Thứ 2, 27/01/2025 | English | Vietnamese
02:23:00 PM GMT+7Thứ 7, 25/01/2025
Trong bối cảnh nhận thức về đầu tư tiền số còn hạn chế, nhiều nhà đầu tư dễ dàng bị cuốn vào các lời mời gọi siêu lợi nhuận mà thiếu sự cân nhắc kỹ lưỡng. Tuy nhiên, không chỉ thiếu kiến thức, nhiều nhà đầu tư còn sập bẫy do Việt Nam chưa có khung pháp lý rõ ràng.
Nhắc đến các vụ lừa đảo tiền số, nhiều người ngay lập tức đổ lỗi cho nhà đầu tư, cho rằng họ quá nhẹ dạ, cả tin, thậm chí tham lam. Thế nhưng, trong bức tranh đầy rẫy "vàng thau lẫn lộn" của thị trường tiền ảo, trách nhiệm rõ ràng không thể chỉ đặt lên vai nhà đầu tư. Sự phát triển ồ ạt của tiền số trong khi thiếu khung pháp lý rõ ràng và công tác quản lý chưa chặt chẽ đã vô tình tạo điều kiện để các chiêu trò lừa đảo bùng phát, đẩy nhiều người vào cảnh “trắng tay”.
Trên thực tế, dù không được công nhận chính thức song một số loại tiền số trên thế giới như Bitcoin, Ethereum, Ripple,… đều đã xuất hiện và được giao dịch rầm rộ tại Việt Nam. Thậm chí, chúng còn trở thành công cụ đầu tư, phương thức huy động vốn trong nhiều dự án đầu tư, phần lớn là lừa đảo, ở nước ta.
Trong chia sẻ với VietnamFinance, ông Lê Sỹ Nguyên, Quản lý cấp quốc gia của sàn giao dịch Bitget tại Việt Nam nhận định: “Nguyên nhân dẫn đến một vụ lừa đảo liên quan đến tiền số không chỉ xuất phát từ phía nhà đầu tư mà còn xuất phát từ việc thiếu khung pháp lý chặt chẽ, minh bạch”.
Khung pháp lý cho các tài sản giao dịch vẫn chưa hoàn thiện và rõ ràng, dẫn đến các tài sản số như tiền mã hóa, NFT... chưa được công nhận là phương tiện thanh toán hoặc tài sản hợp pháp. Các giao dịch này có thể được coi là không có giá trị pháp lý, hoặc khó bảo vệ quyền lợi của các bên liên quan.
“Quan điểm của Việt Nam về việc không công nhận tiền số là tài sản hợp pháp hay phương tiện thanh toán tạo ra rào cản cho sự phát triển hợp pháp của thị trường, đồng thời tạo điều kiện cho lừa đảo phát triển do sự mập mờ về mặt pháp lý. Bên cạnh đó, hiệu quả của khung pháp lý hiện tại trong việc hạn chế lừa đảo tiền số còn chưa đồng bộ do quy định còn phân mảnh và khó khăn trong việc thực thi, đặc biệt với tính chất toàn cầu và ẩn danh của tiền số”, ông Nguyên nhấn mạnh.
Đồng quan điểm, trong chia sẻ với VietnamFinance, ông Bùi Văn Huy, Giám đốc Khối Nghiên cứu Đầu Tư, FIDT nhận định: “Khi thiếu sự công nhận và khung pháp lý rõ ràng, các hoạt động liên quan đến tiền điện tử dễ rơi vào trạng thái "xám", không được kiểm soát chặt chẽ. Điều này tạo điều kiện cho các đối tượng lừa đảo lợi dụng, đưa ra các dự án ảo hoặc sàn giao dịch giả để chiếm đoạt tài sản của nhà đầu tư mà không chịu bất kỳ sự giám sát nào”.
Theo ông Huy, việc chưa có khung pháp lý đầy đủ liên quan đến tiền số và tài sản số cũng khiến các nhà đầu tư và doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc định hướng phát triển và sử dụng công nghệ blockchain một cách hợp pháp và an toàn. Điều này làm giảm niềm tin của người dân vào lĩnh vực này và ngăn cản những doanh nghiệp hoặc dự án tiềm năng hoạt động minh bạch.
Chưa kể, việc thiếu khung pháp lý cũng khiến nhiều doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này lựa chọn Singapore, Mỹ đăng ký rồi về hoạt động ở Việt Nam, ảnh hưởng đến ngân sách quốc gia và sự phát triển bền vững của thị trường tiền số nội địa.
