Thứ 5, 28/11/2024 | English | Vietnamese
10:35:00 AM GMT+7Thứ 2, 21/10/2024
Nguồn lực tài chính để phát triển công nghệ mới, vật liệu mới cho sản xuất sản phẩm xanh, kinh tế xanh, tái tạo rừng tự nhiên, chuyển đổi năng lượng cũng như tiêu dùng xanh cần phải được phát triển theo hướng khuyến khích về lãi suất, kỳ hạn cho vay, điều kiện tín dụng, thuế, thưởng, phạt.
Tại Hội nghị lần thứ 28 các bên tham gia Công ước khung về biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc (COP28), các quốc gia và tổ chức quốc tế đã đồng lòng cam kết tập trung đầu tư vào các lĩnh vực then chốt mà tài chính xanh là một trụ cột quan trọng.
Trong lộ trình hướng tới nền kinh tế phát thải thấp và thích ứng với biến đổi khí hậu, các quốc gia đã nhất trí tập trung hoàn thiện chính sách hỗ trợ phát triển hệ thống tài chính xanh, làm cho nguồn tài chính này trở nên dễ tiếp cận hơn và sẵn có hơn; phát triển thị trường carbon, tạo nguồn lực cho giảm phát thải và thích ứng với biến đổi khí hậu; có cơ chế thu hút mạnh mẽ sự tham gia của khu vực tư nhân cho nỗ lực ứng phó với biến đổi khí hậu tại các nước đang phát triển.
Nhằm mang đến cái nhìn sâu sắc hơn về câu chuyện phát triển tài chính xanh nói chung và thị trường carbon nói riêng trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu, Tạp chí Đầu tư Tài chính đã có cuộc trò chuyện với TS Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia tài chính - ngân hàng, Ủy viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ Quốc gia, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh doanh (BID), Viện trưởng Viện Tư vấn phát triển tài chính carbon (CODE).
- Tại COP28, phát triển tài chính xanh đã được nhấn mạnh như một trụ cột không thể thiếu trong quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế carbon thấp và đối phó với biến đổi khí hậu toàn cầu. Vì sao lại như vậy, thưa ông?
TS Lê Xuân Nghĩa: Tài chính xanh ra đời trong bối cảnh thế giới đang tiến gần hơn tới ngưỡng báo động về vấn đề khí hậu. Khái niệm này được khởi xướng bởi các nước phát triển như một cách để giải quyết “thảm họa” do chính họ tạo ra.
Nói như vậy là bởi trong cuộc cách mạng công nghiệp, các quốc gia phát triển đã sử dụng than đá làm nhiên liệu để sưởi ấm, sản xuất điện, luyện kim,… và thải ra một lượng lớn CO2 vào khí quyển. Trong 250 năm đó, Bắc Mỹ đã phát thải 400 tỷ tấn CO2, còn châu Âu thải ra 350 tỷ tấn. Đáng nói, CO2 không dễ phân hủy mà cần từ 100 đến 1.000 năm để được loại bỏ hoàn toàn khỏi bầu khí quyển. Hậu quả mà nó để lại vô cùng nặng nề và lâu dài.
Chúng ta cứ hình dung thế này, trước cuộc cách mạng công nghiệp, nồng độ CO2 trong bầu khí quyển được duy trì ổn định ở mức khoảng 280 ppm trong hàng chục ngàn năm. Thế nhưng, kể từ khi cuộc cách mạng công nghiệp diễn ra với khởi đầu là khai thác than đá và nay là dầu mỏ, con số này đã vọt lên 412 ppm - mức cao kỷ lục trong 4 triệu năm qua.
Nồng độ CO2 trong khí quyển cao là một trong những nguyên nhân gây hiệu ứng nhà kính, khiến Trái Đất nóng lên, làm gia tăng tình trạng biến đổi khí hậu, dẫn tới những hiện tượng thời tiết cực đoan như mưa bão, lũ lụt, hạn hán,… và những thảm hoạ như cháy rừng, tan băng, tăng mực nước biển, giảm đa dạng sinh học,... Chúng diễn biến một cách phức tạp, khó kiểm soát, gây ảnh hưởng tiêu cực tới kinh tế, xã hội, môi trường, đe dọa tính mạng và sinh kế của hàng tỷ người trên thế giới.
Nhận thức được mức độ cấp bách của tình hình, các nước phát triển muốn sớm chấm dứt kỷ nguyên than đá và chuyển đổi sang một thế giới phát thải carbon thấp. Quá trình này đòi hỏi một nguồn vốn lớn và dài hạn. Chính vì vậy, các nước phát triển đã tiên phong phát triển tài chính xanh như một kênh dẫn vốn, cung cấp nguồn lực cần thiết để chuyển đổi năng lượng, đầu tư vào các dự án năng lượng tái tạo, phát triển công nghệ sạch.
