PV: Thưa ông, liên tục trong hơn 4 năm qua, Việt Nam đã duy trì chính sách tài khóa linh hoạt, mở rộng, có trọng tâm trọng điểm hỗ trợ nền kinh tế. Việc duy trì chính sách tài khóa mở rộng là cố gắng rất lớn của Chính phủ và Bộ Tài chính, ông đánh giá như thế nào về điều này?

Thời điểm này nên cân nhắc thực hiện chính sách tài khóa thắt chặt

PGS. TS. Ngô Trí Long: Chính sách tài khóa là công cụ quan trọng trong điều hành chính sách kinh tế của Nhà nước, có ảnh hưởng lớn đến sự cân bằng vĩ mô của nền kinh tế cũng như hỗ trợ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững.

Thời gian qua, chính sách tài khóa đã là “điểm tựa” cho tăng trưởng kinh tế đất nước. Gần 5 năm qua, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 ảnh hưởng sâu rộng tới toàn bộ nền kinh tế; cộng với căng thẳng địa chính trị trên thế giới tác động tới nhiều mặt của kinh tế thế giới, trong đó có Việt Nam, hơn lúc nào hết, các chính sách tài khóa đã phát huy hiệu quả vai trò, là động lực cho tăng trưởng.

Chúng ta còn nhớ, trong 2 năm 2022 - 2023, Chính phủ đã nhanh chóng trình Quốc hội nhiều giải pháp về tài khóa, tiền tệ thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Đây là những giải pháp kịp thời, kéo dài trong 2 năm với nhiều nhóm nhiệm vụ, giải pháp được triển khai. Trong đó, các chính sách tài khóa chiếm phần lớn trong tổng số các nhiệm vụ của Chương trình này, đã đạt được mục tiêu kỳ vọng là giúp doanh nghiệp phục hồi phát triển sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng

kinh tế và từ đó quay trở lại đóng góp vào ngân sách.

Chính sách tài khóa hỗ trợ chỉ nên coi là cú hích, “vốn mồi”, không nên lạm dụng quá lâu

Bối cảnh hiện nay, khi nguồn lực còn hạn chế, nhu cầu lại rất lớn thì cần cái nhìn chia sẻ hơn với các chính sách vĩ mô của Chính phủ, Bộ Tài chính. Các chính sách tài khóa mở rộng hỗ trợ doanh nghiệp chỉ nên coi là cú hích, là “vốn mồi”, không nên lạm dụng quá lâu.

Có thể nói, Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội là chương trình rất lớn cả về quy mô và thời gian thực hiện, hỗ trợ cho người dân, doanh nghiệp cũng như không để lỡ nhịp phục hồi của kinh tế trong nước.

Tuy nhiên, sau khi thực hiện Chương trình, nhận thấy tình hình kinh tế còn khó khăn, doanh nghiệp cần được trợ giúp, Bộ Tài chính tiếp tục đề xuất hàng loạt các giải pháp miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất hỗ trợ doanh nghiệp. Theo số liệu thống kê của Bộ Tài chính, hơn 4 năm thực hiện đã lên đến hơn 700 nghìn tỷ đồng.

PV: Như ông chia sẻ, Bộ Tài chính cũng ở trong thế khó khi bất cứ thời điểm khó khăn nào thì đều có ý kiến lập tức đề nghị giảm thuế, phí, coi đây là giải pháp nhanh và hiệu quả nhất, trong khi các doanh nghiệp còn cần về vốn, thủ tục hành chính, thị trường… cũng như nhiều giải pháp khác?

PGS. TS. Ngô Trí Long: Đúng vậy, theo tôi, chúng ta cần có cái nhìn chia sẻ, công bằng hơn khi nguồn lực tài chính còn chưa dư dả, trong bối cảnh nền kinh tế còn khó khăn mà Bộ Tài chính triển khai rất nhiều các gói hỗ trợ. Tôi xin được nhắc lại, đây là nỗ lực rất lớn của Bộ Tài chính trong hơn 4 năm qua.

Chúng ta còn nhớ, khi thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội như tôi vừa đề cập, có nhiều gói hỗ trợ không nằm trong Chương trình, nhưng khi nền kinh tế, người dân, doanh nghiệp cần, Bộ Tài chính đã kịp thời có đề xuất phù hợp.

Đó là thời điểm năm 2022, trước tình hình biến động của giá dầu thế giới tăng cao tác động đến hoạt động của doanh nghiệp và đời sống của người dân, ảnh hưởng tới sự phục hồi và phát triển kinh tế xã hội, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành nghị quyết thực hiện giảm từ 50% - 70% mức thuế bảo vệ môi trường đối với các mặt hàng xăng, dầu, mỡ nhờn. Hay như thuộc thẩm quyền của mình, Bộ Tài chính liên tục ban hành thông tư giảm các khoản phí, lệ phí với tổng mức hỗ trợ từ 700 - 1.000 tỷ đồng/năm.