Trên thực tế, Việt Nam hiện chưa có khung pháp lý cụ thể để quản lý tiền số. Theo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN), các loại tiền kỹ thuật số như Bitcoin, USDT, Pi Network không được coi là chứng khoán và không thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Chứng khoán. Trong khi đó, NHNN không thừa nhận tiền số là phương tiện thanh toán. Bộ Công Thương cũng không công nhận tiền số là một loại hàng hóa hay dịch vụ, trong khi Bộ Tư pháp không công nhận tiền số là một loại tài sản…
Mặc dù đã “nhen nhóm” từ nhiều năm trước nhưng mãi đến những năm gần đây, việc xây dựng khung pháp lý cho loại tài sản số bắt đầu nhận được nhiều sự quan tâm hơn. Trong năm 2024, Chính phủ đã trình Quốc hội dự án Luật Công nghiệp công nghệ số, trong đó có đề cập đến tài sản số để làm hành lang pháp lý cho các quy định quản lý tiền số.
Ngoài ra, Chính phủ cũng đã yêu cầu Bộ Tài chính và các bộ, ngành liên quan hoàn thành xây dựng khung pháp lý để cấm hoặc điều chỉnh đối với tiền số, tài sản số và các tổ chức cung ứng dịch vụ tài sản số trong tháng 5/2025. Hay như mới đây nhất, Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa có đề xuất thử nghiệm sàn giao dịch tiền số trong dự thảo về Nghị quyết của Quốc hội về xây dựng trung tâm tài chính.
Mặc dù đã nhận được nhiều sự quan tâm hơn nhưng trên thực tế, những thay đổi trong khung pháp lý liên quan đến tiền số vẫn chưa theo kịp được với tốc độ thay đổi của công nghệ và xu hướng mới trên thị trường tiền số hiện nay.
Chiến lược Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 là điểm nhấn quan trọng, đặt mục tiêu đưa Việt Nam trở thành một quốc gia số với ba trụ cột chính: Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số. Trong bối cảnh đó, việc xây dựng khung pháp lý đối với tiền số, tài sản số trở thành vấn đề vô cùng cấp thiết.
Việc xây dựng khung pháp lý đối với tiền số cũng đã được đưa ra thảo luận tại nhiều phiên họp Quốc hội. Đại biểu Hoàng Minh Hiếu (đoàn Nghệ An) từng ví von hằng năm có khoảng 120 tỷ USD tiền số đổ vào Việt Nam, nếu không có khuôn khổ pháp lý cho hình thức sở hữu tiền số, Việt Nam sẽ bỏ qua một mảng vô cùng quan trọng của nền kinh tế số.
Tuy nhiên, theo Bộ Tài chính, tiền số và tài sản số là lĩnh vực “tương đối nhạy cảm” ở Việt Nam. Dù mang lại nhiều tiềm năng kinh tế, song nếu không có sự quản lý chặt chẽ, chúng có thể trở thành nguồn gốc của những rủi ro nghiêm trọng. Các vấn đề như rửa tiền, tài trợ cho khủng bố, và gian lận trực tuyến đang trở nên tinh vi và đa dạng, làm gia tăng sức ép lên các cơ quan quản lý. Điều này đòi hỏi khung pháp lý phải đủ mạnh để bảo vệ quyền lợi người dân và đảm bảo sự an toàn của hệ thống tài chính quốc gia.
Bên cạnh đó, theo bà Nguyễn Minh Hằng, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, tiền số và tài sản số không chỉ là những sản phẩm tài chính hay công nghệ đơn thuần, mà còn tác động sâu rộng đến các lĩnh vực quan trọng như ngân hàng, thương mại và quản trị dữ liệu. Vì vậy, để quản lý tiền số một cách toàn diện và hiệu quả, chúng ta cần một cuộc cải cách pháp lý mạnh mẽ, sửa đổi đồng bộ các luật như Luật Dân sự, Luật Ngân hàng, và thậm chí là Luật Đầu tư.
Song, nhiều chuyên gia cũng nhận định rằng không nên lo ngại rủi ro mà chậm trễ trong việc xây dựng khung pháp lý đối với tiền số, tài sản số. Như ông Phan Đức Trung, Chủ tịch Hiệp hội Blockchain Việt Nam từng nói: “Chúng ta có Chính phủ số, kinh tế số, công dân số nhưng lại chưa có pháp lý tài sản số, tiền số. Nếu không sớm hoàn thiện khung pháp lý, cơ hội sẽ biến thành rủi ro”.
Liên quan đến vấn đề này, Giám đốc Khối Nghiên cứu Đầu Tư, FIDT cho rằng từ góc độ quản lý, Việt Nam cần xây dựng một khung pháp lý rõ ràng, minh bạch, không chỉ để bảo vệ nhà đầu tư mà còn để thúc đẩy các doanh nghiệp công nghệ blockchain hoạt động hợp pháp.
