Chủ nhật, 20/07/2025 | English | Vietnamese
03:06:00 PM GMT+7Thứ 7, 19/07/2025
Thực thi Nghị quyết 68, Chính phủ đang hoàn thiện các hệ thống quy định, chính sách. Trong quá trình đó, sự phát hiện, phản biện của cộng đồng doanh nghiệp về bất cập thể chế là rất quan trọng. Tuy nhiên, theo đánh giá, điều đáng lo ngại là "không nhiều doanh nghiệp nào dám phát biểu ý kiến, lên tiếng".
Tại diễn đàn “Vai trò của hiệp hội, doanh nghiệp và cơ quan báo chí trong xây dựng và phản biện chính sách”, ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên chuyên trách Ủy ban Kinh tế tài chính của Quốc hội khẳng định, hiện nay nhiều doanh nghiệp đang phải chịu chi phí lớn từ thủ tục hành chính, thuế phí, lệ phí, chi phí đầu tư, chi phí cơ hội và những chi phí không chính thức khác. Tuy nhiên theo với Nghị quyết 68 thực trạng này sẽ có sự thay đổi nhiều trong thời gian tới.
Tinh thần của nghị quyết là tăng sự bảo vệ, cắt giảm phiền hà và khơi thông nguồn lực kinh tế tư nhân, không chỉ cắt giảm thủ tục hành chính mà còn giảm phiền hà và chi phí tuân thủ.
Theo đó, nghị quyết lần này đặt ra mục tiêu cụ thể, cắt giảm ít nhất 30% thủ tục hành chính và điều kiện kinh doanh trong từng lĩnh vực.
Thứ hai là tăng sự bảo vệ, theo ông Hiếu, nghị quyết bảo đảm các nguyên tắc khi xử lý sai phạm, vụ việc về dân sự kinh tế. Nghị quyết 68 đã nêu rất rõ, khi vấn đề còn chưa rõ ràng, thì ưu tiên áp dụng các biện pháp về dân sự, kinh tế, hành chính trước.
Ông Hiếu nêu thực trạng, một trong những rủi ro lớn nhất mà doanh nghiệp lo sợ là tính không rõ ràng trong áp dụng pháp luật.
Khi một hành vi vi phạm không được phân định rõ giữa xử lý hành chính, dân sự hay hình sự, doanh nghiệp có thể bị rơi vào tình trạng bất an, thậm chí đóng băng mọi hoạt động. Do đó, Nghị quyết 68 khẳng định, trong trường hợp chưa rõ ràng, ưu tiên áp dụng biện pháp xử lý hành chính, dân sự, thay vì xử lý hình sự.
Đặc biệt, Nghị quyết 68 cũng yêu cầu phân biệt rõ giữa tài sản, quyền, nghĩa vụ của doanh nghiệp, của cá nhân những người quản lý trong doanh nghiệp. Đây là điểm rất đáng lưu ý.
Khi phản ánh một vụ việc, nếu không tách bạch giữa lỗi của cá nhân quản lý và hoạt động của doanh nghiệp thì rất dễ gây tổn hại cho cả doanh nghiệp và người lao động của họ. Nghị quyết yêu cầu xử lý rành mạch, vi phạm cá nhân là cá nhân; còn tài sản, hoạt động của doanh nghiệp phải được bảo vệ để duy trì ổn định và lòng tin thị trường.
Thứ ba, nghị quyết giúp khơi thông các nguồn lực cho doanh nghiệp, bao gồm tiếp cận vốn, đất đai và tháo gỡ vướng mắc trong các dự án đầu tư. Không dừng ở đó, Nghị quyết 68 còn yêu cầu nâng cao hiệu quả thực thi, minh bạch hóa quy trình xử lý, có cơ chế hậu kiểm hiệu quả thay cho tiền kiểm rườm rà, tạo không gian chủ động cho doanh nghiệp.
Để nhanh chóng đưa Nghị quyết 68 đi vào cuộc sống, Quốc hội đã xem xét, thông qua một số bộ luật tại Kỳ họp thứ 9, trước khi ra đời Nghị quyết 68. Quốc hội yêu cầu thể chế hóa ngay những nội dung tại Nghị quyết 68 trong các luật mà Chính phủ trình. Rất nhiều luật đã được sửa đổi như Luật số 90/2025/QH15 sửa đổi 8 luật thuộc lĩnh vực tài chính, đấu thầu, đầu tư.
Bên cạnh đó, Chính phủ cũng đã nhanh chóng dự thảo ngay Nghị quyết 198 chỉ trong 12 ngày, để thể chế hóa ngay một số nội dung của Nghị quyết 68. Nghị quyết 198 là một minh chứng cho thấy, đây là cách nhanh nhất để giải quyết câu chuyện "nghị quyết chờ sửa luật".
Ông Hiếu cho rằng, nếu không có hai hành động cụ thể như sửa nhiều luật và ban hành Nghị quyết 198, Nghị quyết 68 vẫn đang tuyên truyền ở mức chủ trương.
