VCCI logo

LIÊN ĐOÀN THƯƠNG MẠI VÀ CÔNG NGHIỆP VIỆT NAM

Vietnam Chamber of Commerce and Industry

Thứ 6, 29/11/2024 | English | Vietnamese

Trang chủDoanh nghiệpVốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp là vốn của doanh nghiệp, sao luật lại bắt đi xin

Vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp là vốn của doanh nghiệp, sao luật lại bắt đi xin

09:50:00 AM GMT+7Thứ 7, 12/10/2024

Một số quy định chưa phù hợp, thiếu thực tế trong Dự thảo Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp khiến tăng thêm lo ngại doanh nghiệp nhà nước mất thời cơ, mất cơ hội kinh doanh.

 
Trang2-.jpg
Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận về Dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp

Phân cấp mạnh gắn với trách nhiệm giải trình

Chuẩn bị trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ tám, khai mạc ngày 21/10 tới, Dự thảo Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp (Dự thảo) vừa được đặt lên bàn nghị sự của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong Phiên họp thứ 38.

Theo tờ trình của Chính phủ, cần thiết sửa đổi phạm vi điều chỉnh theo hướng không quy định cụ thể nội dung “sử dụng vốn, tài sản tại doanh nghiệp”, mà việc sử dụng vốn, tài sản được quy định theo hướng “đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp”. Các quy định về huy động vốn, mua, bán, sử dụng tài sản cố định, quản lý nợ phải thu, phải trả được giao cho doanh nghiệp quyết định nhằm xác định rõ Nhà nước là chủ sở hữu đầu tư vốn, quản lý theo phần vốn góp tại doanh nghiệp, không can thiệp hành chính vào hoạt động của doanh nghiệp, tăng cường phân cấp mạnh gắn với trách nhiệm giải trình của doanh nghiệp.

Đại diện cơ quan chủ trì soạn thảo, Thứ trưởng Bộ Tài chính Cao Anh Tuấn cho hay, Dự thảo quy định theo hướng Chính phủ thống nhất quản lý vốn thông qua cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn, cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn quản lý theo phần vốn tại doanh nghiệp có vốn đầu tư của Nhà nước. Thủ tướng Chính phủ thực hiện một số quyền của chủ sở hữu vốn tại một số doanh nghiệp có vốn nhà nước đầu tư lớn, giữ vị trí, vai trò chủ đạo, then chốt, quan trọng quốc gia của nền kinh tế trong từng thời kỳ.

Theo Dự thảo, cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn được giao thực hiện các quyền hạn, nghĩa vụ như một nhà đầu tư và bình đẳng như các nhà đầu tư khác, còn lại giao doanh nghiệp chịu trách nhiệm. Trên cơ sở đó, quy định cụ thể thẩm quyền về công tác nhân sự, chiến lược kinh doanh, kế hoạch kinh doanh hàng năm và phân phối lợi nhuận của doanh nghiệp. Thủ tướng chỉ quyết định nhân sự người đứng đầu, chiến lược kinh doanh của một số doanh nghiệp giữ vị trí, vai trò chủ đạo, then chốt, quan trọng quốc gia theo danh sách cụ thể trong từng thời kỳ.

Ông Lê Quang Mạnh, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội (cơ quan thẩm tra) cho biết, thẩm tra sơ bộ, có ý kiến tại thường trực Ủy ban đề nghị làm rõ khái niệm và việc xác định doanh nghiệp giữ vai trò chủ đạo, giữ vị trí then chốt của nền kinh tế hoặc đưa ra nguyên tắc chung để xác định; đồng thời đề nghị bổ sung quy định về trình tự, thủ tục ra quyết định.

