VCCI logo

LIÊN ĐOÀN THƯƠNG MẠI VÀ CÔNG NGHIỆP VIỆT NAM

Vietnam Chamber of Commerce and Industry

Chủ nhật, 18/05/2025 | English | Vietnamese

Trang chủDoanh nghiệpTín dụng xanh: Dòng tiền ách tắc vì thiếu quy định

Tín dụng xanh: Dòng tiền ách tắc vì thiếu quy định

10:43:00 AM GMT+7Thứ 6, 16/05/2025

Dòng vốn tín dụng xanh đang được kỳ vọng trở thành một trong những lực đẩy chiến lược để thúc đẩy phát triển bền vững tại các khu công nghiệp. Tuy nhiên, để dòng vốn này thực sự phát huy hiệu quả, cần sớm hoàn thiện hành lang pháp lý và có sự phối hợp chặt chẽ từ nhiều phía.

Tín dụng xanh: Động lực cho chuyển đổi xanh

Theo ông Lê Anh Xuân - Giám đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Chi nhánh Khu vực 9, thời gian qua, đơn vị đã thường xuyên đẩy mạnh chương trình kết nối ngân hàng với doanh nghiệp. Các chương trình này không chỉ giúp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp mà còn mở ra cơ chế thông thoáng hơn cho các tổ chức tín dụng, tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn ngân hàng phục vụ các lĩnh vực xanh, góp phần vào tiến trình chuyển đổi xanh.

Dù đạt được những kết quả bước đầu, quy mô tín dụng xanh trên địa bàn vẫn còn khá khiêm tốn so với nhu cầu thực tế về tài chính. Thực tiễn triển khai cho thấy còn nhiều rào cản, đặc biệt trong bối cảnh các lĩnh vực đầu tư xanh như năng lượng tái tạo, tiết kiệm và hiệu quả năng lượng hay công trình xanh thường đòi hỏi vốn đầu tư lớn và thời gian hoàn vốn dài. Trong khi đó, nguồn vốn cho vay từ các tổ chức tín dụng lại chủ yếu là vốn huy động ngắn hạn.

Ngoài ra, việc Chính phủ chưa ban hành Danh mục phân loại xanh cũng gây khó khăn cho các tổ chức tín dụng trong việc thống kê, theo dõi và quản lý nguồn lực cung cấp cho nền kinh tế xanh một cách đầy đủ. Đồng thời, công tác đào tạo, nâng cao năng lực cán bộ ngân hàng trong thẩm định rủi ro môi trường và quản lý tín dụng xanh cũng còn gặp nhiều trở ngại do chi phí và thời gian yêu cầu lớn.

Tín dụng xanh được xem là động lực để các doanh nghiệp chuyển đổi xanh.

Một thách thức khác là nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ, vẫn chưa nhận thức đầy đủ về lợi ích của tín dụng xanh hoặc thiếu thông tin về các chính sách ưu đãi liên quan. Hạn chế trong ý thức bảo vệ môi trường cũng khiến rủi ro môi trường gia tăng, dẫn tới nguy cơ phát sinh các khoản nợ khó thu hồi.

Trước thực tế đó, NHNN Chi nhánh Khu vực 9 cho biết sẽ tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng triển khai hiệu quả Đề án phát triển ngân hàng xanh, từng bước nâng cao tỷ trọng tín dụng xanh trong tổng dư nợ, đặc biệt tập trung vào các dự án nằm trong Danh mục phân loại xanh. Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh chương trình kết nối ngân hàng – doanh nghiệp, chỉ đạo tiết giảm chi phí để giảm lãi suất cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên, lĩnh vực xanh và các dự án ứng dụng công nghệ cao, thân thiện môi trường.

Bên cạnh đó, công tác thông tin tuyên truyền về tín dụng xanh, chuyển đổi xanh cũng sẽ được tăng cường. Đồng thời, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số để quản lý và giám sát các khoản vay xanh, bảo đảm tính minh bạch, hiệu quả. Việc nâng cao năng lực và nhận thức của cán bộ ngân hàng về tín dụng xanh cũng được đặc biệt chú trọng.

Ông Lê Anh Xuân cũng kiến nghị NHNN Việt Nam cần tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về tín dụng xanh, xây dựng cơ chế và chính sách tín dụng ưu đãi cho các ngành, lĩnh vực xanh. Đồng thời, chỉ đạo các Hội sở tổ chức tín dụng ưu tiên bố trí hợp lý nguồn vốn cho các dự án xanh trên cơ sở đánh giá hiệu quả sử dụng vốn và năng lực tài chính của doanh nghiệp.

Với chính quyền địa phương, ông Xuân đề xuất UBND các tỉnh, thành phố cần sớm nghiên cứu và ban hành chính sách hỗ trợ ưu đãi cho các lĩnh vực xanh như thị trường, đào tạo, lao động, khoa học công nghệ, đất đai… nhằm tạo thêm động lực thúc đẩy chuyển đổi xanh trong nền kinh tế. Bản thân các doanh nghiệp cũng cần nâng cao nhận thức về xu thế tất yếu và lợi ích lâu dài từ chuyển đổi xanh, hướng tới phát triển theo mô hình bền vững (ESG); đồng thời, sử dụng hiệu quả nguồn vốn tín dụng xanh và giảm thiểu rủi ro môi trường trong các dự án.

“Có thể nói, vốn tín dụng là động lực quan trọng để các địa phương thực hiện thành công chuyển đổi xanh, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững. Với những giải pháp đồng bộ và quyết tâm mạnh mẽ, tín dụng xanh sẽ trở thành 'chìa khóa' mở ra tương lai xanh”, ông Lê Anh Xuân tin tưởng.