Để thực thi Nghị quyết 68, ông Hiếu cho rằng đây là vấn đề còn rất nhiều thách thức. Hiện Chính phủ đang hoàn thiện các hệ thống thông tư, nghị định để đưa nghị quyết vào cuộc sống. Trong quá trình đó, sự phát hiện, phản biện của cộng đồng doanh nghiệp về bất cập thể chế là rất quan trọng.
"Làm thế nào để cơ quan có thẩm quyền biết được đâu là những vướng mắc thực sự để có sự điều chỉnh chính sách hợp lý, chính xác là điều rất quan trọng", ông Hiếu nhận định.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch GP. Invest, điều đáng lo ngại hiện nay là "không có doanh nghiệp nào dám phát biểu, lên tiếng. Kể cả những doanh nghiệp tên tuổi, quy mô lớn cũng không dám lên tiếng, không dám đề cập những vấn đề cốt lõi".
Trong khi đó, "nếu doanh nghiệp không lên tiếng, không phản ánh thì các cơ quan trung ương, chính quyền làm sao biết được", ông Hiệp nhấn mạnh và cho biết, chính vì thế, doanh nghiệp của ông chỉ tầm trung, nhưng những vấn đề về bất động sản, xây dựng thì ông đều lên tiếng.
Ông Hiệp lấy ví dụ, sắp tới sẽ có sự điều chỉnh ba luật, trong đó có Luật Đất đai. Câu hỏi đặt ra là tại sao luật vừa ban hành đã phải sửa, Nghị định 102 về định giá đất vừa ban hành tháng 2/2024 đến nay cũng đã phải sửa. Điều này cho thấy, quy trình ban hành văn bản pháp luật đang có những bất cập.
Hay như Nghị quyết 68 đặt ra mục tiêu cắt giảm 30% thủ tục hành chính, nhưng thực tế hiện giờ doanh nghiệp của ông nhận thấy không những thấy chưa giảm được, mà còn có dấu hiệu kéo dài hơn.
"Chúng tôi từng triển khai một dự án trước đây, thời gian định giá đất xử lý từ cấp chuyên viên đến lãnh đạo hội đồng định giá chỉ mất khoảng hai tháng. Nhưng hiện tại, mất đến hai năm mà vẫn chưa hoàn tất thủ tục hành chính định giá đất này", ông dẫn chứng.
Do đó, nếu quy trình ban hành văn bản pháp luật cho phép các doanh nghiệp được tham gia ý kiến và có cơ quan lắng nghe, thì sẽ rất hữu ích cho việc xây dựng cơ chế chính sách.
Ông Hiệp chia sẻ và mong muốn có sự thay đổi quy trình xây dựng luật. Trước khi ban hành văn bản pháp luật, đối tượng chịu tác động trực tiếp của luật cần được tham gia ý kiến, phản biện. Như vậy sẽ tránh được việc phải sửa đi sửa lại văn bản nhiều lần, chỉ sau một thời gian ngắn.
Sự tham gia mạnh mẽ của các hiệp hội, các cơ quan báo chí để lên tiếng, phản ánh những vướng mắc cụ thể là rất cần thiết. Có như vậy mới tạo ra được thay đổi, giúp cơ chế trở nên thông thoáng hơn, thực sự hỗ trợ cho doanh nghiệp, vị lãnh đạo doanh nghiệp này bày tỏ.
Ở góc độ chuyên gia, TS. Nguyễn Sĩ Dũng, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách của Thủ tướng Chính phủ, nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cũng cho rằng, kỹ thuật, kỹ năng tham vấn công chúng trong công tác xây dựng luật còn hạn chế.
Nếu không tranh luận rộng rãi về tác động của chính sách trước khi ban hành, sẽ không làm rõ được tác động của nó khi triển khai trên thực tế.
Chính vì vậy, năng lực nghiên cứu phản biện chính sách là một nhiệm vụ quan trọng của các hiệp hội, doanh nghiệp. Trong thời gian tới, các hiệp hội cần nâng cao năng lực này, để bổ trợ thêm cho doanh nghiệp nhằm tạo thuận lợi cho việc xây dựng chính sách và thực thi trong thực tiễn.
03:50:00 PM GMT+7Thứ 7, 19/07/2025
03:49:00 PM GMT+7Thứ 7, 19/07/2025
03:47:00 PM GMT+7Thứ 7, 19/07/2025
Website nội bộ của VCCI
Liên kết nhanh
Bản quyền bởi Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI
Tòa VCCI, Số 9 Đào Duy Anh, Đống Đa, Hà Nội, Việt Nam
Giấy phép xuất bản số 190/GP-TTĐT cấp ngày 27/10/2023
Người chịu trách nhiệm chính: Ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch VCCI
Quản lý và vận hành: Trung tâm Truyền thông và Thông tin Kinh tế - VCCI | ||
Văn Phòng - Lễ tân: | Phụ trách website: | Liên hệ quảng cáo: |
📞 + 84-24-35742022 | 📞 + 84-24-35743084 | 📞 + 84-24-35743084 |
+ 84-24-35742020 | vcci@vcci.com.vn |
Truy cập phiên bản website cũ. Thiết kế và phát triển bởi ADT Global