VCCI logo

LIÊN ĐOÀN THƯƠNG MẠI VÀ CÔNG NGHIỆP VIỆT NAM

Vietnam Chamber of Commerce and Industry

Thứ 6, 18/07/2025 | English | Vietnamese

Trang chủTin tổng hợpTổng thuật Hội thảo ‘Nâng cao nhận thức nhà đầu tư hướng tới nâng hạng thị trường chứng khoán’

Tổng thuật Hội thảo ‘Nâng cao nhận thức nhà đầu tư hướng tới nâng hạng thị trường chứng khoán’

10:16:00 AM GMT+7Thứ 6, 18/07/2025

Hướng tới mục tiêu nâng hạng thị trường chứng khoán, triển khai hiệu quả Chiến lược phát triển thị trường chứng khoán Việt Nam đến năm 2030, Tạp chí Nhà đầu tư tổ chức Hội thảo chuyên đề "Nâng cao nhận thức nhà đầu tư hướng tới nâng hạng thị trường chứng khoán".

Toàn cảnh Hội thảo "Nâng cao nhận thức nhà đầu tư hướng tới nâng hạng thị trường chứng khoán"

Sáng 17/7, tại khách sạn Melia, 44B Lý Thường Kiệt, Hoàn Kiếm, TP.Hà Nội, Tạp chí Nhà đầu tư tổ chức Hội thảo với chủ đề: “Nâng cao nhận thức nhà đầu tư hướng tới nâng hạng thị trường chứng khoán”.

Hội thảo nhận được sự quan tâm và tham dự của lãnh đạo các Ban, Bộ, ngành trung ương, chuyên gia kinh tế - tài chính, lãnh đạo các ngân hàng thương mại, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, tổ chức quốc tế, cơ sở đào tạo, cùng các nhà đầu tư, doanh nghiệp trong và ngoài nước.

Về phía lãnh đạo các bộ, ban, ngành ở Trung ương có sự tham gia của ông Phan Xuân Thuỷ, Phó Trưởng ban Tuyên giáo & Dân vận Trung ương; Ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó Cục trưởng Cục Báo chí, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch.

Về phía các cơ quan Quốc hội có ông Phan Đức Hiếu, Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Kinh tế, Tài chính của Quốc hội

Về phía Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) có sự tham dự của bà Vũ Thị Chân Phương, Chủ tịch UBCKNN; Ông Bùi Hoàng Hải, Phó Chủ tịch UBCKNN; Ông Nguyễn Sơn, Chủ tịch Tổng công ty Lưu ký và Bù trừ chứng khoán Việt Nam (VSDC); Ông Lương Hải Sinh, Chủ tịch Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam (VNX) và lãnh đạo các cơ quan trực thuộc UBCKNN.

Về phía Cơ quan chủ quản của Tạp chí Nhà đầu tư, Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE): TS. Nguyễn Anh Tuấn, Chủ tịch VAFIE.

Hội thảo có sự tham dự của nhiều lãnh đạo các Ban, Bộ, ngành trung ương

Hội thảo còn nhận được sự quan tâm và tham dự của nhiều lãnh đạo cơ quan báo chí, truyền thông: Ông Quế Đình Nguyên, Phó TBT Báo Nhân dân; Ông Nguyễn Bá, Tổng biên tập Báo Vietnamnet; Ông Triệu Ngọc Lâm, Tổng biên tập Báo Giáo dục Thời đại; Ông Nguyễn Tiến Bình, Tổng biên tập Tạp chí Giáo dục Việt Nam; Ông Hoàng Anh Minh, Tổng biên tập Tạp chí Đầu tư Tài chính; cùng các phóng viên chuyên trách về tài chính - đầu tư đến tham dự và đưa tin.

Sự kiện còn có sự tham gia đông đảo của nhiều lãnh đạo, đại diện lãnh đạo các ngân hàng thương mại, công ty chứng khoán, quản lý quỹ, quỹ đầu tư, doanh nghiệp niêm yết, hiệp hội và cơ sở đào tạo.

Đại diện cơ quan Trung ương, Hiệp hội và các cơ quan báo chí tại Hội thảo

Phát biểu khai mạc, ông Phạm Đức Sơn, Tổng biên tập Tạp chí Nhà đầu tư cho biết, Hội thảo “Nâng cao nhận thức nhà đầu tư hướng tới nâng hạng thị trường chứng khoán” diễn ra trong bối cảnh đặc biệt khi cả nước đang khẩn trương thực hiện công cuộc Đổi mới lần 2 để chuẩn bị thế và lực bước vào kỷ nguyên mới – kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, như lời hiệu triệu của Tổng bí thư Tô Lâm.

Riêng đối với thị trường chứng khoán, nâng hạng thị trường đang là một trong những nhiệm vụ chiến lược, được Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan quản lý xác định là trọng tâm trong năm 2025 – năm bản lề để đưa thị trường Việt Nam vươn lên nhóm thị trường mới nổi.

Ông Phạm Đức Sơn - Tổng biên tập Tạp chí Nhà đầu tư phát biểu khai mạc hội thảo

Chiến lược phát triển thị trường chứng khoán đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1726/QĐ-TTg ngày 29/12/2023 đã chỉ rõ: Phát triển và đa dạng hóa cơ sở nhà đầu tư là mục tiêu trọng tâm, trong đó nâng cao chất lượng nhà đầu tư cá nhân gắn với đào tạo, phổ cấp kiến thức và thông tin tuyên truyền là một trụ cột quan trọng.

Để thực hiện nhiệm vụ đó, bên cạnh nỗ lực của cơ quan quản lý nhà nước cùng các thành viên thị trường, thì vai trò của báo chí – truyền thông cần được phát huy mạnh mẽ hơn bao giờ hết.

“Hội thảo hôm nay là một trong những hoạt động thiết thực mà Tạp chí Nhà đầu tư triển khai nhằm góp phần nâng cao nhận thức nhà đầu tư, hướng tới nâng hạng thị trường chứng khoán một cách hiệu quả và bền vững", ông Phạm Đức Sơn nhấn mạnh.

Thông tin về hội thảo sẽ được tường thuật trực tiếp trên Tạp chí điện tử Nhadautu.vn, tạp chí tiếng Anh Theinvestor.vn, livestream trên nền tảng Facebook và Youtube của VTV Index. Các phóng viên, biên tập viên của hơn 30 cơ quan báo chí, truyền hình có mặt hôm nay sẽ chuyển tải rộng rãi thông tin của hội thảo đến cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Truyền thông nâng cao nhận thức của nhà đầu tư giữ vai trò hết sức quan trọng

Tham dự và phát biểu chỉ đạo tại Hội thảo, ông Phan Xuân Thuỷ, Phó Trưởng ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương đánh giá cao sự cần thiết, ý nghĩa thực tiễn của Hội thảo "Nâng cao nhận thức nhà đầu tư hướng tới nâng hạng thị trường chứng khoán" do Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và Tạp chí Nhà đầu tư phối hợp tổ chức.

Ông Phan Xuân Thuỷ, Phó Trưởng ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương phát biểu chỉ đạo tại Hội thảo

Theo ông Phan Xuân Thuỷ, trong những năm qua, thị trường chứng khoán Việt Nam đã có những bước phát triển mạnh mẽ, trở thành kênh huy động vốn trung và dài hạn quan trọng cho nền kinh tế. Tính đến giữa năm 2025, quy mô vốn hóa thị trường cổ phiếu đã tương đương hơn 55% GDP. Như vậy, chúng ta thấy phát triển thị trường chứng khoán chính là động lực quan trọng để Việt Nam hiện thực hóa mục tiêu tăng trưởng GDP 8% trong năm 2025 và ở mức "2 con số" trong giai đoạn tiếp theo. Vị trí, vai trò, tác động tích cực của thị trường chứng khoán là thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đẩy mạnh cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, minh bạch hóa hoạt động doanh nghiệp, cải thiện năng lực quản trị và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp vươn tầm khu vực và quốc tế.

Trong lộ trình đó, truyền thông nâng cao nhận thức của nhà đầu tư giữ vai trò hết sức quan trọng. Được biết, thời gian qua, ngành chứng khoán, đặc biệt là Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và các đơn vị chức năng đã chủ động, tích cực phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chỉ đạo, quản lý nhà nước về báo chí và các đơn vị báo, đài trong việc cung cấp thông tin, định hướng dư luận, kịp thời phản hồi, xử lý khi có thông tin thiếu chính xác, xuyên tạc gây ảnh hưởng tiêu cực tới tâm lý nhà đầu tư và sự ổn định của thị trường.

Tuy nhiên, trong thời gian tới, với quy mô thị trường ngày càng lớn, số lượng nhà đầu tư cá nhân ngày càng tăng, thách thức về kiểm soát thông tin sẽ càng phức tạp, đòi hỏi chúng ta phải có chiến lược phát triển linh hoạt, hiệu quả và đột phá.

Từ những thực tiễn nêu trên, Phó Trưởng ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương Phan Xuân Thuỷ đưa ra 5 gợi mở để Hội thảo nghiên cứu, trao đổi, cũng như phối hợp với cơ quan chức năng tổ chức thực hiện:

Một là, cơ quan quản lý nhà nước về chứng khoán cần tiếp tục tăng cường phối hợp với các cơ quan thông tấn, báo chí tổ chức truyền thông sâu rộng về các chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước về phát triển kinh tế nói chung, đặc biệt là 4 Nghị quyết trụ cột hiện nay của Bộ chính trị là Nghị quyết 66, Nghị quyết 68, Nghị quyết 57, Nghị quyết 59 và lĩnh vực tài chính, chứng khoán nói riêng. Cùng với đó, cần liên tục đổi mới về nội dung và hình thức tuyên truyền nhằm đưa các thông tin chính thống thấm sâu vào đời sống, đến mọi nhà đầu tư trong và ngoài nước và các tầng lớp nhân dân.

Hai là, đối với các thành viên thị trường chứng khoán cần chấp hành nghiêm các quy định về công bố thông tin: (1) phải minh bạch, (2) phải chủ động, (3) phải kịp thời cung cấp thông tin khách quan, trung thực về hoạt động của tổ chức, doanh nghiệp.

