VCCI logo

LIÊN ĐOÀN THƯƠNG MẠI VÀ CÔNG NGHIỆP VIỆT NAM

Vietnam Chamber of Commerce and Industry

Thứ 2, 23/12/2024 | English | Vietnamese

Trang chủTin tổng hợpViệt Nam có 174 dự án FDI lĩnh vực bán dẫn, với tổng vốn đăng ký gần 11,6 tỷ USD

Việt Nam có 174 dự án FDI lĩnh vực bán dẫn, với tổng vốn đăng ký gần 11,6 tỷ USD

10:47:00 AM GMT+7Thứ 2, 16/12/2024

"Việt Nam hiện có 174 dự án FDI trong lĩnh vực bán dẫn với tổng vốn đăng ký gần 11,6 tỷ USD", Bộ trưởng KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết.

Sáng (14/12), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chủ trì phiên họp lần thứ nhất Ban Chỉ đạo quốc gia về phát triển ngành công nghiệp bán dẫn.

Loạt ông lớn bán dẫn đầu tư vào Việt Nam

Báo cáo tại phiên họp, Bộ trưởng KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo cho biết, trong thời gian qua, Việt Nam đã có nhiều hành động quyết liệt

Trong đó, Bộ KH&ĐT đã tiếp xúc, làm việc với nhiều tập đoàn công nghệ hàng đầu như Qualcomm, Google, Meta, LAM Research, Qorvo, AlChip... và đã có kế hoạch cụ thể chuyển dịch chuỗi cung ứng sang Việt Nam, phát triển các trung tâm nghiên cứu, mở rộng đầu tư, kinh doanh, sản xuất tại Việt Nam.

Việt Nam hiện có 174 dự án FDI trong lĩnh vực bán dẫn với tổng vốn đăng ký gần 11,6 tỷ USD.

Tập đoàn NVIDIA ký thỏa thuận hợp tác với Chính phủ Việt Nam thành lập Trung tâm nghiên cứu và phát triển và Trung tâm dữ liệu AI tại Việt Nam (ảnh: VGP)

Đặc biệt đối với Tập đoàn công nghệ số 1 thế giới là NVIDIA, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ KH&ĐT phối hợp với cơ quan liên quan thành lập 2 tổ bao gồm tổ công tác triển khai hợp tác và tổ đàm phán với NVIDIA.

2 tổ này đã trao đổi, làm việc với Tập đoàn NVIDIA để thu hút đầu tư, cụ thể hóa phương án hợp tác và đã đạt được nhiều kết quả đột phá, đem lại tiếng vang lớn và nâng tầm vị thế của Việt Nam trong khu vực và trên thế giới là điểm đến của công nghệ cao, công nghệ bán dẫn và trí tuệ nhân tạo.

Ngày 5/12/2024, thỏa thuận hợp tác giữa Chính phủ Việt Nam và Tập đoàn NVIDIA đã được ký kết nhằm hợp tác thành lập Trung tâm nghiên cứu và phát triển và Trung tâm dữ liệu AI tại Việt Nam.

"Thỏa thuận là "cú hích" quan trọng giúp Việt Nam có được bước nhảy vọt về công nghệ trong thời gian tới, có hiệu ứng lan tỏa lớn, thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư công nghệ cao khác trên thế giới, đặc biệt trong lĩnh vực AI, bán dẫn đầu tư vào Việt Nam. Đồng thời thu hút, giữ chân được nhiều nhân tài trong lĩnh vực bán dẫn và AI…", Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đánh giá.

Ông cũng cho biết thêm, sự kiện này cũng gây một tiếng vang lớn trong cộng đồng doanh nghiệp công nghệ và các quốc gia trên thế giới, trong đó có sự phê phán của báo chí Thái Lan về việc Chính phủ Thái Lan đã không thể thu hút được NVIDIA vào Thái Lan.

Nắm bắt cơ hội "hiếm có" tham gia chuỗi giá trị công nghiệp bán dẫn

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng thẳng thắn cho rằng, chúng ta cũng còn có nhiều khó khăn, thách thức cần phải vượt qua để đạt được những thành tựu lớn hơn cho ngành công nghiệp bán dẫn Việt Nam.

