Thứ 6, 27/12/2024 | English | Vietnamese
09:38:00 AM GMT+7Thứ 3, 24/09/2024
Mặc dù cao hơn cùng kỳ song tăng trưởng tín dụng cho đến thời điểm hiện tại, khi chỉ còn hơn 3 tháng nữa là hết năm mới được 7,38%
Thông tin từ Ngân hàng nhà nước (NHNN) cho biết, đến ngày 17/9/2024, tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống đạt 7,38% so với cuối năm 2023 (cùng kỳ đạt 5,73%). Trong đó, khối ngân hàng thương mại (NHTM) cổ phần tư nhân tăng 8,6%, chiếm 45% thị phần, tăng cao nhất toàn hệ thống.
Theo Phó Thống đốc NHNN Phạm Quang Dũng, tăng trưởng tín dụng đối với các ngành đều cải thiện so với cùng kỳ năm 2023, cơ cấu tín dụng phù hợp với định hướng chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Cơ cấu tín dụng của khối NHTM cổ phần tư nhân phù hợp với cơ cấu tín dụng chung, trong đó tín dụng đối với ngành thương mại và dịch vụ tăng tích cực, chiếm khoảng 50% dư nợ ngành thương mại và dịch vụ toàn hệ thống.
Tín dụng tiếp tục hướng vào các hoạt động sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên, tín dụng tiêu dùng phục hồi. Dư nợ cho vay phục vụ nhu cầu đời sống và dư nợ tín dụng qua thẻ tín dụng tăng 4,93% (cùng kỳ giảm 0,2%).
Như vậy, tăng trưởng tín dụng cho đến thời điểm hiện tại còn xa mục tiêu đề ra từ đầu năm là 15%
Được biết, trước đó, ngày 28/8/2024, NHNN đã có văn bản gửi các tổ chức tín dụng (TCTD) thông báo mức tăng trưởng tín dụng tăng thêm cho các TCTD theo nguyên tắc cụ thể, đảm bảo công khai, minh bạch.
Theo đó, kể từ ngày 28/8/2024, TCTD có tốc độ tăng trưởng tín dụng năm 2024 đạt từ 80% chỉ tiêu NHNN đã thông báo đầu năm 2024 sẽ được chủ động điều chỉnh tăng thêm dư nợ tín dụng dựa trên cơ sở điểm xếp hạng của TCTD. Việc bổ sung hạn mức này là sự chủ động của NHNN mà các TCTD không cần phải đề nghị.
Sau khi bổ sung thêm room tín dụng, tăng trưởng tín dụng chung của toàn ngành cũng chỉ tăng thêm 0,75% trong hơn 20 ngày (từ 6,63% lên 7,38%, từ ngày 26/08 đến 17/09)
Chia sẻ về một số khó khăn, vướng mắc, Phó Thống đốc Phạm Quang Dũng cho biết, nợ xấu và nợ tiềm ẩn trở thành nợ xấu có xu hướng tăng, nguy cơ tăng sau khi tiếp tục chính sách cơ cấu thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ.
Cùng với đó, sức hấp thụ vốn tín dụng của doanh nghiệp và người dân thấp, nhiều doanh nghiệp thu hẹp hoặc ngừng sản xuất do thiếu đơn hàng, giải thể, đóng cửa, sức khỏe tài chính bị giảm sút; đồng thời xu hướng thắt chặt, cắt giảm chi tiêu của người dân dẫn đến cầu tín dụng thấp.
Đặc biệt, áp lực đối với tín dụng ngân hàng tiếp tục tăng cao trong bối cảnh các kênh huy động vốn khác của nền kinh tế gặp nhiều khó khăn, chưa phát huy hiệu quả. Thị trường bất động sản chưa hồi phục và ổn định, sự khó khăn của thị trường bất động sản còn ảnh hưởng tới nhiều ngành vệ tinh cũng như cầu tiêu dùng về nhà ở. Kinh tế thế giới tăng trưởng chậm, diễn biến phức tạp trên thị trường quốc tế, lãi suất còn ở mức cao tác động đến mặt bằng lãi suất, tỷ giá trong nước.
Ngoài ra, tình hình thiên tai, bão lũ gây thiệt hại lớn, ảnh hưởng đến đời sống, hoạt động sản xuất kinh doanh của khách hàng, dẫn đến hoạt động của các NHTM cũng khó khăn.
Bên cạnh các giải pháp quyết liệt của ngành Ngân hàng nhằm hỗ trợ tăng trưởng tin dụng trong các tháng còn lại của năm, để thúc đẩy sự phục hồi của tổng cầu, tăng khả năng hấp thụ tín dụng, Phó Thống đốc Phạm Quang Dũng cho rằng cần có chính sách tổng thể từ phía các bộ, ngành, địa phương.
Cụ thể như, cần tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; củng cố niềm tin của thị trường vào sự phục hồi, tăng trưởng kinh tế, qua đó khôi phục kỳ vọng mở rộng đầu tư của doanh nghiệp, thúc đẩy tiêu dùng của người dân. Tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý để hướng dẫn đồng bộ, rõ ràng việc thi hành các luật vừa được sửa đổi, bổ sung; rà soát để tiếp tục tháo gỡ các rào cản về thủ tục pháp lý đối với các dự án, đối với việc xử lý tài sản đảm bảo thi hành án; không hình sự hóa các quan hệ kinh tế dân sự.
Thúc đẩy các động lực tăng trưởng truyền thống đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu; đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công, tăng cường thu hút đầu tư xã hội, nguồn vốn FDI chất lượng cao; đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại; tiếp tục triển khai các giải pháp kích cầu tiêu dùng trong nước.
Tiếp tục triển khai có hiệu quả các chính sách miễn, giảm, gia hạn thời hạn nộp thuế, phí, lệ phí, tiền sử dụng đất; mở rộng chính sách tài khóa hợp lý, có trọng tâm trọng điểm. Đẩy nhanh tiến độ tháo gỡ khó khăn và phát triển bền vững các thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, thị trường bất động sản.
Giữ ổn định, phù hợp giá các mặt hàng do nhà nước quản lý tránh tác động đồng thời, cộng hưởng đến lạm phát trong nước và hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh của người dân, doanh nghiệp.
Cùng với đó, cần nâng cao năng lực, khả năng hấp thụ vốn của các doanh nghiệp từ cả phía doanh nghiệp, cũng như các cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận vốn thông qua các Quỹ bảo lãnh Doanh nghiệp nhỏ và vừa, Quỹ Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa…
10:55:00 AM GMT+7Thứ 6, 27/12/2024
10:53:00 AM GMT+7Thứ 6, 27/12/2024
10:51:00 AM GMT+7Thứ 6, 27/12/2024
Website nội bộ của VCCI
Liên kết nhanh
Bản quyền bởi Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI
Tòa VCCI, Số 9 Đào Duy Anh, Đống Đa, Hà Nội, Việt Nam
Giấy phép xuất bản số 190/GP-TTĐT cấp ngày 27/10/2023
Người chịu trách nhiệm chính: Ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch VCCI
Quản lý và vận hành: Trung tâm Truyền thông và Thông tin Kinh tế - VCCI | ||
Văn Phòng - Lễ tân: | Phụ trách website: | Liên hệ quảng cáo: |
📞 + 84-24-35742022 | 📞 + 84-24-35743084 | 📞 + 84-24-35743084 |
+ 84-24-35742020 | vcci@vcci.com.vn |
Truy cập phiên bản website cũ. Thiết kế và phát triển bởi ADT Global