Xuất khẩu dệt may đạt 44 tỷ USD năm 2024
Trong bối cảnh tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, cước vận tải biến động mạnh, kinh tế thương mại phục hồi chậm, tổng đầu tư toàn cầu sụt giảm..., nhưng ngành dệt may Việt Nam vẫn giữ được mức tăng trưởng khá.
Theo Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex), ngành dệt may tranh thủ được một lượng đáng kể đơn hàng dịch chuyển về từ Bangladesh trong năm 2024, nhờ đó giúp ngành cán đích với doanh số 44 tỷ USD, tăng trưởng 11% và là quốc gia xuất khẩu dệt may lớn thứ 2 thế giới, sau Trung Quốc và vượt lên Bangladesh.
Ngành dệt may tăng trưởng 11% trong năm 2024 |
Ngành dệt may nói chung và Vinatex nói riêng đã trải qua năm 2024 với nhiều cung bậc. Nửa đầu năm 2024, thị trường và đơn hàng, giá xuất khẩu vẫn trên nền thấp của năm 2023 (đơn hàng nhỏ lẻ, yêu cầu khắt khe, thời gian giao hàng nhanh và đơn giá rất thấp), nhưng nửa cuối năm 2024, tình hình đã khởi sắc trở lại, nhờ đó, giúp ngành "thoát hiểm", về đích với các chỉ tiêu tăng trưởng 11%. Có thể nói đây là một nỗ lực vượt bậc, bởi năm 2023, tức sau 30 năm tham gia xuất khẩu, lần đầu tiên, ngành dệt may tăng trưởng âm 2 con số so với năm 2022.
Đến thời điểm cuối năm 2024, nhiều doanh nghiệp có đơn hàng đến hết quý I/2025, lác đác doanh nghiệp có đơn hàng đến tháng 4 và 5/2025.
Bên cạnh những điểm đặc biệt về đơn hàng, năm 2024, ngành dệt may năm qua phải đối mặt với biến động lớn về lao động lớn. Có những đơn vị thuộc Vinatex biến động tới 20%. Một trong những nguyên nhân gây nên tình trạng thiếu lao động là Việt Nam đã mở thêm được các thị trường lao động mới, bên cạnh thị trường truyền thống, như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan. Theo đó, một lượng lao động dệt may đã lựa chọn đi xuất khẩu lao động.
Thuận lợi song hành cùng khó khăn, thách thức trong năm 2025
Năm 2025, toàn ngành dệt may đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu đạt khoảng 48 tỷ USD. Nhận định về triển vọng thị trường và xuất khẩu dệt may 2025, đại diện Vinatex cho rằng, có nhiều tín hiệu lạc quan, khi thị trường nhập khẩu chính, như: Mỹ và EU phục hồi kinh tế, nhu cầu chi tiêu của người dân cải thiện với triển vọng cho ngành dệt may tốt hơn. Do đó, dự báo xuất khẩu nửa đầu năm 2025 tới tích cực.
Ngoài ra, đại diện Vinatex cho hay, các doanh nghiệp dệt may Việt Nam cũng đang theo dõi chính sách của Mỹ sau khi Tổng thống đắc cử Donald Trump lên nắm quyền điều hành. Theo đó, Mỹ có thể thực hiện chính sách thuế mới với Trung Quốc lên tới 60%, một số nước từ 10%-20%. Với khả năng đó, Việt Nam có khả năng chịu thêm 10% thuế với hàng hóa xuất khẩu vào thị trường này. Việc Mỹ áp thêm thuế sẽ khiến các đơn hàng dệt may từ Trung Quốc đắt hơn so với thông thường và đây là cơ hội tốt để các quốc gia cạnh tranh, trong đó có Việt Nam đón đầu các đơn hàng dịch chuyển từ Trung Quốc, nếu tuân thủ tốt các yêu cầu về nguồn gốc xuất xứ.
