VCCI logo

LIÊN ĐOÀN THƯƠNG MẠI VÀ CÔNG NGHIỆP VIỆT NAM

Vietnam Chamber of Commerce and Industry

Chủ nhật, 20/04/2025 | English | Vietnamese

Trang chủTin tổng hợpTài chính cá nhân hợp lý tạo bền vững cho thị trường tài chính và nền kinh tế

Tài chính cá nhân hợp lý tạo bền vững cho thị trường tài chính và nền kinh tế

09:52:00 AM GMT+7Thứ 3, 15/04/2025

Trong bối cảnh người dân ngày càng đối mặt với nhiều rủi ro tài chính từ lạm phát, thất nghiệp đến các cú sốc kinh tế toàn cầu, nghề hoạch định tài chính cá nhân đang nổi lên như một lời giải cần thiết. Không chỉ giúp mỗi người quản lý thu nhập, tiết kiệm và đầu tư một cách hiệu quả, đội ngũ này còn góp phần ổn định thị trường tài chính và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững.

Trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam đang chuyển mình mạnh mẽ theo hướng hiện đại, hội nhập và lấy con người làm trung tâm của sự phát triển, tài chính cá nhân và vai trò của những nhà hoạch định tài chính cá nhân ngày càng trở nên cấp thiết.

Tài chính cá nhân: Từ dòng chảy nhỏ đến trụ cột quốc gia

Phát biểu tại Diễn đàn thường niên Hoạch định Tài chính cá nhân 2025 với chủ đề Chân dung và vai trò nhà hoạch định tài chính cá nhân trong phát triển thị trường tài chính bền vững, PGS.TS Vũ Văn Phúc – Nguyên Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản – nhấn mạnh: trong kỷ nguyên kinh tế mới, tài chính cá nhân và gia đình không chỉ là công cụ giúp người dân đảm bảo an toàn tài chính mà còn là một trụ cột cấu thành hệ thống tài chính quốc gia.

Ông trích dẫn phát biểu của Tổng Bí thư Tô Lâm về vai trò tiên phong của khu vực kinh tế tư nhân và cho rằng, muốn kinh tế tư nhân phát triển vững vàng, cần phải bắt đầu từ chính năng lực tài chính của mỗi cá nhân, mỗi gia đình.

Ở cấp độ vi mô, tài chính cá nhân chính là huyết mạch giúp mỗi người quản lý hiệu quả thu nhập, chi tiêu, tiết kiệm và đầu tư. Ở tầm vĩ mô, hàng triệu quyết định tài chính cá nhân hợp lý sẽ tạo nên dòng vốn bền vững cho thị trường tài chính và nền kinh tế quốc dân. Trong bối cảnh chuyển đổi sang kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, tài chính cá nhân đóng vai trò định hướng tiêu dùng bền vững, đầu tư xanh và tiết kiệm hiệu quả.

Tuy nhiên, PGS.TS Vũ Văn Phúc cũng chỉ ra thực trạng đáng lo ngại: phần lớn người dân Việt Nam vẫn thiếu kiến thức và kỹ năng tài chính. Từ việc vay nợ thiếu kiểm soát, đầu tư mù quáng đến sập bẫy các mô hình lừa đảo tài chính, nhiều cá nhân đang tự đẩy mình vào rủi ro tài chính nghiêm trọng. Trong khi đó, một số tổ chức tài chính, thay vì tư vấn vì lợi ích khách hàng, lại đặt nặng doanh số, thậm chí bán sai sản phẩm, gây thiệt hại và làm xói mòn niềm tin vào thị trường.

Chính trong bối cảnh đó, vai trò của nhà hoạch định tài chính cá nhân – với tư cách là người tư vấn trung lập, có trình độ, có đạo đức – trở nên đặc biệt quan trọng. Họ không chỉ đồng hành với khách hàng trong việc lập kế hoạch tài chính, mà còn góp phần giám sát thị trường, phản biện chính sách và thúc đẩy các định chế tài chính vận hành minh bạch hơn.

PGS.TS Vũ Văn Phúc kiến nghị cần khẩn trương hoàn thiện khung pháp lý cho nghề hoạch định tài chính cá nhân, từ tiêu chuẩn hành nghề, chứng chỉ chuyên môn đến đạo đức nghề nghiệp. Đồng thời, Việt Nam cần triển khai một chương trình quốc gia nâng cao dân trí tài chính, để mỗi người dân có thể tiếp cận và sử dụng dịch vụ tài chính một cách an toàn, hiệu quả.

TS. Nguyễn Thành Hưng – Giám đốc Phòng Nghiên cứu và Đào tạo của Tổng công ty Bảo Việt Nhân thọ đi sâu vào bức tranh tài chính cá nhân trong ngành bảo hiểm nhân thọ cho thấy những chuyển biến tích cực: tỷ lệ tiết kiệm cao, nhu cầu đầu tư tăng, khối lượng giao dịch chứng khoán cá nhân ngày càng lớn, doanh thu bảo hiểm liên tục tăng trưởng. Điều này cho thấy người dân Việt Nam ngày càng quan tâm đến việc tích lũy và bảo vệ tài sản.

