Thứ 4, 23/07/2025 | English | Vietnamese
10:53:00 AM GMT+7Thứ 4, 23/07/2025
Bản chất khi nhận cổ tức bằng cổ phiếu và cổ phiếu thưởng dẫn đến tình trạng pháp lý của tài sản thay đổi thì phải thực hiện nghĩa vụ thuế để đảm bảo công bằng, phù hợp với thực tiễn xã hội
Bộ Tài chính đang lấy ý kiến đối với Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 126 năm 2020, trong đó đề xuất: Thuế thu nhập cá nhân (TNCN) sẽ được khấu trừ, kê khai và nộp ngay tại thời điểm cá nhân (cổ đông) nhận được cổ tức trả bằng cổ phiếu và cổ phiếu thưởng đối với người lao động, thay vì chờ đến thời điểm chuyển nhượng như trước đây.
Có nhiều quan điểm khác nhau, nhưng phần lớn đều cho rằng đề xuất này của Bộ Tài chính là chưa phù hợp bởi lý giải cổ phiếu thưởng chưa bán, chưa giao dịch không thể coi là có thu nhập và phải nộp thuế.
Bày tỏ quan điểm về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Được - Chuyên gia về thuế cho rằng, đề xuất của Bộ Tài chính là hợp lý, phù hợp với thực tiễn xét trên nhiều góc độ.
Đầu tiên, xét về nguyên tắc Thuế thu nhập cá nhân (TNCN) được tính trên thu nhập hoặc tài sản dựa trên cơ sở thực nhận (cơ sở tiền mặt) tuy nhiên một số trường hợp vẫn dựa trên cơ sở “dồn tích” tức là tiền chưa thu nhưng có phát sinh giao dịch vẫn phải nộp thuế, nguyên tắc này cũng đã thực hiện ổn định trong pháp luật thuế TNCN. Ví dụ, Thuế TNCN từ chuyển nhượng vốn trong trường hợp bên chuyển nhượng chưa nhận được tiền nhưng vẫn phải kê khai nộp thuế...
Thứ hai, quan điểm thu thuế tại nguồn ngay sau khi nhận cổ tức bằng cổ phiếu của cổ đông và cổ phiếu thưởng đối với người lao động cũng đã góp phần thực hiện đúng mục tiêu mở rộng cơ sở thuế tăng nguồn thu, theo đúng định hướng của quản lý nhà nước.
Thứ ba, đảm bảo tính công bằng giữa các đối tượng người nộp thuế. Ví dụ như người lao động nhận tiền lương, tiền công hoặc một số lợi ích khác bằng tiền hoặc không bằng tiền như chuyến du lịch, thẻ chơi Golf, thẻ tập luyện thể thao hay các lợi ích khác có giá trị sử dụng với thời gian dài (tức là giá trị sử dụng và hưởng lợi chưa thực sự trực tiếp) nhưng đều phải kê khai nộp thuế ngay sau khi nhận.
Do đó, việc người lao động nhận cổ phiếu thưởng phải kê khai nộp thuế đối với thu nhập từ tiền lương, tiền công không chờ đến khi chuyển nhượng, giao dịch cũng là phù hợp để tạo sự công bằng, bình đẳng đối với tất cả người nộp thuế.
Bên cạnh đó, pháp luật thuế TNCN hiện hành cũng quy định cá nhân, tổ chức được thừa kế, được cho, được biếu tặng…Cổ phiếu là các tài sản phải đăng ký quyền sở hữu đều phải kê khai nộp thuế ngay khi được nhận mà không phân biệt đã chuyển nhượng hay giao dịch nhận được tiền hay chưa. Điều này cũng cho thấy cần phải thu thuế ngay sau khi cổ đông nhận cổ tức bằng cổ phiếu để đảm bảo tính công bằng đối với tất cả người nộp thuế.
Có một số quan điểm của các chuyên gia tài chính cho rằng, khi nhận cổ phiếu thưởng, cổ tức, tổng tài sản của người nhận không tăng thêm, tổng giá trị doanh nghiệp cũng không tăng lên, nguồn vốn chủ sở hữu không thay đổi mà chỉ là sự dịch chuyển cơ cấu nguồn vốn tại doanh nghiệp.
