Ứng dụng công nghệ tạo bứt phá trong quá trình số hóa ngành Tài chính
Lãnh đạo Tổng cục Thuế trao đổi với các nhà phát triển giải pháp công nghệ bên lề VDF 2024. Ảnh: Hồng Vân

Ứng dụng một số công nghệ cốt lõi để tạo thuận lợi

Trong giai đoạn từ nay đến năm 2030, nhiệm vụ đặt ra cho ngành Tài chính là chủ động áp dụng các thành quả của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 nghiên cứu ứng dụng một số công nghệ cốt lõi có khả năng tạo bứt phá mạnh mẽ như trí tuệ nhân tạo, chuỗi khối, dữ liệu lớn, thực tế ảo, tạo điều kiện ứng dụng các công nghệ số tiên tiến trong triển khai tài chính điện tử hướng tới tài chính số.

Bức tranh toàn diện về chiến lược phát triển số hóa ngành Tài chính

Hội thảo - Triển lãm VDF-2024 mang đến một bức tranh toàn diện về chiến lược phát triển ngành Tài chính, kinh nghiệm về chuyển đổi số, khai thác dữ liệu, hiện đại hóa hạ tầng thông tin, quản lý rủi ro giám sát và phát hiện các mối đe dọa an ninh mạng trong ngành Tài chính nói chung và lĩnh vực chứng khoán nói riêng.

Bên cạnh đó, xây dựng các nền tảng quản trị thông minh nhằm cung cấp các dịch vụ tài chính thông minh, tham gia tích cực vào sự phát triển của nền kinh tế số. Đặc biệt, xây dựng tài chính điện tử và cơ bản thiết lập nền tảng tài chính số hiện đại, công khai, minh bạch dựa trên dữ liệu lớn, dữ liệu mở, hệ sinh thái tài chính số, đảm bảo tính hiệu quả và an toàn thông tin toàn diện.

Chia sẻ tại Hội thảo – Triển lãm về tài chính số (VDF 2024) diễn ra ngày 20/9/2024, TS. Nguyễn Như Quỳnh - Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách tài chính (Bộ Tài chính) cho biết, trong hơn 4 năm 2020-2024, mặc dù điều kiện kinh tế còn khó khăn, nhưng Bộ Tài chính vẫn kiên trì thực hiện chính sách tài khóa mở rộng, chủ động, linh hoạt để tạo điều kiện cho doanh nghiệp (DN) vượt qua khó khăn, phục hồi sản xuất. Do vậy, dù triển khai nhiều gói giải pháp hỗ trợ người dân và DN với quy mô lớn, song tổng thu ngân sách nhà nước vẫn đạt kết quả tích cực. Kết quả này có được một phần quan trọng là do ngành Tài chính đã đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý thu ngân sách nhà nước.

Nhận định này của TS. Nguyễn Như Quỳnh đã được chứng thực bằng những con số rất cụ thể trong thực tiễn triển khai từ tất cả các ngành dọc thuộc Bộ Tài chính. Đơn cử, về quản lý thuế, đã có hơn 5,7 triệu lượt cá nhân sử dụng tài khoản VNeID vào hệ thống thuế điện tử eTax Mobile. Nhờ đó, trong kỳ quyết toán thuế thu nhập cá nhân năm 2023 (triển khai tháng 4/2024), hệ thống của cơ quan thuế đã tiếp nhận 536 nghìn tờ khai quyết toán của cá nhân, đạt 150% so với cùng kỳ năm trước. Trong lĩnh vực hải quan, gần 60% số thủ tục hành chính được cung cấp dịch vụ công trực tuyến toàn trình; khoảng 30% được cung cấp dịch vụ công trực tuyến một phần; còn lại đều được cung cấp thông tin trực tuyến.

Về chứng khoán, giao dịch trên thị trường chứng khoán đã hoàn toàn chuyển sang hình thức trực tuyến. Lũy kế 8 tháng năm 2024, số lượng tài khoản chứng khoán của nhà đầu tư trong nước đã tăng hơn 1,41 triệu tài khoản, lên hơn 8,7 triệu, tiệm cận mục tiêu đạt 9 triệu tài khoản vào năm 2025 và 11 triệu tài khoản vào năm 2030, theo Chiến lược phát triển thị trường chứng khoán đến năm 2030. Trong khi đó, 100% thủ tục hành của Kho bạc Nhà nước đã thực hiện toàn trình và tích hợp trên Cổng Dịch vụ công quốc gia, kết nối dịch vụ công trực tuyến với phần mềm kế toán của các 25% tổng số đơn vị sử dụng ngân sách.

Ghi nhận cho tới thời điểm hiện tại, các nền tảng hạ tầng dữ liệu toàn ngành đã được xây dựng theo hướng tăng cường sự tương thích giữa các cơ sở hạ tầng thông tin của các cơ quan nhà nước, tạo điều kiện thuận lợi cho giao dịch điện tử giữa các cơ quan nhà nước và giữa cơ quan nhà nước với tổ chức, cá nhân.

