VCCI logo

LIÊN ĐOÀN THƯƠNG MẠI VÀ CÔNG NGHIỆP VIỆT NAM

Vietnam Chamber of Commerce and Industry

Thứ 7, 23/11/2024 | English | Vietnamese

Trang chủTin VCCIThuê tài chính: Cơ hội tiếp cận vốn cho doanh nghiệp nhỏ và vừa

Thuê tài chính: Cơ hội tiếp cận vốn cho doanh nghiệp nhỏ và vừa

10:32:00 AM GMT+7Thứ 2, 30/09/2024

Thuê tài chính là kênh tiếp cận vốn trung dài hạn hiệu quả, phù hợp với doanh nghiệp nhỏ và vừa, nhất là trong bối cảnh đầy khó khăn, thách thức như hiện nay…

Đây là nội dung chính tại Hội thảo “Thuê tài chính – kênh tiếp cận vốn trung dài hạn hiệu quả, phù hợp với doanh nghiệp nhỏ và vừa” diễn ra vào chiều ngày 27/9 tại TP Vinh, tỉnh Nghệ An.

Hội thảo do Trung tâm Hỗ trợ Doanh nghiệp nhỏ và vừa, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (DNNVV- VCCI) phối hợp với Công ty Cho thuê tài chính TNHH BIDV-SuMi TRUST tổ chức thực hiện nhằm giúp các doanh nghiệp mở rộng các cơ hội tìm hiểu về thực trạng tiếp cận vốn.

img_0282.jpg
Toàn cảnh Hội thảo.

Doanh nghiệp “gặp khó” về tiếp cận vốn

Phát biểu khai mạc Hội thảo, bà Trần Thị Thanh Tâm - Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ DNNVV- VCCI cho biết: Hiện nay, Việt Nam đang ngày càng hội nhập quốc tế sâu rộng, tham gia ký kết được nhiều FTA, qua đó mang lại nhiều tác động tích cực cho sự phát triển kinh tế của đất nước. Thị trường xuất nhập khẩu được mở rộng và đa dạng hóa, thị trường dịch vụ tài chính phát triển hơn với sự tham gia của các nhà đầu tư nước ngoài, hệ thống thể chế, chính sách từng bước được hoàn thiện nhằm đáp ứng yêu cầu hội nhập và thực thi cam kết trong các FTA.

“Mặc dù thời gian qua, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ tín dụng được để tháo gỡ khó khăn, giúp DNNVV tham gia vào chuỗi giá trị và tiếp cận nguồn vốn. VCCI cũng thực hiện nhiều hoạt động hỗ trợ các doanh nghiệp tiếp cận và tăng cường các nguồn, các giải pháp về tài chính, nhằm đa dạng hóa các nguồn vốn cho doanh nghiệp, từ đó đáp ứng nhu cầu hoạt động sản xuất kinh doanh, nguyện vọng tăng trưởng của các doanh nghiệp.

Tuy nhiên, theo khảo sát của VCCI, trong nhiều năm qua, đặc biệt là năm 2023, một trong những khó khăn lớn nhất các doanh nghiệp gặp phải đó là vấn đề tiếp cận vốn và tiếp cận thị trường” – bà Tâm thông tin.

img_0288.jpg
Tiến sỹ Cấn Văn Lực – Chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng Đầu tư và Phát triển (BIDV), thành viên Hội đồng tư vấn chính sách Tài chính - Tiền tệ Quốc gia nêu thực trạng và giải pháp về nguồn vốn cho DNNVV.

Tại Hội thảo, Tiến sỹ Cấn Văn Lực – Chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng Đầu tư và Phát triển (BIDV), thành viên Hội đồng tư vấn chính sách Tài chính - Tiền tệ Quốc gia nêu rõ thực trạng nguồn vốn cho DNNVV trong giai đoạn vừa qua, đồng thời đánh giá hoạt động của doanh nghiệp, nhất là DNNVV vẫn khó khăn; quy mô nguồn vốn và quỹ hỗ trợ cho thuê tài chính còn quá nhỏ so với các nguồn vốn hỗ trợ khác; khả năng hội nhập quốc tế của doanh nghiệp còn yếu và khó tiếp cận vốn.

“Cơ cấu vốn trong DNNVV khó khăn nhất, cản trở doanh nghiệp là do thiếu vốn, nếu không có kênh tiếp cận hiệu quả và nếu đi vay lãi cao thì doanh nghiệp hoạt động khó khăn, rủi ro cao. Doanh nghiệp trong nước, nhất là DNNVV chưa biết cách huy động vốn từ thị trường chứng khoán, doanh nghiệp Việt chưa tiếp cận thị trường vốn quốc tế; chưa huy động và phát huy hiệu quả kênh huy động tài chính, quỹ bảo lãnh phi ngân hàng,…” – Tiến sỹ Cấn Văn Lực phân tích.

Cơ hội cho doanh nghiệp

Về giải pháp về nguồn vốn cho DNNVV, Tiến sỹ Cấn Văn Lực – Chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng Đầu tư và Phát triển (BIDV), thành viên Hội đồng tư vấn chính sách Tài chính - Tiền tệ Quốc gia cho rằng: Liên quan đến Đề án hỗ trợ DNNVV, Thủ tướng Chính phủ đang chỉ đạo khảo sát tổng thể các kênh tín dụng hỗ trợ tài chính với DNNVV, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp đối với DNNVV.