Ba là, các cơ quan báo chí và các tổ chức, doanh nghiệp cần có chương trình ký kết, kế hoạch về thực hiện truyền thông chính sách. Đồng thời, các cơ quan báo chí cũng cần có lộ trình đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng chuyên môn cũng như đạo đức nghề nghiệp đối với đội ngũ phóng viên, biên tập viên mảng/lĩnh vực tài chính, chứng khoán, bởi đây là lĩnh vực đòi hỏi chuyên môn sâu, tính nhạy cảm cao và tác động trực tiếp đến hàng triệu nhà đầu tư.

Bốn là, cơ quan quản lý nhà nước về chứng khoán, các thành viên thị trường, các cơ quan báo chí cần tiếp tục nâng cao trách nhiệm, đẩy mạnh công tác truyền thông, phổ cập kiến thức cơ bản, nâng cao về tài chính, thị trường, chứng khoán cho các nhà đầu tư cá nhân để họ có khả năng tự bảo vệ mình trước những luồng thông tin giả, cạm bẫy lừa đảo, từ đó có ứng xử chuyên nghiệp, văn minh trên thị trường, hướng đến mục tiêu phát triển bền vững.

Năm là, các cơ quan chức năng theo phạm vi, quyền hạn xử lý kịp thời, nghiêm minh các hành vi phát tán tin giả, tin sai lệch, thiếu khách quan trên các phương tiện truyền thông đại chúng, nền tảng mạng xã hội gây lũng đoạn thị trường, ảnh hưởng xấu đến doanh nghiệp, nhà đầu tư.

"Nâng cao nhận thức nhà đầu tư hướng tới nâng hạng thị trường chứng khoán cần sự nỗ lực, chung tay của cả hệ thống chính trị, sự phối hợp chặt chẽ, trách nhiệm của các bộ, ngành, cơ quan từ Trung ương đến các địa phương, tới cộng đồng doanh nghiệp và Nhân dân; tôi tin tưởng rằng, Hội thảo hôm nay sẽ là diễn đàn rất hữu ích để chia sẻ, thảo luận, truyền tải thông điệp tích cực về phát triển thị trường chứng khoán, qua đó góp phần nâng cao nhận thức nhà đầu tư, chuẩn hóa hoạt động đầu tư và hướng tới mục tiêu phát triển bền vững thị trường chứng khoán, mà trước mắt là nâng hạng thị trường chứng khoán trong thời gian sớm nhất", ông Phan Xuân Thuỷ nhấn mạnh.

Nâng hạng thị trường là giải pháp hữu hiệu thu hút đầu tư nước ngoài

Phát biểu chào mừng tại Hội thảo, bà Vũ Thị Chân Phương, Chủ tịch UBCKNN đánh giá Hội thảo có ý nghĩa quan trọng trong việc xây dựng và phát triển TTCK Việt Nam, thể hiện sự quan tâm của lãnh đạo, cơ quan thông tấn báo chí, cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư đối với sự phát triển thị trường chứng khoán Việt Nam, đặc biêt là thị trường chứng khoán trong tiến trình nâng hạng.

Bà Vũ Thị Chân Phương, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) phát biểu tại Hội thảo Nâng cao nhận thức nhà đầu tư hướng tới nâng hạng thị trường chứng khoán ngày 17/7

Chủ tịch UBCKNN cho biết trong thời gian vừa qua, TTCK Việt Nam đã có sự phát triển mạnh mẽ về quy mô, thanh khoản và chất lượng hàng hóa, dần trở thành kênh dẫn vốn trung và dài hạn quan trọng cho nền kinh tế.

"Tính đến phiên hôm qua, thanh khoản trung bình 10 phiên trên thị trường dẫn đầu thị trường Đông Nam Á, đây là thông tin quan trọng cho sự phát triển của thị trường vì các nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư nước ngoài khi nhìn vào sự phát triển của thị trường, ngoài yếu tố như cơ chế, chính sách thị trường thì thanh khoản cũng rất quan trọng", bà Vũ Thị Chân Phương nói và cho biết nếu thị trường chứng khoán có thể thu hút được lượng vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài, nhất là vốn đầu tư của các nhà đầu tư tổ chức, các quỹ đầu tư lớn thì sẽ tạo tác động tích cực ở nhiều góc độ cho TTCK, qua đó giúp phát triển hơn nữa kênh huy động vốn quan trọng cho sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước.

Theo Chủ tịch UBCKNN, trong các giải pháp thu hút vốn đầu tư nước ngoài vào thị trường chứng khoán thì kinh nghiệm quốc tế cho thấy nâng hạng TTCK là giải pháp có tính hiệu quả cao. Chính vì thế từ năm 2022, Nghị quyết 86 của Chính phủ về phát triển thị trường vốn an toàn minh bạch, bền vững đã nêu mục tiêu rất cụ thể là phát triển TTCK trở thành kênh huy động vốn trung và dài hạn chủ yếu cho nền kinh tế và giải pháp khẩn trương triển khai các giải pháp cần thiết để nâng hạng TTCK Việt Nam từ thị trường cận biên lên mới nổi.

Cùng với đó, năm 2023, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 1726 phê duyệt Chiến lược phát triển thị trường chứng khoán Việt Nam đến năm 2030 và đề ra mục tiêu cụ thể là năm 2025 sẽ nâng hạng từ thị trường cận biên lên mới nổi. Gần đây nhất, Nghị quyết 68 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân cũng nêu rõ là khẩn trương nâng hạng, tái cơ cấu TTCK để nâng cao chất lượng, mở ra kênh huy động vốn ổn định cho kinh tế tư nhân. "Để thực hiện Chiến lược phát triển thị trường chứng khoán đến năm 2030, UBCKNN dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Bộ Tài chính... đã xây dựng những kế hoạch cụ thể, công bố lộ trình dần đáp ứng những tiêu chí xếp hạng mà các tổ chức xếp hạng quốc tế đưa ra", bà Vũ Thị Chân Phương khẳng định.

Tuổi thọ nhà đầu tư chứng khoán chỉ có ...2 năm

Đại diện cho các công ty chứng khoán trình bày tham luận của mình về vai trò của công ty chứng khoán trong nâng cao nhận thức nhà đầu tư hướng tới nâng hạng thị trường chứng khoán, bà Nguyễn Ngọc Linh, Tổng giám đốc CTCP Chứng khoán DNSE cho rằng thời gian vừa qua, cơ quan quản lý, đặc biệt UBCKNN đã tạo cho thị trường, CTCK và NĐT một lộ trình rất đầy đủ, bài bản, chuyên nghiệp và tiệm cận thông lệ quốc tế.

“Việc cải cách pháp lý và minh bạch thông tin để nhà đầu tư quốc tế dễ dàng trong việc tiếp cận thông tin giá trị, minh bạch hơn (công bố thông tin bằng tiếng Anh). Đặc biệt là Thông tư 68 (bãi bỏ yêu cầu pre-funding cho nhà đầu tư nước ngoài từ tháng 11/2024) có hiệu lực đã nhận được nhiều feedback của khối ngoại, đánh giá tốt. Với vai trò là CTCK cung cấp dịch vụ cho NĐT nước ngoài thì nhận thấy họ rất thoải mái, được tạo điều kiện khi Thông tư 68 đi vào hiệu lực”, bà Linh đánh giá, đồng thời cho hay cơ quan chức năng đã tiến hành hàng loạt biện pháp thu hút và hỗ trợ nhà đầu tư nước ngoài, gồm đơn giản hóa thủ tục mở tài khoản cho NĐT nước ngoài, thử nghiệm và mở rộng tài khoản omnibus. UBCKNN đang nỗ lực trong xúc tiến và kết nối quốc tế, như làm việc trực tiếp với MSCI và FTSE; tổ chức roadshow quốc tế, quảng bá thị trường chứng khoán Việt Nam…

Bà Nguyễn Ngọc Linh, Tổng giám đốc CTCP Chứng khoán DNSE chia sẻ nhiều kết qủa nghiên cứu về tâm lý nhà đầu tư chứng khoán

Đồng thời có nhiều hoạt động nâng cao năng lực nhà đầu tư/ thành viên thị trường như tổ chức tập huấn nghiệp vụ/ hội thảo… truyền thông tới công chúng và thành viên thị trường; ban hành, đào tạo quy chế nghiệp vụ cho thành viên thị trường

Theo số liệu của VSD tính đến 30/6, thị trường chứng khoán có 10,2 triệu tài khoản giao dịch, trong đó nhà đầu tư cá nhân chiếm đến 99,82%, nhà đầu tư tổ chức chỉ 0,18% và nhà đầu tư nước ngoài gần 0,5%. Nhà đầu tư cá nhân chiếm đến trên 80% giá trị giao dịch toàn thị trường.

DNSE tập trung vào khối nhà đầu tư cá nhân nhiều hơn để cùng tiếp sức cho thị trường trong nâng cao nhận thức nhà đầu tư. Trong quá trình tiếp xúc, DNSE nhận thấy NĐT cá nhân có những hạn chế về yếu tố cá nhân, đầu tư ngắn hạn, chưa tin vào chuyên gia mà tin vào bản thân nhiều hơn. Do vậy, hầu hết hành động trên thị trường đang bị yếu tố tâm lý và đám đông chi phối. Chính vì thế có một thống kê là 95% nhà đầu tư đang bị thua lỗ, tuổi thọ trung bình nhà đầu tư tham gia thị trường rất ngắn, họ chỉ tham gia 2 năm và thua lỗ nên rời bỏ thị trường. 

“Khi DNSE đi làm thị trường, phát triển NĐT cá nhân thì cảm thấy tiếc khi mà NĐT đã tham gia vào câu chuyện đầu tư, tiếp cận tài chính thông minh mà trong 2 năm bơi, vật lộn trong thị trường, không có nơi để tiếp sức cho họ thì khá tiếc”, bà Linh chia sẻ.

