VCCI logo

LIÊN ĐOÀN THƯƠNG MẠI VÀ CÔNG NGHIỆP VIỆT NAM

Vietnam Chamber of Commerce and Industry

Chủ nhật, 20/04/2025 | English | Vietnamese

Trang chủDoanh nghiệpTâm thế mới của doanh nghiệp với mức thuế quan của Mỹ

Tâm thế mới của doanh nghiệp với mức thuế quan của Mỹ

09:22:00 AM GMT+7Thứ 6, 11/04/2025

Không khác gì cơn sóng Covid-19, các DN đang buộc phải có những thay đổi thích ứng với việc Mỹ đưa ra mức thuế quan 46% với các loại hàng hóa Việt khi xuất khẩu vào thị trường này. Đặc biệt, người đứng đầu Nhà trắng mới tạm thời giãn 90 ngày cho các nước, trong đó có Việt Nam sẽ là cơ hội cho các DN tìm giải pháp để thích ứng với thay đổi từng ngày.

Cơ hội 90 ngày để thích ứng

Việc Tổng thống Mỹ Donald Trump vừa thông báo hoãn áp thuế đối ứng với các nước trong 90 ngày, mức thuế đối ứng giảm trong thời gian này chỉ là mức cơ sở 10%. Trước đó, thuế đối ứng được Mỹ tuyên bố áp với hàng hóa các nước từ ngày 9/4; mức thuế với hàng hóa từ Việt Nam là 46%.

Dệt may là lĩnh vực cần tận dụng thời cơ để hưởng lợi. Ảnh: Khắc Kiên

Điều này cũng là cơ hội cho các DN Việt điều chỉnh để có thể thích ứng với thuế quan do Mỹ đưa ra. Bởi, hàng hóa theo đó lại được xuất khẩu bình thường. Đa số các DN đều cho biết, 90 ngày xuất khẩu tốt trở lại, rồi lại hy vọng sau 90 ngày sẽ có những thỏa thuận hợp lý, có lợi cho cả hai bên.

Theo nhận định của các DN ngành công nghiệp hỗ trợ, việc áp thuế 46% của Mỹ sẽ gần như cơn sóng Covid-19. Các DN trực tiếp, hoặc gián tiếp xuất khẩu đi Mỹ đều bị ảnh hưởng. Theo Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Dụng cụ AN MI (AN MI TOOLS) Nguyễn Hồng Phong, DN đang trong chuỗi cung cấp của FDI và trong nước, nếu họ bị ảnh hưởng AN MI TOOLS cũng không nằm ngoài vòng xoáy. Nhìn kỹ thì DN Việt Nam đâu có xuất siêu được trị giá bao nhiêu. Cái mất là các DN FDI ở Việt Nam là các DN đầu chuỗi khó xuất khẩu bán hàng kéo theo các DN nhỏ và vừa, gia công thuê sẽ bị cắt giảm thiếu hụt đơn hàng.

Để có thể vượt qua, AN MI TOOLS vừa theo dõi, vừa thiết lập văn hóa DN, đây là kim chỉ nam định hướng cho mọi chương trình, giúp mọi hành động luôn hướng về mục tiêu đã đề ra. Chú trọng nghiên cứu, thiết kế và công nghệ cao trong sản xuất để có vị thế trong ngành, lợi nhuận cao, đơn hàng giá trị, bền vững. Từ đó, liên tục tái đầu tư mạnh mẽ phục vụ đổi mới và tăng phạm vi hoạt động. Về trợ lực bứt phá, DN mong cơ chế ổn định coi sản xuất là trụ cột. DN cũng mong giảm thiểu thủ tục, thanh tra giám sát, giảm thuế và tăng ưu đãi vốn vay, bất động sản công nghiệp...