VCCI cũng đang đề xuất với Chính phủ các giải pháp để nâng cao hiệu quả Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa; xây dựng, đa dạng hoá các nguồn, quỹ hỗ trợ doanh nghiệp; thông qua cơ chế dùng 1 Luật để sửa nhiều Luật nhằm gỡ khó cho doanh nghiệp…

Để tháo gỡ khó khăn, các chuyên gia nhấn mạnh rằng, doanh nghiệp cần phải mở rộng các cơ hội tìm hiểu về thực trạng tiếp cận vốn như: Các nguồn vốn có thể huy động, các chính sách hỗ trợ, khó khăn khi tiếp cận vốn và các giải pháp hỗ trợ DNNVV đa dạng nguồn vốn trung dài hạn, trong đó có thuê tài chính.

Bởi, thông qua thuê tài chính, doanh nghiệp có thể nhanh chóng đưa máy móc, trang thiết bị vào vận hành, đáp ứng kịp thời các đơn đặt hàng với số lượng lớn mà chi phí phải bỏ ra không quá nhiều.

Ảnh 1
Các chuyên gia kinh tế, lãnh đạo doanh nghiệp thảo luận về các giải pháp tăng cường khả năng tiếp cận tài chính cho doanh nghiệp.

Ông Hoàng Văn Phúc – Phó Tổng Giám đốc Công ty Cho thuê tài chính TNHH BIDV-SuMi TRUST phân tích: Thuê tài chính là kênh huy động vốn trung và dài hạn hiệu quả để đầu tư máy móc thiết bị cho Doanh nghiệp. Theo thống kê, Tổng dư nợ thuê tài chính tại Việt Nam chỉ chiếm tỷ trọng 0.34% tổng dư nợ tín dụng của ngành kinh tế.

Thuê tài chính là giải pháp tài chính hỗ trợ Doanh nghiệp vượt qua các rào cản tiếp cận vốn bởi những lợi ích vượt trội so với kênh tín dụng truyền thống như: Doanh nghiệp không cần thế chấp tài sản đảm bảo; Tỷ lệ tài trợ cao có thể lên tới 90% giá trị tài sản; Thủ tục đơn giản thuận tiện và không ảnh hưởng tới hạn mức tín dụng của khách hàng tại ngân hàng. Trong trường hợp Bán và thuê lại, Doanh nghiệp sẽ được tái cấp nguồn vốn lưu động để phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh.

Như vậy, thuê tài chính sẽ mang lại nhiều lợi ích vượt trội tới khách hàng. Doanh nghiệp có thêm kênh huy động vốn hiệu quả để thúc đẩy, mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh.

Đối với những doanh nghiệp có tài sản, hoạt động kinh doanh hiệu quả nhưng thiếu vốn hoạt động trong khi đã hết hạn mức tín dụng ở ngân hàng, hoạt động mua và cho thuê lại của công ty cho thuê tài chính sẽ giúp doanh nghiệp tái cơ cấu lại nợ, tạo nguồn vốn để duy trì và mở rộng kinh doanh.

Như vậy, bài toán về vốn của doanh nghiệp đã có thêm lời giải, khoảng cách giữa đồng vốn và hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp được thu hẹp lại, doanh nghiệp có thêm kênh huy động vốn, thêm giải pháp để thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh.

Chia sẻ vê các giải pháp quản lý tài chính hiệu quả nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp, Thạc sỹ Bùi Quang Dũng – Giám đốc đào tạo Công ty Giải pháp phát triển doanh nghiệp TOT cho hay: Doanh nghiệp cần phải xây dựng kế hoạch tài chính dài hạn và ngắn hạn một cách chi tiết, xác định và giảm thiểu các rủi ro tài chính.

Đồng thời, kiểm soát chặt chẽ chi phí, cắt giảm chi phí không cần thiết; dự báo dòng tiền, đảm bảo đủ tiền để thanh toán; sử dụng vốn có mục đích, kế hoạch rõ ràng, tiết kiệm, có lợi và hợp pháp…

z5873580545366_d74bf677b4859bde6a53becfb89a9ccc.jpg
Ông Bùi Xuân Sinh, Giám đốc Chi nhánh VCCI Nghệ An – Hà Tĩnh – Quảng Bình trao Bằng khen của Chủ tịch VCCI cho các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong sản xuất, kinh doanh.

Cũng trong khuôn khổ nội dung Hội thảo, nhằm hướng đến kỷ niệm 20 năm Ngày doanh nhân Việt Nam (13/10/2004 - 13/10/2024), VCCI Chi nhánh Nghệ An – Hà Tĩnh và Quảng Bình tổ chức gặp doanh nhân và trao Giấy chứng nhận cho các hội viên mới của VCCI năm 2024; trao các Bằng khen của Chủ tịch VCCI cho các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong sản xuất, kinh doanh, góp phần tích cực vào sự phát triển doanh nghiệp Việt Nam.

TheoHồng Quang (Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp)
Copy link

Văn bản pháp luật

Liên kết

Website nội bộ của VCCI

Footer logo

Bản quyền bởi Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI 

  Tòa VCCI, Số 9 Đào Duy Anh, Đống Đa, Hà Nội, Việt Nam

Giấy phép xuất bản số 190/GP-TTĐT cấp ngày 27/10/2023

Người chịu trách nhiệm chính: Ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch VCCI

Quản lý và vận hành: Trung tâm Truyền thông và Thông tin Kinh tế - VCCI
Văn Phòng - Lễ tân:  Phụ trách website: Liên hệ quảng cáo:
📞 + 84-24-35742022 📞 + 84-24-35743084 📞 + 84-24-35743084
 + 84-24-35742020   vcci@vcci.com.vn   

Truy cập phiên bản website cũ.                                                     Thiết kế và phát triển bởi ADT Global