Tham dự hội nghị còn có Thiếu tướng Bùi Trọng Thế - Phó Cục trưởng Cục An ninh kinh tế - Bộ Công an; Ban Lãnh đạo Tổng cục DTNN; đại diện các vụ, cục, đơn vị thuộc Bộ Tài chính; đại diện Văn phòng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn - Cục An ninh kinh tế - Bộ Công an, các bộ, ngành quản lý hàng dự trữ và Cục trưởng của 22 Cục DTNN khu vực.
Quang cảnh hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2025 của ngành Dự trữ nhà nước. Ảnh: Đức Minh |
Tổng giá trị hàng đã xuất cấp không thu tiền khoảng 1.479,3 tỷ đồng
Theo báo cáo trung tâm của hội nghị, với sự chỉ đạo kịp thời của Lãnh đạo Bộ Tài chính, sự phối hợp chặt chẽ của các bộ, ngành, địa phương, các đơn vị quản lý hàng dự trữ quốc gia, sự chỉ đạo quyết liệt của tập thể Lãnh đạo Tổng cục DTNN và sự nỗ lực phấn đấu của toàn thể công chức, viên chức trong ngành DTNN đã triển khai thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ và giải pháp để hoàn thành tốt nhiệm vụ được Đảng và Nhà nước giao.
Từ đầu năm đến ngày 31/12/2024, Thủ tướng Chính phủ, Thủ trưởng các bộ, ngành quản lý hàng DTQG theo thẩm quyền đã có các quyết định xuất cấp hàng DTQG để cứu trợ, hỗ trợ; tổng giá trị hàng đã xuất cấp không thu tiền khoảng 1.479,3 tỷ đồng. Trong đó, Bộ Tài chính xuất cấp các mặt hàng tổng trị giá khoảng 1.366,5 tỷ đồng.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) xuất cấp các mặt hàng trị giá khoảng 66,7 tỷ đồng; Bộ Y tế xuất cấp 1.765.000 viên sát khuẩn nước Aquatabs 67mg, trị giá khoảng 1,2 tỷ đồng cho các địa phương khắc phục hậu quả cơn bão số 3 (Yagi); Bộ Quốc phòng xuất cấp các mặt hàng trị giá khoảng 44,9 tỷ đồng.
Trong đó, riêng Bão số 3 (Yagi), thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành đã kịp thời xuất hàng trị giá 70,97 tỷ đồng, gồm: Bộ Tài chính (Tổng cục DTNN) đã kịp thời xuất cấp hàng hỗ trợ Nhân dân vùng bão, lũ với tổng trị giá khoảng 30,2 tỷ đồng; Bộ NN&PTNT xuất hàng trị giá khoảng 39,53 tỷ đồng hỗ trợ cá địa phương khôi phục sản xuất do bão số 3; Bộ Y tế xuất hàng trị giá 1,2 tỷ đồng.
Thiếu tướng Bùi Trọng Thế trao Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Công an ghi nhận thành tích Tổng cục Dự trữ Nhà nước trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc. Ảnh: Đức Minh |
Đánh giá chung, các bộ, ngành quản lý hàng DTQG đã phối hợp chặt chẽ với các địa phương, chỉ đạo, tổ chức thực hiện xuất cấp hàng DTQG nhanh chóng, kịp thời góp phần phòng chống thiên tai, dịch bệnh, khôi phục sản xuất, ổn định cuộc sống, đảm bảo an sinh xã hội, đảm bảo an ninh, quốc phòng, trật tự an toàn xã hội; từng bước giúp nhân dân vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống; Công tác xuất hàng viện trợ cho Cuba góp phần tăng cường, củng cố mối quan hệ đặc biệt, sự hợp tác chặt toàn diện của Đảng, Nhà nước, Chính phủ Việt Nam và nhân dân nước bạn.
