![]() |
Bộ trưởng Bộ Tài chính Việt Nam Nguyễn Văn Thắng (bên trái) tại Hội nghị. |
Bộ Tài chính Việt Nam đã tích cực đóng góp vào kết quả chung
Theo tiến trình của các hội nghị, sáng ngày 10/4, đã diễn ra Hội nghị Bộ trưởng Tài chính ASEAN lần thứ 29. Tại hội nghị này, các Bộ trưởng Tài chính trong khu vực đã cùng thảo luận về tiến bộ của nhiều hợp tác tài chính quan trọng trong ASEAN như: Tài chính cơ sở hạ tầng; Hợp tác trong các vấn đề bảo hiểm; Tài trợ và bảo hiểm rủi ro thiên tai ASEAN (ADRFI); Diễn đàn ASEAN về thuế; Hợp tác trong lĩnh vực hải quan; Cơ chế một cửa ASEAN; Diễn đàn Kho bạc ASEAN...
“Phát triển tài chính xanh là một trong những trụ cột ưu tiên của Chính phủ Việt Nam nhằm hiện thực hóa cam kết đạt phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050. Chúng tôi đã ban hành Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030, cùng với hệ thống chính sách, quy định pháp lý định hình khung khổ cho tài chính xanh, bao gồm cả cơ chế ưu đãi đối với phát hành trái phiếu xanh và các hướng dẫn xác định, phân loại dự án xanh” - Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng. |
Tại đây, các Bộ trưởng Bộ Tài chính và các đại biểu đã thông quan Sáng kiến thành lập Ủy ban Công tác liên ngành ASEAN (ACS-WC), đồng thời Quỹ Cơ sở hạ tầng ASEAN (AIF) cũng ra mắt Kế hoạch hành động AIF 2025 - 2028.
Phát biểu tại Hội nghị, đại diện Bộ Tài chính Việt Nam đã ghi nhận kết quả của các diễn đàn hợp tác tài chính ASEAN trong năm 2024 và đánh giá cao nỗ lực của các diễn đàn đã triển khai các nội dung hợp tác theo chỉ đạo của các Bộ trưởng.
Trong năm 2024, Bộ Tài chính Việt Nam đã tích cực đóng góp vào kết quả chung của các nhóm công tác. Việt Nam với vai trò Chủ tịch Hải quan ASEAN giai đoạn 2024 - 2025 đã tích cực thúc đẩy, kết nối các nước thành viên để thúc đẩy các sáng kiến hợp tác hải quan trong ASEAN. Tháng 6/2024, Hải quan Việt Nam đã tổ chức thành công Hội nghị Tổng cục trưởng Hải quan ASEAN lần thứ 33 tại Phú Quốc, Việt Nam. Trong các lĩnh vực hợp tác tài chính khác như thuế, kho bạc, bảo hiểm, Bộ Tài chính Việt Nam cũng đã phối hợp chặt chẽ với các nước thành viên trong các sáng kiến hợp tác, chia sẻ thông tin và kinh nghiệm, hợp tác đào tạo nâng cao năng lực.
“Việt Nam cam kết tiếp tục đồng hành, phối hợp chặt chẽ với các quốc gia thành viên ASEAN trong việc triển khai các sáng kiến tài chính khu vực, đóng góp tích cực vào mục tiêu xây dựng một Cộng đồng ASEAN “kết nối hơn, bền vững hơn và bao trùm hơn” trong tương lai” - đại diện Bộ Tài chính Việt Nam nhấn mạnh.
![]() |
Bộ trưởng Bộ Tài chính Việt Nam Nguyễn Văn Thắng (thứ ba, từ phải sang) và các đại biểu tại Hội nghị Bộ trưởng Tài chính ASEAN và Hội nghị Thống đốc các Ngân hàng Trung ương ASEAN lần thứ 12 (AFMGM-12). Ảnh: Thái Duy |
Buổi chiều cùng ngày, Hội nghị Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Trung ương ASEAN (AFMGM) lần thứ 12 đã khai mạc với phần phát biểu chào mừng của Ngài Dato’ Seri Anwar Ibrahim, Thủ tướng Malaysia. Hội nghị thông qua chương trình nghị sự, đồng thời xem xét nội dung tóm tắt về các Mục tiêu Kinh tế ưu tiên cho năm 2025 trong kênh tài chính; về Kế hoạch Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) và Kế hoạch chiến lược AEC 2026 - 2030; Lộ trình hội nhập tài chính và tiền tệ của ASEAN (RIA-FIN) và các sáng kiến khác theo quy trình của Bộ trưởng Tài chính ASEAN và Thống đốc Ngân hàng Trung ương; về dự án tinh gọn và một số vấn đề khác.
