VCCI logo

LIÊN ĐOÀN THƯƠNG MẠI VÀ CÔNG NGHIỆP VIỆT NAM

Vietnam Chamber of Commerce and Industry

Thứ 6, 29/11/2024 | English | Vietnamese

Trang chủDoanh nghiệpViệt Nam liên tiếp cải thiện về chỉ số tự do kinh tế

Việt Nam liên tiếp cải thiện về chỉ số tự do kinh tế

01:41:00 PM GMT+7Thứ 6, 18/10/2024

Theo chỉ số tự do kinh tế thế giới do Viện Fraser (Canada) công bố, Việt Nam có năm thứ 3 liên tiếp cải thiện cả về điểm số và thứ hạng. Cụ thể, điểm số tăng từ 6,17 năm 2019 lên 6,23 điểm năm 2022, thứ hạng tăng từ 123/165 lên 99/165. Đây cũng là lần đầu tiên Việt Nam nằm trong nhóm 100 quốc gia và vùng lãnh thổ đứng đầu.

Ngày 16/10, Viện Fraser (Canada) công bố Báo cáo thường niên 2024: Tự do kinh tế thế giới. Như thường lệ, Báo cáo năm 2024 công bố chỉ số Tự do kinh tế thế giới năm 2022 của 165 quốc gia và vùng lãnh thổ, là năm mà Báo cáo có đủ dữ liệu mới nhất cho các các quốc gia.

Tự do kinh tế toàn cầu tiếp tục suy giảm

Trong báo cáo năm trước, Singapore vượt qua Hồng Kông để chiếm vị trí hàng đầu lần đầu tiên. Trong báo cáo năm nay, dựa trên dữ liệu cập nhật và sửa đổi cho năm 2021 và dữ liệu mới cho năm 2022, Hồng Kông có điểm cao hơn Singapore trong cả hai năm. Mặc dù có sự đảo ngược trong bảng xếp hạng, nhưng điểm số của Hồng Kông tiếp tục giảm mạnh từ 9,05 vào năm 2018 xuống 8,58 vào năm 2022.

Các quốc gia có điểm số cao tiếp theo là Thụy Sĩ, New Zealand, Hoa Kỳ, Đan Mạch, Ireland, Canada, Úc và Luxembourg.

Trong số các quốc gia ở tứ phân vị cao nhất về tự do kinh tế, GDP bình quân đầu người là $52.877 vào năm 2022, trong khi ở những nơi ít tự do kinh tế nhất, con số này là $6.968.

Ở hầu hết các nơi có tự do kinh tế, 10% người nghèo nhất kiếm được $7.610 mỗi năm, trong khi ở những nơi ít tự do nhất, con số này là $952. Ở những nơi có tự do kinh tế cao nhất, một phần trăm dân số thuộc nhóm cực nghèo (sống với dưới 2,15 USD mỗi ngày), trong khi ở những nơi ít tự do nhất, 30% dân số thuộc nhóm cực nghèo.

Trong khối ASEAN, đứng đầu là Singapore (2) và tiếp đến lần lượt là Malaysia (29), Phillipines (59), Indonesia (59), và Thái Lan (65). Việt Nam có xếp hạng thứ 99, lần đầu tiên thứ hạng của Việt Nam lọt vào tốp 100, tăng bốn bậc từ vị trí 103 của năm trước.

Với khu vực Đông Á, đứng đầu là Nhật Bản (11, tăng 4 bậc), tiếp đến là Đài Loan (19, giảm 8 bậc) và Hàn Quốc (32, tăng 13 bậc). Trung Quốc xếp hạng thứ 104, thấp hơn Việt Nam, nhưng cũng tăng 3 bậc.

Nhìn chung, báo cáo cho biết điểm số tự do kinh tế trung bình toàn cầu cho tất cả các vùng lãnh thổ có dữ liệu đầy đủ kể từ năm 2000 đến năm 2019 cho thấy điểm tự do kinh tế trung bình tăng từ 6,19 lên 6,80, nhưng điểm tự do kinh tế toàn cầu đã giảm liên tiếp trong ba năm qua, xóa bỏ hơn một thập kỷ tăng trưởng của chỉ số này.

Việt Nam liên tiếp cải thiện về chỉ số tự do kinh tế

Việt Nam tăng điểm nhờ kịp thời điều chỉnh chính sách để hỗ trợ kinh tế

Đây là năm thứ 3 liên tiếp, Việt Nam cải thiện cả về điểm số và thứ hạng trong chỉ số tự do kinh tế thế giới do Viện Fraser (Canada) công bố hàng năm. Cụ thể, điểm số đã tăng từ 6,17 điểm năm 2019 lên 6,23 điểm năm 2022. Xét về thứ hạng, Việt Nam tăng từ thứ 123/165 lên 99/165 trong cùng thời kỳ. Đây cũng là lần đầu tiên, Việt Nam vị trí xếp hạng của Việt Nam nằm trong nhóm 100 quốc gia và vùng lãnh thổ đứng đầu.