Hình thành Bộ Tài chính số vào năm 2025

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Minh Ngọc – Phó Cục trưởng Cục Tin học và Thống kê tài chính (Bộ Tài chính), bên cạnh các kết quả đã đạt được, một số dữ liệu trong các cơ sở dữ liệu, hệ thống thông tin của ngành Tài chính vẫn còn phân tán, trùng lặp, chưa có sự liên kết và thống nhất. Hạ tầng dữ liệu của ngành còn chưa đáp ứng toàn diện yêu cầu quản lý, điều hành của các đơn vị và của Bộ Tài chính. Cán bộ, công chức, viên chức của ngành phải xử lý nghiệp vụ trên nhiều phần mềm. Một số đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ chưa thực hiện mở dữ liệu theo quy định của pháp luật do lo ngại về tính đầy đủ, chính xác của dữ liệu, về quyền và trách nhiệm của cơ quan chia sẻ dữ liệu, và về các biện pháp bảo đảm an toàn, thông tin mạng. Hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin cho việc lưu trữ, phân tích, quản trị dữ liệu lớn chưa được đầu tư tương xứng.

Bày tỏ quan điểm, Thứ trưởng Bộ Tài chính Bùi Văn Khắng cho biết, với vai trò “huyết mạch” của nền kinh tế, chuyển đổi số trong lĩnh vực tài chính - ngân sách nhà nước là yêu cầu bắt buộc, là một nhiệm vụ cấp bách, quan trọng cần tập trung chỉ đạo triển khai quyết liệt, hiệu quả. Trong đó, tập trung vào 3 vấn đề chính là: thể chế, công nghệ và nguồn nhân lực, thể chế đi trước, công nghệ, con người là nền tảng tạo tiền đề để phát triển.

Để đáp ứng nhu cầu chuyển đổi số ngành Tài chính đến năm 2030, phù hợp yêu cầu chuyển đổi số quốc gia, ngành Tài chính đã định rõ phương hướng. Đó là tập trung hướng đến nền tài chính số hoạt động an toàn trên môi trường số; phát triển Bộ Tài chính số một cách tổng thể, huy động sự tham gia của cả hệ thống chính trị, có giải pháp, cách làm đột phá, mang tính khác biệt, để cơ bản hoàn thành các chỉ tiêu phát triển Bộ Tài chính điện tử và hình thành Bộ Tài chính số vào năm 2025.

Đồng thời, định hướng mở để người dân, DN và tổ chức khác tham gia một cách phù hợp vào hoạt động của Bộ Tài chính, tương tác với các cơ quan nhà nước để cùng tăng cường minh bạch, nâng cao chất lượng dịch vụ, cùng giải quyết vấn đề và cùng tạo ra giá trị cho xã hội; phát triển các nền tảng theo hướng cung cấp dịch vụ đồng bộ, thông suốt.

Ứng dụng công nghệ tạo bứt phá trong quá trình số hóa ngành Tài chính

ÔNG ĐẶNG NGỌC MINH - PHÓ TỔNG CỤC TRƯỞNG TỔNG CỤC THUẾ: Đảm bảo môi trường kinh doanh bình đẳng

Hiện nay, trong điều kiện chuyển đổi mô hình sản xuất kinh doanh, ngành Thuế đang tập trung ứng dụng công nghệ vào quản lý thuế thương mại điện tử. Tại Luật Quản lý thuế (sửa đổi) sẽ trình Quốc hội sắp tới, một trong những nội dung được Bộ Tài chính đề xuất Chính phủ là bổ sung trách nhiệm nghĩa vụ kê khai của các sàn kinh doanh thương mại điện tử thay cho những người kinh doanh trên sàn. Đây là giải pháp cơ bản, phù hợp với trình độ tiên tiến của khoa học công nghệ, một mặt giúp cơ quan thuế tăng cường năng lực quản lý, nhưng mặt khác vẫn đảm bảo cho người kinh doanh trên sàn thương mại điện tử được hưởng một môi trường kinh doanh bình đẳng. Hồng Vân (ghi)

Ứng dụng công nghệ tạo bứt phá trong quá trình số hóa ngành Tài chính

ÔNG HOÀNG VĂN THU - PHÓ CHỦ TỊCH ỦY BAN CHỨNG KHOÁN NHÀ NƯỚC: Tổ chức thị trường chứng khoán hiện đại, minh bạch, thuận tiện

Để tổ chức thị trường chứng khoán hiện đại, đáp ứng các yêu cầu về công khai minh bạch, thuận tiện trong giao dịch, đồng thời vẫn đảm bảo an toàn cho thị trường, các ứng dụng công nghệ về dữ liệu lớn, hay phân tích dữ liệu hỗ trợ ra quyết định với công nghệ phân tích dữ liệu thông minh, công nghệ trí tuệ nhân tạo, áp dụng chuẩn báo cáo quốc tế phục vụ quản lý điều hành, giám sát thị trường và hỗ trợ ra quyết định đang được khẩn trương nghiên cứu, tổ chức xây dựng. Ngoài ra, có thể áp dụng các giải pháp công nghệ mạng xã hội để thu thập thông tin (tin đồn) phục vụ cho công tác giám sát thị trường, Chuỗi khối trong giao dịch chứng khoán trực tuyến hay thu thập báo cáo.

Ngoài ra, hệ thống công nghệ phải gắn liền và tương thích với hệ thống công nghệ của các Sở Giao dịch chứng khoán nhằm đảm bảo tính bảo mật của cơ sở dữ liệu thông tin, đảm bảo an toàn tiền và chứng khoán của khách hàng. Đông Mai (ghi)