Ký kết biên bản ghi nhớ thực hiện Chương trình giữa Công ty CP Thực phẩm sữa TH và Cục Hải quan Nghệ An. Ảnh: Nguyễn Hải |
PV: Bà đánh giá như thế nào về Chương trình thí điểm hỗ trợ khuyến khích doanh nghiệp tự nguyện tuân thủ pháp luật hải quan mà Tổng cục Hải quan triển khai thời gian qua?
Bà Nguyễn Minh Thảo: Cơ quan hải quan là đơn vị tiên phong trong công tác quản lý rủi ro. Theo đó, cơ quan hải quan chuẩn bị nguồn lực và lựa chọn đối tượng rủi ro cao để tập trung quản lý, qua đó sử dụng hiệu quả hơn nguồn nhân lực.
Ở góc độ môi trường kinh doanh, công tác quản lý của cơ quan hải quan giúp cho doanh nghiệp tuân thủ pháp luật để giảm tỷ lệ kiểm tra hàng hóa, kiểm tra hồ sơ, giúp doanh nghiệp giảm chi phí, giảm thời gian, giảm rủi ro.
Chính vì vậy, việc triển khai Chương trình thí điểm hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp tự nguyện tuân thủ pháp luật hải quan sẽ lan tỏa sang các lĩnh vực quản lý chuyên ngành khác nhau, vượt xa kỳ vọng của cơ quan hải quan và doanh nghiệp.
Vĩ mô hơn, năng lực cạnh tranh của nền kinh tế cũng chính là môi trường kinh doanh. Khi các nhà đầu tư đến và quyết định thực hiện các hoạt động đầu tư bao giờ cũng quan tâm đến môi trường đầu tư có tạo động lực để doanh nghiệp đầu tư, kinh doanh được không. Yếu tố hết sức quan trọng là tạo thuận lợi thương mại.
Với quốc gia có độ mở lớn như Việt Nam, tăng trưởng dựa vào xuất khẩu nên việc hỗ trợ, tạo điều kiện thương mại là trụ cột quan trọng của môi trường kinh doanh.
Nhiều tổ chức quốc tế coi tạo điều kiện thương mại là yếu tố then chốt để đánh giá môi trường đầu tư kinh doanh của một quốc gia. Môi trường đầu tư thể hiện ở “sức khỏe”, năng lực của doanh nghiệp và thể hiện tính cạnh tranh của nền kinh tế.
Chương trình thí điểm hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp tự nguyện tuân thủ pháp luật hải quan đã đem lại lợi ích cho cả 2 phía: cơ quan hải quan và doanh nghiệp. Trong đó, doanh nghiệp nhận được nhiều lợi thế.
Bởi vì, khi tham gia vào Chương trình này, doanh nghiệp chuyên nghiệp hơn, cùng sự chủ động, từ đó hình ảnh, vị thế của doanh nghiệp nâng cao, mở rộng đối tác, thị trường và hoạt động sản xuất kinh doanh thuận lợi hơn.
Như vậy, Chương trình thí điểm cũng đóng góp trực tiếp vào việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh ở Việt Nam. Khi năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp tăng lên cũng kéo theo năng lực cạnh tranh của nền kinh tế cũng tăng lên.
PV: Vậy theo bà, Chương trình đã mang lại những giá trị gì cho doanh nghiệp nói riêng và nền kinh tế nói chung?
Bà Nguyễn Minh Thảo: Tuân thủ pháp luật vừa là trách nhiệm vừa là nghĩa vụ của doanh nghiệp. Việc cơ quan hải quan triển khai Chương trình này chỉ nhằm giúp doanh nghiệp tuân thủ tốt hơn, chủ động hơn.
Tôi cho rằng, không chỉ những doanh nghiệp tham gia Chương trình này mới được cơ quan hải quan đưa ra cảnh báo, hỗ trợ, mà đây là nền tảng để kết nối giữa cơ quan hải quan với doanh nghiệp, thúc đẩy mối quan hệ giữa cơ quan quản lý và doanh nghiệp.
Chương trình này sẽ tạo đà, trở thành động lực để cơ quan hải quan thiết lập nền tảng chung cho tất cả các doanh nghiệp có thể tham khảo, từ đó mở rộng, có sức lan tỏa tốt hơn.
Cơ quan hải quan cần truyền tải những thông điệp quan trọng về Chương trình để các doanh nghiệp có thông tin, lan tỏa đến hải quan các địa phương, để các doanh nghiệp vừa và nhỏ được tiếp cận.
PV: Có thể nói, bất kể doanh nghiệp từ nhỏ và vừa đến các doanh nghiệp lớn đều mong muốn tuân thủ tốt pháp luật. Để làm được điều này, theo bà, cần phải làm gì?
Bà Nguyễn Minh Thảo: Muốn tuân thủ tốt pháp luật, doanh nghiệp phải chủ động. Không chỉ ban lãnh đạo doanh nghiệp mà chính những cán bộ phụ trách phải trăn trở, trách nhiệm hơn trong quá trình thực hiện.
Tiếp đó, quy định của pháp luật phải minh bạch hơn, hiểu thống nhất hơn, từ đó doanh nghiệp mới tuân thủ thuận lợi hơn. Đây là yếu tố quan trọng với cả doanh nghiệp và cơ quan thực thi. Bên cạnh đó, công tác về truyền thông, hướng dẫn cũng cần được đẩy mạnh.
PV: Tới đây, cơ quan hải quan triển khai chính thức Chương trình, kỳ vọng sẽ mở rộng thêm đối tượng, từ đó các doanh nghiệp vừa và nhỏ được tham gia và tính chuyên nghiệp, năng lực thực hiện chính sách của các doanh nghiệp hiệu quả hơn. Ở góc độ chuyên gia, bà có gợi ý gì với cơ quan hải quan?
Bà Nguyễn Minh Thảo: Nhìn tổng quan, để xây dựng Chương trình chính thức, tôi cho rằng, ngành Hải quan cần có một bản kế hoạch rất chi tiết với lộ trình cụ thể theo từng năm, thậm chí ngắn hơn với từng nhiệm vụ cụ thể, từng bước triển khai, mốc thời gian với những mục tiêu rõ ràng ngay từ ban đầu.
Đồng thời, ngành Hải quan cần chú trọng thiết lập nền tảng để tương tác chung, cảnh báo chung, nêu ra những vấn đề giải đáp về lĩnh vực hải quan. Đây là công cụ không chỉ hỗ trợ cho Chương trình này mà hỗ trợ cho công việc quản lý của cơ quan hải quan và cả doanh nghiệp.
PV: Xin cảm ơn bà!