Với nhận thức vai trò của công ty chứng khoán trên thị trường, DNSE chú trọng đến đào tạo nâng cao nhận thức thông qua hình thức đào tạo đa dạng và cá nhân hóa, hợp với hơi thở thời đại. DNSE đa dạng về nội dung và hình thức thể hiện: Comic, E-Learning, Workshops, Hội thảo, Series video ngắn, hợp tác với KOLs, KOCs, influencers ….; phân phối đa dạng các nền tảng, phủ sóng nhiều đối tượng NĐT. 

DNSE cũng cung cấp thông tin giúp nhà đầu tư nhận diện cơ hội theo xu hướng mới từ báo cáo chuyên sâu, phân tích dấu chân của nhà đầu tư chuyên nghiệp và dòng tiền chuyên nghiệp; CTCK là cổng thông tin về quá trình nâng hạng thị trường cho NĐT cá nhân một cách ngắn gọn, dễ hiểu; CTCK mang đến cơ hội hỗ trợ từ cộng đồng nhà đầu tư, chuyên gia chứng khoán…

THẢO LUẬN MỞ

Phiên I: Thực trạng và giải pháp nâng cao chất lượng nhà đầu tư tham gia thị trường

Các diễn giả chính: Ông Bùi Hoàng Hải, Phó chủ tịch UBCKNN; Ông Nguyễn Sơn, Chủ tịch HĐTV Tổng công ty Lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam (VSDC); Ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó Cục trưởng Cục Báo chí, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch; TS. Nguyễn Anh Tuấn, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Đầu tư nước ngoài (VAFIE); PGS. TS Phạm Thị Hoàng Anh, Phó Giám đốc phụ trách Ban điều hành Học viện Ngân hàng; Ông Võ Hoàng Hải – Phó TGĐ Ngân hàng TMCP Nam Á; Ông Hoàng Thế Hưng, Thành viên HĐQT Ngân hàng Eximbank.

Người dẫn chương trình: MC Hoàng Nam.

Các diễn giả tham gia Phiên thảo về giải pháp nâng cao chất lượng nhà đầu tư

Nâng hạng phụ thuộc nhiều vào trải nghiệm của nhà đầu tư nước ngoài

MC: Phiên 1 có chủ đề thực trạng và giải pháp nâng cao chất lượng nhà đầu tư tham gia thị trường. Với TTCK nửa đầu năm và bước sáng quý III tâm lý nhà đầu tư vẫn là kỳ vọng nâng hạng, điều này được thể hiện rất rõ với sự quay trở lại của các nhà đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên chúng ta đều biết, nâng hạng đã khó giữ hạng còn khó hơn, câu hỏi đầu tiên xin hỏi ông Bùi Hoàng Hải, Phó Chủ tịch UBCKNN, trong trường hợp tới đây TTCK Việt Nam được nâng hạng theo tiêu chuẩn FTSE, chúng ta cần triển khai các công việc gì để đạt mục tiêu kép, đó là tiếp tục được MSCI nâng hạng và làm sao để giữ được hạng một cách bền vững?

Ông Bùi Hoàng Hải, Phó Chủ tịch UBCKNN: Trong thời gian vừa qua chúng ta kỳ vọng về câu chuyện nâng hạng, có thể nói đến thời điểm này Việt Nam đã đáp ứng hầu hết. Song, việc được nâng hạng hay không phụ thuộc nhiều vào đánh giá, trải nghiệm của NĐT nước ngoài.

Một điểm kỳ vọng là NĐT nước ngoài quay lại mua ròng nhiều, hơn 13.000 tỷ trong nửa đầu tháng 7. Chúng tôi thường xuyên duy trì cơ chế trao đổi với NĐT nước ngoài và họ có đánh giá tích cực với cải cách, cố gắng của Chính phủ. Ví như áp dụng cơ chế NPF (Non – Prefunding) cho NĐT nước ngoài giúp tăng số lượng giao dịch. Đã có hàng trăm nghìn giao dịch NPF (giao dịch không cần ký quỹ), số lượng NPF chiếm hơn 50% lệnh mua của khối ngoại hiện nay. Đối với cơ chế xử lý giao dịch thất bại, hàng trăm nghìn giao dịch NPF thực hiện thì chỉ một vài giao dịch thất bại và đều có cơ chế xử lý ổn thỏa. Do vậy, kỳ vọng nâng hạng khá lớn. Tuy nhiên, nâng hạng không phải đích đến mà chúng ta vẫn phải tiếp tục giải pháp duy trì xếp hạng và hướng đến xếp hạng cao hơn, mà cái cao nhất là phát triển TTCK Việt Nam theo hướng ngày càng minh bạch, công bằng, hiện đại đáp ứng chức năng kênh thu hút và phân bổ vốn trung vài dài hạn nền kinh tế. Câu hỏi đặt ra là sau khi nâng hạng rồi thì chúng ta phải làm gì để duy trì. Có những điểm cụ thể, câu chuyện NPF chỉ là câu chuyện ngắn hạn và dài hạn hơn là xây dựng cơ chế CCP (trung tâm thanh toán bù trừ).

Ông Bùi Hoàng Hải - Phó Chủ tịch UBCKNN

Đến thời điểm hiện này, UBCKNN đã phối hợp với VSDC để đưa ra lộ trình, chuẩn bị công bố lộ trình triển khai CCP cho thị trường, dự kiến thời gian chuẩn bị 1 năm đến 1,5 năm để triển khai. Tiếp theo, khi nâng hạng NĐT nước ngoài bước vào thì phải có gì cho họ đầu tư. Do vậy, chúng ta phải tăng cường minh bạch hóa công bố thông tin, phát triển sản phẩm xanh sạch, ESG phù hợp với các quỹ hiện nay, tiếp tục cải cách thủ tục hành chính để NĐT nước ngoài tiếp cận dễ dàng hơn. Trong hời gian vừa qua, nhờ hỗ trợ của NHNN, việc mở tài khoản thanh toán, tài khoản đầu tư gián tiếp của khối ngoại thuận lợi hơn.

Nếu thời gian tới, NHNN sửa Thông tư 07 thì giao dịch NĐT nước ngoài rất thuận lợi. Để nâng hạng trên bảng xếp hạng MSCI thì cần thị trường ngoại hối sôi động, phát triển để có công cụ phòng ngừa rủi ro tỷ giá. Vấn đề thứ 2 là tỷ lệ sở hữu nước ngoài của NĐT nước ngoài. Hiện nay tỷ lệ này cực kỳ phức tạp, hơn 400 doanh nghiệp có tỷ lệ sở hữu bằng 0. Khi thị trường nâng hạng, NĐT nước ngoài vào nhưng không có room thì sao họ đầu tư. Room ngoại bị vướng 2 vấn đề. Thứ nhất là quy định room nước ngoài rất phức tạp. Nhiều ngành không thực sự cận thiết áp dụng hạn chế tỷ lệ sở hữu nước ngoài nhưng vẫn áp. Đây không chỉ rào cản của đầu tư gián tiếp mà còn trực tiếp. Thứ 2, các doanh nghiệp đăng ký quá nhiều ngành nghề. Doanh nghiệp đăng ký dự phòng và không thực sự có triển khai hoạt động. Do vậy, mở cửa cho NĐT nước ngoài không chỉ vì cơ quan quản lý rà soát thì chính doanh nghiệp phải rà soát lại khi cần ngồn vốn rẻ. Khi doanh nghiệp đăng ký quá nhiều ngành nghề mà không thực sự dùng đến nhưng bị hạn chế khả năng thu hút vốn từ nước ngoài thì rất lãng phí.

Cần phát triển các quỹ đầu tư, định chế bảo hiểm bằng mọi giá

MC: Cảm ơn ông Bùi Hoàng Hải đã có những chia sẻ rất trực diện, như việc nhiều công ty đăng ký nhiều ngành nghề kinh doanh như rào cản kỹ thuật để tránh nhà đầu tư ngoại. Thị trường kỳ vọng nâng hạng cần đáp ứng định tính và định lượng, nhà đầu tư nước ngoài tham gia vào thị trường sẽ có những nhìn nhận đánh giá cũng như tính chất yêu cầu đối với một thị trường chứng khoán mới nổi, trình độ, nhận thức và cơ cấu nhà đầu tư đồng đều, hợp lý là rất quan trọng. Câu hỏi tiếp theo xin dành cho ông Nguyễn Sơn, Chủ tịch HĐTV Tổng công ty Lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam (VSDC), ông có thể đưa ra những đánh giá của riêng mình về trình độ, nhận thức của mặt bằng chung nhà đầu tư cá nhân hiện nay, cũng như làm sao để dần chuyển đổi cơ cấu nhà đầu tư theo tinh thần của Quyết định 1726 của Thủ tướng Chính phủ?

Ông Nguyễn Sơn, Chủ tịch HĐTV Tổng công ty Lưu ký và bù trừ chứng khoán: Tôi rất cảm ơn ban tổ chức vì đã tổ chức Hội thảo nâng cao nhận thức nhà đầu tư trong bối cảnh thị trường chuẩn bị nâng hạng lên mới nổi.

Cần thấy rằng, trước khi nâng hạng hay sau khi thăng hạng thì việc nâng cao nhận thức nhà đầu tư đều quan trọng. Như thị trường Đài Loan, dù đã là thị trường mới nổi nhưng vẫn có những chương trình về đào tạo, nâng cao chất lượng nhà đầu tư. Việc nâng cao nhận thức nhà đầu tư không chỉ là trách nhiệm của cơ quan quản lý - UBCKNN mà là vấn đề chung của thị trường, trong đó có vai trò của các hiệp hội, công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ.

Ông Nguyễn Sơn, Chủ tịch HĐTV Tổng công ty Lưu ký và bù trừ chứng khoán

Đến nay chúng ta có trên 10 triệu tài khoản của 7 triệu nhà đầu tư, trong đó 99,78% là nhà đầu tư cá nhân. Đặc thù này liên quan tới tính cách người Á Đông, thích tự đầu tư, chấp nhận cuộc chơi và quan ngại khi đầu tư thông qua các định chế khác. Với nhà đầu tư cá nhân với năng lực tài chính, nhận thức có hạn chế và bị chi phối bởi lý thuyết hành vi, có xu hướng phong trào, đầu tư ngắn hạn thu lời nên khi có biến động khả năng chống đỡ rủi ro không cao bằng các định chế làm mức độ phức tạp của thị trường càng lớn hơn. Thị trường lên nhanh, xuống cũng nhanh chủ yếu do lượng nhà đầu tư cá nhân lớn.

