VCCI logo

LIÊN ĐOÀN THƯƠNG MẠI VÀ CÔNG NGHIỆP VIỆT NAM

Vietnam Chamber of Commerce and Industry

Thứ 5, 16/01/2025 | English | Vietnamese

Trang chủTin tổng hợpTốc độ tăng trưởng năm 2024 đạt 7%, vượt mục tiêu đề ra

Tốc độ tăng trưởng năm 2024 đạt 7%, vượt mục tiêu đề ra

11:12:00 AM GMT+7Thứ 2, 30/12/2024

Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, kết thúc năm 2024, Việt Nam có khả năng hoàn thành 15/15 chỉ tiêu chủ yếu. Đặc biêt, tốc độ tăng trưởng khoảng 7%, vượt mục tiêu đề ra (6-6,5%)

Sáng 28/12, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự Hội nghị tổng kết công tác năm 2024 và triển khai nhiệm vụ năm 2025 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

10 điểm sáng của ngành Kế hoạch - Đầu tư

Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, nhìn lại năm 2024, cùng với thành tựu chung của cả nước, ngành Kế hoạch, Đầu tư và Thống kê cũng đã gặt hái được nhiều kết quả nổi bật, có thể khái quát thành 10 điểm sáng.

Một là, Bộ đã nỗ lực không ngừng nghỉ để hình thành một hệ tư duy mới, tầm nhìn chiến lược mới về kỷ nguyên phát triển vươn mình, trở thành nước có thu nhập cao vào năm 2045.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, năm 2024, tốc độ tăng trưởng của Việt Nam đạt khoảng 7%, vượt mục tiêu đề ra.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, năm 2024, tốc độ tăng trưởng của Việt Nam đạt khoảng 7%, vượt mục tiêu đề ra.

Hai là, quy mô, tiềm lực của nền kinh tế tiếp tục được nâng lên, không ngừng phát huy những thành tựu đạt được sau 40 năm Đổi mới, nhất là từ đầu nhiệm kỳ đến nay, giúp nước ta tích lũy thế và lực cho sự phát triển bứt phá trong giai đoạn tiếp theo.

Theo đó, chúng ta đã tập trung theo dõi sát, nắm chắc tình hình, làm tốt công tác dự báo để chủ động, linh hoạt, kịp thời điều chỉnh trọng tâm ưu tiên trong chỉ đạo, điều hành, phù hợp với diễn biến tình hình thực tế và yêu cầu phát triển đặt ra. Kết thúc năm 2024, chúng ta có khả năng hoàn thành 15/15 chỉ tiêu chủ yếu, tốc độ tăng trưởng khoảng 7%, vượt mục tiêu đề ra (6-6,5%)

Ba là, thực hiện 03 đột phá chiến lược đạt nhiều kết quả rõ nét nhờ đổi mới trong tư duy, cách nghĩ, cách làm, cách thức tổ chức triển khai. Trong đó, về thể chế, tư duy xây dựng pháp luật đã chuyển đổi theo hướng vừa đảm bảo yêu cầu quản lý nhà nước, vừa khuyến khích sáng tạo, tư duy quản lý không cứng nhắc nhằm giải phóng toàn bộ sức sản xuất, khơi thông mọi nguồn lực để phát triển.

Về hạ tầng, dự án đường dây 500kV mạch 3 có quy mô khoảng 01 tỷ USD, được hoàn thành chỉ trong 6 tháng, là biểu tượng của sức mạnh niềm tin, sự đoàn kết, tinh thần “chỉ bàn làm, không bàn lùi”, “biến khó thành dễ, biến không thể thành có thể”.

Bốn là, nhiều chính sách, giải pháp được triển khai đồng bộ, kịp thời, hiệu quả để hỗ trợ sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa vượt qua khó khăn, thích ứng với các xu hướng mới toàn cầu.

Năm là, nước ta tiếp tục là điểm đến hấp dẫn của dòng vốn FDI toàn cầu vốn đang suy giảm và cạnh tranh ngày càng quyết liệt giữa các quốc gia. Thu hút FDI 11 tháng ước gần 31,4 tỷ USD, vốn FDI thực hiện ước khoảng 21,7 tỷ USD, tăng 7,1% so với cùng kỳ.

