VCCI logo

LIÊN ĐOÀN THƯƠNG MẠI VÀ CÔNG NGHIỆP VIỆT NAM

Vietnam Chamber of Commerce and Industry

Thứ 3, 25/02/2025 | English | Vietnamese

Trang chủDoanh nghiệpVì sao EU gia tăng cảnh báo với nông sản thực phẩm xuất khẩu Việt Nam?

Vì sao EU gia tăng cảnh báo với nông sản thực phẩm xuất khẩu Việt Nam?

02:08:00 PM GMT+7Thứ 3, 25/02/2025

Văn phòng Thông báo và Điểm hỏi đáp quốc gia về Vệ sinh Dịch tễ và Kiểm dịch Động thực vật Việt Nam (SPS Việt Nam) cho biết, tính đến ngày 20/2, EU có 16 cảnh báo về an toàn thực phẩm từ Việt Nam. Số lượng cảnh báo năm 2024 cũng tăng gần gấp đôi năm 2023.

Số lượng cảnh báo tăng gấp đôi

Tại Hội nghị trực tiếp và trực tuyến "Triển khai biện pháp tăng cường tuân thủ quy định an toàn thực phẩm của thị trường châu Âu" do Văn phòng Thông báo và Điểm hỏi đáp quốc gia về Vệ sinh Dịch tễ và Kiểm dịch Động thực vật Việt Nam và Báo Nông nghiệp Việt Nam phối hợp tổ chức sáng 24/2, ông Ngô Xuân Nam, Phó Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam đã thông tin con số thống kê cảnh báo của châu Âu (EU) đối với nông sản thực phẩm.

Năm 2024, EU đã phát 5.268 cảnh báo cho tất cả quốc gia và vùng lãnh thổ. Các cảnh báo về vi sinh vật gây bệnh, dư lượng thuốc trừ sâu, thuốc kháng sinh luôn chiếm tỷ lệ cao. Đặc biệt, trong năm 2024, EU có 37 cảnh báo về các thực phẩm mới, trong 8 cảnh báo về thực phẩm mới này, có 4 cảnh báo liên quan đến sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam, chiếm 50%.

Trong số các quốc gia, vùng lãnh thổ có sản phẩm bị EU cảnh báo trong năm 2024, nội khối EU bị cảnh báo nhiều nhất, với 1.965 cảnh báo. Việt Nam bị 114 cảnh báo, tăng gần gấp đôi so với năm 2023; Thái Lan có 68 cảnh báo; Indonesia có 27 cảnh báo… Tính riêng trong 2 tháng đầu năm 2025, trong 624 cảnh báo thì nội khối EU bị 248 cảnh báo, Việt Nam bị 16 cảnh báo, Thái Lan bị 6 cảnh báo, Indonesia bị 2 cảnh báo.

Vì sao EU gia tăng cảnh báo đối với nông sản thực phẩm xuất khẩu của Việt Nam?
Ông Ngô Xuân Nam - Phó Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam thông tin tại hội nghị.

“Thống kê trên cho thấy nếu so với cả năm 2024, con số bị cảnh báo của Việt Nam đã tăng từ 2,2% lên 2,6%. Và nếu so sánh với một số quốc gia và vùng lãnh thổ có điều kiện tương tự xuất khẩu nông sản thực phẩm sang EU như Thái Lan, Indonesia… thì con số 16 cảnh báo của Việt Nam tương đối cao” - ông Nam đánh giá.

Đáng chú ý, từ năm 2023 trở lại đây, TP.Hồ Chí Minh và Hà Nội là 2 địa phương của Việt Nam bị EU đưa ra cảnh báo đối với nông sản, thực phẩm nhiều nhất, lần lượt là 80 lần và 17 lần.

Theo phân tích của Văn phòng SPS Việt Nam, nguyên nhân dẫn đến cảnh báo nhiều là do hiện nay các quốc gia, vùng lãnh thổ đang gia tăng các biện pháp an toàn thực phẩm và an toàn dịch bệnh động thực vật đối với nông sản thực phẩm và thuỷ sản nhập khẩu. Trong khi đó, sản xuất trong nước, một số vùng trồng vẫn chưa tuân thủ các quy định của nhà nhập khẩu vì mức dư lượng thuốc bảo vệ thực vật đối với mỗi hoạt chất của mỗi sản phẩm là khác nhau. Một số vùng nuôi thủy sản còn lạm dụng kháng sinh trong nuôi trồng, thiếu hiểu biết về vi khuẩn gây bệnh, môi trường nuôi bị ô nhiễm… Các cơ sở đóng gói, sơ chế, chế biến thì chưa cập nhật đầy đủ các quy định mới của EU về danh mục thực phẩm mới, nhãn mác sản phẩm, sản phẩm tổng hợp để đáp ứng đúng quy định...