Trong khi đó, nguồn chi cho an sinh xã hội tương đối lớn, nếu chúng ta cứ duy trì giảm thuế, phí hẳn sẽ dẫn đến mất khả năng cân đối thu - chi, khiến tiềm lực tài chính quốc gia yếu đi.

Đành rằng, doanh nghiệp khó khăn trước, trong và cả sau khi dịch bệnh Covid-19 hoành hành, nhưng đến một thời điểm, chúng ta phải cân nhắc suy nghĩ lại. Về phía doanh nghiệp cũng không thể trông chờ, ỷ lại những chính sách hỗ trợ của Nhà nước mà phải tăng năng lực về quản trị, nâng cao năng suất, chất lượng hiệu quả, hấp thu nguồn vốn tốt, góp phần thúc đẩy sản xuất kinh doanh phát triển.

Tuy nhiên, điều này chưa được thực hiện tốt lắm, khi lãi suất chưa bao giờ thấp như hiện nay, mà doanh nghiệp không tận dụng được thì cần phải suy nghĩ lại. Do đó, cần phải thực hiện tổng hòa các chính sách tài khóa, tiền tệ và các chính sách vĩ mô khác. Bên cạnh đó, phải quyết liệt đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cắt giảm các điều kiện kinh doanh hỗ trợ doanh nghiệp; thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công; tháo gỡ thúc đẩy phát triển thị trường bất động sản, tăng cường thu hút vốn FDI, đưa nền kinh tế phục hồi trở lại.

PV: Theo ông, có nên cân nhắc đến việc thực hiện chính sách tài khóa thắt chặt sau nhiều năm chúng ta duy trì nới lỏng hỗ trợ nền kinh tế?

PGS. TS. Ngô Trí Long: Thời điểm này tôi cho là phù hợp để đặt ra vấn đề này. Chúng ta phải có cái nhìn công bằng hơn, khi doanh nghiệp khó khăn, Chính phủ đã nâng đỡ, sẻ chia, hỗ trợ doanh nghiệp, nhưng không thể dựa dẫm mãi được. Ngoài ra, cũng cần có cái nhìn chia sẻ hơn với ngành Tài chính. Cách tư duy của người “nắm hầu bao” đó chính là phải đảm bảo an ninh, an toàn, giữ vững tiềm lực tài chính quốc gia, phải cân đối thu - chi ngân sách nhà nước.

Những năm qua, Bộ Tài chính đã kiểm soát chi rất tốt, rất hiệu quả, đồng thời với đó giữ ổn định nguồn thu, tăng thu mà không ảnh hưởng tới sức khỏe doanh nghiệp là cái khéo trong điều hành của Bộ Tài chính phải ghi nhận. Những thành công của Bộ Tài chính khi tăng thu từ chuyển nhượng bất động sản, thu từ kinh doanh thương mại điện tử, nền tảng số, tăng thu khi triển khai áp dụng rộng rãi hóa đơn điện tử, hóa đơn điện tử có mã xác thực của cơ quan thuế… phải được biểu dương, đánh giá đúng.

Hay như đề xuất tiếp tục giảm lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước. Nếu được hỏi muốn giảm cho doanh nghiệp hay không, tôi cho rằng Bộ Tài chính cũng muốn lắm chứ, tuy nhiên việc giảm thu từ nguồn này cũng ảnh hưởng không nhỏ tới nhiều địa phương, là điều phải hết sức cân nhắc.

Tôi muốn nhấn mạnh rằng, trong bối cảnh hiện nay, khi nguồn lực còn hạn chế, nhu cầu lại rất lớn thì cần cái nhìn chia sẻ hơn với các chính sách vĩ mô của Chính phủ, Bộ Tài chính. Các chính sách tài khóa mở rộng hỗ trợ doanh nghiệp chỉ nên coi là cú hích, là “vốn mồi”, chứ không thể lạm dụng quá lâu.

Chúng ta phải nhìn xa, trông rộng, đừng trông chờ quá lớn vào nguồn lực của chính sách tài khóa. Ví như cải cách tiền lương, dù đã được Chính phủ, Bộ Tài chính cân đối tính toán, đảm bảo nguồn nhưng cũng chỉ đến năm 2026, còn thời gian tới ra sao cũng phải tính đến từ giờ.

Hay như bội chi, nợ công chúng ta đã kéo giảm rất tốt, không thể thực hiện một số chính sách có nguy cơ ảnh hưởng tới các mục tiêu chúng ta đã mất nhiều thời gian, công sức góp nhặt qua nhiều năm mới đạt được.

Do đó, việc tính toán thực hiện chính sách tài khóa thắt chặt cũng cần tính đến từ giờ với nhiều phương án đặt ra. Bộ Tài chính tiếp tục điều hành chính sách thu thực hiện theo Chiến lược cải cách hệ thống thuế đến năm 2030; không tận thu nhưng phải đảm bảo thu đúng, thu đủ về ngân sách; cùng với đó điều hành chi ngân sách tiết kiệm, hiệu quả, thực hành tiết kiệm chống lãng phí trên tất cả các lĩnh vực.

PV: Xin cảm ơn ông!