VCCI logo

LIÊN ĐOÀN THƯƠNG MẠI VÀ CÔNG NGHIỆP VIỆT NAM

Vietnam Chamber of Commerce and Industry

Thứ 6, 27/12/2024 | English | Vietnamese

Trang chủTin tổng hợpTổn thất bão lũ hơn 10 ngàn tỷ, bảo hiểm lấy tiền đâu bồi thường?

Tổn thất bão lũ hơn 10 ngàn tỷ, bảo hiểm lấy tiền đâu bồi thường?

09:43:00 AM GMT+7Thứ 2, 16/09/2024

Trước những thiệt hại về người và tài sản sau cơn bão số 3 (Yagi), theo thống kê các DNBH phi nhân thọ dự phải chi cả chục ngàn tỷ để bồi thường tổn thất, con số này sẽ còn tăng thêm. Vậy tiền bồi thường lấy từ đâu?

Tổn thất đang nhỏ hơn dự phòng bồi thường

Theo số liệu thống kê của PVI, đến thời điểm hiện tại đơn vị này được xem là DNBH chịu thiệt hại nặng nhất sau cơn bão số 3 vừa qua, tính đến ngày 12/9 đã ghi nhận tổng mức khiếu nại tổn thất hơn 2.000 tỷ đồng (không bao gồm tổn thất về bảo hiểm xe cơ giới và con người) với hơn 500 vụ.

Tuy nhiên, BCTC bán niên 2024 của PVI cho thấy, doanh nghiệp đang có khoản dự phòng bồi thường hơn 6.900 tỷ đồng, con số này giảm hơn 15% so với cùng kỳ năm 2023 nhưng cao hơn khá nhiều so với số tiền thiệt hại dự kiến.

Dự phòng bồi thường theo BCTC bán niên 2024 của bảo hiểm PVI. Ảnh: BCTC PVI

Tương tự, là một trong những DN cũng chịu thiệt hại khá nặng trong thiên tai vừa qua với hơn 500 vụ tổn thất, dự kiến bồi thường hàng trăm tỷ đồng. Bảo hiểm PTI hiện cũng đang có dự phòng bồi thường ở mức hơn 1.420 tỷ đồng tính đến 30/06/2024. Trong đó, chuyển tái bảo hiểm hơn 675 tỷ đồng.

Bảo hiểm MIC hiện cũng đang dự phòng bồi thường hơn 870 tỷ đồng, trong đó chuyển tái bảo hiểm hơn 438 tỷ đồng tính đến 30/06/2024. Bảo hiểm BIC có dự phòng bồi thường hơn 778 tỷ đồng, trong khi dự kiến thiệt hại DN phải bồi thường khoảng 213 tỷ đồng với gần 624 vụ tổn thất.

Còn theo BCTC bán niên của bảo hiểm PJICO, dự phòng bồi thường của DN hiện ở mức hơn 1.600 tỷ đồng, trong đó nhượng tái bảo hiểm hơn 916 tỷ, còn giữ lại gần 700 tỷ đồng. Trong khi, tính đến thời điểm này PJICO ghi nhận hơn 500 vụ tổn thất, ước bồi thường hàng trăm tỷ đồng.

Một nhà xưởng tại Hải Phòng tan hoang sau bão số 3 (Yagi)

Số liệu của Cục Quản lý Giám sát Bảo hiểm cho thấy, tính đến thời điểm ngày 12/9/2024, các DNBH đã ghi nhận hơn 9.000 số vụ thiệt hại về tài sản và xe cơ giới, 14 trường hợp tử vong, 18 vụ thuộc nghiệp vụ bảo hiểm sức khoẻ. Tổng số tiền bảo hiểm chi trả thiệt hại về con người và tài sản ước tính khoảng 7.000 tỷ đồng. Chủ yếu thiệt hại đến từ các DNBH phi nhân thọ với các nghiệp vụ bảo hiểm tài sản, hàng hải, kỹ thuật, hàng hoá, bảo hiểm xe cơ giới…

Theo Cục Quản lý Giám sát Bảo hiểm (Bộ Tài chính), trên đây là những số liệu sơ bộ ban đầu, trong bối cảnh thiệt hại do bão số 3 và hoàn lưu bão gây ra còn phức tạp, do đó số liệu về số vụ tổn thất và giá trị chi trả bồi thường bảo hiểm vẫn chưa thống kê được toàn diện, đầy đủ. Dự kiến sẽ tiếp tục tăng thêm trong thời gian tới.

DN bảo hiểm phi nhân thọ dự phòng rủi ro như thế nào?

Trao đổi với VietnamFinance, ông Trần Nguyên Đán, chuyên gia kinh tế, thành viên Hội Luật gia Việt Nam cho biết, trong hoạt động bảo hiểm phi nhân thọ từ trước đến nay, bài toán đa phần vẫn thường thấy đó là lấy doanh thu phí bảo hiểm, trừ đi số tiền bồi thường và các chi phí khác để nhìn ra lợi nhuận của DN.