Đặc biệt là, Chính phủ và Tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới NVIDIA đã ký kết thành lập Trung tâm nghiên cứu và phát triển và Trung tâm Dữ liệu trí tuệ nhân tạo (AI). Đây là sự kiện mang tính bước ngoặt lịch sử đối với Việt Nam, đưa nước ta trở thành trung tâm nghiên cứu và phát triển AI hàng đầu ở Châu Á.

Sáu là, khơi thông và sử dụng hiệu quả các nguồn lực cho phát triển. Việc xử lý các doanh nghiệp, ngân hàng yếu kém, dự án chậm tiến độ, kém hiệu quả đạt kết quả tích cực. Tham mưu với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thành lập các ban chỉ đạo, tổ công tác, đoàn làm việc của Thành viên Chính phủ, các tổ công tác tại địa phương để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong đầu tư phát triển, nhất là các dự án hạ tầng trọng điểm, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công.

Bảy là, thúc đẩy mạnh mẽ đổi mới sáng tạo, hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo, các ngành, lĩnh vực mới như kinh tế số, tăng trưởng xanh, kinh tế tuần hoàn, chíp, bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, nông nghiệp công nghệ cao… và các mô hình kinh tế mới như trung tâm tài chính quốc tế, khu vực, khu thương mại tự do… tại một số địa phương.

Tám là, công tác quy hoạch cơ bản hoàn thành. Phát huy hiệu quả các Hội đồng điều phối vùng trong việc tổ chức thực hiện quy hoạch vùng, triển khai các chương trình, dự án có tính vùng và thúc đẩy liên kết vùng, tạo các động lực và cực tăng trưởng mới cho đất nước.

Chín là, giữ vững ổn định về kinh tế, chính trị, xã hội…, tạo môi trường thuận lợi để thu hút đầu tư, phát triển sản xuất kinh doanh. Nhờ đó, các doanh nghiệp, tổ chức quốc tế tiếp tục ghi nhận, đánh giá cao về triển vọng tăng trưởng, môi trường kinh doanh của nước ta, cam kết đầu tư và gắn bó lâu dài với sự phát triển của Việt Nam.

Mười là, hoạt động đối ngoại, ngoại giao kinh tế, nhất là ngoại giao về công nghệ đạt được nhiều thành tựu quan trọng; đẩy mạnh đối thoại kinh tế với các nước đối tác chiến lược, đối tác chiến lược toàn diện của Việt Nam, các doanh nghiệp lớn toàn cầu… nâng cao vị thế, uy tín đất nước và mở ra các cơ hội, thời cơ, thuận lợi mới cho phát triển. Hợp tác Vành đai con đường, các hoạt động ngoại giao với Lào, Campuchia, các nước lưu vực sông Mê kông… tiếp tục được đẩy mạnh.

“Đây là những kết quả quan trọng, tạo đà, khí thế mới để phấn đấu tăng trưởng bứt phá trong năm 2025, chuẩn bị cho giai đoạn tăng trưởng cao 2026-2030 và hiện thực hóa tầm nhìn của Tổng Bí thư về kỷ nguyên phát triển mới của dân tộc”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh. 

Thủ tướng yêu cầu thực hiện 5 “tiên phong”

Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá, năm 2024, ngành Kế hoạch - Đầu tư và thống kê đã thực hiện tốt vai trò của cơ quan tổng hợp tham mưu cấp chiến lược, cơ quan đầu mối, điều phối điều hành kinh tế vĩ mô; Thể chế, cơ chế chính sách về quản lý kinh tế tiếp tục được chú trọng hoàn thiện, sửa đổi, bổ sung; Công tác quy hoạch được tập trung triển khai, cơ bản đáp ứng tiến độ, chất lượng; Giải ngân vốn đầu tư công được triển khai quyết liệt gắn với tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh kiểm tra, giám sát; Đóng góp tích cực vào cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, phát triển doanh nghiệp và thu hút đầu tư nước ngoài. Thu hút FDI đạt gần 40 tỷ USD; Khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo có bước phát triển mạnh mẽ, định hình hệ sinh thái đổi mới sáng tạo tại Việt Nam.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh 5 “tiên phong” đối với Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh 5 “tiên phong” đối với Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Bên cạnh những kết quả đạt được, Thủ tướng cũng chỉ rõ những tồn tại hạn chế cần khắc phục trong thời gian tới và bài học kinh nghiệm.