Cũng theo báo cáo, trong năm 2024, các cục DTNN khu vực đã thực hiện tốt các mặt công tác, như: hoàn thành 100% nhiệm vụ mua, nhập kho dự trữ quốc gia 220.000 tấn gạo; bảo quản và quản lý an toàn hàng dự trữ quốc gia.
Tại hội nghị, đại diện Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Vụ Khoa học và Công nghệ bảo quản – Tổng cục DTNN, Cục DTNN khu vực (Hà Nội, Thanh Hóa, Hà Nam Ninh) đã đóng góp ý kiến vào công tác xây dựng chính sách, quản lý hàng dự trữ quốc gia, quản lý tài chính, tài sản trong ngành DTNN…
Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng phát biểu chỉ đạo tại hội nghị. Ảnh: Đức Minh |
Khẩn trương sắp xếp tổ chức bộ máy theo đúng chủ trương của Đảng, Nhà nước, Bộ Tài chính
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, thay mặt Ban Cán sự Đảng, Lãnh đạo Bộ Tài chính, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng chúc mừng những kết quả mà công chức, viên chức của ngành DTNN đã đạt được trong năm 2024.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cũng đề nghị các đơn vị quản lý hàng dự trữ phải thẳng thắn nhìn nhận vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như: Một số vướng mắc trong công tác xây dựng, ban hành tiêu chuẩn, quy chuẩn hàng DTQG chưa được giải quyết kịp thời, trong đó có quy chuẩn xăng dầu DTQG do Bộ Công thương quản lý; công tác thuê bảo quản hàng DTQG; công tác giải ngân thực hiện nhiệm vụ DTQG còn chậm...
Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng, thời gian tới, dự báo nền kinh tế Việt Nam có thể đối diện với nhiều rủi ro, thách thức; tuy nhiên có không ít cơ hội, lợi thế đặt ra trước mắt. Theo đó, có thể nói nhiệm vụ chính trị, chuyên môn năm 2025 đặt ra đối với ngành Tài chính nói chung và hệ thống DTNN nói riêng là hết sức nặng nề.
Để hoàn thành tốt nhiệm vụ, mục tiêu đề ra, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng đề nghị, cần tiếp tục phát huy những thành tích đã đạt được, khắc phục những tồn tại, hạn chế, giữ vững kỷ luật, kỷ cương, đoàn kết, thống nhất ý chí và hành động để toàn thể công chức, viên chức tận tâm, tận lực hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Các đại biểu tham dự hội nghị. Ảnh: Đức Minh |
Bên cạnh những nhiệm vụ trọng tâm và các nhóm giải pháp đã được đề ra, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng đã đề nghị Tổng cục DTNN tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm.
Trong đó, Bộ trưởng đề nghị, Tổng cục DTNN khẩn trương triển khai công tác sắp xếp tổ chức bộ máy theo đúng chủ trương của Đảng, Nhà nước, Bộ Tài chính, xây dựng hệ thống DTNN "chuyên nghiệp - tinh gọn - hiệu quả", đáp ứng yêu cầu hiện đại hóa, đảm bảo bộ máy mới đi vào hoạt động ngay sau khi được cấp có thẩm quyền phê duyệt, không để ngắt quãng công việc, không để ảnh hưởng đến các hoạt động của ngành.
"Quá trình triển khai cần đặc biệt chú trọng tới công tác phổ biến, quán triệt, nâng cao nhận thức, định hướng tư tưởng đối với cán bộ, công chức, người lao động các đơn vị trong toàn ngành ủng hộ, chia sẻ, chấp hành nghiêm túc chủ trương của Đảng, Chính phủ về sắp xếp, tin gọn tổ chức bộ máy, nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả của hệ thống chính trị, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới" - Bộ trưởng nhấn mạnh.
Tại hội nghị, Tổng cục trưởng Tổng cục DTNN Vũ Xuân Bách đã phát biểu tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng và sẽ cụ thể hóa vào chương trình và kế hoạch công tác của ngành DTNN, làm cơ sở cho việc triển khai thực hiện nhiệm vụ năm 2025 và các năm tiếp theo./.