Nhưng bản chất, các DNBH có rất nhiều nghiệp vụ dự phòng, trong đó có 1 khoản được gọi là quỹ dự phòng dao động lớn. Quỹ này được dự báo bởi các nhà bảo hiểm về những sự kiện bảo hiểm lớn, thiệt hại nặng.

Số tiền các DN trích lập dự phòng này, tạm thời có thể sẽ mua trái phiếu chính phủ hoặc gửi ngân hàng, nhưng khoản này có tính thanh khoản cao, chuyển đổi thành tiền mặt rất nhanh.

“Các DNBH đều đã có đề phòng cho các sự kiện rủi ro lớn, kiểu như bão số 3 (Yagi) vừa qua”, ông Đán nói thêm.

Ông Trần Nguyên Đán, chuyên gia kinh tế, thành viên Hội Luật gia Việt Nam

Trong một thời gian dài, các công ty BH đã trích lập dự phòng, chưa dùng đến, vì vậy đây là thời điểm sử dụng số tiền đó. Và theo quy định của pháp luật Việt Nam, trích lập dự phòng được đưa vào chi phí hạch toán, nên có thể dự đoán tình hình kinh doanh của các DNBH phi nhân thọ không biến động quá lớn.

“Dù thiệt hại ngàn tỷ, nhưng các DNBH phi nhân thọ vẫn có thể đảm bảo trách nhiệm bồi thuờng nhờ có dự phòng trước”, ông Đán nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, mặc dù con số tạm thống kê thiệt hại là rất lớn, 7.000 tỷ và tương lai có thể tăng thêm nhiều. Ông Đán lưu ý, có thêm 1 công cụ các nhà bảo hiểm từ trước đến nay vẫn sử dụng để tự bảo vệ mình, giảm thiểu thiệt hại đó chính là tái bảo hiểm.

Theo ông Trần Nguyên Đán, hầu hết các DNBH phi nhân thọ là nhà bảo hiểm gốc ngoài việc họ chuyển nhượng tái cho các DN chuyên tái bảo hiểm, họ còn tái bảo hiểm lẫn nhau. Bởi mỗi DNBH đều có phòng nhận tái và nhượng tái bảo hiểm nhằm mục tiêu của cơ quan quản lý nhà nước là cân bằng rủi ro giữa các vùng miền trong một quốc gia.

“Các DNBH cũng tự chia sẻ và cân bằng rủi ro với nhau trong cùng một đối tượng bảo hiểm. Miền Nam, miền Trung đều tham gia gánh chịu tổn thất của miền Bắc thông qua công cụ tái bảo hiểm này ”, ông Đán lấy ví dụ.

Chưa hết, các DNBH phi nhân thọ Việt Nam hiện nay còn một công cụ nữa đó là tái bảo hiểm ra nước ngoài, ví dụ một số DN nhận tái nước ngoài như Swiss Re, Hannover Re…hoặc DNBH vốn nước ngoài như Tokyo Marine tái về các DN tái bảo hiểm của Nhật Bản.

“Các DNBH ở quốc gia khác trên thế giới nhận tái của DNBH Việt Nam, nếu có sự kiện bảo hiểm liên quan thì vẫn tham gia chịu rủi ro cho các tổn thất do bão lũ tại Việt Nam”, ông Đán khẳng định.

Như vậy, nhờ các công cụ trên năng lực bảo hiểm của các nhà bảo hiểm gốc cao hơn rất nhiều so với vốn chủ sở hữu của họ. Ngoài việc dùng số tiền dự phòng để bồi thường, họ còn có thêm nguồn tài chính từ các nhà tái bảo hiểm. Do đó, khách hàng hoàn toàn có thể yên tâm.

“Việc quan trọng hơn hiện nay, là công tác giám định bồi thường ra sao, vì đây là thảm hoạ lớn, phát sinh nhiều trường hợp ngoài ý muốn, nếu DN không còn đủ giấy tờ để chứng minh thiệt hại, các bên liên quan đều có nguy cơ mất giấy tờ... thì sẽ có hỗ trợ như thế nào từ DNBH và cơ quan quản lý nhà nước”, ông Đán quan tâm thêm.

TheoXuân Thạch (Tạp chí điện tử Đầu tư Tài chính)
Copy link

Văn bản pháp luật

Liên kết

Website nội bộ của VCCI

Footer logo

Bản quyền bởi Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI 

  Tòa VCCI, Số 9 Đào Duy Anh, Đống Đa, Hà Nội, Việt Nam

Giấy phép xuất bản số 190/GP-TTĐT cấp ngày 27/10/2023

Người chịu trách nhiệm chính: Ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch VCCI

Quản lý và vận hành: Trung tâm Truyền thông và Thông tin Kinh tế - VCCI
Văn Phòng - Lễ tân:  Phụ trách website: Liên hệ quảng cáo:
📞 + 84-24-35742022 📞 + 84-24-35743084 📞 + 84-24-35743084
 + 84-24-35742020   vcci@vcci.com.vn   

Truy cập phiên bản website cũ.                                                     Thiết kế và phát triển bởi ADT Global