Thứ 2, 07/04/2025 | English | Vietnamese
11:44:00 AM GMT+7Thứ 7, 05/04/2025
Mức thuế 46% không nên chỉ được nhìn nhận như một rào cản, mà là một lời nhắc quan trọng, buộc Việt Nam phải thay đổi, phải thích nghi, phải chủ động tìm hướng đi mới.
Ngày 2/4/2025 (giờ Hoa Kỳ), Tổng thống Donald Trump chính thức công bố chính sách thuế quan mới, áp dụng mức thuế cơ bản 10% đối với toàn bộ hàng hóa nhập khẩu vào Hoa Kỳ có hiệu lực từ 5/4.
Ngoài mức thuế cơ bản trên, đối với nhóm 60 quốc gia mà Hoa Kỳ cho rằng có sự mất cân bằng thương mại, Chính phủ của Donald Trump áp mức thuế đối ứng. Việt Nam thuộc nhóm các quốc gia phải chịu mức thuế cao nhất, lên đến 46%. Mức áp thuế này tương đương 50% của mức rào cản thương mại 90% mà phía Hoa Kỳ đã tính toán, dựa trên tỷ lệ thâm hụt thương mại song phương Việt Nam – Hoa Kỳ trên tổng giá trị Hoa Kỳ nhập khẩu từ Việt Nam.
Cần lưu ý rằng, chính sách thuế quan này của Hoa Kỳ không đơn thuần là thuế quan (bởi vì mức thuế suất hàng hóa của Hoa Kỳ xuất vào Việt Nam chỉ khoảng 15%), mà còn tính tới các lý do như thao túng tiền tệ, các rào cản phi thuế quan như tiêu chuẩn chất lượng, thủ tục hải quan… mà Hoa Kỳ cho rằng các quốc gia đang áp lên hàng hóa của họ.
Là một trong những quốc gia bị áp dụng mức thuế cao nhất trong số các quốc gia bị điều chỉnh – vượt cả Trung Quốc (34%), và cách biệt rõ rệt so với các nước khác như Brazil hay Singapore (10%) – quyết định này đặt ra một thử thách chưa từng có đối với nền kinh tế Việt Nam, đặc biệt đối với mục tiêu 8% tăng trưởng năm 2025.
Tác động của chính sách thuế đối ứng này đối với nền kinh tế là rất lớn, bởi vì nó hướng tới thay đổi hoàn toàn cấu trúc của thương mại toàn cầu, ít nhất là trong 5 năm tới. Đối với Việt Nam, mức thuế 46% trong kịch bản xấu nhất sẽ tác động nhiều mặt tới nền kinh tế. Nếu kim ngạch xuất khẩu sang Mỹ không đổi, khoảng 120 tỷ USD/năm, chúng ta sẽ phải chịu mức thuế trong kịch bản xấu nhất là 55 tỷ USD xấp xỉ 12% GDP 2024.
Đối với doanh nghiệp – đặc biệt trong các lĩnh vực xuất khẩu chủ lực như dệt may, điện tử, thép – những ngành vốn đã mỏng về biên lợi nhuận và phụ thuộc lớn vào khả năng cạnh tranh giá. Với mức thuế mới, hàng hóa Việt Nam sang Mỹ sẽ trở nên kém hấp dẫn hơn đáng kể, buộc các doanh nghiệp phải cân nhắc lại toàn bộ chiến lược xuất khẩu, và thậm chí là dừng xuất khẩu sang thị trường này. Doanh nghiệp FDI được dự báo cũng sẽ có chuyển động, đặc biệt các doanh nghiệp FDI có ý định đầu tư vào Việt Nam sẽ chờ để quan sát thêm diễn biến. Tuy nhiên, tôi vẫn nhận định lợi thế chi phí lao động thấp, môi trường đầu tư đầy hứa hẹn cùng với những cải cách đầy quyết liệt của Đảng, Chính phủ sẽ giúp chúng ta giữ vững là điểm sáng trong thu hút đầu tư.
Việt Nam cần chủ động giảm bớt thặng dư thương mại, giảm thiểu các rào cản thương mại với hàng hóa của Hoa Kỳ. Chúng ta đã chủ động điều chỉnh thuế suất nhập khẩu ưu đãi đối với một số mặt hàng từ Hoa Kỳ như khí hóa lỏng, ethanol, oto, nông sản, trái cây, gỗ (Nghị định 73 ban hành ngày 31/3/2025).
Chúng ta cần khẩn trương chủ động thiết lập các kênh đối thoại với phía Mỹ để làm rõ tiêu chí tính thuế cũng như cơ sở pháp lý cho mức thuế 46%, trước khi chính sách này có hiệu lực vào ngày 9/4, trong đó, có thể nghiên cứu đưa nội dung này vào chương trình làm việc trong khuôn khổ chuyến thăm của Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc đến Hoa Kỳ. Việc đàm phán nhằm điều chỉnh mức thuế về mức hợp lý hơn là rất cần thiết và cấp bách và tôi cho rằng đây là thời điểm rất cần hành động khẩn trương. Trước mắt, Chính phủ nên tích cực trao đổi với phía Hoa Kỳ, làm rõ cơ chế tính thuế và tranh thủ khoảng thời gian trước ngày 9/4 để đàm phán, giảm nhẹ mức thuế hoặc có lộ trình điều chỉnh.
