VCCI logo

LIÊN ĐOÀN THƯƠNG MẠI VÀ CÔNG NGHIỆP VIỆT NAM

Vietnam Chamber of Commerce and Industry

Thứ 2, 21/07/2025 | English | Vietnamese

Trang chủTin tổng hợpTháo điểm nghẽn thể chế kinh tế tư nhân - từ Nghị quyết 68 của Bộ Chính trị đến sửa đổi Hiến pháp

Tháo điểm nghẽn thể chế kinh tế tư nhân - từ Nghị quyết 68 của Bộ Chính trị đến sửa đổi Hiến pháp

08:55:00 AM GMT+7Thứ 4, 07/05/2025

Ngày 4/5/2025, Tổng Bí thư Tô Lâm đã ký ban hành Nghị quyết số 68-NQ/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục đổi mới cơ chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, thúc đẩy phát triển mạnh mẽ kinh tế tư nhân trong giai đoạn mới. Đây là lần đầu tiên, một văn kiện từ cấp lãnh đạo cao nhất của Đảng khẳng định khu vực kinh tế tư nhân là "một bộ phận quan trọng nhất của nền kinh tế quốc dân".

 
Ảnh minh hoạ.

Cụm từ "quan trọng nhất" đánh dấu một bước chuyển rõ rệt về mặt tư duy. Trước đó, nhiều nghị quyết và văn kiện của Đảng từng gọi kinh tế tư nhân là "một động lực quan trọng", nhưng chưa bao giờ dùng từ "quan trọng nhất" xác quyết như vậy. Tuy nhiên, chính sự mạnh mẽ này lại đặt ra một loạt câu hỏi về tính tương thích giữa chủ trương của Đảng và khuôn khổ pháp lý hiện hành, đặc biệt là Hiến pháp năm 2013 và các đạo luật có liên quan.

Hiến pháp còn "nợ" khu vực tư nhân một vị trí xứng đáng

Hiến pháp 2013, tại Điều 51, xác định: "Nền kinh tế Việt Nam là nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa với nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế… Kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo". Vai trò "chủ đạo" của kinh tế nhà nước từ lâu được hiểu là việc doanh nghiệp nhà nước (DNNN) chi phối các lĩnh vực then chốt, dẫn dắt, điều tiết nền kinh tế.

Cách xác định này phù hợp với giai đoạn kinh tế Việt Nam còn ở giai đoạn đầu của quá trình đổi mới. Nhưng đến nay, khi kinh tế tư nhân chiếm hơn 60% GDP, đóng góp 70% tổng đầu tư toàn xã hội và sử dụng hơn 85% lực lượng lao động phi nông nghiệp, thì vị trí của họ trong Hiến pháp và pháp luật không còn tương xứng với vai trò thực tế trong đời sống kinh tế.

Không thể phủ nhận rằng trong suốt ba thập kỷ qua, chính khu vực kinh tế tư nhân - từ những hộ kinh doanh nhỏ đến các tập đoàn tư nhân lớn - mới là lực lượng năng động nhất, sáng tạo nhất và đang tạo ra xương sống cho nền kinh tế Việt Nam. Họ không chỉ là người làm ra của cải, mà còn là chủ thể tích cực trong đổi mới công nghệ, xuất khẩu, và hội nhập toàn cầu.

Không để chủ trương của Đảng "hiểu một đằng", luật pháp "ghi một nẻo"

Trong hệ thống pháp lý hiện hành, DNNN vẫn đang được xác định là công cụ quan trọng để Nhà nước điều tiết kinh tế. Luật Quản lý và Sử dụng vốn nhà nước năm 2014, Luật Doanh nghiệp 2020 đều tiếp tục củng cố quan niệm này.

Tình trạng pháp lý như vậy đang tạo nên một độ vênh giữa chính sách và thể chế. Một mặt, Đảng yêu cầu "thúc đẩy mạnh mẽ kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng nhất" của phát triển quốc gia. Mặt khác, Hiến pháp và các đạo luật lại duy trì vai trò ưu tiên, thậm chí đặc quyền cho DNNN, mà không xác lập rõ địa vị pháp lý bình đẳng cho doanh nghiệp tư nhân.