Cần hoàn thiện khung pháp lý

Đồng nhận định, bà Hà Thu Giang, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN) – cho rằng, dù tốc độ và tỷ lệ cho vay tín dụng xanh đã có cải thiện rõ rệt, nhưng quá trình triển khai trên thực tế vẫn đối mặt với nhiều rào cản.

Tính đến nay, danh mục phân loại xanh quốc gia vẫn chưa được ban hành, gây khó khăn trong việc xác định, thống kê và giám sát hoạt động tín dụng xanh. Các chính sách hỗ trợ đầu tư cho tăng trưởng và chuyển đổi xanh hiện vẫn đang trong quá trình hoàn thiện. Trong khi đó, huy động nguồn vốn cho các dự án xanh cả trong nước lẫn quốc tế cũng gặp khó khăn do bất ổn kinh tế - chính trị toàn cầu, lãi suất USD duy trì ở mức cao, rủi ro tỷ giá, và sự chênh lệch kỳ hạn giữa nguồn vốn huy động và thời gian hoàn vốn của các dự án.

Cần hoàn thiện khung pháp để các doanh nghiệp tiếp cận được dòng vốn xanh. 

Mặt khác, đầu tư vào các dự án xanh đòi hỏi vốn lớn và kỹ năng thẩm định chuyên sâu về môi trường, buộc các tổ chức tín dụng phải tăng chi phí để xây dựng hệ thống quản trị phù hợp với mục tiêu tăng trưởng xanh và nâng cao năng lực cán bộ về ngân hàng xanh và tài chính bền vững.

Bà Giang cũng nhấn mạnh rằng, nhận thức của doanh nghiệp và nhà đầu tư về thị trường tài chính xanh vẫn còn thiếu đồng đều. Do đó, sự quan tâm đến các sản phẩm huy động và tín dụng xanh còn hạn chế, trong khi tâm lý e ngại khi tiếp cận các sản phẩm tài chính mới vẫn phổ biến. Hệ thống dữ liệu môi trường hiện cũng chưa đầy đủ, gây khó khăn trong công tác thẩm định và giám sát rủi ro.

Để từng bước khơi thông dòng vốn xanh, NHNN sẽ tiếp tục triển khai các nhóm nhiệm vụ theo Kế hoạch hành động thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021–2030. Trọng tâm là điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt, thúc đẩy tăng trưởng tín dụng xanh và hỗ trợ nền kinh tế đạt mức tăng trưởng bền vững.

Song song đó, NHNN sẽ rà soát, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về tín dụng xanh, đề xuất sửa đổi cơ chế, chính sách ưu đãi để phát triển các lĩnh vực. Hướng dẫn cụ thể các tổ chức tín dụng trong việc cấp vốn cho các dự án có lợi ích môi trường sau khi Danh mục phân loại xanh quốc gia được ban hành.

Ngoài ra, NHNN sẽ tiếp tục làm việc với các tổ chức trong và ngoài nước để tiếp nhận hỗ trợ tài chính, kỹ thuật, nhất là nhằm nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ ngân hàng về tài chính xanh và ứng phó biến đổi khí hậu. Công tác tuyên truyền cũng sẽ được đẩy mạnh nhằm nâng cao nhận thức cho cả cán bộ ngân hàng và khách hàng về tăng trưởng xanh và tiêu dùng bền vững.

Theo bà Giang, để dòng vốn tín dụng xanh thực sự phát huy hiệu quả, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các Bộ, ngành trong việc hoàn thiện chính sách đầu tư và tạo lập môi trường thuận lợi. Việc ban hành Danh mục phân loại xanh quốc gia cần được thực hiện sớm; đồng thời, cần hoàn thiện khung pháp lý cho các công cụ tài chính xanh như trái phiếu xanh, thị trường tín chỉ carbon và thuế môi trường.

Song song đó, cần có các giải pháp hỗ trợ tổ chức tín dụng tiếp cận nguồn tài chính từ các quỹ và định chế quốc tế, qua đó tạo điều kiện để cung cấp các khoản vay dài hạn, lãi suất ưu đãi cho các ngành, lĩnh vực xanh.

“Chỉ khi có sự phối hợp đồng bộ và quyết liệt từ nhiều phía gồm:Nhà nước, doanh nghiệp, ngân hàng và cộng đồng, tín dụng xanh mới thực sự trở thành động lực bền vững trong chuyển đổi mô hình tăng trưởng”, bà Hà Thu Giang nhấn mạnh.

TheoKhánh Hồng (Tạp chí điện tử Đầu tư Tài chính)
Copy link

Văn bản pháp luật

Liên kết

Website nội bộ của VCCI

Footer logo

Bản quyền bởi Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI 

  Tòa VCCI, Số 9 Đào Duy Anh, Đống Đa, Hà Nội, Việt Nam

Giấy phép xuất bản số 190/GP-TTĐT cấp ngày 27/10/2023

Người chịu trách nhiệm chính: Ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch VCCI

Quản lý và vận hành: Trung tâm Truyền thông và Thông tin Kinh tế - VCCI
Văn Phòng - Lễ tân:  Phụ trách website: Liên hệ quảng cáo:
📞 + 84-24-35742022 📞 + 84-24-35743084 📞 + 84-24-35743084
 + 84-24-35742020   vcci@vcci.com.vn   

Truy cập phiên bản website cũ.                                                     Thiết kế và phát triển bởi ADT Global