Thứ 4, 15/01/2025 | English | Vietnamese
02:30:00 PM GMT+7Thứ 5, 02/01/2025
Để hướng tới mục tiêu trở thành nước thu nhập cao vào năm 2045, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam phải đạt hai con số liên tục trong những năm tiếp theo.
Hướng tới mục tiêu trở thành nước thu nhập cao vào năm 2045
Tại Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai tổng kết việc thực hiện Nghị quyết 18-NQ/TW diễn ra vào cuối năm 2024, Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh đến việc phải đổi mới tư duy, bứt phá và vượt lên chính mình để đẩy nhanh tốc độc tăng trưởng kinh tế.
Đặc biệt, để vươn tới mục tiêu trở thành nước có thu nhập trung bình cao cho người dân vào năm 2030 và thu nhập cao vào năm 2045, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam phải đạt hai con số liên tục trong những năm tiếp theo.
Xuất khẩu là một trong những động lực tăng trưởng trong thời gian tới. Ảnh minh hoạ |
“Đây là một bài toán rất khó mà chúng ta phải làm” - Tổng Bí thư Tô Lâm thừa nhận và cho rằng, để giải quyết "bài toán" này, Ban chấp hành Trung ương Đảng, Chính phủ, Quốc hội đang tập trung giải quyết những “điểm nghẽn” và tạo ra những yếu tố nền tảng để đất nước có thể "cất cánh", nhất là các vấn đề liên quan đến cơ sở hạ tầng như hệ thống giao thông, hạ tầng năng lượng, nguồn nhân lực, cơ sở vật chất, cải cách thể chế, thủ tục hành chính...
Trong khi đó, tại phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 12/2024, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cũng đặt ra yêu cầu với các bộ, ngành, địa phương cần nỗ lực để đạt mục tiêu tăng trưởng trên 7% trong năm 2024 và khoảng 8% trong năm 2025. Từ đó, tạo đà, tạo lực, tạo thế cho giai đoạn 2026-2030 Việt Nam đạt mức tăng trưởng 2 con số, để thực hiện các mục tiêu chiến lược đến năm 2030 kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng và năm 2045 kỷ niệm 100 năm thành lập nước.
Để đạt được mục tiêu đã đề ra, Thủ tướng Chính phủ nêu rõ: Bối cảnh, nhiệm vụ đòi hỏi các thành viên Chính phủ, các bộ trưởng, trưởng ngành, thủ trưởng các cơ quan, các cấp, ngành, địa phương phải có tư duy đổi mới, đột phá với quyết tâm cao hơn, nỗ lực lớn hơn, hành động quyết liệt hơn, có trọng tâm, trọng điểm hơn, tổ chức thực hiện kịp thời, linh hoạt, hiệu quả với tinh thần "dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung"; "đã nói là làm, đã cam kết là phải thực hiện; đã làm, đã thực hiện là phải có hiệu quả”…
Chia sẻ với phóng viên, TS. Lương Văn Khôi - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) - thừa nhận, tăng trưởng 2 con số trong những năm tiếp theo là "bài toán" vô cùng khó đối với Việt Nam, nhất là trong bối cảnh nền kinh tế, chính trị thế giới có nhiều diễn biến khó lường. Trong khi đó, Việt Nam lại là một nền kinh tế có độ mở lớn, chịu tác động nhanh, mạnh từ diễn biến bên ngoài.
Tuy nhiên, dù khó khăn, thách thức, nhưng Việt Nam sẽ có nhiều cơ hội đạt được mục tiêu tăng trưởng 2 con số trong giai đoạn tới, nếu biết tận dụng, chắt chiu những lợi thế sẵn có và tạo ra những lợi thế mới, tạo động lực cho tăng trưởng nhanh và bền vững.
Môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi sẽ tạo cơ hội tốt cho doanh nghiệp phát triển. Ảnh minh hoạ |
Động lực tăng trưởng 2 con số
Nhìn nhận về động lực tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong năm 2025 và mục tiêu tăng trưởng 2 con số trong thời gian tới, TS. Lương Văn Khôi cho rằng: Năm 2025, dự báo lạm phát của Việt Nam vẫn trong tầm kiểm soát, cùng với đó, cả 3 khu vực kinh tế: Công nghiệp - xây dựng; nông - lâm nghiệp và thuỷ sản. Du lịch và dịch vụ đều có nhiều tín hiệu tăng trưởng tốt hơn năm 2024. Bên cạnh đó, mức sống dân cư có sự chuyển biến tích cực và lượng khách quốc tế đến Việt Nam vẫn tăng trưởng tốt, đây là những tín hiệu giúp thúc đẩy thị trường trong nước phát triển và đóng góp vào tăng trưởng GDP.
