VCCI logo

LIÊN ĐOÀN THƯƠNG MẠI VÀ CÔNG NGHIỆP VIỆT NAM

Vietnam Chamber of Commerce and Industry

Thứ 3, 06/05/2025 | English | Vietnamese

Trang chủDoanh nghiệpThách thức kép, doanh nghiệp xuất khẩu 'ngồi trên lửa'

Thách thức kép, doanh nghiệp xuất khẩu 'ngồi trên lửa'

10:47:00 AM GMT+7Thứ 2, 21/04/2025

Doanh nghiệp xuất khẩu đang đối mặt với thách thức kép do biến động thuế quan từ Hoa Kỳ và chi phí logistics gia tăng, ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất và thị trường tiêu thụ.

Mỹ hoãn áp thuế, DN vẫn “ngồi trên lửa”

Theo bà Đỗ Thị Quỳnh Trâm – Phó Giám đốc Sở Công Thương TP. Đà Nẵng, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa năm 2024 của thành phố ước đạt 3.231 triệu USD. Hiện nay, Đà Nẵng đã có quan hệ thương mại với hơn 120 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó Nhật Bản và Hoa Kỳ là hai thị trường xuất khẩu chủ lực, lần lượt chiếm khoảng 35% và 20% tổng kim ngạch xuất khẩu.

Tuy nhiên, với các chính sách thuế quan mới từ Hoa Kỳ, nhiều doanh nghiệp trên địa bàn đang rơi vào tình thế bị động. Đặc biệt, việc Hoa Kỳ đề xuất áp thuế đối ứng lên hàng hóa Việt Nam, trong đó có nhiều mặt hàng chủ lực của Đà Nẵng, đang gây sức ép lớn lên hoạt động sản xuất, xuất khẩu.

Hội nghị đối thoại doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất, xuất nhập khẩu, logistics ở TP. Đà Nẵng

Theo bà Trâm, Đà Nẵng hiện có hơn 70 doanh nghiệp có quan hệ thương mại với thị trường Hoa Kỳ. Đáng chú ý, nhiều doanh nghiệp có tỷ trọng xuất khẩu sang Mỹ chiếm từ 30-60% tổng kim ngạch xuất khẩu của doanh nghiệp. Vì vậy, bất kỳ sự thay đổi nào về thuế đều ảnh hưởng trực tiếp đến doanh thu, lao động và khả năng duy trì đơn hàng.

Dù phía Hoa Kỳ đã thông báo tạm dừng áp dụng thuế đối ứng trong vòng 90 ngày với hơn 75 quốc gia (trong đó có Việt Nam), nhưng thực tế, nhiều đối tác Mỹ vẫn phản ứng thận trọng. Một số doanh nghiệp Việt phản ánh việc khách hàng Mỹ yêu cầu hoãn giao hàng, tạm dừng sản xuất hoặc chậm tiếp nhận đơn mới.

“Chính sách thuế quan mới của Hoa Kỳ đang tác động mạnh đến không chỉ doanh nghiệp xuất khẩu mà còn ảnh hưởng dây chuyền đến các ngành liên quan như logistics, vận tải, cảng biển, dịch vụ tài chính – bảo hiểm và cả lĩnh vực du lịch”, bà Trâm nhấn mạnh.

Cần nhiều hỗ trợ và đa dạng hóa thị trường

Bà Lê Thị Minh Thảo - Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Thủy sản và thương mại Thuận Phước cho biết, doanh nghiệp hiện có tỷ lệ xuất khẩu tôm sang Hoa Kỳ chiếm khoảng 30%. Ngành tôm Việt Nam đã phải chịu thuế chống bán phá giá, nay lại tiếp tục gánh thêm thuế cơ sở 10% và thuế chống trợ cấp 2,84%, nâng tổng thuế lên gần 20%.

"Điều này khiến cánh cửa vào thị trường Mỹ gần như khép lại với doanh nghiệp chúng tôi", bà Thảo chia sẻ.