Một nội dung đáng chú ý khác là nguyên tắc, thứ tự phân phối lợi nhuận sau thuế, Chính phủ đề xuất trích không quá 50% vào Quỹ Đầu tư phát triển để tại doanh nghiệp để đầu tư bổ sung vốn vào doanh nghiệp thực hiện các dự án đầu tư kinh doanh, dự án tăng cường năng lực quản trị của doanh nghiệp. Số dư Quỹ Đầu tư phát triển để tại doanh nghiệp khi doanh nghiệp không có nhu cầu, chưa có kế hoạch sử dụng được nộp về ngân sách nhà nước hoặc điều chuyển giữa các doanh nghiệp theo quyết định của Thủ tướng. Phần còn lại sau khi sử dụng, trích lập các quỹ theo quy định, doanh nghiệp nộp ngân sách nhà nước.

Theo phương án này, ước tính số nộp ngân sách nhà nước từ nguồn lợi nhuận, cổ tức được chia sẽ giảm khoảng 19.847 tỷ đồng/năm và doanh nghiệp được sử dụng nguồn này để bổ sung vốn điều lệ tương ứng là 19.847 tỷ đồng (theo số quyết toán thu ngân sách nhà nước năm 2021 đã được Quốc hội phê chuẩn với tổng số nộp ngân sách từ cổ tức, lợi nhuận, lợi nhuận sau thuế của các doanh nghiệp là 69.463 tỷ đồng).

Đa số ý kiến trong Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội nhất trí với mức trích lập tối đa như quy định tại Dự thảo. Tuy nhiên, đề nghị cân nhắc, trao quyền cho cơ quan đại diện chủ hữu quyết định mức cụ thể tại từng doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, có ý kiến đề nghị quy định mức trích 100% vào Quỹ Đầu tư phát triển, vì đây là phần lợi nhuận sau khi đã hoàn thành nghĩa vụ thuế đối với Nhà nước và tạo nguồn lực quan trọng đối với doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp có quy mô vốn nhỏ, doanh nghiệp quốc phòng, an ninh, doanh nghiệp công ích để tăng vốn điều lệ, tái đầu tư vào sản xuất, kinh doanh, mở rộng quy mô, nâng cao hiệu quả đầu tư và thực hiện tốt hơn các nhiệm vụ chính trị được giao.

Không vì tiến độ mà bỏ qua chất lượng

Thống nhất cao về sự cần thiết sớm nghiên cứu sửa đổi luật, song các ý kiến tại Ủy ban Thường vụ Quốc hội còn nhiều lo ngại về chất lượng. 

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh nói, trong các hành vi bị cấm, có quyết định đầu tư vốn không phù hợp với chiến lược quy hoạch, kế hoạch, không xác định được nguồn vốn và khả năng cân đối nguồn vốn đầu tư.

Chưa đảm bảo chất lượng thì xin lùi thời gian trình.

- Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn

Việc chuẩn bị Dự án luật có thể nói là chưa chín, chưa kỹ, chưa rõ. Nếu cơ quan soạn thảo khẳng định các quy định của dự thảo luật này đảm bảo xử lý các vấn đề bất cập, chất lượng đủ điều kiện, thì trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ tám. Trường hợp chưa đảm bảo thì xin lùi thời gian trình Dự án luật này.

“Vừa rồi, chúng tôi đi giám sát thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội, thì rất nhiều địa phương, doanh nghiệp kêu, khi chấp thuận chủ trương đầu tư, yêu cầu dự án đầu tư đó phù hợp với quy hoạch, nhưng không rõ phù hợp với quy hoạch nào, nội dung gì của quy hoạch”, ông Thanh phản ánh.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, thì quy định chung chung thế này sẽ gây ra vướng mắc trong quá trình triển khai tổ chức thực hiện.

Lần sửa đổi này, Dự thảo quy định, doanh nghiệp không được đầu tư vốn để thành lập doanh nghiệp, góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp vào lĩnh vực kinh doanh bất động sản. Doanh nghiệp có vốn nhà nước cũng không được đầu tư vốn để thành lập doanh nghiệp, góp vốn, mua cổ phần tại ngân hàng, công ty bảo hiểm, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư mạo hiểm, quỹ đầu tư chứng khoán, công ty đầu tư chứng khoán và công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán, trừ doanh nghiệp có chức năng đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước, kinh doanh trong lĩnh vực ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán.