Cần hướng tới nâng cao nhận thức nhà đầu tư qua tuyên truyền, đào tạo từ cả cơ quan quản lý, nền tảng công nghệ, trực tiếp, online. Bằng mọi giá cần phát triển các quỹ đầu tư, định chế bảo hiểm. Trước đây chúng ta phát triển thị trường quỹ hưu trí bổ sung tự nguyên nhưng gầng đây chững lại. Trụ cột an sinh là kênh tích tụ vốn để ổn định, hướng tới phát triển.

Hơn lúc nào hết, lúc này, cần có chính sách ưu đãi thuế khi đầu tư qua các định chế quỹ, như vậy tự khắc nhà đầu tư sẽ đi theo hướng đó. Còn như hiện nay đầu tư cá nhân lại chịu thuế phí thấp hơn qua các quỹ thì rất khó phát triển. Chỉ khi nào ưu đãi thuế, phí với các tổ chức quỹ thì mới giảm dần tự đầu tư cá nhân.

Cần có cơ chế để bảo vệ nhà đầu tư chứng khoán

MC: Xin cảm ơn ông Nguyễn Sơn đã chia sẻ một số giải pháp với nút thắt thị trường. Tham gia phiên thảo luận thứ nhất hội thảo hôm nay còn có đại diện các định chế tài chính Câu hỏi tiếp theo xin dành cho ông Võ Hoàng Hải, Phó TGĐ Ngân hàng TMCP Nam Á. Nam Á Bank thời gian qua đã tích cực tham gia triển khai Chiến lược tài chính toàn diện. Ông đánh giá đâu là những giải pháp để thúc đẩy và phát triển mạnh mẽ nhận thức về tài chính của người dân?

Ông Võ Hoàng Hải – Phó TGĐ Ngân hàng TMCP Nam Á: Về tài chính toàn diện, Nam Á mang lại dịch vụ cho các thành phần yếu thế trong xã hội (underbanked), bao gồm người dân vùng sâu vùng xa, người lao động không chính thức, công nhân ở các khu công nghiệp.

Ở góc độ doanh nghiệp (DN), những thành phần yếu thế là DN nhỏ, siêu nhỏ. Phát triển tài chính toàn diện nhắm đến dịch vụ tài chính được tiếp cận công bằng và với chi phí hợp lý. Nhờ chuyển đổi số, từ các hoạt động cơ bản như tiền gửi, tín dụng chính thống… đã có sự thay đổi rất lớn, trong đó có KYC và nhiều dịch vụ số khác. Cùng với công cuộc chuyển đổi số của xã hội, sự chuyển đổi số trong ngành ngân hàng giúp thu hẹp khoảng cách về không gian và thời gian. Trên thị trường chứng khoán, có đến 99% NĐT là cá nhân. Đây là những NĐT yếu thế do sự bất đối xứng về thông tin so với các nhà đầu tư chuyên nghiệp vốn dẫn dắt cuộc chơi. Các cơ quan quản lý và công ty chứng khoán, ngân hàng cần tạo nền tảng thông tin công bằng, bền vững, để giúp NĐT tránh cú sốc tâm lý.

Ông Võ Hoàng Hải – Phó TGĐ Ngân hàng TMCP Nam Á

Ngoài câu chuyện tiếp cận, cần có cơ chế để bảo vệ NĐT. Chúng ta đã trải qua nhiều giai đoạn khủng hoảng niềm tin, cả ở thị trường trái phiếu và bảo hiểm. Có những cuộc khủng hoảng cần nhiều năm để khôi phục lại niềm tin cho NĐT. Việc bảo vệ NĐT cá nhân bao gồm tạo kênh tiếp cận, trang bị kiến thức cho NĐT, thông qua cung cấp dịch vụ tài chính cá nhân, giúp họ có nền tảng kiến thức và tài chính vững vàng. Ngoài ra, cần có cách tiếp cận thông qua các công ty QLQ. Như đại diện VCBF đã trành bày, ngành QLQ còn dư địa rất lớn, có các quỹ cổ phiếu, trái phiếu hoặc hỗn hợp. NĐT cần có sự cân bằng giữa lợi nhuận và rủi ro. Với sự phát triển mạnh của ngành QLQ, NĐT sẽ dần có sự cảm nhận sâu sắc và tăng niềm tin đối với thị trường.

Để có nhà đầu tư chất lượng phải có môi trường tốt và hàng hoá tốt

MC: Xin cảm ơn ông Võ Hoàng Hải. Phần chia sẻ của ông có ý nói rất trúng, bổ sung thêm ý kiến ông Nguyễn Sơn vừa phát biểu. Chúng ta đều thấy hiện có hàng triệu lao động đang làm việc trong các nhà máy, hay môi trường làm việc cường độ cao không thể theo dõi thị trường cũng như có thời gian để nâng cao được năng lực đầu tư cá nhân. Với đồng lương tích lũy họ vẫn có nhu cầu đầu tư bền vững, do vậy việc vẫn chưa có giải pháp cho những người yếu thế vẫn là thiếu sót. Hội thảo ngày hôm nay có đại diện một định chế tài chính khác, câu hỏi tiếp theo xin mời là ông Hoàng Thế Hưng, Thành viên HĐQT Ngân hàng Eximbank, chúng tôi muốn được lắng nghe ý kiến của ông đánh giá về vai trò của tổ chức niêm yết trong việc nâng cao nhận thức nhà đầu tư?

Ông Hoàng Thế Hưng - Thành viên HĐQT Ngân hàng Eximbank: Tôi nghĩ để có nhà đầu tư chất lượng thì trước tiên phải tạo môi trường tốt, hàng hóa tốt. Ở góc độ doanh nghiệp thì đối với doanh nghiệp niêm yết việc đầu tiên cần chú ý là nâng cao năng lực quản trị, còn ngân hàng thì cần chú trọng quản trị rủi ro, đặc biệt nếu tìm được nhà đầu tư, đối tác chiến lược nước ngoài thì sẽ giúp nâng cao năng lực quản trị, từ đó câu chuyện minh bạch sẽ tốt hơn, qua đó sẽ tạo ra được rổ hàng hóa tốt, thu hút nhà đầu tư quốc tế. Để có môi trường tốt, cơ quan nhà nước cần nâng cao tiêu chuẩn liên quan quản trị, công bố thông tin, hai là tạo môi trường giao dịch công bằng, minh bạch, có công cụ giám sát cảnh báo bất thường trên thị trường như hành vi làm giá, thao túng nhằm tạo môi trường minh bạch để nhà đầu tư yên tâm đầu tư và thu hút nhà đầu tư quốc tế vào thị trường.

Đào tạo tài chính cá nhân từ trên ghế nhà trường

MC: Xin cảm ơn chia sẻ ông Hoàng Thế Hưng. Công tác đào tạo giáo dục tài chính cá nhân cũng là một trong những công tác quan trọng để nâng cao nhận thức nhà đầu tư. Liên quan đến chủ đề đào tạo, trong phiên thảo luận hôm nay còn có PGS-TS. Phạm Thị Hoàng Anh, Phó Giám đốc phụ trách Ban điều hành Học viện Ngân hàng. Xin bà cho biết tầm quan trọng của giáo dục tài chính cá nhân trong môi trường đại học. Ở Học viện Ngân hàng, công tác này được triển khai như thế nào. Ở góc nhìn lãnh đạo của một cơ sở đào tạo lớn như Học viện Ngân hàng, theo bà, đâu là giải pháp căn cơ nhằm phổ cập kiến thức đầu tư tài chính cho toàn dân?

PGS. TS Phạm Thị Hoàng Anh, Phó Giám đốc phụ trách Ban điều hành Học viện Ngân hàng: Tôi cảm thấy may mắn vì được tham dự hội thảo hôm nay, bởi tôi mới tham gia hội thảo về xác lập mô hình tăng trưởng kinh tế Việt Nam để đạt được mức tăng trưởng 2 chữ số trong giai đoạn tiếp theo. Trong hôm đó nói rất nhiều đến động lực tăng trưởng như kinh tế tư nhân, kinh tế số… Tôi cho rằng dù có nhiều động lực đi nữa thì có 2 yếu tố quan trọng và xuyên suốt là về vốn và con người. Vốn ở đây có nguồn từ ngân sách Nhà nước là nguồn quan trọng, nhưng nguồn ngoài ngân sách, trong đó có từ ngân hàng và đặc biệt là sự phát triển TTCK trong bối cảnh nâng hạng. Về con người, làm thế nào để có nguồn nhân lực chất lượng cao cho lĩnh vực tài chính cũng như đối tượng khách hàng của ngân hàng và CTCK – các nhà đầu tư cá nhân.

PGS. TS Phạm Thị Hoàng Anh, Phó Giám đốc phụ trách Ban điều hành Học viện Ngân hàng

Năm 2020, Thủ tướng đã ký Quyết định 149 liên quan phát triển tài chính toàn diện với mục đích đảm bảo sao cho người dân, cá nhân tiếp cận kiến thức tài chính với chi phí hợp lý nhất. Để đạt được mục tiêu đó, một điều tôi muốn nhấn mạnh là làm sao để nâng cao nhận thức nhà đầu tư trên thị trường, làm thế nào để đưa chương trình giáo dục tài chính cá nhân vào chương trình giáo dục quốc gia, tuyên truyền, nâng cao hiểu biết người dân, đặc biệt là nhà đầu tư đặt trong bối cảnh chuyển đổi số, nhiều sản phẩm số…

Học viện Ngân hàng thực hiện nhiệm vụ đào tạo, tự hào thế hệ học viên của chúng tôi cùng các trường khác đóng góp cho ngành tài chính ngân hàng. Nhận thức vai trò, Học viện Ngân hàng đã thực hiện nhiều hoạt động như đào tạo ngắn hạn bồi dưỡng cho đối tượng yếu thế như chị em ở hội liên hiệp phụ nữ, cho học sinh, sinh viên vùng núi, các thanh niên ở khu công nghiệp… Tiếp theo, Học viện Ngân hàng xây dựng chương trình đạo tạo – Hoạch định và tư vấn tài chính cá nhân, được triển khai trong năm nay, hướng tới tạo ra chuyên viên tài chính cá nhân làm việc cho ngân hàng, tổ chức tài chính… Một nội dung liên quan đổi mới chương trình đào tạo, đó là làm sao để nhà đầu tư nhận thức được rủi ro, có phương pháp quản trị rủi ro thông qua các môn như phái sinh, quản trị rủi ro, và đặc biệt chúng tôi nhấn mạnh đến đạo đức của người tham gia thị trường. Chúng tôi muốn giao dịch cho bạn sinh viên ngay từ trên ghế nhà trường khi tham gia lĩnh vực tài chính, một lĩnh vực đặc thù thì bản thân phải nhận thức rõ đạo đức nghề nghiệp. Một nội dung nữa là chúng tôi nghiên cứu về tác động hiểu biết tài chính ảnh hưởng lên hành vi trên thị trường cho đối tượng sinh viên.