Bà Thảo kiến nghị, cần có gói hỗ trợ riêng cho những ngành xuất khẩu đang chịu cả thuế chống bán phá giá và thuế chống trợ cấp. Ngoài ra, cần nêu rõ các ngành này trong các vòng đàm phán thương mại để tránh tình trạng "thuế chồng thuế", gây thiệt hại lớn.

Các doanh nghiệp kiến nghị nhiều giải pháp. 

Còn theo ông Lê Hoàng Khánh Nhựt - Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Cao su Đà Nẵng, doanh nghiệp có đến 65% doanh thu đến từ xuất khẩu, trong đó Hoa Kỳ là thị trường chủ lực. Trước rủi ro quốc tế, công ty đã chủ động chuyển hướng một phần đơn hàng sang Nga, Nam Mỹ, EU…, tuy nhiên vẫn gặp thách thức về chi phí logistics tăng cao.

“Chi phí vận chuyển chiếm từ 5 - 15% giá trị mỗi lô hàng. Chúng tôi hoàn toàn bị động khi giá cước biến động”, ông Nhựt cho biết. Do đó, ông kiến nghị thành phố hỗ trợ phí bến bãi, phí nâng hạ hàng hóa và sớm xem xét việc phát triển một hãng tàu nội địa đủ năng lực để giảm phụ thuộc vào hãng tàu nước ngoài.

Ngoài ra, ông Nhựt nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thúc đẩy nội tiêu. Các hiệp hội ngành hàng vận động doanh nghiệp trong nước ưu tiên dùng sản phẩm của nhau với giá hợp lý nhằm giảm chi phí đầu vào.

Cùng với đó, ông Nhựt đề xuất TP.Đà Nẵng có chính sách khuyến khích FDI “lành mạnh”. Cụ thể, quy định mức giá sàn cho sản phẩm, nhằm tránh hiện tượng doanh nghiệp FDI bán hàng quá rẻ khiến doanh nghiệp nội địa bị nghi ngờ bán phá giá.

Để tháo gỡ khó khăn và nâng cao sức chống chịu cho doanh nghiệp, Đỗ Thị Quỳnh Trâm - Phó Giám đốc Sở Công Thương TP. Đà Nẵng cho biết, thành phố sẽ khuyến khích các doanh nghiệp đa dạng hóa nguồn nguyên liệu trong nước, tham gia chuỗi cung ứng nội địa để nâng cao giá trị gia tăng và giảm phụ thuộc vào thị trường đầu vào hoặc đầu ra duy nhất.

Song song đó, thành phố sẽ tăng cường tổ chức các chương trình xúc tiến thương mại tại nước ngoài, hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận các sàn thương mại điện tử toàn cầu, đồng thời cung cấp thông tin cập nhật về quy định thương mại, xu hướng tiêu dùng và tiêu chuẩn kỹ thuật tại các thị trường trọng điểm.

Đặc biệt, Đà Nẵng sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ Công Thương để cập nhật sớm nhất các rào cản thuế quan và kỹ thuật từ Mỹ, giúp doanh nghiệp chủ động điều chỉnh chiến lược sản xuất – kinh doanh.

“Thành phố cũng tập trung hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng hiệu quả các FTA đã ký kết, từ đó phát triển các thị trường tiềm năng mới, giảm phụ thuộc vào thị trường Mỹ”, bà Trâm khẳng định.

TheoKhánh Hồng (Tạp chí điện tử Đầu tư Tài chính)
Copy link

Văn bản pháp luật

Liên kết

Website nội bộ của VCCI

Footer logo

Bản quyền bởi Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI 

  Tòa VCCI, Số 9 Đào Duy Anh, Đống Đa, Hà Nội, Việt Nam

Giấy phép xuất bản số 190/GP-TTĐT cấp ngày 27/10/2023

Người chịu trách nhiệm chính: Ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch VCCI

Quản lý và vận hành: Trung tâm Truyền thông và Thông tin Kinh tế - VCCI
Văn Phòng - Lễ tân:  Phụ trách website: Liên hệ quảng cáo:
📞 + 84-24-35742022 📞 + 84-24-35743084 📞 + 84-24-35743084
 + 84-24-35742020   vcci@vcci.com.vn   

Truy cập phiên bản website cũ.                                                     Thiết kế và phát triển bởi ADT Global