tiễn, đáp ứng yêu cầu phát triển trong tình hình mới.

Bỏ quy định lập kế hoạch tài chính ngân sách 3 năm

Theo ông Vũ Đức Hội, dự thảo Luật NSNN (sửa đổi) đã bỏ các thủ tục liên quan đến quy trình xây dựng và thông báo số kiểm tra thu, chi ngân sách hằng năm và 3 năm; quy trình xây dựng và báo cáo kế hoạch tài chính - NSNN 3 năm; trình tự và yêu cầu lập dự toán chi, nhất là đối với lĩnh vực khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số… Qua đó, tạo thuận lợi cho cả cơ quan tài chính và các đơn vị sử dụng ngân sách, rút ngắn thời gian tổng hợp, lập quyết toán ngân sách.

TheoHoàng Yến (Thời báo Tài chính)
Copy link

Văn bản pháp luật

Liên kết

Website nội bộ của VCCI

Footer logo

Bản quyền bởi Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI 

  Tòa VCCI, Số 9 Đào Duy Anh, Đống Đa, Hà Nội, Việt Nam

Giấy phép xuất bản số 190/GP-TTĐT cấp ngày 27/10/2023

Người chịu trách nhiệm chính: Ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch VCCI

Quản lý và vận hành: Trung tâm Truyền thông và Thông tin Kinh tế - VCCI
Văn Phòng - Lễ tân:  Phụ trách website: Liên hệ quảng cáo:
📞 + 84-24-35742022 📞 + 84-24-35743084 📞 + 84-24-35743084
 + 84-24-35742020   vcci@vcci.com.vn   

Truy cập phiên bản website cũ.                                                     Thiết kế và phát triển bởi ADT Global