Tuy nhiên, sự phát triển đó cũng đặt ra yêu cầu cao hơn đối với các nhà hoạch định tài chính cá nhân – những người làm cầu nối giữa nguồn cung sản phẩm tài chính và nhu cầu thực tế của khách hàng. Trong bối cảnh hiện nay, bảo hiểm nhân thọ không còn là sản phẩm “bán nỗi sợ” mà phải là một phần trong chiến lược tài chính tổng thể: vừa bảo vệ tài sản, vừa tích lũy cho hưu trí, giáo dục, đầu tư và thừa kế.

TS. Nguyễn Thành Hưng cho rằng, người hoạch định tài chính cá nhân phải có tư duy tích hợp – hiểu sâu sản phẩm, giỏi kỹ năng tư vấn, đồng thời có khả năng lắng nghe, đồng hành và xây dựng niềm tin với khách hàng. Họ phải giải quyết được các xung đột lợi ích: giữa doanh thu cá nhân và quyền lợi khách hàng, giữa mục tiêu kinh doanh và chất lượng dịch vụ.

TS. Hưng đề xuất là nâng cao năng lực số, đào tạo bài bản kỹ năng tư vấn đa sản phẩm, thúc đẩy đạo đức nghề nghiệp và lấy khách hàng làm trung tâm. Đồng thời, các doanh nghiệp cũng cần phát triển hệ sinh thái sản phẩm đa dạng, xây dựng cơ chế thù lao hợp lý và đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong tư vấn tài chính.

Kiến thức là nền tảng của đội ngũ hoạch định tài chính cá nhân

Bà Lê Thu Vân – Phó Giám đốc Công ty Smart Life Việt Nam nhấn mạnh, muốn nghề hoạch định tài chính cá nhân phát triển lành mạnh, phải nâng cao nền tảng hiểu biết tài chính đội ngũ tư vấn, qua đó phát triển tư duy quản lý tài chính của khách hàng.

Trong ngành bảo hiểm, nơi mỗi sản phẩm gắn bó lâu dài với cuộc đời khách hàng – nếu tư vấn viên thiếu kiến thức, họ sẽ không thể giúp khách hàng tối ưu hoá nguồn lực tài chính.

Bà Vân cũng cho rằng, cần thay đổi mô hình tư vấn bảo hiểm từ bán sản phẩm sang cung cấp giải pháp tài chính cá nhân toàn diện. Người làm tư vấn không chỉ cần hiểu biết về sản phẩm, mà còn phải nắm được bức tranh tổng thể về tài chính, hiểu tâm lý và mục tiêu sống của từng khách hàng để đưa ra khuyến nghị phù hợp.

Để làm được điều đó, hệ thống đào tạo cần được chuẩn hóa, cập nhật liên tục, từ kiến thức chuyên môn đến kỹ năng giao tiếp, đạo đức nghề nghiệp. Đồng thời, cần tạo điều kiện để người dân tiếp cận các chương trình giáo dục tài chính miễn phí hoặc giá rẻ, từ đó hình thành tư duy tài chính đúng đắn từ sớm.

PGS.TS Vũ Văn Phúc đã khẳng định: “Một nền kinh tế mạnh không chỉ cần chính sách vĩ mô tốt, doanh nghiệp lớn, mà còn cần mỗi cá nhân, gia đình có năng lực tài chính vững vàng”. Và để làm được điều đó, không thể thiếu những người bạn đồng hành – những nhà hoạch định tài chính cá nhân tận tâm, chuyên nghiệp.

Sự hiện diện của các nhà hoạch định tài chính không chỉ giúp người dân quản lý tài chính hiệu quả, nâng cao chất lượng sống, mà còn tạo nên nền tảng vững chắc cho một hệ thống tài chính toàn diện, công bằng và bền vững.

Để hiện thực hóa điều này, Việt Nam cần sự phối hợp đồng bộ giữa nhà nước, doanh nghiệp, hiệp hội nghề nghiệp và toàn xã hội trong việc xây dựng khung pháp lý, tiêu chuẩn hành nghề và nâng cao dân trí tài chính.

TheoHoàng Minh (Tạp chí điện tử Đầu tư Tài chính)
Copy link

Văn bản pháp luật

Liên kết

Website nội bộ của VCCI

Footer logo

Bản quyền bởi Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI 

  Tòa VCCI, Số 9 Đào Duy Anh, Đống Đa, Hà Nội, Việt Nam

Giấy phép xuất bản số 190/GP-TTĐT cấp ngày 27/10/2023

Người chịu trách nhiệm chính: Ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch VCCI

Quản lý và vận hành: Trung tâm Truyền thông và Thông tin Kinh tế - VCCI
Văn Phòng - Lễ tân:  Phụ trách website: Liên hệ quảng cáo:
📞 + 84-24-35742022 📞 + 84-24-35743084 📞 + 84-24-35743084
 + 84-24-35742020   vcci@vcci.com.vn   

Truy cập phiên bản website cũ.                                                     Thiết kế và phát triển bởi ADT Global