Các bạn sinh viên ở khối kinh tế có hiểu biết và đem đến lợi ích cho doanh nghiệp so với bạn kỹ thuật. Vấn đề đặt ra là khối lượng nhà đầu tư rất nhiều, không chỉ khối kinh tế mà còn khối kỹ thuật, tất cả nên chúng ta cần giải pháp căn cơ hơn cho tất cả và ngay từ đầu. Đã có đơn vị đặt hàng chúng tôi viết sách về giáo dục tài chính cá nhân, bổ cập từ lớp 1 đến lớp 12, đưa vào chương trình ngoại khóa. Đây là thứ tôi cho rằng giải pháp căn cơ, đào tạo hiểu biết về tài chính cá nhân từ trên ghế nhà trường trở đi.

Cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa UBCKNN, cơ quan báo chí với doanh nghiệp chứng khoán

MC: Câu hỏi tiếp theo chúng tôi xin hỏi TS. Nguyễn Anh Tuấn, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE), cơ quan chủ quản của Tạp chí Nhà đầu tư - một nhà báo kỳ cựu, đã có 30 năm đảm trách vị trí lãnh đạo tại các cơ quan báo chí. Theo ông, cần cơ chế phối hợp như thế nào giữa các bên (Cơ quan quản lý nhà nước – doanh nghiệp – truyền thông) để cải thiện hiệu quả công tác nâng cao nhận thức nhà đầu tư trong thời gian tới?

TS. Nguyễn Anh Tuấn, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài: Việc nâng cao nhận thức nhà đầu tư đã đề cập cách đây 25 năm khi tờ Đầu tư chứng khoán chỉ vừa mới ra đời. Truyền thông, báo chí khi đó đã đi trước cả thị trường. Trước đây cung cấp thông tin cho nhà đầu tư chủ yếu hướng đến kiến thức thường thức về thị trường chứng khoán. Từ chỗ thị trường có 3-4 doanh nghiệp niêm yết đến nay quy mô thị trường đã hoàn toàn khác và đã có rất nhiều sản phẩm mới trên thị trường. 10 triệu tài khoản cá nhân, phần đông là F0 với tốc độ tăng trưởng rất nhanh.

TS. Nguyễn Anh Tuấn, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài

Theo quan điểm cá nhân tôi, công tác đào tạo, nâng cao nhận thức nhà đầu tư cá nhân, thậm chí là tổ chức rất quan trọng khi các sản phẩm trên thị trường ngày càng đa dạng, thậm chí trừu tượng, vấn đề đặt ra là làm sao để nhà đầu tư hiểu được giá trị sản phẩm. Thị trường đang đứng trong giai đoạn công nghệ phát triển mạnh mẽ, thông tin trên mạng xã hội dày đặc, có thông tin giả, thiếu trung thực.

Báo chí làm sao cần làm nhiệm vụ là lá chắn ngăn chặn các thông tin độc hại đến với nhà đầu tư, đặc biệt nhà đầu tư F0. Để làm được việc này, báo chí cần các chuyên mục chuyên sâu về thị trường. Chỉ có tờ báo chuyên sâu mới đủ phóng viên chuyên nghiệp để truyền tải thông tin sâu, trung thực. Trong bối cảnh báo chí hợp nhất, sự tồn tại của ấn phẩm chuyên biệt là cần thiết. Thông tin chứng khoán là loại thông tin nhạy cảm, có khi chỉ là tin ngắn có thể làm sụp đổ cả 1 doanh nghiệp. Vì vậy đạo đức nghề nghiệp, năng lực của phóng viên chứng khoán là rất quan trọng. Việc đào tạo phóng viên phải được đặc biệt quan tâm, thường xuyên, trong đó có cả khâu biên tập viên, duyệt xuất bản. Cần có sự phối hợp giữa UBCKNN, cơ quan báo chí với công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ và nhà đầu tư thông qua hình thức đa dạng để có cả những chuyên mục chuyên sâu và cả chuyên mục cho F0 để họ dần tiến tới nhà đầu tư chuyên nghiệp. CLB các nhà báo chứng khoán đánh dấu sự hợp tác có hiệu quả giữa cơ quan quản lý nhà nước với cơ quan báo chí.

Mong rằng UBCKNN tiếp tục quan tâm, thúc đẩy, mở rộng hoạt động của câu lạc bộ để kịp thời truyền tải thông tin chính xác, cập nhật cho nhà báo và nhà đầu tư. Ngoài ra cũng rất cần lưu ý tới vấn đề công bố báo cáo thường niên bằng tiếng anh, sau đó là báo cáo phát triển bền vững – điều này là cần thiết để minh bạch hóa thị trường, phục vụ tốt hơn trải nghiệm của nhà đầu tư nước ngoài. Thay mặt thường trực hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, tôi đánh giá cao BBT Tạp chí Nhà đầu tư đã tổ chức sự kiện thiết thực, kịp thời ngày hôm nay. Đây có thể là thời điểm tạo ra bước ngoặt lịch sử của thị trường chứng khoán Việt Nam khi sớm được nâng hạng trong năm nay.

Đề nghị có chiến lược về truyền thông nâng cao nhận thức nhà đầu tư

MC: Xin cảm ơn TS. Nguyễn Anh Tuấn có những chia sẻ rất tâm huyết. Trong tháng 7 này chúng ta cũng đang hướng tới 25 năm kỷ niệm phiên giao dịch đầu tiên ngày 28/7. Hy vọng chúng ta sẽ tiếp tục có những hoạt động, thiết thực ý nghĩa tiếp theo. Hôm nay, chúng ta rất vinh dự vì nhận được sự quan tâm tham dự của các vị lãnh đạo cấp cao trong lĩnh vực chỉ đạo, quản lý báo chí. Chúng tôi xin hỏi ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó Cục trưởng Cục Báo chí, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, ông đánh giá như thế nào về công tác truyền thông nâng cao nhận thức nhà đầu tư trong các cơ quan báo chí thời gian qua?

Ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó Cục trưởng Cục Báo chí - Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch: Trong 25 năm phát triển của TTCK có trách nhiệm và vai trò của các bên, trong đó có báo chí, truyền thông, bao gồm Tạp chí Nhà đầu tư đang tổ chức Hội thảo này. Các cơ quan báo chí có vai trò chủ chốt trong truyền thông, tuyên truyền về chính sách của Đảng và Nhà nước, nâng cao kiến thức NĐT, các nỗ lực nâng hạng TTCK. Trong bối cảnh chứng khoán Việt Nam hiện có hơn 90% là NĐT cá nhân và mạng xã hội đang bùng nổ, báo chí đóng vai trò quan trọng, là kênh xác tín, đưa sự thật để đấu tranh, chống tin giả, tin trục lợi trên thị trường. Trong chặng đường nâng hạng TTCK, vai trò của các bên, cả báo chí truyền thông, sẽ được nâng cao hơn.

Ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó Cục trưởng Cục Báo chí - Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch

Tôi đề nghị cần có chiến lược truyền thông, trong đó có sự phân vai của các bên, bao gồm các công ty chứng khoán và quản lý quỹ. Ngoài ra, cơ quan quản lý Nhà nước cần có kế hoạch đào tạo chuyên sâu cho phóng viên, nhà báo trong lĩnh vực kinh tế-tài chính. Tích cực phối hợp kịp thời cho các cơ quan báo chí, cung cấp thông tin định hướng dư luận, ổn định thị trường. Hiện nay, báo chí có trách nhiệm thông tin chuyên sâu hơn, gồm tài chính cá nhân; đa dạng hoá các hình thức truyền thông, không chỉ dừng lại ở hình thức báo điện tử, mà còn mở rộng sang podcast, video ngắn, emagazine, nhằm tiếp cận với nhiều NĐT hơn.

Báo chí cũng cần phối hợp với các nền tảng mạng xã hội như TikTok, bởi các cơ quan quản lý coi rằng đó là hoạt động báo chí. Như TS Nguyễn Anh Tuấn vừa đề cập, TTCK rất nhạy cảm với thông tin, nên nhà báo có vai trò quan trọng và thường xuyên nâng cao kiến thức. Không phải nhà báo nào cũng có đầy đủ thông tin, có thời điểm đưa tin chưa chuẩn. Tôi kỳ vọng, với sự tham gia tích cực của các bên, công tác thông tin báo chí trên thị trường sẽ ngày càng tốt hơn.

Phiên II: Giải pháp phát triển ngành quỹ

Các diễn giả chính: Ông Nguyễn Công Minh, Trưởng ban Quản lý các Công ty quản lý quỹ và Quỹ đầu tư chứng khoán, UBCKNN; Ông Phan Đức Hiếu, Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Kinh tế - Tài chính Quốc hội; Ông Đỗ Ngọc Quỳnh, Tổng thư ký Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam; Ông Trần Lê Minh, Tổng giám đốc VIS Rating; Bà Nguyễn Thị Hằng Nga, Tổng giám đốc Công ty Quản lý quỹ Vietcombank; Bà Thiều Thị Nhật Lệ, Tổng giám đốc UOBAM; Bà Lê Thị Ngọc Ánh, Giám đốc vận hành CTCP InvestingPro.

Người dẫn chương trình: MC Hoàng Nam.