Nhiều DN sẽ phải điều chỉnh để thích ứng. Ảnh: Hoàng Anh

Đại diện Thời trang M2 Việt Nam nhìn nhận, thuế quan Mỹ đưa ra ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất của các dệt may nói chung và một phần của M2 nói riêng. Hiện một nhà máy của M2 đang trong quá trình hoàn thiện và chuẩn bị tiến tới hợp tác với một đối tác lớn nhưng phải tạm dừng sản xuất một phần, cụ thể tại thị trường Mỹ và nhanh chóng chuyển hướng sang thị trường khác. May mắn là Nhà máy còn lại của M2 đang sản xuất hàng cho thị trường Châu Âu, nhưng phần nào cũng sẽ bị ảnh hưởng do Châu Âu cũng không đứng ngoài cuộc với thuế quan mới này. "90 ngày là thời gian để các DN định hình và tìm cách thích ứng" - vị này nói.

Là ngành ảnh hưởng rất lớn tới mức thuế quan Mỹ đưa ra, Chủ tịch Hiệp hội Dệt May Việt Nam (Vitas) Vũ Đức Giang cho biết, để thích ứng với chính sách thuế của Mỹ, các DN dệt may phải đa dạng hóa thị trường vì đây là chính sách mang tính chiến lược của ngành dệt may Việt Nam. Cùng với thị trường, dệt may cần đa dạng hóa khách hàng cũng như các mặt hàng xuất khẩu để không bị phụ thuộc quá nhiều vào 1 thị trường trọng điểm. Dệt may đã có mặt tại gần 104 thị trường xuất khẩu, nhưng Mỹ là thị trường quan trọng nên chính sách thuế của quốc gia này sẽ tác động đến tính ngắn hạn trong năm 2025. Do đó, điều sống còn của sự ổn định đó là tiếp tục chiến lược đa dạng hóa thị trường, khách hàng và sản phẩm xuất khẩu.

Chủ tịch Hiệp hội Dệt May Việt Nam (Vitas) Vũ Đức Giang. Ảnh: Khắc Kiên

Do vậy, các DN dệt may cần tập trung vào công nghệ hóa và chuyển đổi số, đặc biệt là đầu tư máy móc thiết bị đột phá từ nay trở đi. Đồng thời, các DN cần phát triển khả năng Xanh hóa bền vững theo những chính sách của nhiều thị trường đặt ra đối với Việt Nam nói riêng và toàn cầu nói chung. Vì thế, các DN phải đầu tư vào hạ tầng và con người với khả năng thích ứng của điều kiện mới.

 

Sau khi Mỹ tạm hoãn áp thuế bổ sung, tỷ trọng thị trường xuất khẩu dệt may Việt Nam sẽ có thay đổi. Vitas đang khuyến khích các DN tập trung thúc đẩy thương hiệu cho tỷ trọng thị trường trong nước cũng như khối ASEAN. Mỗi DN cần phải tạo được sân chơi cho mình tháo nút thắt cũng như xây dựng liên kết chuỗi chặt chẽ hơn sau những bài học về thuế quan, cũng như các chính sách về môi trường và củng cố xu hướng thời trang bền vững của toàn cầu, loại bỏ tư tưởng thời trang nhanh. 

Cam kết tìm tiếng nói chung

Liên quan đến vấn đề, sáng 10/4/2025, Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế ASEAN đặc biệt về chính sách thuế quan của Mỹ đã được tổ chức theo hình thức trực tuyến, dưới sự chủ trì của Bộ trưởng Đầu tư, Thương mại và Công nghiệp Malaysia với tư cách là nước Chủ tịch ASEAN năm 2025. 

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên tại Hội nghị trực tuyến Bộ trưởng Kinh tế ASEAN.

Về phía Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên chia sẻ quan điểm của Việt Nam đối với chính sách thuế quan đối ứng của Mỹ. Theo đó, Việt Nam đã chủ động trong trao đổi, đối thoại và đàm phán với Mỹ. Việt Nam cho rằng ASEAN cần đoàn kết, bình tĩnh, bản lĩnh trong hợp tác với Mỹ; ưu tiên thúc đẩy hợp tác với các đối tác ngoại khối nói chung, cũng như Mỹ nói riêng trong các lĩnh vực mà hai bên cùng quan tâm. Qua đó, thực hiện các mục tiêu pháp triển dài hạn, vừa nâng cao vị thế của ASEAN trong bối cảnh mới. 

