Thứ 7, 05/04/2025 | English | Vietnamese
10:12:00 AM GMT+7Thứ 6, 04/04/2025
Chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành cho rằng: "Chính sách thuế được công bố nhưng cánh cửa đàm phán vẫn còn. Việt Nam sở hữu nhiều ‘lá bài’ có thể tận dụng, nhưng cần biết cách khai thác và chủ động hơn trong cuộc chơi này".
Ngày 2/4, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố áp mức thuế cơ bản 10% đối với toàn bộ hàng nhập khẩu vào Mỹ, đồng thời tăng thuế đối với hàng hóa từ các đối tác thương mại lớn. Đối với Việt Nam, mức thuế áp dụng lên tới 46%, cao thứ hai trong danh sách, chỉ sau Campuchia (49%).
Quyết định này gây sốc đối với cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam. Trước đó, hầu hết dự báo đều cho rằng khả năng Việt Nam bị áp thuế cao là không lớn, thậm chí mức tối đa chỉ khoảng 25%.
Trao đổi với VietnamFinance, chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành nhận định đây là chính sách mang tính toàn cầu của Tổng thống Trump, nhằm bảo vệ lợi ích thương mại của Mỹ và giảm thâm hụt cán cân thương mại.
Theo ông Thành, các doanh nghiệp xuất khẩu sang Mỹ sẽ chịu tác động trực tiếp, đặc biệt là các doanh nghiệp FDI như Samsung hay các công ty gia công trong lĩnh vực may mặc, giày dép. Tuy nhiên, phần đóng góp của nhóm doanh nghiệp này vào chuỗi giá trị Việt Nam vẫn còn hạn chế, chủ yếu tập trung vào lao động, chiếm khoảng 10 - 15% giá trị sản phẩm, phần lớn còn lại thuộc về “tạm nhập, tái xuất”.
Dù vậy, tác động tiêu cực đến doanh nghiệp Việt là rất lớn, đặc biệt với những hợp đồng đã ký kết với đối tác nước ngoài, nhất là trong ngành may mặc.
Về dài hạn, thuế quan cao có thể khiến các doanh nghiệp FDI gặp khó khăn trong xuất khẩu, phải thu hẹp hoạt động hoặc thậm chí rời khỏi Việt Nam. Hiện nay, Việt Nam là cứ điểm sản xuất quan trọng của nhiều tập đoàn toàn cầu như Samsung, Adidas, Nike…, với thị trường chính là Mỹ.
Nếu các doanh nghiệp này rời đi, hệ lụy không chỉ dừng lại ở tăng trưởng kinh tế mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc làm của hàng triệu lao động, đặc biệt trong ngành may mặc và điện tử.
Trong khi đó, doanh thu từ tiêu thụ nội địa của các doanh nghiệp này tại Việt Nam chỉ chiếm tỷ trọng rất nhỏ. Điều này đặt ra nguy cơ mất đi dòng vốn FDI và gặp khó khăn trong thu hút đầu tư mới.
Trong bối cảnh đó, ông Thành cảnh báo Việt Nam cần tính toán lại mục tiêu tăng trưởng GDP, bởi ngay cả khi chưa có áp lực thuế quan từ Mỹ, nền kinh tế đã phải “gồng mình” để đạt mục tiêu đề ra đến năm 2025. Với mức thuế 46%, khả năng hoàn thành mục tiêu càng thêm nhiều thách thức.
Theo chuyên gia Bùi Kiến Thành, để đối phó với mức thuế cao từ Mỹ, Việt Nam cần tập trung phát triển năng lực sản xuất nội địa thay vì phụ thuộc quá nhiều vào doanh nghiệp FDI.
“Nếu Việt Nam xây dựng được chuỗi sản xuất nội địa vững mạnh, chúng ta sẽ không còn bị coi là quốc gia chỉ xuất khẩu hộ linh kiện, vật tư của nước khác. Khi đó, Việt Nam có thể đàm phán với Mỹ để giảm thuế đối với hàng hóa sản xuất trong nước,” ông Thành nhận định.
Tuy nhiên, việc này không dễ dàng. Ông lấy ví dụ về ngành xuất khẩu cá basa của Việt Nam, vốn phải đối mặt với sự cạnh tranh từ cá da trơn của Mỹ tại một số tiểu bang, khiến thuế suất áp lên cá basa luôn ở mức cao.
Bên cạnh đó, ông Thành nhấn mạnh, Việt Nam cần nghiên cứu kỹ chiến lược đầu tư của Mỹ vào nước ta. Chẳng hạn, Tổng thống Trump đầu tư vào sân golf và du lịch, trong khi tỷ phú Elon Musk rót vốn vào Starlink. Nhìn rộng hơn, các doanh nghiệp Mỹ mới đây khi vào Việt Nam nghiên cứu thị trường đều ưu tiên các ngành tiêu dùng nội địa, từ năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời) đến cơ sở hạ tầng an sinh xã hội. Đây là những lĩnh vực ít bị ảnh hưởng bởi thuế quan và cần được tận dụng để mở rộng hợp tác song phương.
Một chiến lược quan trọng khác là tăng cường nhập khẩu hàng hóa Mỹ, đồng thời điều chỉnh thuế nhập khẩu để tạo thế cân bằng trong đàm phán thương mại. Việt Nam cũng cần chủ động nghiên cứu và phát triển các lĩnh vực có thể trở thành “quân bài” trong quan hệ kinh tế với Mỹ, chẳng hạn như đất hiếm và công nghệ bán dẫn.
Đặc biệt, ông Thành cho rằng, Việt Nam cần xây dựng một tổ chức nghiên cứu mạnh về thương mại đối ngoại với Mỹ. Hiện tại, phần lớn hàng xuất khẩu sang Mỹ phải qua trung gian, làm tăng chi phí sản xuất và khiến doanh nghiệp Việt chưa tạo được ảnh hưởng thực sự trên thị trường Mỹ.
“Dù chính sách thuế đã được công bố, nhưng cánh cửa đàm phán vẫn còn. Quan trọng là chúng ta có gì để trao đổi. Việt Nam sở hữu nhiều ‘lá bài’ có thể tận dụng, nhưng cần biết cách khai thác và chủ động hơn trong cuộc chơi này,” ông Thành nhấn mạnh.
Ngoài ra, ông cảnh báo Việt Nam không nên phụ thuộc quá mức vào thị trường Mỹ mà cần mở rộng sang các khu vực khác, tránh tình trạng bị động và mất kiểm soát khi đối diện với những thay đổi chính sách bất ngờ.
10:35:00 AM GMT+7Thứ 6, 04/04/2025
10:33:00 AM GMT+7Thứ 6, 04/04/2025
10:31:00 AM GMT+7Thứ 6, 04/04/2025
Website nội bộ của VCCI
Liên kết nhanh
Bản quyền bởi Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI
Tòa VCCI, Số 9 Đào Duy Anh, Đống Đa, Hà Nội, Việt Nam
Giấy phép xuất bản số 190/GP-TTĐT cấp ngày 27/10/2023
Người chịu trách nhiệm chính: Ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch VCCI
Quản lý và vận hành: Trung tâm Truyền thông và Thông tin Kinh tế - VCCI | ||
Văn Phòng - Lễ tân: | Phụ trách website: | Liên hệ quảng cáo: |
📞 + 84-24-35742022 | 📞 + 84-24-35743084 | 📞 + 84-24-35743084 |
+ 84-24-35742020 | vcci@vcci.com.vn |
Truy cập phiên bản website cũ. Thiết kế và phát triển bởi ADT Global