Các diễn giả tham gia phiên thảo luận về giải pháp phát triển ngành quỹ

Đầu tư dài hạn không phải là 1 năm mà là 5-10 năm

MC: Tại phần tham luận bà Nguyễn Thị Hằng Nga, Tổng giám đốc Công ty Quản lý quỹ Vietcombank (VCBF) đã chỉ ra tiềm năng thách thức đối với ngành quỹ trong bối cảnh hiện nay. Như chúng ta đều thấy trong thời gian ngắn vừa qua thị trường chứng khoán đang tăng trưởng khá nóng, vậy nếu như có một nhà đầu tư đặt dấu hỏi tôi đang đầu tư sinh lời cao tại sao lại khuyên tôi đầu tư vào quỹ thì bà Nguyễn Thị Hằng Nga sẽ trả lời gì?

Bà Nguyễn Thị Hằng Nga - Tổng giám đốc VCBF: Đối với nhà đầu tư, họ luôn luôn mong muốn đạt lợi nhuận cao nhất nhưng đối mặt kèm theo rủi ro, ví dụ khi thị trường đang tăng cao họ nghĩ sẽ tăng tiếp, thị trường có thể tăng cao hơn, thực ra một nguyên tắc cơ bản trong đầu tư là mua thấp bán cao nhưng khi thị trường thấp thì chúng ta không mua bởi sợ rằng sẽ thấp hơn, khi thị trường cao chúng ta sẽ nghĩ nó sẽ cao hơn nhưng nếu mua sẽ rủi ro cao hơn, khiến lợi nhuận giảm đi.

Bà Nguyễn Thị Hằng Nga - Tổng giám đốc VCBF

Khi đánh giá kết quả đầu tư giữa tự đầu tư và đầu tư qua quỹ thì nên đánh giá cả quá trình, cả giai đoạn dài để xem có làm tốt hơn quỹ không? Quỹ có thời gian, có kinh nghiệm, kiến thức và ho sẽ làm tốt hơn. Ví dụ như VCBF, đội ngũ đầu tư đều được đầu tư rất bài bản, còn các sếp VCBF cũng có kinh nghiệm hơn 75 năm, quản lý hơn 1600 tỷ USD trên toàn cầu, thực ra, kinh nghiệm của người quản lý quỹ như rượu càng để lâu càng quý, họ biết thị trường sẽ đi về đâu. Nâng cao nhận thức nhà đầu tư rất quan trọng, cần hướng NĐT đầu tư dài hạn, dài hạn không phải 1 năm mà là từ 5-10 năm.

85% nhà đầu tư ra quyết định dựa vào tin đồn

MC: Liên quan vấn đề này tôi muốn hỏi đại diện CTCP Investing Pro - hiện là một trong số ít nhà phân phối chứng chỉ quỹ mở đang hoạt động tích cực trên thị trường. Trong vai trò là cầu nối giữa ngành quỹ và nhà đầu tư, bà Lê Thị Ngọc Ánh, Giám đốc vận hành CTCP InvestingPro có thể cho biết hiện các đơn vị phân phối chứng chỉ quỹ đang gặp vướng mắc, khó khăn gì và đề xuất các giải pháp phát triển thị trường phân phối chứng chỉ quỹ?

Bà Lê Thị Ngọc Ánh, Giám đốc vận hành CTCP InvestingPro: Đại lý phân phối chứng chỉ quỹ InvestingPro là đơn vị non trẻ nhưng có nhiều đóng góp tích cực cho hoạt động phân phối chứng chỉ quỹ và nhận thấy một số khó khăn. Cơ cấu số lượng tài khoản đến hơn 99% là nhà đầu tư cá nhân. Theo khảo sát của chúng tôi, có 85% nhà đầu tư ra quyết định dựa trên tin đồn hoặc tư vấn không chính thống và có 90% nhà đầu tư bán ngay khi xuất hiện tin tiêu cực mà không đợi xác thực. Chúng tôi chứng kiến nhiều đợt hoảng loạn của thị trường, trong hội nhóm dẫn đến cổ phiếu doanh nghiệp giảm mạnh, ảnh hưởng đến thị trường và thương hiệu doanh nghiệp.

Bà Lê Thị Ngọc Ánh, Giám đốc vận hành CTCP InvestingPro

MC: Tôi muốn nhấn mạnh nhà đầu tư Việt Nam bị ảnh hưởng tin đồn. Tôi muốn hỏi bà Nga là quỹ có bán ra khi có tin đồn như thế không?

Bà Nguyễn Thị Hằng Nga, Tổng giám đốc VCBF: Chúng tôi đầu tư xác định đầu tư vào công ty chứ không phải cổ phiếu, lựa chọn đơn vị có đội ngũ lãnh đạo tốt, chiến lược bài bản, nằm trong lĩnh vực tiềm năng tăng trưởng và định giá hợp lý. Với công ty đó, chúng tôi mua và nắm giữ, không bao giờ vì tin đồn mà bán đi.

Chúng tôi luôn tâm niệm không ai có thể dự báo được thị trường, thông tin ngắn hạn thì không quan tâm, chỉ nắm giữ doanh nghiệp tốt và tăng trưởng cùng công ty. Khi đầu tư vào quỹ, bạn nên nhìn nhận đầu tư gián tiếp vào doanh nghiệp tạo ra lợi nhuận, tạo ra giá trị. Khi đầu tư, chúng ta chịu 2 rủi ro là rủi ro hệ thống và rủi ro riêng từng cổ phiếu. Khi toàn thị trường giảm thì không thể nằm ngoài được nên khi đầu tư cổ phiếu phải chấp nhận rủi ro đấy.

Nhà đầu tư nói có thể bán đi trước khi có thông tin làm nên rủi ro hệ thống nhưng vấn đề khi giảm có mua lại không và khi tăng vượt giá bán càng không mua, dẫn đến lỡ luôn sóng sau này. Quan trọng nhất là chúng ta phải kỷ luật. Để giảm rủi ro thứ 2 thì phải đa dạng hóa danh mục, tôi cho rằng quỹ đầu tư sẽ làm tốt hơn cá nhân.

Bà Lê Thị Ngọc Ánh, Giám đốc vận hành CTCP InvestingPro: Như vậy, trong bối cảnh tin đồn, các quỹ đầu tư không bán ra mà họ đầu tư theo giá trị doanh nghiệp. Do vậy, việc tham gia vào quỹ đầu tư là phù hợp với nhà đầu tư không chuyên, đảm bảo lợi nhuận dài hạn. Tham chiếu qua một số quốc gia trong khu vực như Hàn Quốc, Trung Quốc, Malaysia,… Họ có các chương trình giao dục toàn dân qua hội thảo, lớp học; đưa giáo dục tài chính và chương trình giáo dục phổ thông; giao dịch giả lập, mô phỏng thị trường, game tương tác; truyền thông giáo dục thông qua mạng xã hội, ứng dụng AI trong phổ cập giao dịch tài chính.

Với InvestingPro, chúng tôi nâng cao nhận thức nhà đầu tư qua 2 giải pháp gồm truyền thông và ứng dụng AI. Chúng tôi có chương trình TOP FUNDS – chuyên mục phỏng vấn chuyên gia và bản tin thị trường do chính InvestingPro tổng hợp định kỳ. Chúng tôi cũng ứng dụng AI Chat hỗ trợ nhà đầu tư – PRO AI. Với ứng dụng này, chúng tôi có thể hỗ trợ nhà đầu tư bất cứ thời điểm này.

Tiềm năng lớn chưa được khai thác

MC: Có lẽ lát nữa ta cũng phải thử trải nghiệm sức mạnh AI so với các chuyên gia phân tích. Khách mời diễn giả của chúng ta hôm nay có bà Thiều Thị Nhật Lệ, Tổng giám đốc UOBAM. Xin bà đánh giá thế nào về tiềm năng của ngành quỹ khi thị trường Việt Nam được nâng hạng?

Bà Thiều Thị Nhật Lệ, Tổng giám đốc UOBAM: UOBAM thấy rằng, ngành quản lý quỹ có tiềm năng lớn ở mảng quản lý tài sản. Với tốc độ tăng trưởng nhanh nhất Asean 10 năm vừa qua tạo nhiều cơ hội trong ngành quản lý quỹ, quản lý tài sản. Phân phối sản phẩm quỹ cần có 2 yếu tố là đa dạng hóa và đảm bảo chất lượng. Theo đó, ngân hàng nên được phép phân phối chứng chỉ quỹ, trong đó có quản lý gia sản.

Ở nhiều nước về ngành quản lý gia sản đã có sự đột phá khi ngân hàng được tham gia phân phối sản phẩm quỹ, ngành quản lý tài sản có sự phát triển vượt bậc, ví dụ như Thái Lan. Bên cạnh ngân hàng, kênh phân phối khác là công ty chứng khoán, tuy nhiên, ở Việt Nam những kênh này chưa thực sự phát huy đầy đủi tiềm năng với lợi thế data khách hàng lớn.

Bà Thiều Thị Nhật Lệ - Tổng giám đốc UOBAM

Bà Nguyễn Thị Hằng Nga, Tổng giám đốc Công ty TNHH Quản lý quỹ Vietcombank: Ở Việt Nam số lượng sản phẩm quỹ rất ít, chỉ khoảng dưới 70 quỹ, nhưng đối với đa số nhà đầu tư Việt Nam thì quỹ vẫn là sản phẩm mới, vấn đề là do nhà đầu tư chưa đầu tư. Điều này là do hệ thống phân phối, bởi khách hàng chủ yếu nằm ở phía ngân hàng nhưng ngân hàng không được phân phối CCQ, còn CTCK thì tập trung vào broker, còn các công ty fintech chỉ mới phát triển. Có sản phẩm tốt nhưng chưa mang đến được cho người tiêu dùng. Yếu tố giúp thị trường quỹ bùng nổ là ngân hàng được phân phối, sẽ giúp giảm rủi ro cho hệ thống ngân hàng.