Để tiếp tục phát triển ngành công nghiệp bán dẫn trong thời gian tới, Bộ KH&ĐT đã đề xuất các công việc cụ thể cho các bộ, ngành liên quan, các địa phương, các viện, trường…

Bộ GD&ĐT đang xây dựng kế hoạch hành động trong toàn ngành để thúc đẩy triển khai đào tạo, gia tăng nhanh số lượng và chất lượng nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực công nghệ bán dẫn, nhất là kỹ sư thiết kế vi mạch. Ảnh: VGP.

Đặc biệt đối với các doanh nghiệp, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng lưu ý các doanh nghiệp cần chủ động nghiên cứu, tận dụng cơ hội để tham gia vào chuỗi giá trị bán dẫn; chủ động tham gia và tăng cường hợp tác chặt chẽ 3 nhà "Nhà nước - Nhà trường - Nhà doanh nghiệp", đặt hàng đào tạo cho các trường, tạo đầu ra cho sinh viên; Đồng hành, bổ sung nguồn lực cùng nhà nước, tăng cường hợp tác công - tư để hỗ trợ triển khai Chiến lược và Chương trình phát triển nguồn nhân lực bán dẫn.

"Việt Nam có thể nắm bắt được cơ hội "hiếm có" này để tham gia sâu vào chuỗi giá trị ngành công nghiệp bán dẫn, do đó cần có sự tham gia, vào cuộc của tất cả các bộ, ngành, địa phương, các doanh nghiệp, viện nghiên cứu, trường đại học, các chuyên gia trong và ngoài nước…", ông Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.

Đồng thời cho rằng, Việt Nam cũng không thể đi đến đích nếu chỉ đi một mình, mà hơn lúc nào hết, ở giai đoạn và thời cơ quan trọng này, cần có sự hợp tác nhanh, mạnh và toàn diện với các quốc gia, nền kinh tế và các doanh nghiệp, đối tác hàng đầu thế giới về bán dẫn thì mới có thể "đứng trên vai những người khổng lồ", tận dụng lợi thế nguồn nhân lực để vươn lên thành một quốc gia có vị thế trọng tâm của châu Á và thế giới trong phát triển ngành công nghiệp bán dẫn và có thể về một cường quốc về AI trong tương lai.

Về phương hướng nhiệm vụ thời gian tới, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho hay, tập trung nguồn lực để triển khai các định hướng, mục tiêu, nội dung, hoạt động, nhiệm vụ tại Chiến lược và Chương trình phát triển nguồn nhân lực đã được phê duyệt; tăng cường hợp tác quốc tế, tích cực tiếp cận, làm việc với các tập đoàn, doanh nghiệp lớn về bán dẫn và trí tuệ nhân tạo, đặc biệt tập trung thu hút các dự án đầu tư trong lĩnh vực đóng gói tiên tiến, là lĩnh vực có khả năng tạo bứt phá cho Việt Nam;

Tập trung hoàn thiện 3 trụ cột cho ngành công nghiệp bán dẫn (cơ chế, chính sách; hạ tầng; và nguồn nhân lực chất lượng cao); tiếp tục thu hút nhân tài, đặc biệt là các nhân tài người Việt trên toàn thế giới đóng góp vào ngành công nghiệp bán dẫn trong nước.

TheoThanh Thanh (Tạp chí điện tử Nhà đầu tư)
Copy link

Văn bản pháp luật

Liên kết

Website nội bộ của VCCI

Footer logo

Bản quyền bởi Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI 

  Tòa VCCI, Số 9 Đào Duy Anh, Đống Đa, Hà Nội, Việt Nam

Giấy phép xuất bản số 190/GP-TTĐT cấp ngày 27/10/2023

Người chịu trách nhiệm chính: Ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch VCCI

Quản lý và vận hành: Trung tâm Truyền thông và Thông tin Kinh tế - VCCI
Văn Phòng - Lễ tân:  Phụ trách website: Liên hệ quảng cáo:
📞 + 84-24-35742022 📞 + 84-24-35743084 📞 + 84-24-35743084
 + 84-24-35742020   vcci@vcci.com.vn   

Truy cập phiên bản website cũ.                                                     Thiết kế và phát triển bởi ADT Global