VCCI logo

LIÊN ĐOÀN THƯƠNG MẠI VÀ CÔNG NGHIỆP VIỆT NAM

Vietnam Chamber of Commerce and Industry

Thứ 2, 21/07/2025 | English | Vietnamese

Trang chủTin tổng hợpTP.HCM: 'Trung tâm R&D, dẫn dắt công nghiệp chuyển đổi sáng tạo'

TP.HCM: 'Trung tâm R&D, dẫn dắt công nghiệp chuyển đổi sáng tạo'

10:23:00 AM GMT+7Thứ 2, 21/07/2025

TS Đỗ Thiên Anh Tuấn - Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright cho rằng, TP. HCM mới sẽ giữ vai trò đầu tàu dẫn dắt công nghiệp Việt Nam chuyển sang giai đoạn phát triển dựa trên chất lượng, năng suất và đổi mới sáng tạo.

Phát biểu tại một sự kiện mới đây, TS Đỗ Thiên Anh Tuấn - Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright đã góp ý về tầm nhìn phát triển công nghiệp của TP. HCM mới trong tương lai.

Theo đó, về mặt quốc gia, TP.HCM mới sẽ giữ vai trò đầu tàu dẫn dắt công nghiệp Việt Nam chuyển sang giai đoạn phát triển dựa trên chất lượng, năng suất và đổi mới sáng tạo. Về mặt quốc tế, TP. HCM mới sẽ là hạt nhân của chuỗi giá trị sản xuất châu Á - Thái Bình Dương, có năng lực thu hút các tập đoàn công nghệ toàn cầu, phát triển các cụm ngành mũi nhọn.

TS Đỗ Thiên Anh Tuấn gợi ý TP.HCM nên tập trung nâng cấp 3 nhóm ngành công nghiệp chiến lược có năng lực cạnh tranh quốc tế trong bối cảnh mới. Đó là công nghiệp nền tảng như cơ khí chính xác, công nghệ vật liệu mới, hóa chất cao cấp, tự động hóa công nghiệp. Đây là cơ sở cho chuyển đổi sản xuất và nội địa hóa linh kiện. Kế đến là công nghiệp mới nổi như chip bán dẫn, pin thể rắn và pin hydro, dược phẩm sinh học, robot công nghiệp, in 3D trong sản xuất. Đây là trụ cột trong các chuỗi cung ứng công nghệ toàn cầu.

Ông Thiên lưu ý, tập trung phát triển là công nghiệp sáng tạo gồm thiết kế công nghiệp, công nghiệp phần mềm, công nghệ mô phỏng, gắn kết công nghiệp với đổi mới sáng tạo và văn hóa số...

Theo TS Huỳnh Thanh Điền, Trường ĐH Nguyễn Tất Thành, trong bối cảnh mới, TP. HCM mới nên phát triển theo trục lõi chuỗi giá trị công nghiệp. Theo đó, nên định vị TP. HCM cũ là trung tâm R&D, kiểm định, tài chính, logistics và điều phối công nghiệp vùng. Bình Dương sẽ là cực sản xuất công nghệ cao, tập trung cơ khí, điện tử, dệt may thông minh, chế biến sâu. Bà Rịa - Vũng Tàu sẽ là đầu mối xuất nhập khẩu, trung tâm năng lượng, cảng biển và logistics chuyên dụng.

Phát triển theo trục lõi chuỗi giá trị công nghiệp, sẽ là động lực phát triển lan tỏa ra toàn vùng Đông Nam bộ là Tây Ninh mới, Đồng Nai mới và cả khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, Tây Nguyên.

Theo ông Phạm Văn Việt, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Dệt may thời trang TP. HCM, đề xuất xây dựng 'hành lang công nghiệp xanh tích hợp' từ Dĩ An (Bình Dương) đến Nhà Bè, kết nối với cảng Cái Mép - Vũng Tàu, nối liền toàn bộ chuỗi sợi - dệt - nhuộm - may - thương mại - logistics. Trên chuỗi này, thành phố cần thiết lập bộ tiêu chuẩn tích hợp vận hành chuỗi công nghiệp liên vùng, bao gồm môi trường sản xuất, logistics số, dữ liệu chuỗi và kiểm soát rủi ro nhằm chuyển từ mô hình phát triển phân tán sang hệ sinh thái sản xuất.

Bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực - Thực phẩm TP. HCM (FFA), kiến nghị thành phố cần quy hoạch lại các khu công nghiệp theo hướng chuyên ngành, hiện đại, kết nối vùng nguyên liệu, đảm bảo hạ tầng xử lý nước thải đạt chuẩn và thuận tiện xuất khẩu.

Theo đó, xây dựng trung tâm logistics lạnh tại các đầu mối như Cái Mép - Thị Vải; phát triển các trung tâm R&D, kiểm nghiệm độc lập, cơ sở đào tạo nhân lực chất lượng cao phục vụ ngành thực phẩm. Đặc biệt, cần thí điểm cơ chế một cửa liên thông đặc biệt cho các dự án công nghiệp trọng điểm để tháo gỡ vướng mắc về thủ tục, quy hoạch và đất đai.

Theo ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Công Thương, TP.HCM sẽ tiếp tục giữ vững vai trò trung tâm kinh tế công nghiệp, đây cũng là động lực giúp thành phố thực hiện khát vọng tăng trưởng hai con số trong những năm tới. Việc định hình và phát huy tối đa tiềm năng công nghiệp của khu vực TP. HCM mở rộng trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết.

Giám đốc Sở Công Thương TP. HCM cũng nhìn nhận, công nghiệp TP. HCM đóng góp 30% GRDP và giữ vai trò đầu tàu nhưng vẫn đối mặt nhiều điểm nghẽn. Cụ thể là chi phí logistics chiếm tới 16-20% giá thành sản phẩm, cao hơn mức trung bình khu vực. Quỹ đất công nghiệp sạch hạn chế, chi phí thuê đất cao. Công nghệ sản xuất của nhiều doanh nghiệp còn lạc hậu, tự động hóa thấp. Tác động từ chính sách thương mại quốc tế, như việc Mỹ áp thuế với hàng xuất khẩu từ Việt Nam, đòi hỏi doanh nghiệp nâng cao chất lượng và đổi mới.

Trước yêu cầu , Sở Công Thương TP.HCM đã xác định 5 nhóm giải pháp trọng tâm để định hướng quy hoạch công nghiệp trong không gian phát triển mới. vietnamfinance.vn

Đó là phát triển hạ tầng công nghiệp - logistics - năng lượng đồng bộ. Ưu tiên xây dựng các khu công nghiệp chuyên ngành, công viên công nghệ, cụm logistics tích hợp quy mô lớn, sử dụng năng lượng xanh.

Đổi mới công nghệ - chuyển đổi số - tự động hóa, đẩy mạnh sản phẩm công nghiệp có hàm lượng công nghệ cao, gắn với đô thị thông minh, chuyển đổi xanh và số hóa toàn diện.

Thu hút đầu tư và phát triển công nghiệp hỗ trợ. Ban hành cơ chế ưu đãi đầu tư cho vật liệu mới, linh kiện chiến lược, thúc đẩy nội địa hóa sản xuất.

Phát triển nguồn nhân lực kỹ thuật cao nhằm kết nối doanh nghiệp với các trung tâm đào tạo, hình thành mạng lưới kỹ năng công nghiệp và logistics thông minh.

Công nghiệp xanh và kinh tế tuần hoàn. Khuyến khích đổi mới công nghệ xử lý chất thải, tái chế, giảm phát thải carbon, tiến tới mục tiêu phát thải ròng bằng 0.

TheoTrần Lê (Tạp chí điện tử Đầu tư Tài chính)
Copy link

Văn bản pháp luật

Liên kết

Website nội bộ của VCCI

Footer logo

Bản quyền bởi Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI 

  Tòa VCCI, Số 9 Đào Duy Anh, Đống Đa, Hà Nội, Việt Nam

Giấy phép xuất bản số 190/GP-TTĐT cấp ngày 27/10/2023

Người chịu trách nhiệm chính: Ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch VCCI

Quản lý và vận hành: Trung tâm Truyền thông và Thông tin Kinh tế - VCCI
Văn Phòng - Lễ tân:  Phụ trách website: Liên hệ quảng cáo:
📞 + 84-24-35742022 📞 + 84-24-35743084 📞 + 84-24-35743084
 + 84-24-35742020   vcci@vcci.com.vn   

Truy cập phiên bản website cũ.                                                     Thiết kế và phát triển bởi ADT Global