Thiết lập nền tảng Tài chính số hiện đại, công khai, minh bạch
TS Nguyễn Như Quỳnh, Viện trưởng Viện Chiến lược và chính sách tài chính (Bộ Tài chính) điều hành phiên thảo luận toàn thể.

Ngành Tài chính đã chuyển đổi số mạnh mẽ

Nhắc lại những thành tựu trong chuyển đổi số thời gian qua, TS. Đoàn Thanh Tùng - Phó Cục trưởng Cục Tin học và Thống kê tài chính (Bộ Tài chính) nhận định, ngành Tài chính đã thực hiện chuyển đổi số mạnh mẽ trong các lĩnh vực, đạt nhiều kết quả tích cực, mang lại hiệu quả cho toàn xã hội góp phần rút ngắn thời gian làm thủ tục thuế, hải quan, kho bạc, chứng khoán... giảm thiểu giấy tờ, thời gian và chi phí cho doanh nghiệp, người dân.

Một số thống kê của các ngành trực thuộc đã khẳng định nhận định này. Theo đó, về quản lý thuế, đã có hơn 5,7 triệu lượt cá nhân sử dụng tài khoản VNeID vào hệ thống thuế điện tử eTax Mobile. Nhờ đó, trong kỳ quyết toán thuế thu nhập cá nhân năm 2023 (triển khai tháng 4/2024), hệ thống của cơ quan thuế đã tiếp nhận 536 nghìn tờ khai quyết toán của cá nhân, đạt 150% so với cùng kỳ năm trước.

Trong lĩnh vực hải quan, gần 60% số thủ tục hành chính được cung cấp dịch vụ công trực tuyến toàn trình; khoảng 30% được cung cấp dịch vụ công trực tuyến một phần; còn lại đều được cung cấp thông tin trực tuyến.

Về chứng khoán, giao dịch trên thị trường chứng khoán đã hoàn toàn chuyển sang hình thức trực tuyến. Lũy kế 8 tháng năm 2024, số lượng tài khoản chứng khoán của nhà đầu tư trong nước đã tăng hơn 1,41 triệu tài khoản, lên hơn 8,7 triệu, tiệm cận mục tiêu đạt 9 triệu tài khoản vào năm 2025 và 11 triệu tài khoản vào năm 2030 đã đặt ra.

Trong khi đó, 100% thủ tục hành chính của Kho bạc Nhà nước đã thực hiện toàn trình và tích hợp trên Cổng Dịch vụ công quốc gia, kết nối dịch vụ công trực tuyến với phần mềm kế toán của 25% tổng số đơn vị sử dụng ngân sách.

Thiết lập nền tảng Tài chính số hiện đại, công khai, minh bạch

Nhìn nhận rõ thách thức và mục tiêu

Đồng tình ngành Tài chính đã gặt hái nhiều thành tựu trong chuyển đổi số, song, TS. Nguyễn Như Quỳnh, Viện trưởng Viện Chiến lược và chính sách tài chính (Bộ Tài chính) cho rằng, cũng cần nhìn nhận rõ các thách thức đang phải đối diện để có giải pháp phù hợp.

Trước tiên là vấn đề quản lý nguồn thu, theo vị chuyên gia này, với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ, sự chuyển đổi kinh doanh của các doanh nghiệp sang nền tảng số thì một trong những thách thức lớn nhất của ngành Tài chính là đuổi kịp với các doanh nghiệp về áp dụng khoa học công nghệ, nền tảng mới, để có thể bao quát hết được các hình thức kinh doanh, các nguồn thu của doanh nghiệp.

Mặc dù đã triển khai các gói giải pháp hỗ trợ người dân và doanh nghiệp với quy mô lớn, song trong giai đoạn vừa qua, tổng thu ngân sách nhà nước vẫn có những kết quả tích cực. Một phần quan trọng là do đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý thu.

Việc thu thập, quản lý và phân tích, xử lý dữ liệu còn hạn chế. Các hệ thống đôi chỗ chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế.