Điểm số và thứ hạng của Việt Nam cải thiện trong 3 năm, 2020 - 2022, là quãng thời gian cả thế giới phải chống chọi với đại dịch Covid-19. Để phòng chống dịch, nhiều quốc gia đã áp dụng các biện pháp ảnh hưởng đáng kể đến quyền tự do kinh tế của người dân, dẫn đến điểm số tự do kinh tế trung bình của toàn thế giới đã suy giảm mạnh, từ 6,8 điểm năm 2019 xuống còn 6,56 điểm năm 2022.

Những ghi nhận về điểm số và thứ hạng của Việt Nam trong chỉ số Tự do kinh tế thế giới phản ánh Chính phủ Việt Nam đã có những điều chỉnh chính sách kinh tế kịp thời thân thiện với thị trường để hỗ trợ phục hồi kinh tế trong giai đoạn đại dịch Covid-19.

Xét về các chỉ số thành phần, lĩnh vực Hệ thống pháp lý và quyền tài sản không có sự thay đổi về điểm số so với năm trước (5,15), dẫn đến thứ hạng sụt giảm 1 bậc, từ 77 xuống 78 so với năm trước. Nguyên nhân khiến cho điểm số của lĩnh vực này còn thấp chủ yếu đến từ điểm số liên quan đến các tiêu chí Tư pháp độc lập, Toà án công bằng và Thực thi hợp đồng còn thấp.

Việt Nam liên tiếp cải thiện về chỉ số tự do kinh tế
Kiểm soát lạm phát là điểm sáng của Việt Nam

Lĩnh vực Đồng tiền vững mạnh đã có sự cải thiện đôi chút về điểm số (tăng từ 6,95 lên 6,98) nhưng cũng đủ để giúp thứ hạng tăng mạnh từ 116 lên 105. Kiểm soát tăng trưởng cung tiền và lạm phát tiếp tục là điểm sáng ở lĩnh vực này. Trong khi đó, tiểu thành phần Tài khoản ngoại tệ tại các ngân hàng vẫn chưa được khắc phục khiến cho Việt Nam vẫn nhận 0 điểm ở tiểu thành phần này.

Ở lĩnh vực tự do thương mại quốc tế, điểm số của Việt Nam đã tăng từ 6,43 điểm lên 6,57 điểm từ năm 2021 đến năm 2022. Tuy thế, thứ hạng ở lĩnh vực này lại giảm từ 101 xuống 113. Trong lĩnh vực này, Việt Nam đạt kết quả tốt ở các tiểu thành phần liên quan đến mức thuế quan và tỷ giá chợ đen, và đã được ghi nhận có sự cải thiện về Rào cản pháp lý trong thương mại quốc tế. Tuy vậy, Việt Nam vẫn tiếp tục nhận đánh giá thấp về Độ mở thị trường tài chính.

Trong lĩnh vực cuối cùng, Quy định, Việt Nam tiếp tục ghi nhận những cải thiện về điểm số, từ 6,16 điểm năm 2021 lên 6,20 điểm năm 2022, giúp cho thứ hạng của Việt Nam tăng từ 103 lên 99 trong cùng thời kỳ. Trong lĩnh vực này, đánh giá tích cực được ghi nhận đối với tiểu thành phần Kiểm soát tín dụng, nhưng tiêu cực với các tiểu thành phần Quy định kinh doanh.

Chỉ số tự do kinh tế thế giới đã ghi nhận những thay đổi tích cực của Việt Nam, với sự cải thiện thứ hạng liên tục từ thứ 141/165 năm 2011 lên thứ 99/165 năm 2022. Tuy trong 4 năm, 2019-2022, thứ hạng của Việt Nam đã tăng đáng kể, nhưng điểm số thì lại tăng khá chậm, một phần là do Đại dịch Covid-19. Điều này đặt ra những thách thức đối với Việt Nam trong những năm tới nhằm tạo đà bước vào “kỷ nguyên vươn mình” của Việt Nam ở thời điểm kỷ niệm 100 năm thành lập nước vào năm 2045.

TheoDương An (Thời báo Tài chính)
Copy link

Văn bản pháp luật

Liên kết

Website nội bộ của VCCI

Footer logo

Bản quyền bởi Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI 

  Tòa VCCI, Số 9 Đào Duy Anh, Đống Đa, Hà Nội, Việt Nam

Giấy phép xuất bản số 190/GP-TTĐT cấp ngày 27/10/2023

Người chịu trách nhiệm chính: Ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch VCCI

Quản lý và vận hành: Trung tâm Truyền thông và Thông tin Kinh tế - VCCI
Văn Phòng - Lễ tân:  Phụ trách website: Liên hệ quảng cáo:
📞 + 84-24-35742022 📞 + 84-24-35743084 📞 + 84-24-35743084
 + 84-24-35742020   vcci@vcci.com.vn   

Truy cập phiên bản website cũ.                                                     Thiết kế và phát triển bởi ADT Global