Tôi cho rằng các chuyên gia đưa ra nhận định là hoàn toàn đúng. Tuy nhiên, xét về chi tiết nguồn vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp và đặc biệt là tính pháp lý đối với tài sản đã có sự thay đổi, đặc biệt là quyền sở hữu tài sản đã được xác lập.
Cụ thể, trường hợp nhận cổ phiếu thưởng là người lao động của doanh nghiệp. Nguồn gốc của cổ phiếu thưởng được hình thành từ quỹ khen thưởng, phúc lợi được phân bổ từ Lợi nhuận sau thuế sau đó ghi tăng trở lợi nguồn vốn chủ sở hữu (vốn kinh doanh). Như vậy, đã có sự chuyển hóa từ khoản “nợ phải trả” thành “nguồn chủ sở hữu” và đã xác lập người lao động với vai trò là “chủ nợ” thành “chủ sở hữu” của doanh nghiệp.
Địa vị pháp lý của người lao động đã thay đổi, quyền đối với doanh nghiệp là chủ sở hữu đã được xác lập thì việc nhận lợi ích từ quyền này cần được thực hiện nghĩa vụ thuế là phù hợp với đạo lý
Mặt khác, trường hợp trả cổ tức bằng cổ phiếu đối với cổ đông của doanh nghiệp. Mặc dù giá trị của doanh nghiệp và tài sản của cổ đông không tăng lên tại doanh nghiệp bởi việc chia cổ tức bằng cổ phiếu chỉ là chuyển nguồn vốn từ lợi nhuận chưa phân phối sang nguồn vốn kinh doanh.
Nhưng phân tích về góc độ pháp lý, lại hoàn toàn khác bởi lẽ: Cổ tức chưa được chia đang ở khoản mục lợi nhuận chưa phân phối của doanh nghiệp thì vẫn đang là tài sản chung, mỗi cổ đông đều có quyền và nghĩa vụ tương ứng với nó nhưng cổ đông không thể tự định đoạt tài sản này mà quyết định do Đại hội đồng cổ đông quyết định theo nguyên tắc tập thể.
Ngược lại, khi đã chia cổ tức bằng cổ phiếu cho cổ đông, nghĩa là tài sản này đã từ sở hữu chung của DN đồng thời xác lập sở hữu riêng cho cá nhân. Lúc này, người sở hữu có quyền thế chấp, cầm cố, chuyển nhượng và có quyền định đoạt với tài sản này. Như vậy, trạng thái tài sản và quyền, nghĩa vụ của cổ đông đối với phần tài sản của doanh nghiệp đã có sự dịch chuyển và xác lập các quyền, nghĩa vụ mới tăng thêm lợi ích cho cổ đông nên việc thu thuế đối với cổ đông trong trường hợp này cũng là hợp lý.
Một vấn đề nữa là trường hợp chia cổ tức bằng tiền mặt, hay thưởng bằng tiền mặt sau đó công ty tăng vốn bằng cách đi mua lại cổ phiếu của công ty đó rõ ràng cả cổ đông và người lao động đều phải nộp thuế TNCN trước khi sở hữu cổ phiếu.
Còn nếu không chi bằng tiền mặt nhằm tiết kiệm dòng tiền, giảm thủ tục thì lựa chọn chia cổ tức bằng cổ phiếu chỉ là hình thức thực hiện khác nhau nhưng bản chất là như nhau. Bản chất của việc chia cổ tức bằng cổ phiếu là giao dịch trao đổi “hàng với hàng” thay vì tôi trả cổ tức bằng tiền thì tôi trả cổ tức bằng cổ phiếu.
Vì vậy, huy động vốn chia cổ tức bằng cổ phiếu và chia cổ tức bằng tiền mặt sau đó tăng vốn cần được bình đẳng với nhau. Theo đó cả hai hình thức này đều phải nộp thuế TNCN ngay tại thời điểm nhận được lợi ích (bằng tiền hoặc bằng cổ phiếu), để đảm bảo bình đẳng giữa những người nộp thuế và không làm méo mó giao dịch.