Bên cạnh đó, tài chính xanh còn bao gồm các vấn đề vĩ mô khác như chính sách thuế carbon, chính sách thưởng phạt đối với phát thải carbon, các quy định bắt buộc về báo cáo và kiểm kê phát thải khí nhà kính, cũng như các yêu cầu trong khung ESG.
- Ông đánh giá thế nào về sự phát triển tài chính xanh trên thế giới hiện nay? Đâu là khu vực đang dẫn đầu, thưa ông?
Sự phát triển tài chính xanh trên thế giới hiện nay đang diễn ra một cách không đồng đều.
Như một lẽ dĩ nhiên, châu Âu, với lịch sử phát thải dài hơn hai thế kỷ, nhận thấy trách nhiệm của mình trong việc gây ra hiệu ứng nhà kính, là khu vực dẫn đầu trong việc áp dụng các chính sách nghiêm ngặt để chống phát thải khí nhà kính xuyên biên giới. Cụ thể, Đạo luật về Cơ chế Điều chỉnh Biên giới Carbon (CBAM) yêu cầu tất cả các doanh nghiệp tại châu Âu phải thống kê, báo cáo và kiểm định lượng phát thải khí nhà kính của mình, nếu thải vượt quá hạn ngạch do Chính phủ cấp phải mua tín chỉ carbon để bù trừ.
Nếu không thực hiện bù trừ, doanh nghiệp sẽ bị đánh thuế hoặc phạt. Mức thuế hiện đang được áp dụng là 2,5% giá trị của tín chỉ carbon. Ví dụ, nếu tín chỉ carbon có giá 100 USD và doanh nghiệp phát thải vượt 1 tấn, thì phải chịu phạt 2,5 USD. Mức thuế này sẽ tăng dần, lên mức 50% vào năm 2030 và 100% vào năm 2034, tạo sức ép ngày càng lớn đối với các doanh nghiệp để tuân thủ quy định về phát thải khí nhà kính.
Mặt khác, để tránh việc các nước đang phát triển đi vào “vết xe đổ” của mình, các nước phát triển đã rót tiền vào các quỹ tài chính xanh, chẳng hạn như Quỹ Đầu tư Khí hậu Toàn cầu (GCF - Green Climate Fund) và Quỹ Tài chính Môi trường Toàn cầu (GEF - Global Environment Facility), qua đó làm cho nguồn tài chính xanh trở nên dễ tiếp cận hơn và sẵn có hơn.
Mới đây nhất, cơ chế Đối tác Chuyển đổi Năng lượng Công bằng (JETP - Just Energy Transition Partnership) đã được thành lập, nhằm hỗ trợ các nước đang phát triển đạt mục tiêu phát thải nhà kính ròng bằng 0 và chuyển đổi từ các nguồn nhiên liệu hóa thạch. Quỹ JETP đã dành 15,5 tỷ USD cho Việt Nam để chuyển đổi từ năng lượng hóa thạch sang năng lượng tái tạo.
Tuy nhiên, tôi muốn nhấn mạnh rằng, đó không phải “ân huệ” mà là “món nợ” mà các nước phát triển phải trả cho các nước đang phát triển.
Phải nhìn nhận rất rõ rằng, các nước đang phát triển đang phải chịu thiệt đơn thiệt kép. Họ còn chưa kịp phát triển, chưa chưa kịp phát thải hoặc phát thải chưa đáng kể thì đã phải chịu trách nhiệm về hậu quả của việc các nước phát triển phát thải trong suốt 250 năm. Ví dụ như Việt Nam, một năm phát thải 344 triệu tấn CO2, con số này rõ ràng là chẳng thấm vào đâu so với 3 tỷ tấn CO2 của Trung Quốc, 10 tỷ tấn CO2 của châu Âu hay 15 tỷ tấn CO2 của Ấn Độ.
Do đó, không chỉ các Chính phủ, mà cả các tập đoàn lớn và tổ chức tài chính quốc tế như Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), Tập đoàn Tài chính Quốc tế (IFC), Ngân hàng Quốc tế,… cũng tài trợ vốn cho các nước đang phát triển thực hiện các chương trình sản xuất biogas, trồng và phát triển rừng, chuyển đổi năng lượng, xử lý rác thải rắn và khí thải, quản lý nguồn nước.
- Ông đánh giá như thế nào về thực trạng phát triển tài chính xanh tại Việt Nam hiện nay?