Sản phẩm có chất lượng mới tạo ra niềm tin cho nhà đầu tư

MC: Liên quan đến việc gia tăng sản phẩm cho các quỹ cũng như các nhà đầu tư cá nhân, câu hỏi tiếp theo xin dành cho ông Đỗ Ngọc Quỳnh, Tổng thư ký Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam. Trước khi đặt câu hỏi cho ông về phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp, tôi cũng muốn ông có một số chia sẻ về thúc đẩy ngành quỹ?

Ông Đỗ Ngọc Quỳnh, Tổng thư ký Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam: Tôi cho rằng cần tạo ra sân chơi mở, minh bạch, công bằng cho tất cả người chơi. Nhìn lại sự phát triển của TTCK Việt Nam nói riêng và thị trường tài chính (TTTC) Việt Nam nói chung, chúng ta thấy có sự phát triển, nhưng chưa đúng như kỳ vọng. Năm 2009, trái phiếu chính phủ bắt đầu được niêm yết. Trong sự phát triển chung của ngành vốn, có vẻ ngành quỹ chưa phát triển và TTTC Việt Nam vẫn phụ thuộc nhiều vào kênh ngân hàng. Ngành QLQ Việt Nam hiện là ngành rất non trẻ, quy mô mới chỉ chiếm khoảng 6% GDP, tương đương 26 tỷ USD.

Một trong những vấn đề quan trọng để thúc đẩy ngành quỹ là tạo ra sân chơi mở, minh bạch, công bằng, để cho tất cả người chơi có năng lực tham gia cạnh tranh. Nhờ đó, mới nâng cao được chất lượng của ngành QLQ. Nền tảng của thị trường QLQ là các công ty QLQ, được cấp phép đầu tư và tạo ra các sản phẩm chất lượng cao. Cứ sản phẩm nào có hiệu quả, lợi nhuận cao thì sẽ hấp dẫn được NĐT. Cũng cần phải nhấn mạnh rằng lợi nhuận và hiệu quả là tương quan với khẩu vị rủi ro.

Hội thảo nhận được sự quan tâm của nhiều tổ chức Tài chính, ngân hàng

Một rào cản của TTTC là trình độ hiểu biết của NĐT cá nhân. Hầu hết NĐT Việt Nam không được đào tạo kiến thức về đầu tư cá nhân. Với lòng tham, cứ kênh nào có lợi nhuận cao là họ đầu tư vào, chứ không nhìn nhận hết rủi ro. Vấn đề không kém phần quan trọng hơn để tạo sự bền vững cho TTTC là niềm tin của NĐT. Muốn tạo niềm tin cho họ, cần phải có sự minh bạch, công bằng, sự nghiêm minh của pháp luật, tính chuyên nghiệp trong thực thi pháp luật. Một khi NĐT đã mất niềm tin thì họ khó trở lại. Hiện tại, ở nước ta có hơn 40 công ty QLQ, nhưng chỉ 1 số ít công ty thực sự có các sản phẩm quỹ. Các công ty đó có ít loại hình sản phẩm để tạo hiệu quả cho NĐT. Tôi nhận thấy gần đây có nhiều NĐT quốc tế muốn tham gia vào ngành này, nhưng họ khó vào, bởi khó được cấp phép, hoặc phải thông qua mua lại công ty khác. Tôi cho rằng cần mở cửa cho họ, hướng đến tạo ra sản phẩm hiệu quả, tạo sự minh bạch, niềm tin cho NĐT.

Một giải pháp rất quan trọng là mở cửa hơn nữa thị trường, số lượng tăng phải đi kèm với chất lượng. Có cạnh tranh minh bạch, sòng phẳng mới tạo ra chất lượng, tạo ra các công ty QLQ thực sự có chất lượng trên thị trường.

Bà Nguyễn Thị Hằng Nga, Tổng giám đốc VCBF: Như ông Quỳnh vừa nói, sản phẩm có chất lượng mới tạo niềm tin cho NĐT. Ở VCBF, quỹ đầu tiên được ra mắt vào tháng 8/2014, và đến nay có hiệu quả đã tăng gấp nhiều lần. Khi so sánh lợi nhuận của quỹ với VN30, quỹ này có kết quả cao hơn nhiều. Nếu đầu tư vào quỹ và nắm giữ thì NĐT có kết quả rất tốt. Vấn đề không phải là đầu tư trong thời gian bao lâu, mà tính nhất quán về kết quả đầu tư rất quan trọng. Các quỹ của VCBF thành lập giai đoạn 2013-2014 thuộc top đầu về kết quả đầu tư. Các quỹ lập năm 2021 cũng có kết quả tốt. Quan trọng là tính thống nhất, và sản phẩm có chất lượng để NĐT tin tưởng.

MC: Thị trường trái phiếu doanh nghiệp thời gian qua dù đã có sự phục hồi nhất định, song vẫn còn nhiều trở ngại. Nguồn cung thiếu đa dạng khiến các quỹ mở trái phiếu không thể gia tăng về quy mô. Ông có thể đánh giá về thị trường TPDN hiện nay, làm sao để thúc đẩy thị trường này, đặc biệt là phát hành ra công chúng?

Ông Đỗ Ngọc Quỳnh, Tổng thư ký Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam: Đối với thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN), đây là một trong các kênh dẫn vốn của TTTC. Mỗi sản phẩm đầu tư tài chính nói riêng, có đặc trưng riêng về kỳ vọng lợi nhuận và rủi ro. NĐT cần tìm hiểu, tìm đến các NĐT chuyên nghiệp, để hiểu rõ về bản chất của sản phẩm, hiểu được kỳ vọng rủi ro và hiệu quả. Có điểm tôi cho rằng Việt Nam cần tiếp tục cải thiện là sự liên kết của các cấu phần của TTTC.

Thời gian qua, các cấu phần của TTTC hơi tách biệt. Cần có sự kết nối giữa nguồn vốn và NĐT, có loại hình phù hợp để dẫn vốn vào các sản phẩm. Nếu sản phẩm rất rủi ro nhưng lại gắn với NĐT không chuyên nghiệp thì không hiệu quả. Sự chưa phát triển của ngành QLQ vừa qua có nguyên nhân khách quan và chủ quan. Một số tổ chức phát hành không có khả năng trả gốc, trả lãi, ngoài nguyên nhân COVID-19 còn có vấn đề tuân phủ pháp luật, gây mất niềm tin của NĐT. Điều hấp dẫn NĐT là cơ hội tạo ra lợi nhuận cao trong tương quan với các sản phẩm khác. Ngành QLQ ở các nước khác cũng khó khăn, nên khó khăn này mang tính toàn cầu. Điều giữ chân NĐT là chất lượng hoạt động của DN, từ đó ảnh hưởng đến giá cổ phiếu. Nếu DN có năng lực kinh doanh tốt, có trình độ quản trị tốt, minh bạch và chuyên nghiệp, thì họ sẽ thu hút NĐT. DN có chất lượng thì mới có sản phẩm chuyên nghiệp, nếu không thì không thể thu hút NĐT. Bài toán cần giải là tạo môi trường, tạo cơ hội để khuyến khích các DN hoạt động hiệu quả, đồng thời đào thải các DN kinh doanh kém hiệu quả, thiếu đạo đức ra khỏi thị trường. Như chị Nga đã chia sẻ, VCBF đầu tư vào DN, nhưng các công ty như VCBF, UOBAM khó khăn trong việc tìm sản phẩm để đầu tư.

Ông Đỗ Ngọc Quỳnh, Tổng thư ký Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam

Với NĐT cá nhân, lựa chọn tài sản để đầu tư đã khó. Đến các NĐT chuyên nghiệp cũng khó tìm được các DN tốt để đầu tư, và do hạn chế về tỉ lệ đầu tư. Trong khi đó, việc phát hành TPDN lại bị các cơ quan quản lý Nhà nước siết chặt quá. Từ đầu năm đếb nay mới có 12-13 đợt phát hành TPDN ra công chung. Thời gian cấp phép phát hành kéo dài 3-4 tháng, thậm chí 6 tháng, khiến DN bị động. TPDN được các công ty QLQ ưa thích nhưng lượng hàng hoá còn ít.

Chúng ta đừng ngại tăng trưởng về số lượng, quan trọng là siết tiêu chí đồng thời tạo điều kiện cho các DN phát hành trái phiếu, từ đó khớp được nhu cầu giữa bên phát hành và bên đầu tư.

Hầu hết nhà đầu tư Việt Nam không được đào tạo về đầu tư cá nhân

MC: Tiếp mạch này xin mời ông Phan Đức Hiếu, Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Kinh tế - Tài chính của Quốc hội có một số ý kiến phản hồi ý kiến các diễn giả từ sáng đến nay. Và theo ông cần các giải pháp chính sách mang tính đột phá nào để phát triển ngành quỹ ở Việt Nam?

Ông Phan Đức Hiếu, Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Kinh tế, Tài chính của Quốc hội: Tôi suy nghĩ nhiều về tài chính cá nhân, chiến lược phát triển tài chính toàn diện. Tôi cho rằng giáo dục đào tạo cần thiết từ góc độ Chính phủ, CTCK nhưng với 99,98% nhà đầu tư cá nhân và 85% nhà đầu tư tin vào tin đồn thì đào tạo đến bao giờ để đạt sự chuyên nghiệp như CTCK.

Ông Phan Đức Hiếu, Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Kinh tế, Tài chính của Quốc hội

Để trả lời câu hỏi này là khó. Điều nhanh nhất, trước mắt là tôi rất muốn phát triển dịch vụ trung gian để nâng cao năng lực nhà đầu tư cá nhân, người muốn kiếm tiền mà ít thời gian tìm hiểu, rủi ro thấp. Điều tôi muốn nói đến là dịch vụ quản lý gia sản, tư vấn tài chính rất cần thiết – theo quan sát của tôi là hiện nay Việt Nam chưa có hoặc chưa được chứng nhận. Ai sẽ cấp chứng nhận này, điều kiện như thế nào và bắt đầu từ đâu. Thứ 2, nếu không nâng cao được năng lực cá nhân thì nên đầu tư vào quỹ, nhà đầu tư chuyên nghiệp.