Năm 2025, tình hình thế giới, khu vực dự báo tiếp tục diễn biến rất phức tạp, khó lường; trong nước, khó khăn, thách thức nhiều hơn thời cơ, thuận lợi. Để tăng tốc, bứt phá, về đích, thực hiện thắng lợi các mục tiêu trong năm 2025 và cả nhiệm kỳ 2021-2025, Thủ tướng nhấn mạnh 5 “tiên phong”:

"Thứ nhất là tiên phong trong đổi mới tư duy, nghĩ sâu làm lớn, nhìn xa trông rộng, đã nói là làm, đã làm phải có hiệu quả; Thứ 2, tiên phong trong xây dựng, hoàn thiện thể chế, vì thể chế là nguồn lực, là động lực cho sự phát triển. Thứ 3, tiên phong trong dẫn dắt, thu hút nguồn lực; Thứ 4, tiên phong trong đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, phát triển kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, kinh tế ban đêm và cơ cấu lại nền kinh tế; Thứ 5 tiên phong trong xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia để hoạch định chính sách trên cơ sở dữ liệu quốc gia một cách khoa học, hiệu quả", Thủ tướng Phạm Minh Chính nói.

Thủ tướng yêu cầu, tiếp tục làm tốt hơn nữa trong công tác điều hành kế hoạch và điều phối kinh tế vĩ mô; tăng cường thu hút mọi nguồn lực cho đầu tư phát triển đất nước và các dự án trọng điểm như: Hoàn thiện tuyến cao tốc Bắc Nam từ Cao Bằng đến Cà Mau; Khởi động đường sắt kết nối Hà Nội - Lào Cai - Côn Minh; Đường sắt cao tốc Bắc Nam; Đường sắt kết nối nội đô của Tp.HCM và Hà Nội. Bộ phải tham mưu cho nhà nước khai thác không gian ngầm, không gian biển, không gian vũ trụ. Theo Thủ tướng muốn khai thác được các không gian này thì phải có hạ tầng;

Thủ tướng chỉ rõ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phải đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, thúc đẩy triển khai các công trình kết cấu hạ tầng chiến lược, hạ tầng số; Tập trung cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng và đề xuất triển khai các mô hình kinh tế mới; Đẩy mạnh thu hút đầu tư nước ngoài gắn với cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tăng cường công khai, minh bạch; Thúc đẩy đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp và phát triển doanh nghiệp; Đẩy mạnh nâng cao chất lượng công tác thống kê, với quan điểm chủ đạo là thông tin thống kê trung thực, khách quan, chính xác, kịp thời và minh bạch.

Đồng thời, Thủ tướng yêu cầu, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cần làm tốt nhiệm vụ Thường trực Tiểu ban Kinh tế - Xã hội để xây dựng Báo cáo kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển KTXH 5 năm 2021-2025, Chiến lược phát triển KTXH 10 năm 2021-2030; xây dựng Kế hoạch phát triển KTXH 5 năm 2026-2030 trình Đại hội XIV của Đảng.

Thực hiện tốt công tác xây dựng Đảng, chỉnh đốn Đảng. Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các tổ chức Đảng và đảng viên. Ngăn chặn suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” gắn với thực hiện học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh một cách thực chất, hiệu quả; đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí.

TheoTạp chí Tài chính Doanh nghiệp
Copy link

Văn bản pháp luật

Liên kết

Website nội bộ của VCCI

Footer logo

Bản quyền bởi Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI 

  Tòa VCCI, Số 9 Đào Duy Anh, Đống Đa, Hà Nội, Việt Nam

Giấy phép xuất bản số 190/GP-TTĐT cấp ngày 27/10/2023

Người chịu trách nhiệm chính: Ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch VCCI

Quản lý và vận hành: Trung tâm Truyền thông và Thông tin Kinh tế - VCCI
Văn Phòng - Lễ tân:  Phụ trách website: Liên hệ quảng cáo:
📞 + 84-24-35742022 📞 + 84-24-35743084 📞 + 84-24-35743084
 + 84-24-35742020   vcci@vcci.com.vn   

Truy cập phiên bản website cũ.                                                     Thiết kế và phát triển bởi ADT Global