Kiểm soát chặt chẽ chất lượng nông sản, thủy sản Việt Nam xuất khẩu vào châu Âu

Để tuân thủ các quy định SPS và nâng cao chất lượng nông sản, thực phẩm xuất khẩu, các đại biểu cho rằng, các bên liên quan cần có kế hoạch hành động cụ thể để bảo đảm nông sản, thủy sản Việt Nam xuất khẩu vào EU, đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe, hạn chế cảnh báo, thu hồi, đồng thời nâng cao năng lực sản xuất an toàn, bền vững...

Ông Ngô Xuân Nam cho rằng, trước mắt cần tăng cường cập nhật thông tin và phổ biến các tiêu chuẩn mới của EU đến người sản xuất (nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp) thực hiện đáp ứng đầy đủ các quy định về vệ sinh, an toàn thực phẩm, an toàn dịch bệnh của thị trường EU. Các cơ quan chuyên môn có hướng dẫn chi tiết về thủ tục xuất khẩu, ghi nhãn, chứng nhận an toàn thực phẩm,… tới các cơ sở sơ chế, chế biến, đóng gói, doanh nghiệp kinh doanh nông sản, thực phẩm xuất khẩu.

Bên cạnh đó, đơn vị sản xuất tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ chuỗi cung ứng, vùng nguyên liệu, các khâu sản xuất, các cơ sở sơ chế, chế biến, đóng gói, vận chuyển nhằm đảm bảo đáp ứng quy định về các biện pháp vệ sinh dịch tễ và kiểm dịch động, thực vật. Đặc biệt là tăng cường kiểm soát tại cửa khẩu, cải thiện quy trình kiểm nghiệm hàng hóa trước khi xuất khẩu, giảm rủi ro bị trả hàng do vi phạm quy định EU. Về dài hạn, doanh nghiệp cần xây dựng kế hoạch và chiến lược dài hạn cho thị trường EU.

Vì sao EU gia tăng cảnh báo với nông sản thực phẩm xuất khẩu Việt Nam?
EU gia tăng cảnh báo đối với nông sản thực phẩm xuất khẩu của Việt Nam. Ảnh: TL

Văn phòng SPS Việt Nam sẽ tăng cường làm việc với các cơ quan chuyên môn của EU về việc hướng dẫn tuân thủ các quy định mới của EU, làm rõ việc truy xuất một số doanh nghiệp vi phạm nhưng chưa đầy đủ thông tin. Văn phòng sẽ thông báo kết quả truy xuất nguồn gốc với EU để minh bạch thông tin quản lý an toàn thực phẩm.

Về phía đại diện doanh nghiệp, ông Đặng Phúc Nguyên Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam đề nghị nâng cao nhận thức, năng lực bằng cách tập huấn cho các địa phương, nông dân, doanh nghiệp sản xuất rau quả trọng điểm sang EU. Cùng với đó xây dựng các tài liệu hướng dẫn dễ hiểu các yêu cầu của EU trong trồng trọt, thu hái, bảo quản… để xuất khẩu.

Ở góc độ cơ quan quản lý địa phương, ông Phan Văn Tấn, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Bình Thuận cũng đề nghị Bộ NN&PTNT cần ban hành cập nhật các văn bản cập nhật và có các cẩm nang hướng dẫn để địa phương thực hiện được sát sao hơn.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã chỉ đạo Bộ NN&PTNT cùng Bộ Công thương tăng cường hướng dẫn, kiểm tra và giám sát các cơ sở sản xuất, kinh doanh nông sản và thực phẩm xuất khẩu, đảm bảo tuân thủ đầy đủ các quy định về vệ sinh, an toàn thực phẩm và kiểm dịch của thị trường EU.
TheoNguyễn Phương (Thời báo Tài chính)
Copy link

Văn bản pháp luật

Liên kết

Website nội bộ của VCCI

Footer logo

Bản quyền bởi Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI 

  Tòa VCCI, Số 9 Đào Duy Anh, Đống Đa, Hà Nội, Việt Nam

Giấy phép xuất bản số 190/GP-TTĐT cấp ngày 27/10/2023

Người chịu trách nhiệm chính: Ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch VCCI

Quản lý và vận hành: Trung tâm Truyền thông và Thông tin Kinh tế - VCCI
Văn Phòng - Lễ tân:  Phụ trách website: Liên hệ quảng cáo:
📞 + 84-24-35742022 📞 + 84-24-35743084 📞 + 84-24-35743084
 + 84-24-35742020   vcci@vcci.com.vn   

Truy cập phiên bản website cũ.                                                     Thiết kế và phát triển bởi ADT Global