Các Bộ trưởng đã nhất trí thông qua Tuyên bố chung của các Bộ trưởng Kinh tế ASEAN, thể hiện lập trường chung của cả khối đối với việc Mỹ áp dụng thuế quan đối ứng với một số nội dung chủ yếu sau: khẳng định tầm quan trọng của quan hệ đối tác chiến lược toàn diện ASEAN – Mỹ đối với tăng trưởng kinh tế khu vực, góp phần thúc đẩy hòa bình, ổn định, mang lại lợi ích thiết thực cho cả khu vực và Mỹ (hiện ASEAN là đối tác thương mại lớn thứ 5 của Mỹ, Mỹ hiện là đối tác thương mại lớn thứ hai và nhà đầu tư lớn nhất của ASEAN).

DN đều nỗ lực tìm hướng đi trong xuất khẩu. Ảnh: Hoàng Anh

Bộ trưởng bày tỏ quan ngại sâu sắc của ASEAN về tác động tiêu cực của chính sách thuế mới của Mỹ; chính sách này có thể gây ra thách thức to lớn cho cộng đồng DN, đặc biệt là DN vừa và nhỏ, có khả năng làm suy giảm triển vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu, đứt gãy chuỗi cung ứng cũng như dòng chảy thương mại và đầu tư; tái khẳng định cam kết của ASEAN với hệ thống thương mại đa phương dựa trên luật lệ, có thể dự đoán được, minh bạch, tự do, công bằng, toàn diện và bền vững với Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) đóng vai trò trung tâm và kêu gọi Mỹ tham gia vào đối thoại mang tính xây dựng, thẳng thắn để giải quyết các mối quan ngại liên quan đến thương mại, đảm bảo mối quan hệ cân bằng và bền vững.

Bộ trưởng cam kết tiếp tục hợp tác với Mỹ trong thương mại, đầu tư và các lĩnh vực giá trị gia tăng cao mà hai bên cùng quan tâm; sẵn sàng tăng cường hợp tác với Hoa Kỳ trên cơ chế hợp tác hiện có như Hiệp định khung về thương mại và đầu tư giữa ASEAN và Mỹ (TIFA) và Kế hoạch công tác về cam kết kinh tế mở rộng (E3) để tìm kiếm giải pháp phù hợp cho các vấn đề cùng có lợi. 

Ngoài ra, Hội nghị cũng nhất trí một số nội dung như thành lập nhóm đặc trách về địa kinh tế ASEAN nhằm đánh giá tác động đối với chính sách thuế của Mỹ và đề xuất những khuyến nghị kịp thời nhằm hỗ trợ nỗ lực của ASEAN trong quá trình trao đổi, giải quyết những quan ngại của hai bên, tìm kiếm cơ hội hợp tác trong lĩnh vực mới mà hai bên cùng quan tâm.

Cả DN và Nhà nước cần nắm sát tình hình, diễn biến, đặc biệt là những động thái từ Chính phủ Mỹ về thuế quan và các vấn đề liên quan khác. Chính phủ và DN cần xây dựng kịch bản ứng phó phù hợp. Điều quan trọng là bình tĩnh không chủ quan nhưng cũng không quá bi quan. Bởi đây là câu chuyện của toàn cầu chứ không riêng gì Việt Nam.

TS Cấn Văn Lực - Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia

TheoKhắc Kiên (Báo điện tử Kinh tế & Đô thị)
Copy link

Văn bản pháp luật

Liên kết

Website nội bộ của VCCI

Footer logo

Bản quyền bởi Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI 

  Tòa VCCI, Số 9 Đào Duy Anh, Đống Đa, Hà Nội, Việt Nam

Giấy phép xuất bản số 190/GP-TTĐT cấp ngày 27/10/2023

Người chịu trách nhiệm chính: Ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch VCCI

Quản lý và vận hành: Trung tâm Truyền thông và Thông tin Kinh tế - VCCI
Văn Phòng - Lễ tân:  Phụ trách website: Liên hệ quảng cáo:
📞 + 84-24-35742022 📞 + 84-24-35743084 📞 + 84-24-35743084
 + 84-24-35742020   vcci@vcci.com.vn   

Truy cập phiên bản website cũ.                                                     Thiết kế và phát triển bởi ADT Global