Tài chính xanh bắt đầu xuất hiện và phổ biến tại Việt Nam khoảng 3 năm gần đây nhưng trong quá trình triển khai vẫn còn nặng về hình thức.
Về nguồn vốn, tôi cho rằng, bản chất vẫn là “rót nước thường” vào “bình xanh”. Thực tế, các khoản tín dụng xanh và trái phiếu xanh dành cho các dự án điện gió, điện mặt trời,… vẫn chỉ là những khoản cho vay hoặc đầu tư thông thường với đầy đủ điều kiện về tài sản đảm bảo, lãi suất, kỳ hạn mà không có ưu tiên, ưu đãi nào.
Tính đến ngày 31/03/2024, đã có 47 tổ chức tín dụng phát sinh dư nợ tín dụng xanh với dư nợ đạt gần 637.000 tỷ đồng, chỉ chiếm khoảng 4,5% tổng dư nợ toàn nền kinh tế. Nguồn vốn tín dụng xanh tập trung chủ yếu vào các ngành năng lượng tái tạo, năng lượng sạch (chiếm tỷ trọng gần 45%) và nông nghiệp xanh (gần 30%). Trong khi đó, trái phiếu xanh, hiện tại, mới chỉ có một số ít đơn vị phát hành như BIDV, EVNFinance,… Con số 1,16 tỷ USD vẫn là một con số nhỏ bé so với nhu cầu vốn khoảng 20 tỷ USD/năm để thực hiện các mục tiêu chuyển đổi xanh.
Mặt khác, Việt Nam cũng chưa có quỹ tài chính xanh với hệ thống chính sách tài trợ tín dụng cho các dự án chuyển đổi năng lượng, tái tạo rừng, phát triển công nghệ sạch, công nghệ xanh.
Chúng ta có một quỹ là Quỹ Bảo vệ Môi trường Việt Nam do Bộ Tài nguyên và Môi trường quản lý với tổng nguồn vốn 1.800 tỷ đồng, chỉ cho vay vào các dự án xử lý rác thải với điều kiện nghiêm ngặt như những khoản tín dụng bình thường. Để vay tiền từ quỹ này, doanh nghiệp cũng cần phải có tài sản đảm bảo, tuân thủ hạn mức tín dụng, ưu đãi duy nhất là lãi suất thấp hơn thị trường 2%/năm. Theo tôi, đây chưa thể được coi là một quỹ tài chính xanh và quy mô của nó lại càng không tương xứng với nhu cầu về tài chính xanh mà Ngân hàng Thế giới ước tính cần tới 360 – 400 tỷ USD để Việt Nam chuyển đổi năng lượng, giảm phát thải khí nhà kính từ nay đến năm 2030.
Về mặt chính sách, Việt Nam đã có những bước đi đầu tiên, thể hiện qua quy định bắt buộc doanh nghiệp, các ngành phải kiểm kê và báo cáo phát thải khí nhà kính. Các bộ, ngành cũng đã ban hành thông tư hướng dẫn về hạch toán, kiểm kê khí nhà kính. Tháng 8/2023, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã công bố sổ tay hướng dẫn về việc kiểm kê và báo cáo phát thải khí nhà kính đối với các công ty niêm yết. Tuy nhiên, cho đến nay, Chính phủ vẫn chưa ban hành hạn mức phát thải khí nhà kính cho doanh nghiệp, chưa có hệ thống thuế, phí, mức phạt về phát thải khí nhà kính.
Hiện tại, Chính phủ đang chuẩn bị xây dựng sàn giao dịch tín chỉ carbon, dự kiến áp dụng vào năm 2028. Nhìn chung, tài chính carbon tại Việt Nam vẫn đang còn rất sơ khai, chưa có tác động cụ thể nào nhằm hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp phát triển các vật liệu, công nghệ xanh, phát triển rừng tự nhiên, quản lý nguồn nước của đồng bằng, rừng ngập mặn, cỏ biển, san hô. Ngay cả nguồn vốn 15,5 tỷ USD dành cho chuyển đổi năng lượng và cải tiến công nghệ cũng chưa tìm thấy dự án vay hoặc nhận tài trợ.
Trên thực tế, các doanh nghiệp tiên phong trong lĩnh vực chuyển đổi xanh đều đang làm việc bằng chính nguồn lực tài chính của họ hoặc vay được từ các đối tác bên ngoài. Chẳng hạn như Vinfast – doanh nghiệp sản xuất xe điện Vingroup hay dự án sản xuất gạo của Lộc Trời. Trong khi đó, các doanh nghiệp tái chế đều đang gặp khó khăn lớn về tài chính, chưa nhận được sự khuyến khích và ủng hộ mạnh mẽ của cả người tiêu dùng và Chính phủ.
