VCCI logo

LIÊN ĐOÀN THƯƠNG MẠI VÀ CÔNG NGHIỆP VIỆT NAM

Vietnam Chamber of Commerce and Industry

Thứ 5, 09/01/2025 | English | Vietnamese

Trang chủDoanh nghiệpThủ tướng: Việt Nam sửa đổi Luật Điện lực để thuận lợi cho hoạt động hợp tác với doanh nghiệp nước ngoài

Thủ tướng: Việt Nam sửa đổi Luật Điện lực để thuận lợi cho hoạt động hợp tác với doanh nghiệp nước ngoài

10:10:00 AM GMT+7Thứ 7, 02/11/2024

Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định Việt Nam đang sửa đổi Luật Điện lực để tăng quyền tự quyết, chủ động trong hoạt động hợp tác với doanh nghiệp nước ngoài.

Chiều 31/10, tại Thủ đô Doha, trong chương trình thăm chính thức Nhà nước Qatar, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tiếp ông Saad bin Sherida Al Kaabi, Quốc Vụ khanh phụ trách các vấn đề năng lượng Qatar, kiêm Giám đốc Điều hành Công ty QatarEnergy.

Cùng dự có Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên và các thành viên trong Đoàn công tác cấp cao Việt Nam.

Tài nguyên chính của Qatar là khí đốt với trữ lượng hơn 25.000 tỉ m3, đứng thứ 3 thế giới; dầu mỏ với trữ lượng 25,24 tỉ thùng (đứng thứ 14 thế giới), sản lượng 1,53 triệu thùng/ngày. Đây là quốc gia xuất khẩu khí hóa lỏng (LNG) lớn nhất thế giới.

QatarEnergy là công ty dầu khí nhà nước của Qatar, chịu trách nhiệm quản lý tất cả các hoạt động dầu khí trong nước, là một trong những nhà sản xuất khí tự nhiên hóa lỏng hàng đầu thế giới.

Thủ tướng đề nghị Qatar đẩy mạnh đầu tư, giúp Việt Nam tăng khả năng tự chủ trong phát triển khí LNG
Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tiếp ông Saad bin Sherida Al Kaabi, Quốc Vụ khanh phụ trách các vấn đề năng lượng Qatar, kiêm Giám đốc Điều hành Công ty QatarEnergy.

Tại cuộc tiếp, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, trước đó Thủ tướng cùng Đoàn công tác đã có cuộc hội đàm, hội kiến thành công với Quốc vương, Thủ tướng và Chủ tịch Quốc hội Qatar với nhiều kết quả nổi bật. Trong các cuộc hội đàm, hội kiến, hai bên nhất trí, ghi nhận những kết quả đáng khích lệ trong quan hệ song phương hơn 30 năm qua (1993-2024); thống nhất một số định hướng, biện pháp cụ thể nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả hợp tác song phương trong thời gian tới; nhất trí đặt mục tiêu sớm nâng cấp quan hệ Việt Nam-Qatar lên tầm cao mới.

Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, trong các cuộc hội kiến, hội đàm, trao đổi về hợp tác năng lượng (gồm năng lượng truyền thống và năng lượng mới) là một trong những nội hàm ưu tiên của hai nước, đây cũng là lĩnh vực thế mạnh của Qatar và Việt Nam có nhu cầu hợp tác. Hai bên thống nhất cần đàm phán hiệp định về nội dung này, giao Bộ Công Thương Việt Nam và Quốc Vụ khanh phụ trách các vấn đề năng lượng Qatar trao đổi cụ thể các biện pháp tăng cường hợp tác.

Hiện thực hóa các thỏa thuận, trao đổi từ lãnh đạo cấp cao hai nước, Thủ tướng đề nghị Qatar hỗ trợ Việt Nam trong lĩnh vực năng lượng, tăng cường và duy trì đều đặn cung ứng các sản phẩm năng lượng như dầu thô, khí đốt, hóa chất nhất là LNG để phục vụ bảo đảm cung ứng điện.

“Qatar là quốc gia sản xuất, xuất khẩu khí LNG hàng đầu thế giới, do vậy, Việt Nam mong muốn hợp tác với Qatar trong lĩnh vực này để xây dựng các nhà máy sản xuất khí LNG tại Việt Nam”- Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu.

Thủ tướng nhấn mạnh rằng, ông thực sự quan tâm đến hoạt động mở rộng đầu tư của doanh nghiệp Qatar tại Việt Nam trong lĩnh vực điện khí, bởi từ nay đến 2030, Việt Nam cần thêm từc 35.000 - 40.000 MW công suất điện khí, điện gió…

Thủ tướng đề nghị Quốc vụ khanh chỉ đạo và Công ty QatarEnergy tăng cường đầu tư, đẩy mạnh hợp tác dầu khí, năng lượng với các đối tác Việt Nam, đặc biệt với Tập đoàn Dầu khí Việt Nam để tăng cường khả năng tự chủ của Việt Nam trong lĩnh vực sản xuất điện khí; cũng như hợp tác triển khai các dự án thăm dò, khai thác và chế biến dầu khí, điện gió ngoài khơi, năng lượng mặt trời, hydrogen…

Thủ tướng: Việt Nam sửa đổi Luật Điện lực để thuận lợi cho hoạt động hợp tác với doanh nghiệp nước ngoài
Thủ tướng đề nghị Quốc vụ khanh chỉ đạo và Công ty QatarEnergy tăng cường đầu tư, đẩy mạnh hợp tác dầu khí, năng lượng với các đối tác Việt Nam, đặc biệt với Tập đoàn Dầu khí Việt Nam. Ảnh: Nguyên Minh