Điều này có thể sẽ tạo ra hai hệ quả:

1. Làm giảm hiệu lực chính sách: Một chủ trương đúng đắn của Đảng nhưng không được cụ thể hóa trong luật thì rất khó thực thi trong thực tế.

2. Làm suy giảm niềm tin của nhà đầu tư: Các doanh nhân tư nhân, nhất là lớp doanh nhân trẻ, cần một hệ thống pháp lý rõ ràng, bảo vệ họ khỏi các rủi ro chính sách hay sự phân biệt trong tiếp cận nguồn lực, thị trường, tín dụng.

Bối cảnh mới, yêu cầu mới

Chúng ta đang sống trong thời kỳ mà các quốc gia cạnh tranh không chỉ bằng tài nguyên hay lao động giá rẻ, mà bằng thể chế. Những điểm nghẽn thể chế hiện nay đang cản trở Việt Nam khai thác hết tiềm năng tăng trưởng.

Thêm vào đó, các sức ép từ bên ngoài như chiến tranh thương mại, gia tăng chủ nghĩa bảo hộ, siết chặt xuất xứ hàng hóa - đang đòi hỏi Việt Nam cần có một khung thể chế vững vàng để khu vực tư nhân có thể vươn lên đóng vai trò dẫn dắt. Nếu không có sự bảo đảm pháp lý, thì chính sách hỗ trợ tư nhân sẽ mãi chỉ là lời hứa.

Sửa Hiến pháp: Bước đi cần thiết và cấp bách

Việc sửa đổi Hiến pháp đang được đưa vào chương trình của cơ quan lập pháp. Đây là cơ hội không thể bỏ lỡ để khẳng định rõ vai trò trung tâm của khu vực tư nhân, đồng thời tái định vị vai trò DNNN theo hướng tập trung vào các lĩnh vực thiết yếu như an ninh, quốc phòng, hạ tầng chiến lược.

Thay vì duy trì nguyên tắc "chủ đạo" một cách bao trùm, hãy để pháp luật phản ánh đúng thực tiễn: ai tạo ra nhiều việc làm hơn, đóng góp nhiều giá trị hơn thì cần được thừa nhận, bảo vệ, và trao cơ hội tương xứng. Điều đó không chỉ là lẽ công bằng, mà còn là động lực phát triển bền vững.

Nghị quyết 68 là một tín hiệu chính trị rất rõ ràng. Tín hiệu đó sẽ sáng hơn nếu được biến thành luật. Muốn khu vực tư nhân thực sự trở thành động lực "quan trọng nhất", thì Nhà nước cần trao cho họ vị trí pháp lý tương ứng.

Thiết nghĩ, đã đến lúc cần phải sửa Hiến pháp, sửa luật để khẳng định vai trò của kinh tế tư nhân và trao cho họ niềm tin cũng như hành lang pháp lý rõ ràng để phát triển đột phá trong kỷ nguyên mới.

TheoLam Sơn (Tạp chí điện tử Nhà đầu tư)
Copy link

Văn bản pháp luật

Liên kết

Website nội bộ của VCCI

Footer logo

Bản quyền bởi Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI 

  Tòa VCCI, Số 9 Đào Duy Anh, Đống Đa, Hà Nội, Việt Nam

Giấy phép xuất bản số 190/GP-TTĐT cấp ngày 27/10/2023

Người chịu trách nhiệm chính: Ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch VCCI

Quản lý và vận hành: Trung tâm Truyền thông và Thông tin Kinh tế - VCCI
Văn Phòng - Lễ tân:  Phụ trách website: Liên hệ quảng cáo:
📞 + 84-24-35742022 📞 + 84-24-35743084 📞 + 84-24-35743084
 + 84-24-35742020   vcci@vcci.com.vn   

Truy cập phiên bản website cũ.                                                     Thiết kế và phát triển bởi ADT Global