Có một số việc cần làm để quỹ đầu tư phát triển là kích cầu, tăng độ hấp dẫn cho quỹ thông qua chính sách thuế, đa dạng hóa quỹ và sản phẩm cũng phải đa dạng. Phía cung, tôi cho rằng phải tạo được thị trường cạnh tranh giữa các quỹ. Có 3 điều cần làm là nghiên cứu lại rào cản gia nhập thị trường; khung thể chế cao hơn về báo cáo, minh bạch thông tin; đa dạng hóa hoạt động của các quỹ tạo sức ép cạnh tranh, đa dạng hóa sản phẩm. Trong 2 cái cung và cầu, tôi cho rằng nên bắt đầu từ cung, người tiêu dùng khôn ngoan thì cái gì tốt sẽ vào. Việc cần làm luôn hiện nay là rà soát pháp lý việc gia nhập ngành của các quỹ. Tiếp theo, quy định hoạt động của quỹ từ tiêu chuẩn, tiêu chí báo cáo, giám sát tài chính… Về cầu, một việc phải làm là phát triển thị trường quản lý tài sản cá nhân.

Ngành quỹ có nhiều cơ hội phát triển trong giai đoạn tới

MC: Qua các phần thảo luận vừa rồi của các diễn giả, tôi cũng xin tiết lộ một con số khảo sát chúng tôi thực hiện trong sáng nay. Đó là với người theo dõi hội thảo bằng hình thức online, họ có quan tâm tới đầu tư chứng chỉ quỹ không, thì tỷ lệ là 52-48%. Đây là một số liệu khiến tôi cũng rất bất ngờ. Thời gian không còn nhiều, câu hỏi cuối phiên II xin được dành cho ông Nguyễn Công Minh, Trưởng ban Quản lý các Công ty quản lý quỹ và Quỹ đầu tư chứng khoán. Ngành quỹ được đánh giá là còn nhiều dư địa tăng trưởng, ông có thể chia sẻ thêm về định hướng phát triển ngành quỹ trong giai đoạn tới cũng như chiến lược xuyên suốt về công tác phối hợp từ cơ quan quản lý, các thành viên thị trường để tăng cường công tác đào tạo nhà đầu tư trong giai đoạn tới?

Ông Nguyễn Công Minh, Trưởng ban Quản lý các Công ty quản lý quỹ và Quỹ đầu tư chứng khoán: Ngành quỹ ở Việt Nam phát triển khoảng 10 năm gần đây, tư tưởng khi xây dựng hệ thống luật pháp cho ngành quỹ là tuân thủ theo quốc tế, từ mô hình có các cấp giám sát, đến thiết kế sản phẩm, giới hạn danh mục đầu tư. Tại thời điểm đó, UBCKNN thiết kế theo nguyên tắc tuân thủ nguyên tắc thận trọng, đảm bảo các thông lệ quốc tế.

Đến thời điểm này, chúng ta phải có tính toán rộng hơn khi ngành quỹ có 125 quỹ, tổng giá trị danh mục quản lý khoảng 765.000 tỷ, NAV khoảng 94.000 tỷ. Đến thời điểm hiện tại, những quỹ ETF, quỹ mở chiếm giá trị tài sản trong ngành quỹ khoảng hơn 80%, đây là những loại hình quỹ có tính chất linh hoạt trong đầu tư, đảm bảo an toàn, minh bạch thông tin.

Ông Nguyễn Công Minh, Trưởng ban Quản lý các Công ty quản lý quỹ và Quỹ đầu tư chứng khoán

Chúng tôi đang xây dựng đề án tái cấu trúc nhà đầu tư, và đang đi đến những bước cuối cùng để trình Bộ tài chính. Trong đó có nhiều nội dung đáng chú ý như xây dựng khuôn khổ pháp lý để tháo gỡ khó khăn cho việc haojt động của các quỹ đầu tư về mặt danh mục đầu tư, giới hạn đầu tư. Hai là thiết kế loại hình quỹ mới, chỉ số đầu tư. Cùng với đó là nâng cao năng lực của các công ty quản lý quỹ, hiện có 43 công ty quản lý quỹ, nhưng các quỹ thực sự có hoạt động đầu tư, có vận hành danh mục đầu tư hiện quả thì không nhiều. Những quỹ này có cơ cấu nhà đầu tư góp vốn vào thiếu những định chế tài chính và thiếu nhà đầu tư có tiềm lực, có kinh nghiệm điều hành.

Nội dung tiếp theo là đa dạng hóa kênh phân phối, trong đó đề xuất ngân hàng trực tiếp phân phối chứng chỉ quỹ thì không phải mới, chúng tôi sẽ nghiên cứu và đề xuất với NHNN. Ngoài ra trong đề án có tính đến chính sách thuế, chúng tôi đã có những buổi làm việc với công ty quản lý quỹ về chính sách thuế cho ngành quỹ, công ty quản lý quỹ và nhà đầu tư tham gia đầu tư vào quỹ, song cũng cân đối trong bối cảnh huy động các nguồn lực cho ngân sách, chúng tôi sẽ có những nghiên cứu đề xuất phù hợp.

Một nội dung trong đề án là nâng cao nhận thức nhà đầu tư, ngay từ khi TTCK đi vào hoạt động, UBCKNN đã có trung tâm đào tạo chứng khoán, cấp chứng chỉ hành nghề. Tuy nhiên, việc đào tạo này không chỉ mình cơ quan quản lý mà phải có sự phối hợp đồng bộ từ cơ quản quản lý, tổ chức vận hành thị trường, thành viên thị trường. UBCKNN đang xây dựng đề án đào tạo nhà đầu tư, định hình rõ chiến lược đào tạo để có sự xuyên suốt, dài hơi. Theo dõi 10 năm gần đây, tỷ suất sinh lời ngành quỹ khá ổn, trung bình khoảng 13%. Tuy nhiên việc phát triển ngành quỹ gắn với sự phát triển nền kinh tế và TTCK, trong giai đoạn tới ngành quỹ sẽ có nhiều cơ hội phát triển.

Bà Vương Vân Anh, Giám đốc bộ phận Chiến lược và phát triển doanh nghiệp, VinaCapital

MC: Xin cảm ơn ông Nguyễn Công Minh, phần phát biểu của ông đã khép lại phiên thảo luận thứ II của chương trình. Vì thời gian không còn nhiều, BTC xin phép gộp luôn phiên thứ III. Tại hội thảo có sự tham dự bà Vương Vân Anh, Giám đốc bộ phận Chiến lược và phát triển doanh nghiệp, VinaCapital. Bà đánh giá thế nào về tiềm năng của thị trường quỹ?

Bà Vương Vân Anh, Giám đốc bộ phận Chiến lược và phát triển doanh nghiệp, VinaCapital: Hội thảo hôm nay rất hiệu quả và có nhiều thông tin. Chúng tôi mong đợi những hội thảo như này rất lâu rồi. Chúng tôi thường xuyên trao đổi với UBCKNN và các nhà tạo lập thị trường khác để nâng cao nhận thức NĐT. Trong kỷ yếu chúng tôi đã có bài tham luận về vấn đề này. Chúng tôi tâm đắc với việc NĐT quan tâm đến quỹ mở, đây là một kênh tích sản hiệu quả cho các NĐT ở Việt Nam. Chúng tôi mong tinh thần này lan toả, để góp phần xây dựng nền tài chính Việt Nam vững mạnh.

Ông Lê Đức Khánh, Giám đốc Phát triển năng lực đầu tư Công ty cổ phần Chứng khoán VPS

MC: Cảm ơn phần chia sẻ rất xúc tích VinaCapital, tham dự với chúng ta còn có đại diện các công ty chứng khoán, rất nhiều khán giả livestream đang rất muốn có câu hỏi về tiềm năng thị trường, xin mời ý kiến của ông Lê Đức Khánh, Giám đốc Phát triển năng lực đầu tư Công ty cổ phần Chứng khoán VPS. Xin ông cho biết kỳ vọng của ông cũng như công ty về thị trường trong thời gian tới?

Ông Lê Đức Khánh, Giám đốc Phát triển năng lực đầu tư Công ty cổ phần Chứng khoán VPS: Năm nay triển vọng kinh tế vĩ mô hết sức ấn tượng, thị trường chứng khoán với tín hiệu kỹ thuật vượt đỉnh cùng thanh khoản cao. Nhiều phiên giao dịch gần đây ghi nhận mức trên 30.000 tỷ, riêng phiên sáng 17/7 đã đạt hơn 10.000 tỷ. Đây là con số ấn tượng. Dòng tiền lớn, chính sách, vĩ mô và số lượng nhà đầu tư gia tăng. Chúng tôi ngoài hoạt động phân tích, tư vấn cũng liên tục tổ chức hội thảo để nâng cao kiến thức nhà đầu tư. Bởi, nhà đầu tư mới hiểu về cổ phiếu, chưa hiểu về trái phiếu, chứng chỉ quỹ, kể cả chứng khoán phái sinh, quản lý tài sản, quản lý gia sản hay thậm chí các khái niệm trên TTCK. Chúng tôi xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới.

MC: Chương trình Hội thảo “Nâng cao nhận thức nhà đầu tư hướng tới nâng hạng thị trường chứng khoán” đến đây xin kết thúc. Thay mặt Ban tổ chức, xin trân trọng cảm ơn quý vị đại biểu, các chuyên gia, diễn giả cũng như các cơ quan thông tấn, báo chí đã truyền tải thông tin tới nhà chức trách và dư luận.

TheoTạp chí điện tử Nhà đầu tư
Copy link

Văn bản pháp luật

Liên kết

Website nội bộ của VCCI

Footer logo

Bản quyền bởi Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI 

  Tòa VCCI, Số 9 Đào Duy Anh, Đống Đa, Hà Nội, Việt Nam

Giấy phép xuất bản số 190/GP-TTĐT cấp ngày 27/10/2023

Người chịu trách nhiệm chính: Ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch VCCI

Quản lý và vận hành: Trung tâm Truyền thông và Thông tin Kinh tế - VCCI
Văn Phòng - Lễ tân:  Phụ trách website: Liên hệ quảng cáo:
📞 + 84-24-35742022 📞 + 84-24-35743084 📞 + 84-24-35743084
 + 84-24-35742020   vcci@vcci.com.vn   

Truy cập phiên bản website cũ.                                                     Thiết kế và phát triển bởi ADT Global