Về phần mình, Quốc vụ khanh Saad bin Sherida Al Kaabi cảm ơn những thông tin rất toàn diện, rõ ràng về những tiềm năng, thế mạnh tại thị trường Việt Nam mà Thủ tướng vừa cung cấp. Quốc vụ khanh Saad bin Sherida Al Kaabi nhất trí cao và hoàn toàn ủng hộ với những đề nghị hợp tác của Thủ tướng. Ông khẳng định đây là những lĩnh vực rất tiềm năng, nhất là điện khí, LNG…

Trước buổi tiếp của Thủ tướng, chúng tôi cũng đã có buổi làm việc với lãnh đạo Tập đoàn Dầu khí Việt Nam. Chúng tôi đang đàm phán về các dự án hợp tác cụ thể” - Quốc vụ khanh Saad bin Sherida Al Kaabi thông tin.

Chia sẻ về những định hướng, kế hoạch đầu tư, mở rộng đầu tư kinh doanh về LNG, Quốc vụ khanh Saad bin Sherida Al Kaabi, Qatar thường xây dựng các hợp đồng kinh doanh dài hạn từ 15 năm trở lên, có những quốc gia lên đến 27 năm… Hiện nay, Qatar đang hợp tác phát triển khí LNG với nhiều quốc gia như: Trung Quốc, Bangladesh, Pakistan, Nhật Bản… vì vậy chúng tôi có nhiều kinh nghiệm trong quá trình xây dựng triển khai các dự án điện khí.

Bên cạnh thế mạnh về khí LNG, Quốc vụ khanh Saad bin Sherida Al Kaabi còn cho biết, Qatar còn là quốc gia đi đầu thế giới trong sản xuất phân bón ure… do vậy, Quốc vụ khanh bày tỏ ủng hộ việc đàm phán, ký kết văn kiện hợp tác với phía Việt Nam về năng lượng, khí đốt, đồng thời đề xuất đàm phán thỏa thuận về sản xuất, cung ứng phân đạm ure -một sản phẩm chế biến từ dầu khí.

Về các dự án năng lượng mới, Công ty sẵn sàng kết nối các doanh nghiệp hợp tác, đầu tư với các đối tác Việt Nam. Quốc vụ khanh cho biết sẽ tới Việt Nam để trao đổi, thúc đẩy về các dự án hợp tác cụ thể; đồng thời bày tỏ mong chờ Luật Điện lực sớm được Quốc hội thông qua trong thời gian tới để làm nền tảng cho hai bên đi vào các thỏa thuận hợp tác cụ thể.

Quốc vụ khanh cũng nhất trí với quan điểm của Thủ tướng Phạm Minh Chính về hợp tác trong lĩnh vực này cần lâu dài, ổn định với lộ trình, bước đi phù hợp, "không bỏ lỡ cơ hội hợp tác". Thủ tướng đề nghị giá cả theo cơ chế thị trường, công khai, minh bạch và phù hợp với điều kiện Việt Nam là nước đang phát triển.

Cảm ơn những chia sẻ từ Quốc vụ khanh Saad bin Sherida Al Kaabi, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, Việt Nam đang sửa đổi Luật Điện lực, các quy định liên quan theo hướng giảm can thiệp hành chính, tăng sự chủ động và quyền tự quyết của doanh nghiệp để tạo thuận lợi hơn nữa cho hoạt động hợp tác của các nhà đầu tư nước ngoài với các đối tác trong nước.

Cũng tại buổi tiếp, trao đổi về các dự án hợp tác giữa Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và các doanh nghiệp Qatar, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, Chính phủ Việt Nam cũng như Bộ Công Thương luôn ủng hộ các hoạt động hợp tác đầu tư của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam với các đối tác. Mục tiêu cao nhất là đảm bảo nguồn khí cho các nhà máy sản xuất điện, từ đó đảm bảo nguồn điện cung ứng phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân và phục vụ sự phát triển của nền kinh tế.

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cùng Đoàn công tác Bộ Công Thương tháp tùng Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Phu nhân trong chuyến thăm chính thức Qatar từ ngày 30/10 đến ngày 1/11 theo lời mời của Thủ tướng Nhà nước Qatar Sheikh Mohammed bin Abdulrahman bin Jasim Al-Thani.

Đi cùng Bộ trưởng, có đại diện lãnh đạo các đơn vị chức năng thuộc Bộ như: Vụ Thị trường châu Á - châu Phi, Vụ Chính sách thương mại đa biên, Ban Chỉ đạo liên ngành hội nhập quốc tế về kinh tế, Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, Báo Công Thương, Văn phòng Bộ...

TheoKhánh An (Báo Công Thương)
Copy link

Văn bản pháp luật

Liên kết

Website nội bộ của VCCI

Footer logo

Bản quyền bởi Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI 

  Tòa VCCI, Số 9 Đào Duy Anh, Đống Đa, Hà Nội, Việt Nam

Giấy phép xuất bản số 190/GP-TTĐT cấp ngày 27/10/2023

Người chịu trách nhiệm chính: Ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch VCCI

Quản lý và vận hành: Trung tâm Truyền thông và Thông tin Kinh tế - VCCI
Văn Phòng - Lễ tân:  Phụ trách website: Liên hệ quảng cáo:
📞 + 84-24-35742022 📞 + 84-24-35743084 📞 + 84-24-35743084
 + 84-24-35742020   vcci@vcci.com.vn   

Truy cập phiên bản website cũ.                                                     Thiết kế và phát triển bởi ADT Global