Tuy nhiên, cũng cần nhấn mạnh rằng, dù có thể đàm phán thành công, nhưng mức thuế tối thiểu 10% sẽ vẫn áp lên tất cả các mặt hàng xuất vào Hoa Kỳ. Điều này sẽ ảnh hưởng lớn tới các doanh nghiệp trong nước, đặc biệt nhóm SME. Chúng ta có thể cũng phải tính đến các gói hỗ trợ cho các đối tượng này. Chính phủ có thể tạm thời giảm một số loại thuế nội địa, hoãn thu hoặc giãn thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập doanh nghiệp, đồng thời thiết kế gói tín dụng ưu đãi riêng, tương tự như cách Hàn Quốc đã từng thực hiện rất hiệu quả năm 1997.
Nhìn về phía tích cực, tôi nghĩ đây cũng là một cơ hội lớn để chúng ta bắt nhịp chuyển mình. Câu hỏi cần được đặt ra lúc này là: Việt Nam có thể – và nên làm gì để chuyển mình từ một quốc gia gia công giá rẻ thành một nền kinh tế có giá trị gia tăng cao, ít phụ thuộc hơn vào một vài thị trường đơn lẻ? Câu trả lời nằm ở tận dụng thời điểm này để tái cấu trúc mô hình tăng trưởng. Không thể mãi trông chờ vào lợi thế chi phí lao động rẻ hay ưu đãi thuế (và hy sinh vấn đề môi trường). Đây là thời điểm để huy động mọi nguồn lực, kêu gọi đầu tư mạnh mẽ vào đổi mới công nghệ, nâng cao năng suất lao động, phát triển sản phẩm có thương hiệu riêng, và xây dựng chuỗi giá trị nội địa có khả năng tự chủ hơn.
Một điểm sáng đáng chú ý là các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới mà Việt Nam đang tham gia – như EVFTA, CPTPP – đang mở ra những cánh cửa thị trường rộng lớn. Số liệu cho thấy, xuất khẩu của Việt Nam sang EU trong năm 2024 đã tăng tới 20%, cho thấy tiềm năng của những thị trường phi truyền thống nếu được khai thác đúng hướng. Cùng với đó, thị trường nội địa với 100 triệu dân – vốn chưa được tận dụng tối đa nguồn lực – phải là bệ đỡ vững chắc nếu chúng ta biết cách thúc đẩy tiêu dùng nội địa, phát triển thương hiệu Việt và tạo ra niềm tin nơi người tiêu dùng trong nước.
Nhìn rộng hơn, lịch sử kinh tế thế giới đã nhiều lần cho thấy những cú sốc lớn thường là bước ngoặt dẫn tới sự phát triển mạnh mẽ hơn. Nhật Bản trong những năm 1980, Hàn Quốc sau cuộc khủng hoảng tài chính châu Á, hay Trung Quốc với cải cách sâu rộng sau những lần bị áp lực từ phương Tây – tất cả đều đã biến nghịch cảnh thành động lực phát triển. Việt Nam hôm nay cũng đang đứng trước một thời điểm như vậy. Nếu biết tận dụng, chúng ta không chỉ vượt qua thử thách trước mắt, mà còn có thể vươn lên một tầm cao mới – không phải bằng cách tiếp tục chạy đua về giá rẻ, mà bằng năng lực thực sự: khoa học công nghệ, chất lượng và đổi mới sáng tạo.
Do đó, mức thuế 46% không nên chỉ được nhìn nhận như một rào cản, mà là một lời nhắc quan trọng. Điều này buộc chúng ta phải thay đổi, phải thích nghi, phải chủ động tìm hướng đi mới. Và trong sự chủ động ấy, nếu có sự đồng lòng từ Nhà nước, doanh nghiệp và toàn xã hội, Việt Nam hoàn toàn có thể “biến nguy thành cơ”, chuyển hoá thách thức thành cơ hội, biến khủng hoảng thành bàn đạp – để phát triển mạnh mẽ và vững bước vào kỷ nguyên mới – kỷ nguyên vươn mình phát triển giàu mạnh, thịnh vượng của dân tộc Việt Nam.
(*) PGS.TS Trần Việt Dũng, Viện trưởng Viện NCKH, Học viện Ngân hàng
Website nội bộ của VCCI
Liên kết nhanh
Bản quyền bởi Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI
Tòa VCCI, Số 9 Đào Duy Anh, Đống Đa, Hà Nội, Việt Nam
Giấy phép xuất bản số 190/GP-TTĐT cấp ngày 27/10/2023
Người chịu trách nhiệm chính: Ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch VCCI
Quản lý và vận hành: Trung tâm Truyền thông và Thông tin Kinh tế - VCCI | ||
Văn Phòng - Lễ tân: | Phụ trách website: | Liên hệ quảng cáo: |
📞 + 84-24-35742022 | 📞 + 84-24-35743084 | 📞 + 84-24-35743084 |
+ 84-24-35742020 | vcci@vcci.com.vn |
Truy cập phiên bản website cũ. Thiết kế và phát triển bởi ADT Global