Tuy nhiên, bên cạnh những tín hiệu tích cực trong năm 2025, ngành dệt may vẫn gặp nhiều thách thức khi ít cơ hội tiếp cận đơn hàng lớn, đơn giá không tăng, nhu cầu tiêu dùng chưa phục hồi... Doanh nghiệp ngành dệt may cũng đang phải đối mặt những thách thức mới trong năm 2025, như: tình trạng giá đơn hàng thấp trong khi chi phí đầu vào tiếp tục tăng, các nhãn hàng có sự thay đổi lớn trong cách mua hàng, cũng như các quy định liên quan đến thanh toán, giảm sản lượng…
Hơn nữa, áp lực giảm giá đơn hàng đi cùng những quy định mới với các tiêu chí, tiêu chuẩn khắt khe liên quan đến "xanh hóa" trong sản xuất, tự chủ nguồn nguyên liệu… là những vấn đề trước mắt các doanh nghiệp dệt may tiếp tục phải đối mặt trong năm tới.
Ngoài ra, trước sức ép cạnh tranh gay gắt từ thị trường cung ứng, các doanh nghiệp dệt may Việt cũng đồng thời phải đáp ứng các yêu cầu nghiêm ngặt về tiêu chuẩn lao động, truy xuất nguồn gốc và phát thải carbon thấp từ các thị trường xuất khẩu lớn như EU.
Phấn đấu đạt kim ngạch xuất khẩu 48 tỷ USD trong năm 2025
Vì vậy, để khai thác tốt hơn các thị trường lớn, tận dụng hiệu quả ưu đãi thuế quan từ các FTA mang lại, thì bài toán đáp ứng quy tắc xuất xứ cần gắn liền với phát triển nguồn nguyên liệu tại chỗ. Muốn thực hiện được cần quy hoạch các khu công nghiệp lớn để thu hút nhà đầu tư sản xuất. Bản thân các doanh nghiệp dệt may tiếp tục nỗ lực đầu tư, công nghệ hóa, robot hóa quy trình sản xuất… Đồng thời, triển khai quyết liệt các giải pháp tiết kiệm năng lượng, sử dụng năng lượng tái tạo trong sản xuất để đạt các chứng chỉ xanh, một trong những tiêu chí bắt buộc cho các đơn hàng vào các thị trường lớn hiện nay. Không chỉ vậy, ngành dệt may Việt Nam cũng cần đa dạng hóa thị trường, đối tác, khách hàng và sản phẩm có giá trị gia tăng cao.
Ngoài ra, để tận dụng cơ hội và thúc đẩy tăng trưởng, thời gian tới, ngành sợi cần tiếp tục mở rộng phạm vi hoạt động và hợp tác chung trong ban sản xuất sợi, nhất là công tác thị trường và mua nguyên liệu. Đồng thời, nghiên cứu thị trường chuyên sâu (Trung Quốc, Ấn Độ, Bangladesh) và thị trường nguyên liệu, nhằm dự báo, cũng như tìm kiếm và tổ chức tiếp cận ở cấp tập đoàn đối với các chuỗi cung ứng lớn; đưa hệ thống sợi Vinatex tham gia sâu hơn vào các chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị toàn cầu…
Ngành may phải nhanh nhạy đón bắt nhu cầu của thị trường, tập trung gắn kết với các doanh nghiệp trong hệ thống để tăng năng lực cạnh tranh, gắn kết giữa ngành may và các đơn vị dệt nhuộm trên cơ sở ngành may là động lực, là định hướng sản xuất và đầu tư cho cả sợi, dệt, qua đó, tạo đà cho sự tăng trưởng bền vững và sớm hoàn thành các mục tiêu đề ra.
Để khắc phục tình trạng thiếu hụt lao động, gây ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất, kinh doanh, Nhà nước cần có quy hoạch nguồn nhân lực theo chiến lược phát triển kinh tế của quốc gia, trong đó nên quy hoạch nguồn lực lao động cho các ngành nghề rõ ràng. Nếu không sớm quy hoạch, việc thiếu hụt lao động sẽ tiếp tục tái diễn, thậm chí tới lúc không có lao động sản xuất, bắt buộc phải nhập khẩu lao động./.