Ví dụ, Hệ thống VNACCS/VCIS và các hệ thống vệ tinh là nền tảng của quá trình vận hành hoạt động thủ tục, kiểm tra giám sát hải quan, chưa lường trước được xu hướng tự do hóa thương mại toàn cầu, chưa dự báo được sự gia tăng không ngừng của kim ngạch xuất nhập khẩu.

Hệ thống TABMIS hiện nay đã được triển khai trong một thời gian dài (từ năm 2012) phát sinh nhiều hạn chế do khoảng cách về công nghệ, đặt ra nhu cầu thực hiện công cuộc hiện đại hóa theo tiến trình để hình thành một nền tảng số toàn diện và cung cấp các công cụ, dịch vụ cho quá trình cải cách tài chính công và hình thành Hệ thống thông tin ngân sách và kế toán nhà nước số (VDBAS).

Một số hệ thống quản lý trong lĩnh vực chứng khoán mới chỉ đảm bảo cung cấp thông tin, số liệu cơ bản phục vụ tác nghiệp cho chính đơn vị nghiệp vụ. Hầu hết các Hệ thống, chương trình độc lập riêng lẻ tương ứng với từng đối tượng quản lý và từng chức năng nhiệm vụ của các đơn vị chuyên môn mà chưa có sự liên kết, để hình thành một kho dữ liệu.

“Đó là chưa kể tới những khó khăn như thiếu hụt nhân lực trình độ cao, hiệu quả công tác tuyên truyền, tâm lý chưa sẵn sàng thay đổi... cũng là những rào cản” – TS. Nguyễn Như Quỳnh chia sẻ.

Đưa ra giải pháp, tại phiên thảo luận, nhiều ý kiến cho rằng, nhiệm vụ đặt ra cho ngành Tài chính từ nay đến năm 2030 là chủ động nghiên cứu ứng dụng một số công nghệ cốt lõi có khả năng tạo bứt phá mạnh mẽ nhằm hướng tới tài chính số. Để đáp ứng mục tiêu này, ngành Tài chính cũng đã xác định các định hướng giải pháp cụ thể.

Thiết lập nền tảng Tài chính số hiện đại, công khai, minh bạch
Ông Nguyễn Việt Hà – Cục trưởng Cục Tin học và Thống kê tài chính (Bộ Tài chính).

Trong bài phát biểu kết luận phiên họp, ông Nguyễn Việt Hà – Cục trưởng Cục Tin học và Thống kê tài chính (Bộ Tài chính) nhấn mạnh các định hướng này.

Trước hết là tập trung hướng đến nền tài chính số hoạt động an toàn trên môi trường số; có mô hình hoạt động được thiết kế và vận hành dựa trên dữ liệu, công nghệ số, để cung cấp dịch vụ chất lượng hơn, giúp lãnh đạo Bộ Tài chính đưa ra quyết định kịp thời hơn, ban hành chính sách tốt hơn, giải quyết hiệu quả những vấn đề lớn trong phát triển và quản lý kinh tế xã hội.

Thứ hai, phát triển Bộ Tài chính số một cách tổng thể, với các hoạt động được triển khai như sửa đổi, bổ sung các quy định trong lĩnh vực tài chính để xây dựng, phát triển, quản lý hệ thống thông tin phục vụ Chính phủ số và yêu cầu chuyển đổi số quốc gia…

Thứ ba, định hướng mở để người dân, doanh nghiệp và tổ chức khác tham gia một cách phù hợp vào hoạt động của Bô Tài chính, tương tác với các cơ quan nhà nước. Qua đó, tăng cường minh bạch, nâng cao chất lượng dịch vụ, cùng giải quyết vấn đề và tạo ra giá trị cho xã hội.

Cuối cùng là phát triển các nền tảng theo hướng cung cấp dịch vụ đồng bộ, thông suốt các cấp hành chính để có thể sử dụng tại mọi nơi. Các nền tảng, ứng dụng và dịch vụ quy mô quốc gia phải được làm trước, làm tốt, làm tập trung./.