Thứ 4, 14/05/2025 | English | Vietnamese
11:04:00 AM GMT+7Thứ 4, 14/05/2025
Trong khi EVN cho rằng việc tăng giá điện thêm 4,8% lần này sẽ gây ảnh hưởng không đánh kể tới CPI và đời sống nhân dân thì ở chiều ngược lại, đa số các ý kiến cho rằng tăng giá điện sẽ tạo ra tác động tới lạm phát, tiêu dùng và không thể cứ EVN lỗ là lại tăng giá điện.
Từ ngày 10/5/2025, giá bán lẻ điện bình quân chính thức tăng thêm 4,8%, nâng mức giá lên hơn 2.200 đồng/kWh. Đây là lần tăng thứ hai kể từ năm 2023, đưa tổng mức tăng trong vòng ba năm qua vượt 17%. Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) lý giải, chi phí đầu vào leo thang, đặc biệt là khi thủy điện giảm gần 7 tỷ kWh, là nguyên nhân chính dẫn đến áp lực điều chỉnh giá.
Với đợt tăng giá điện lần này, EVN khẳng định đợt điều chỉnh giá lần này chỉ gây ảnh hưởng không đáng kể đến chỉ số CPI và đời sống người dân, nhưng ở chiều ngược lại, đa số các ý kiến cho rằng việc tăng giá điện lần này sẽ có những tác động đáng kể tới người dân và nền kinh tế.
Trao đổi với VietnamFinance, chuyên gia kinh tế Bùi Trinh cho rằng giá điện là đầu vào cho các ngành sản xuất nên khi giá điện tăng sẽ kéo theo giá thành sản phẩm tăng, lạm phát cũng vì thế mà tăng cao.
“Ở góc độ kinh tế vĩ mô, tôi vẫn cho rằng không nên tăng giá điện bởi tăng giá sẽ đánh cả và nền sản xuất kinh tế và tiêu dùng. Chúng ta đang thúc đẩy tăng trưởng nên tăng giá điện sẽ tạo tác động tới nền kinh tế”, ông Trinh nói.
Theo quan điểm của ông Trinh, phải làm rõ vì sao EVN lại lỗ, lỗ ở khâu nào chứ không thể cứ báo lỗ là tăng giá điện.
“Phải làm rõ xem vấn đề lỗ của EVN nằm ở khâu nào, vì sao mà lỗ…. nếu tăng lần này thì bù lỗ được bằng nào chứ không thể cứ nói lỗ là tăng. Với nền kinh tế ở thời điểm hiện tại, tôi vẫn cho rằng chưa nên tăng giá điện cho sinh hoạt và sản xuất lúc này. Chi phí của doanh nghiệp tăng thì dẫn đến giá cả hàng hóa tăng, lợi nhuận lại giảm. Lo lắng nhất trong năm nay là nhu cầu tiêu dùng giảm, sản xuất khó "cất đầu" lên như mong đợi”, ông Trinh nói.
Ở góc độ doanh nghiệp, ông Phạm Văn Việt - Tổng giám đốc Công ty Việt Thắng Jean, chia sẻ: “Ngành dệt may vốn tiêu thụ điện lớn, nên giá điện tăng sẽ trực tiếp đẩy chi phí sản phẩm lên, giảm sức cạnh tranh hàng Việt trên thị trường quốc tế”.
Trong ngành cơ khí, một doanh nghiệp tại TP.HCM cho biết họ phải trả khoảng 400 –500 triệu đồng mỗi tháng tiền điện. Mức tăng 4,8% khiến chi phí đội thêm hàng chục triệu đồng mỗi tháng, giữa lúc đơn hàng sụt giảm.
“Chúng tôi bị kẹp giữa chi phí tăng và hợp đồng đã ký trước. Không thể điều chỉnh giá bán ngay, nên phải gồng lỗ”, ông Việt trần tình.
Ở thời điểm hiện tại, điều gây tranh cãi không chỉ nằm ở con số, mà ở chỗ: giá tăng nhưng hiệu quả sử dụng vốn, công khai tài chính và tính minh bạch của ngành điện vẫn là ẩn số.
Theo thông tin từ Bộ Công Thương, chi phí sản xuất điện năm 2023 lên tới hơn 528.600 tỷ đồng, tương đương 2.088,9 đồng/kWh. EVN hiện vẫn mang khoản lỗ tỷ giá chưa xử lý hơn 18.000 tỷ đồng, và hàng chục nghìn tỷ lỗ lũy kế từ các năm trước. Việc tăng giá lần này được kỳ vọng sẽ giảm áp lực tài chính, nhưng nhiều chuyên gia cho rằng chỉ tăng giá, mà không minh bạch chi phí và cải cách thị trường điện, thì vẫn là chữa cháy tạm thời.
Ông Nguyễn Tiến Thỏa, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) cho rằng, việc tăng giá điện là tất yếu khi đầu vào leo thang, song vấn đề cốt lõi là EVN chưa minh bạch cơ cấu chi phí, chưa có báo cáo rõ ràng về hiệu quả hoạt động, đặc biệt là khoản lỗ tỷ giá kéo dài qua nhiều năm. Người tiêu dùng cần biết họ đang trả tiền cho cái gì, bao nhiêu phần trong giá điện là chi phí thật, bao nhiêu là do yếu kém trong vận hành.
“Tăng giá điện là cần thiết để đảm bảo cung ứng năng lượng, nhưng chỉ hợp lý khi giá được tính đúng, tính đủ, công khai minh bạch. EVN hiện vẫn đang áp dụng biểu giá không phản ánh đúng chi phí sản xuất, điều này làm méo mó tín hiệu thị trường", ông Thoả nói.
Ông Thỏa cũng chỉ ra rằng khoản lỗ 18.000 tỷ đồng do chênh lệch tỷ giá là hệ quả quản trị tài chính yếu kém nhiều năm, không thể tiếp tục bắt người tiêu dùng “cõng hộ” thông qua giá điện tăng dần.
"Nếu không cải cách gốc rễ, việc tăng giá lần này dù là 4,8% hay 10%, cũng không đủ để cứu những khoản lỗ đã âm sâu trong nhiều năm qua", đại diện Bộ Tài chính nhấn mạnh.
11:02:00 AM GMT+7Thứ 4, 14/05/2025
11:00:00 AM GMT+7Thứ 4, 14/05/2025
10:58:00 AM GMT+7Thứ 4, 14/05/2025
Website nội bộ của VCCI
Liên kết nhanh
Bản quyền bởi Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI
Tòa VCCI, Số 9 Đào Duy Anh, Đống Đa, Hà Nội, Việt Nam
Giấy phép xuất bản số 190/GP-TTĐT cấp ngày 27/10/2023
Người chịu trách nhiệm chính: Ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch VCCI
Quản lý và vận hành: Trung tâm Truyền thông và Thông tin Kinh tế - VCCI | ||
Văn Phòng - Lễ tân: | Phụ trách website: | Liên hệ quảng cáo: |
📞 + 84-24-35742022 | 📞 + 84-24-35743084 | 📞 + 84-24-35743084 |
+ 84-24-35742020 | vcci@vcci.com.vn |
Truy cập phiên bản website cũ. Thiết kế và phát triển bởi ADT Global