Ông Vũ Hồng Thanh băn khoăn vì Dự thảo đang quy định chưa phù hợp thực tế và dẫn chứng trường hợp doanh nghiệp nhà nước sau khi cơ cấu, sắp xếp lại dư ra các văn phòng, trụ sở, nhưng không được cho thuê. Họ muốn cho thuê số văn phòng, trụ sở dư thừa, sẽ phải có dự án đầu tư, cơ quan thẩm quyền phê duyệt, quyết định. Việc này dẫn tới sự lãng phí, vì thế, ông Thanh đề nghị rà soát lại quy định nêu trên. 

Cũng lo ngại về chất lượng Dự thảo, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đề nghị rà soát lại toàn bộ Dự thảo để thể hiện nhất quán những tư tưởng của Nghị quyết số 12-NQ/TW về tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước.

Tư tưởng chính là Nhà nước không can thiệp trực tiếp vào hoạt động sản xuất, kinh doanh và quản trị của doanh nghiệp. Vốn nhà nước sau khi đã đầu tư vào doanh nghiệp được xác định là tài sản, là vốn của doanh nghiệp, nhưng việc gì doanh nghiệp cũng phải đi xin, việc gì doanh nghiệp cũng phải đi làm thủ tục, như thế sẽ mất thời cơ, mất cơ hội kinh doanh.

“Đã giao vốn thì coi như vốn của người ta, để người ta làm. Cái gì cũng phải xin, xin mức độ thôi chứ, xin hết theo luật này lại còn theo luật khác. Đọc Điều 25 thấy không thể làm được gì cả”, ông Định lo ngại.

Theo Điều 25, các dự án đầu tư của doanh nghiệp thực hiện phê duyệt chủ trương đầu tư theo quy định của Luật này. Sau khi được cấp có thẩm quyền quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư, doanh nghiệp thực hiện dự án đầu tư theo quy định về pháp luật đầu tư, pháp luật xây dựng và pháp luật khác có liên quan…

“Tại sao tư nhân làm hiệu quả vì người ta tiết kiệm thời gian, thủ tục, giảm được chi phí xin chỗ nọ, chỗ kia, để nghiên cứu được giấy tờ xin như vậy, phải thuê tư vấn, chi phí lớn”, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nói.

Điều hành phiên thảo luận, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải lưu ý, để đảm bảo chất lượng dự án luật, đề nghị Chính phủ tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các cơ quan thẩm tra. “Trường hợp không kịp tiếp thu, giải trình, Chính phủ đề xuất thời điểm báo cáo Quốc hội phù hợp, không vì tiến độ mà bỏ qua chất lượng”, ông Hải nhấn mạnh.

TheoNguyễn Lê (Báo Đầu tư)
Copy link

Văn bản pháp luật

Liên kết

Website nội bộ của VCCI

Footer logo

Bản quyền bởi Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI 

  Tòa VCCI, Số 9 Đào Duy Anh, Đống Đa, Hà Nội, Việt Nam

Giấy phép xuất bản số 190/GP-TTĐT cấp ngày 27/10/2023

Người chịu trách nhiệm chính: Ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch VCCI

Quản lý và vận hành: Trung tâm Truyền thông và Thông tin Kinh tế - VCCI
Văn Phòng - Lễ tân:  Phụ trách website: Liên hệ quảng cáo:
📞 + 84-24-35742022 📞 + 84-24-35743084 📞 + 84-24-35743084
 + 84-24-35742020   vcci@vcci.com.vn   

Truy cập phiên bản website cũ.                                                     Thiết kế và phát triển bởi ADT Global