Cuối cùng, việc này đảm bảo sự thuận tiện trong quản lý, tiết kiệm thời gian chi phí cho DN cũng như xã hội, phù hợp với thực tiễn. Bởi hiện nay theo quy định của pháp luật thuế, yêu cầu tính giá vốn của phần vốn hay cổ phiếu chuyển nhượng là giá bình quân gia quyền.
Ví dụ, một người đang có 90.000 cổ phiếu, bây giờ nhận được thêm cổ tức bằng cổ phiếu 10.000 cổ phiếu, thành 100.000 cổ phiếu. Giả sử, nếu người này chuyển nhượng trong vòng 10 lần, mỗi lần 10.000 cổ phiếu, theo quy định hiện nay, phải chuyển nhượng 90.000 cổ phiếu có sẵn đã mua trước đây và 1.000 cổ phiếu có nguồn gốc từ nhận cổ tức.
Nếu người được nhận cổ phiếu thưởng chuyển nhượng trong một lần và toàn bộ số cổ nêu trên (100.000 cổ phiếu) thì rất dễ dàng, nhưng có trường hợp chuyển nhượng nhiều lần, mỗi lần một phần nhỏ hoặc thời gian chuyển nhượng sau 5, 10, 15 năm, thậm chí lâu hơn nữa. Tương tự, đối với giao dịch nhận cổ phiếu thưởng của người lao động cũng sẽ có hiện tượng như trên.
Như vậy, người được chia cổ phiếu thưởng và cổ đông nhận cổ tức bằng cổ phiếu cũng phải theo dõi tài sản trong thời gian dài. Phía doanh nghiệp phát hành vốn, công ty chi trả, các đơn vị chứng khoán, Uỷ ban Chứng khoán cũng phải kiểm soát. Cuối cùng, cơ quan thuế cũng phải theo dõi, kiểm tra để thu thuế khi bán cổ phiếu thưởng dẫn đến mất thời gian, lãng phí nguồn lực.
Do đó, việc thu thuế TNCN ngay tại thời điểm trả cổ phiếu thưởng, cổ tức sẽ đảm bảo tính “dứt điểm”, không phải theo dõi về sau, cơ quan quản lý không phải chờ bán cổ phiếu để tính giá và thu thuế TNCN.
Tuy nhiên, cá nhân tôi cho rằng Bộ Tài chính có thể cân nhắc phương án tạm thời chưa thu thuế TNCN cho đến khi có giao dịch chuyển nhượng, chuyển dịch cổ phiếu nhưng ưu tiên cổ phiếu thưởng và cổ phiếu trả thay cổ tức được chuyển nhượng, chuyển dịch trước mỗi khi có giao dịch.
Hay nói cách khác cổ thưởng trong các trường hợp này được xuất bán trước, nhằm hỗ trợ người nộp thuế cũng như giúp cho thị trường chứng khoán được phát triển đồng thời giảm bớt chi phí tuân thủ cho Doanh nghiệp và cơ quan thuế.
Website nội bộ của VCCI
Liên kết nhanh
Bản quyền bởi Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI
Tòa VCCI, Số 9 Đào Duy Anh, Đống Đa, Hà Nội, Việt Nam
Giấy phép xuất bản số 190/GP-TTĐT cấp ngày 27/10/2023
Người chịu trách nhiệm chính: Ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch VCCI
Quản lý và vận hành: Trung tâm Truyền thông và Thông tin Kinh tế - VCCI | ||
Văn Phòng - Lễ tân: | Phụ trách website: | Liên hệ quảng cáo: |
📞 + 84-24-35742022 | 📞 + 84-24-35743084 | 📞 + 84-24-35743084 |
+ 84-24-35742020 | vcci@vcci.com.vn |
Truy cập phiên bản website cũ. Thiết kế và phát triển bởi ADT Global