“Khung pháp lý này cần được xây dựng dựa trên kinh nghiệm của các quốc gia đi trước như Singapore hay EU, đồng thời phù hợp với thực tiễn và đặc thù của Việt Nam. Các quy định cần bao gồm việc cấp phép cho các sàn giao dịch, quy trình kiểm soát chống rửa tiền (AML), định danh khách hàng (KYC), và bảo vệ dữ liệu người dùng”, ông nói.
Còn từ góc độ công nghệ, đại diện FIDT cho rằng, cần đầu tư vào hạ tầng kỹ thuật số và hỗ trợ các doanh nghiệp phát triển các ứng dụng blockchain thực tiễn, chẳng hạn trong các lĩnh vực như tài chính, y tế, giáo dục và chuỗi cung ứng. Chính phủ cũng nên khuyến khích nghiên cứu và đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực blockchain để tăng khả năng cạnh tranh của Việt Nam trên bản đồ công nghệ toàn cầu.
Bên cạnh đó, việc xây dựng chính sách thử nghiệm có kiểm soát (sandbox) với tài sản, tiền mã hóa (tài sản số, tiền số) cũng là bước đi quan trọng. Thực tế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa qua cũng đã đề xuất Dự thảo về Nghị quyết của Quốc hội về xây dựng trung tâm tài chính, trong đó có thử nghiệm sàn giao dịch tài sản và tiền mã hóa tại các trung tâm tài chính.
Cụ thể, theo đề xuất này, Ủy ban Quản lý, điều hành trung tâm tài chính sẽ có thẩm quyền cấp phép, quản lý, đánh giá tác động và quản trị rủi ro với sandbox trong hoạt động fintech, bao gồm thử nghiệm sàn giao dịch với tài sản, tiền mã hóa (tài sản số, tiền số). Chính phủ sẽ quy định chi tiết các biện pháp phòng, chống rửa tiền, bảo mật an ninh mạng, cũng như quản lý việc phát hành, sở hữu và giao dịch token tiện ích, "đào" tiền số nhằm hạn chế rủi ro về an ninh năng lượng và môi trường.
Quy định của luật về tài sản số, tiền số dự kiến được ban hành cũng đặt ra các quy định về quyền sở hữu, nghĩa vụ thuế của các cá nhân, tổ chức hoạt động trong ngành. Theo các chuyên gia, việc đóng thuế không chỉ là trách nhiệm pháp lý mà còn tạo ra nhiều lợi ích, bảo vệ quyền lợi lâu dài cho cả cá nhân và tổ chức trong một lĩnh vực có nhiều tiềm năng nhưng cũng đầy rủi ro như tài sản số và tiền số.
Chẳng hạn như, việc đăng ký tài sản số và tuân thủ nghĩa vụ thuế giúp cá nhân hoặc tổ chức chính thức được công nhận quyền sở hữu hợp pháp, giảm nguy cơ bị chiếm đoạt hoặc tranh chấp tài sản. Nhờ đó, khi xảy ra tranh chấp, vi phạm hợp đồng, hoặc mất mát tài sản, người nộp thuế có thể được bảo vệ bởi luật pháp thông qua quyền khiếu nại và kiện tụng.
TS Nguyễn Đức Thủy, Viện Công nghiệp Phần mềm và Nội dung số Quốc gia nhận định, sandbox là cách tiếp cận phù hợp nhất cho những lĩnh vực mới như tài sản số, tiền số bởi nó sẽ tạo điều kiện để các sản phẩm, dịch vụ thử nghiệm phát huy toàn bộ ưu nhược điểm của mình cũng như giúp doanh nghiệp chứng minh tính khả thi và tăng cơ hội thu hút đầu tư. Ở phía cơ quan quản lý, sandbox là công cụ để đánh giá, bổ sung các quy định chính sách phù hợp với sự phát triển của thị trường và công nghệ.
Website nội bộ của VCCI
Liên kết nhanh
Bản quyền bởi Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI
Tòa VCCI, Số 9 Đào Duy Anh, Đống Đa, Hà Nội, Việt Nam
Giấy phép xuất bản số 190/GP-TTĐT cấp ngày 27/10/2023
Người chịu trách nhiệm chính: Ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch VCCI
Quản lý và vận hành: Trung tâm Truyền thông và Thông tin Kinh tế - VCCI | ||
Văn Phòng - Lễ tân: | Phụ trách website: | Liên hệ quảng cáo: |
📞 + 84-24-35742022 | 📞 + 84-24-35743084 | 📞 + 84-24-35743084 |
+ 84-24-35742020 | vcci@vcci.com.vn |
Truy cập phiên bản website cũ. Thiết kế và phát triển bởi ADT Global