VCCI logo

LIÊN ĐOÀN THƯƠNG MẠI VÀ CÔNG NGHIỆP VIỆT NAM

Vietnam Chamber of Commerce and Industry

Thứ 3, 24/12/2024 | English | Vietnamese

Trang chủTin tổng hợpThống nhất sửa đổi Luật Báo chí trong năm 2025

Thống nhất sửa đổi Luật Báo chí trong năm 2025

10:31:00 AM GMT+7Thứ 5, 12/12/2024

Với 100% các vị có mặt tán thành, sáng 11/12 Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thống nhất bổ sung 4 luật và 1 nghị quyết vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025.

 
thong-nhat-sua-doi-luat-bao-chi-trong-nam-20251733884867.jpg
Ủy ban Thường vụ Quốc hội biểu quyết nhất trí bổ sung 4 luật và 1 nghị quyết vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025.

Chính phủ đề xuất bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025, trình Quốc hội cho ý kiến, thông qua tại Kỳ họp thứ 9 (tháng 5/2025) theo quy trình một kỳ họp: Nghị quyết của Quốc hội về miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp và Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi).

Bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025, trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 9 (tháng 5/2025) và thông qua tại Kỳ họp thứ 10 (tháng 10/2025): Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân; Luật Báo chí (sửa đổi); Luật Luật sư (sửa đổi).

Tòa án nhân dân Tối cao đề xuất bổ sung dự án Luật Phá sản (sửa đổi) vào chương  trình năm sau, trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 9 và thông qua tại Kỳ họp thứ 10.

Về dự thảo Nghị quyết miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Trần Tiến Dũng cho biết có hai chính sách.

Chính sách 1: Quy định về miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp, theo đó việc miễn thuế sử dụng thuế đất nông nghiệp đảm bảo phù họp với chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội.

Chính sách 2: Quy định về thời hạn miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp, theo đó xác định thời gian miễn thuế là 5 năm (tiếp tục miễn thuế từ ngày 01/01/2026 đến hết ngày 31/12/2030).

Dự án Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật sẽ được sửa đổi theo hướng đơn giản hóa quy trình theo hướng cải tiến, thay thế hoặc bớt khâu, đoạn mà thực tiễn thực hiện chứng minh không hiệu quả; rút ngắn thời gian xây dựng, ban hành văn bản để giải quyết các vấn đề cấp bách phát sinh từ thực tiễn.

Đổi mới quy trình, hình thức đăng tải, lấy ý kiến; thực hiện quy trình 2 giai đoạn khi xây dựng luật mới, luật thay thế luật cũ, nghị quyết thí điểm của Quốc hội; những luật, nghị quyết khác chỉ cần đề xuất bố sung vào chương trình; đơn giản hóa quy trình 2 giai đoạn thành 1 giai đoạn, quy trình rút gọn đối với một số luật, nghị quyết của Quốc hội; quy trình xây dựng, ban hành văn bản của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng và của chính quyền địa phương đơn giản hơn theo hướng chỉ thực hiện quy trình 1 giai đoạn (không làm chính sách), đảm bảo ban hành văn bản để kịp thời phản ứng chính sách, quản lý điều hành của Chính phủ, các địa phương và phù hợp với thực tiễn; quy định rõ trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong xây dựng pháp luật, nhất là vị trí của Chính phủ, trách nhiệm của các cơ quan chủ trì đề nghị và soạn thảo văn bản.

Dự án Luât Bảo vệ dữ liệu cá nhân nhằm xây dựng, hoàn thiện pháp luật về bảo vệ dữ liệu cá nhân, tạo hành lang pháp lý cho công tác bảo vệ dữ liệu cá nhân, nâng cao năng lực bảo vệ dữ liệu cá nhân cho các tổ chức, cá nhân tiếp cận trình độ quốc tế, khu vực; đẩy mạnh sử dụng dữ liệu cá nhân đúng pháp luật, phục vụ phát triển kinh tế, xã hội, trên cơ sở cụ thể hóa nội dung, tinh thần của Hiến pháp năm 2013, thể chế chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước về công nhận, tôn trọng, bảo vệ dữ liệu cá nhân, bảo đảm quyền con người, quyền cơ bản của công dân.

Dự án Luật Báo chí (sửa đổi) nhằm thể chế hoá chủ trương, đường lối của Đảng về báo chí, đặc biệt là nội dung định hướng tại Đại hội XIII của Đảng: “Xây dựng nền báo chí, truyền thông chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại” và quy định của Hiến pháp năm 2013.

Luật phá sản được sửa đổi nhằm kịp thời thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng về cải cách tư pháp; khắc phục vướng mắc, bất cập của Luật Phá sản hiện hành; bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất với hệ thống pháp luật; phù hợp với thông lệ quốc tế và điều kiện kinh tế - xã hội của Việt Nam.

Thẩm tra, đa số ý kiến trong Uỷ ban Pháp luật và các cơ quan của Quốc hội tán thành với sự cần thiết bổ sung 4 dự án luật (trừ Luật Luật sư lùi sang năm 2026) và dự thảo Nghị quyết vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025 năm 2025 với những lý do được nêu tại các Tờ trình của Chính phủ và Tòa án nhân dân Tối cao.

Sau khi thảo luận, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội thống nhất với đề xuất của Chính phủ, riêng dự án Luật Luật sư (sửa đổi) ghi nhận sự cần thiết nhưng lùi thời gian trình Quốc hội sang năm 2026.

TheoNguyễn Lê (Báo Đầu tư)
Copy link

Văn bản pháp luật

Liên kết

Website nội bộ của VCCI

Footer logo

Bản quyền bởi Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI 

  Tòa VCCI, Số 9 Đào Duy Anh, Đống Đa, Hà Nội, Việt Nam

Giấy phép xuất bản số 190/GP-TTĐT cấp ngày 27/10/2023

Người chịu trách nhiệm chính: Ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch VCCI

Quản lý và vận hành: Trung tâm Truyền thông và Thông tin Kinh tế - VCCI
Văn Phòng - Lễ tân:  Phụ trách website: Liên hệ quảng cáo:
📞 + 84-24-35742022 📞 + 84-24-35743084 📞 + 84-24-35743084
 + 84-24-35742020   vcci@vcci.com.vn   

Truy cập phiên bản website cũ.                                                     Thiết kế và phát triển bởi ADT Global