- Trong hành trình chuyển đổi xanh, Việt Nam đã không ngừng đẩy mạnh hợp tác quốc tế. Là người tham gia vào quá trình thúc đẩy này, xin ông cho biết chúng ta đã làm được gì?
Dù Việt Nam chưa chính thức triển khai sàn tín chỉ carbon, chúng ta đã có những bước tiến đáng kể trong việc thúc đẩy hợp tác quốc tế và khẳng định vai trò của mình trên thị trường tín chỉ carbon toàn cầu. Một ví dụ rõ ràng là sự tham gia của các doanh nghiệp Việt Nam vào việc trao đổi tín chỉ carbon tự nguyện thông qua các chương trình và dự án theo cơ chế phát triển sạch (CDM - Clean Development Mechanism). Những hoạt động này không chỉ góp phần vào việc giảm phát thải mà còn gây ấn tượng mạnh về tiềm năng phát triển của tín chỉ carbon tại Việt Nam.
Ngoài việc ký các hiệp định khung theo Nghị định thư Kyoto, Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu, vừa qua, chúng ta đã lần đầu tiên bán tín chỉ carbon rừng (tín chỉ hấp thụ carbon) của 6 tỉnh Bắc Trung Bộ với mức giá 5 USD/tấn cho Ngân hàng Thế giới (WB). Mức giá này khá cao nhưng WB vẫn tặng lại cho Việt Nam tới 95% để đóng NDC (đóng góp do quốc gia tự quyết định về giảm phát thải khí nhà kính) theo cam kết lộ trình Net Zero vào năm 2050.
Bên cạnh đó, Việt Nam cũng đang tiến hành đàm phán về việc chuyển nhượng 5,15 triệu tín chỉ carbon rừng của 11 tỉnh Nam Trung Bộ và Tây Nguyên theo phương thức mua và tặng lại để Việt Nam đóng góp NDC với mức giá 10 USD/tấn. Trong trường hợp Việt Nam muốn bán đứt thì mức giá là 20 USD/tấn. Ngoài ra, có thể kể đến dự án Biogas với sự tham gia của 17.000 hộ dân nhằm bán để khai thác và bán 170.000 tấn tín chỉ carbon. Đây là những bước đầu tiên nhằm khởi động tiến trình kiểm kê, kiểm toán, thẩm định tín chỉ carbon.
Cùng với đó, Việt Nam cũng đã phối hợp với các tổ chức tài chính và tư vấn quốc tế tổ chức nhiều tọa đàm, nhằm truyền thông mạnh mẽ về các chương trình tài chính carbon từ các nguồn tài trợ bên ngoài như quỹ giảm phát thải công bằng hay các nguồn lực tài chính của doanh nghiệp.
Để thực hiện được cam kết Net Zero, chúng ta sẽ cần thêm những giải pháp nào, thưa ông?
Mục tiêu Net Zero vào năm 2050 mà Thủ tướng Chính phủ đã cam kết và chiến lược mà Chính phủ đã ban hành cần phải được đôn đốc thực hiện, giám sát từ phía các Bộ, ngành, địa phương một cách mạnh mẽ hơn nữa.
Bên cạnh đó, nguồn lực tài chính để phát triển công nghệ mới, vật liệu mới cho sản xuất sản phẩm xanh, kinh tế xanh, tái tạo rừng tự nhiên, chuyển đổi năng lượng cũng như tiêu dùng xanh cần phải được phát triển theo hướng khuyến khích về lãi suất, kỳ hạn cho vay, điều kiện tín dụng, thuế, thưởng, phạt. Có như vậy, chúng ta mới có thể giảm nhanh phát thải khí nhà kính theo lộ trình đã đề ra.
Website nội bộ của VCCI
Liên kết nhanh
Bản quyền bởi Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI
Tòa VCCI, Số 9 Đào Duy Anh, Đống Đa, Hà Nội, Việt Nam
Giấy phép xuất bản số 190/GP-TTĐT cấp ngày 27/10/2023
Người chịu trách nhiệm chính: Ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch VCCI
Quản lý và vận hành: Trung tâm Truyền thông và Thông tin Kinh tế - VCCI | ||
Văn Phòng - Lễ tân: | Phụ trách website: | Liên hệ quảng cáo: |
📞 + 84-24-35742022 | 📞 + 84-24-35743084 | 📞 + 84-24-35743084 |
+ 84-24-35742020 | vcci@vcci.com.vn |
Truy cập phiên bản website cũ. Thiết kế và phát triển bởi ADT Global