Phát triển ngành công nghiệp công nghệ số với trọng tâm là các doanh nghiệp công nghệ số
Tiếp tục Phiên họp thứ 38 đang diễn ra, Ủy ban Thường vụ Quốc cho ý kiến về dự án Luật Công nghiệp công nghệ số.
Theo Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, việc xây dựng Luật nhằm tạo môi trường thuận lợi nhất để nuôi dưỡng và phát triển doanh nghiệp công nghệ số. Phát triển ngành công nghiệp công nghệ số với trọng tâm là các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam, từng bước chuyển dịch từ gia công sang sáng tạo, thiết kế, tích hợp, sản xuất, làm chủ công nghệ lõi tại Việt Nam; góp phần xây dựng Chính phủ số, động lực phát triển kinh tế số, xã hội số...
Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, việc xây dựng Luật nhằm phát triển công nghiệp công nghệ số trở thành ngành kinh tế đóng góp lớn vào kinh tế đất nước |
Việc xây dựng Luật Công nghiệp công nghệ số cũng khẳng định giá trị pháp lý của công nghiệp công nghệ số; hình thành các quy định, chính sách để thúc đẩy phát triển công nghiệp công nghệ số. Luật Công nghiệp công nghệ số thay thế các nội dung về công nghiệp công nghệ thông tin (CNTT) và dịch vụ CNTT trong Luật Công nghệ thông tin và bổ sung các quy định mới phù hợp với thực tiễn phát triển.
Dự án Luật đã thể hiện rõ các nội dung cần thiết để phát triển ngành công nghiệp công nghệ số bao gồm: Nghiên cứu và phát triển công nghệ số; Hạ tầng cho công nghiệp công nghệ số; Hệ sinh thái công nghiệp công nghệ số; Doanh nghiệp công nghệ số; Sản phẩm, dịch vụ công nghệ số; Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật: Nhân lực cho công nghiệp công nghệ số.
Thay mặt cơ quan thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy cho biết, Ủy ban nhận thấy, nhìn chung, hồ sơ dự án Luật đáp ứng yêu cầu, đủ điều kiện để trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến. Tuy nhiên, thời hạn gửi hồ sơ dự án Luật còn chậm, chưa bảo đảm theo quy định. Về nội dung dự thảo Luật, đề nghị tiếp tục nghiên cứu, rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định theo hướng cụ thể, bảo đảm tính khả thi, đáp ứng mục tiêu xây dựng Luật.
Về phạm vi điều chỉnh, nhiều ý kiến đồng tình với phạm vi điều chỉnh như quy định tại dự thảo Luật. Tuy nhiên, một số ý kiến còn băn khoăn về phạm vi điều chỉnh của dự án Luật có thể trùng lắp, giao thoa với một số Luật liên quan như: Luật CNTT, Luật Công nghệ cao, Luật Khoa học và Công nghệ, Luật Giao dịch điện tử… Có ý kiến đề nghị cân nhắc việc không loại bỏ hoàn toàn các lĩnh vực quốc phòng, an ninh, hoạt động cơ yếu ra khỏi phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật trừ khi có luật khác điều chỉnh các lĩnh vực này.
Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường tán thành với việc thiết kế các chính sách và các quy phạm mới mang tính đột phá, vượt trội để thúc đẩy phát triển công nghiệp công nghệ số. Để dự án Luật có tính khả thi cao, bảo đảm tính tương thích với hệ thống pháp luật hiện hành, đề nghị cần xác định rõ mối quan hệ giữa dự án Luật Công nghiệp công nghệ số và Luật CNTT hiện hành. Bên cạnh đó là nghiên cứu và chỉnh lý theo hướng thay thế toàn bộ Luật CNTT bằng việc mở rộng phạm vi điều chỉnh của dự án Luật này và tiếp tục bổ sung các quy định còn hiệu lực của Luật CNTT vào dự thảo Luật Công nghiệp công nghệ số; hoặc sau khi Luật này có hiệu lực, tiếp tục rà soát các quy định có hiệu lực còn lại của Luật CNTT để sớm xây dựng văn bản mới thay thế toàn bộ Luật CNTT.
Đảm bảo rà soát sự phù hợp của dự án Luật với những quy định của các luật liên quan
Góp ý cho dự án Luật, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho rằng, Ban soạn thảo dự án Luật phải làm theo cách mới. Theo đó, những nhiệm vụ nào thuộc thẩm quyền của Quốc hội, thì Quốc hội quy định trong luật này. Còn những điều thuộc Nghị định của Chính phủ, Thông tư của các bộ, ngành, thì do các cơ quan đó ban hành. Việc xây dựng Luật phải bám vào chủ trương, đường lối của Đảng để thể chế hóa, đặc biệt bám sát vào Nghị quyết số 52 ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị, Nghị quyết số 29 ngày 17/11/2022 Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII là tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045, tạo lập hành lang pháp lý cho triển khai mô hình lao động việc làm mới trên cái nền tảng công nghệ số...
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn lưu ý, cần tham chiếu các quy định của dự án Luật trong mối tương quan với các quy định, văn bản luật chuyên ngành đang được trình Quốc hội xem xét sửa đổi |
“Cơ quan soạn thảo, thẩm tra chú trọng đảm bảo rà soát sự phù hợp của dự án Luật với những quy định của các luật liên quan như: Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa năm 2007, Luật Công nghệ cao năm 2008, Luật Khoa học công nghệ năm 2013, Luật Tiếp cận thông tin năm 2016, Luật Đầu tư năm 2020, Luật Đất đai (sửa đổi) năm 2024... Ngoài ra, cần tham chiếu các quy định của dự án Luật trong mối tương quan với các quy định, văn bản luật chuyên ngành đang được trình Quốc hội xem xét sửa đổi, bổ sung.”, Chủ tịch Quốc hội yêu cầu.
Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho rằng, phạm vi điều chỉnh của dự án Luật phải đảm bảo không có sự trùng lắp với phạm vi điều chỉnh của các luật có liên quan như: Luật CNTT, Luật Công nghệ cao, Luật Giao dịch điện tử...
Về chính sách phát triển công nghiệp công nghệ số được quy định tại Điều 5 của dự án luật, ông Cường cho rằng, chính sách này còn chưa trọng tâm, chưa thấy được sự đột phá so với chính sách phát triển CNTT. Do đó, để hoạt động công nghiệp công nghệ số phát triển mạnh mẽ hơn nữa, đề nghị cơ quan soạn thảo dự án Luật nghiên cứu, rà soát và tách bạch các chính sách hỗ trợ phát triển công nghiệp công nghệ số ra khỏi những chính sách đã có của Luật CNTT. Đồng thời, tránh tình trạng một doanh nghiệp hoặc một lĩnh vực lại nhận được quá nhiều sự trùng lập về ưu đãi, thì sẽ làm phân tán nguồn lực và gây lãng phí nguồn lực quốc gia.
Phát biểu kết luận nội dung thảo luận tại Phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị Chính phủ chỉ đạo cơ quan soạn thảo, các cơ quan hữu quan nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, cơ quan thẩm tra để hoàn chỉnh hồ sơ dự án luật. Ủy ban Khoa học, công nghệ, môi trường hoàn thiện việc thẩm tra chính thức dự án Luật để trình Quốc hội thảo luận trong Kỳ họp tới.
“Giao Tổng Thư ký Quốc hội chỉ đạo tổng hợp các ý kiến tham gia trong Phiên họp và thông báo kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội gửi tới các cơ quan liên quan để tổ chức thực hiện.”, ông Hải lưu ý./.