Cùng với đó, tình hình xuất khẩu vẫn được đánh giá là “điểm sáng” trong bức tranh kinh tế Việt Nam, năm 2024, kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam dự kiến đạt trên 800 tỷ USD.
Dự kiến, năm 2025, nhu cầu thế giới với hàng hoá của Việt Nam vẫn tiếp tục tăng mạnh, Việt Nam cũng là nền kinh tế có tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng với 16 Hiệp định Thương mại tự do (FTA) đã được ký kết, trong đó có những FTA thế hệ mới như Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA); Hiệp định Đối tác Toàn diện khu vực (RCEP),… nếu khai thác triệt để các FTA này, hàng hoá của doanh nghiệp Việt Nam sẽ có cơ hội thâm nhập sâu hơn vào các thị trường lớn trên thế giới, mở ra cơ hội cho xuất khẩu của Việt Nam.
Một động lực nữa, theo TS. Lương Văn Khôi, sẽ tác động tích cực đến mục tiêu tăng trưởng kinh tế 2 con số của Việt Nam trong giai đoạn tới đó là thu hút dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam vẫn rất nhiều triển vọng. Mặc dù dòng vốn FDI toàn cầu đang có xu hướng chững lại, nhưng FDI đầu tư vào Việt Nam vẫn tăng lên trong những năm gần đây.
Theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, năm 2023, Việt Nam thu hút trên 39 tỷ USD vốn FDI, năm 2024 dự kiến dòng vống FDI đạt khoảng 39-40 tỷ USD, tương đương năm 2023. Việt Nam đang được đánh giá là điểm sáng của các tập đoàn toàn cầu với sự xuất hiện của rất nhiều tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới như: Samsung, LG, NVIDIA,…
Bên cạnh những động lực trên, các chuyên gia kinh tế cho rằng, cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội của Việt Nam ngày càng hoàn thiện, nhất là đường bộ cao tốc được kéo dài và mở rộng ra nhiều địa phương, giúp tăng kết nối liên vùng. Cùng với đó, đường điện cao thế 500kV mạch 3 được đưa vào khai thác giúp đảm bảo ổn định năng lượng giữa các vùng kinh tế, nhất là vào mùa khô. Ngoài ra, một số chính sách mới được ban hành như Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Đấu thầu… giúp hoàn hoàn thiện môi trường đầu tư, kinh doanh theo hướng thuận lợi minh bạch, từ đó sẽ tạo ra động lực và khí thế mới cho cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, tạo tiền đề cho tăng trưởng 2 con số trong những năm tới.
Năm 2025 là năm cuối cùng của kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021 - 2025, ghi nhận mức đầu tư công kỷ lục lên tới 791.000 tỷ đồng (tương đương 6,4% GDP) đã được Quốc hội phê duyệt. Khoản ngân sách này sẽ giúp đẩy mạnh thi công các công trình trọng điểm như tuyến cao tốc Bắc Nam giai đoạn 2, sân bay quốc tế Long Thành và tuyến đường sắt Bắc - Nam. Theo đó, nếu được triển khai hiệu quả, đầu tư công sẽ là động lực chính thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong thời gian tới. |
Website nội bộ của VCCI
Liên kết nhanh
Bản quyền bởi Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI
Tòa VCCI, Số 9 Đào Duy Anh, Đống Đa, Hà Nội, Việt Nam
Giấy phép xuất bản số 190/GP-TTĐT cấp ngày 27/10/2023
Người chịu trách nhiệm chính: Ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch VCCI
Quản lý và vận hành: Trung tâm Truyền thông và Thông tin Kinh tế - VCCI | ||
Văn Phòng - Lễ tân: | Phụ trách website: | Liên hệ quảng cáo: |
📞 + 84-24-35742022 | 📞 + 84-24-35743084 | 📞 + 84-24-35743084 |
+ 84-24-35742020 | vcci@vcci.com.vn |
Truy cập phiên bản website cũ. Thiết kế và phát triển bởi ADT Global