Nhiều vấn đề quan trọng về tài chính, thương mại được quan tâm thảo luận
Trước đó, trong sáng ngày 9/4, đã diễn ra nhiều hội nghị quan trọng bên lề. Bộ trưởng Bộ Tài chính Việt Nam Nguyễn Văn Thắng đã tham dự 3 Hội nghị đối thoại giữa Bộ trưởng, Thống đốc Ngân hàng Trung ương ASEAN với Hội đồng Kinh doanh ASEAN - Hoa Kỳ (AFMGM - US ABC), Hội đồng Kinh doanh ASEAN - EU (AFMGM - EU ABC), và Hội đồng Tư vấn Kinh doanh ASEAN (AFMGM - ABAC).
Tại các hội nghị, Bộ trưởng Bộ Tài chính Việt Nam Nguyễn Văn Thắng đã phát biểu, cập nhật thông tin, nêu các quan điểm và sáng kiến của Việt Nam nhằm thúc đẩy hợp tác giữa các nước ASEAN và giữa ASEAN với cộng đồng doanh nghiệp quốc tế.
Theo đó, phát biểu tại phiên đối thoại với US ABC, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho rằng, việc Hoa Kỳ áp thuế đối ứng cao đối với hàng hóa xuất khẩu từ nhiều nước ASEAN đang là vấn đề được ASEAN đặc biệt quan tâm.
“Chúng tôi mong muốn các doanh nghiệp ở đây sẽ có tiếng nói mạnh mẽ với Chính phủ Hoa Kỳ để có các điều chỉnh chính sách phù hợp với quan hệ tốt đẹp giữa Hoa Kỳ và các quốc gia ASEAN, có cân nhắc tới hoàn cảnh kinh tế của mỗi nước. Điều này sẽ đem lại lợi ích không chỉ cho các nước ASEAN mà còn là lợi ích của cả phía Hoa Kỳ, và lợi ích của chính các doanh nghiệp ở đây” - Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng nói.
Bộ trưởng cho biết thêm, Việt Nam cam kết tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian ra quyết định, đảm bảo sự đồng bộ và ổn định các quy định pháp luật, thúc đẩy hội nhập kinh tế - tài chính trong khuôn khổ ASEAN, đóng góp tích cực vào quá trình tăng cường kết nối đầu tư, thương mại và tài chính khu vực.
Thảo luận tại Hội nghị Đối thoại với EU ABC, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng khẳng định, Việt Nam mong muốn tăng cường hợp tác với các đối tác châu Âu - những nước tiên phong về phát triển bền vững - trong việc chia sẻ kinh nghiệm quản lý, hoàn thiện thể chế và thu hút nguồn vốn tài chính xanh. “Đặc biệt, chúng tôi khuyến khích các doanh nghiệp và tổ chức tài chính châu Âu đầu tư vào các lĩnh vực then chốt như: hạ tầng xanh, năng lượng tái tạo, giao thông bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu” - Bộ trưởng nói.
Tiếp đó, tham gia thảo luận tại Hội nghị Đối thoại AFMGM - ABAC, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho rằng, với vị trí địa chiến lược thuận lợi ở trung tâm Đông Nam Á, Việt Nam đang ngày càng trở thành điểm đến hấp dẫn trong chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu. Việt Nam đã và đang đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư, đơn giản hóa thủ tục hành chính và nâng cao năng lực hạ tầng logistics, nhằm hỗ trợ hiệu quả hơn cho hoạt động sản xuất - kinh doanh và thương mại xuyên biên giới.
ASEAN cam kết ủng hộ hệ thống thương mại đa phương trước biến động toàn cầu Cuối ngày 10/4, Hội nghị Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Trung ương ASEAN lần thứ 12 (AFMGM-12) đã kết thúc và ra tuyên bố chung, thể hiện quan điểm thống nhất trước các thách thức kinh tế khu vực và toàn cầu. Tuyên bố chung nhấn mạnh sự kiên cường của ASEAN trước những "cơn gió ngược" từ bên ngoài khu vực, đặc biệt trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu đang đối mặt với nhiều bất ổn như tăng trưởng chậm lại, thương mại quốc tế thu hẹp và dòng vốn đầu tư suy giảm. Các nước ASEAN bày tỏ lo ngại trước diễn biến liên quan đến chính sách thuế quan mới của các nền kinh tế lớn, cảnh báo những bất ổn do việc áp đặt thuế quan và các biện pháp trả đũa có thể gây ra rủi ro lớn đối với dòng vốn và tỷ giá hối đoái của khu vực. ASEAN cam kết theo dõi sát diễn biến và sẵn sàng hành động khi cần thiết để ứng phó với các biến động kinh tế. Bên cạnh đó, các Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Trung ương ASEAN cũng tái khẳng định cam kết với hệ thống thương mại đa phương, toàn diện và dựa trên luật lệ, đồng thời khẳng định sẽ hợp tác mang tính xây dựng với tất cả các đối tác, trong đó có cả Hoa Kỳ, để tìm ra các giải pháp cân bằng, hướng tới tương lai để hỗ trợ nền kinh tế toàn cầu trở nên bền vững và có khả năng phục hồi… ASEAN cũng nhấn mạnh sẽ không thực hiện các biện pháp trả đũa nhằm đối phó chính sách thuế quan của Hoa Kỳ. |