VCCI logo

LIÊN ĐOÀN THƯƠNG MẠI VÀ CÔNG NGHIỆP VIỆT NAM

Vietnam Chamber of Commerce and Industry

Thứ 7, 25/01/2025 | English | Vietnamese

Trang chủTin tổng hợpXếp hạng tín nhiệm quốc gia của Việt Nam và các nước Asean

Xếp hạng tín nhiệm quốc gia của Việt Nam và các nước Asean

09:09:00 AM GMT+7Thứ 6, 24/01/2025

Xếp hạng tín nhiệm quốc gia không chỉ là thước đo uy tín tài chính, mà còn là mục tiêu quốc gia để tăng cường khả năng cạnh tranh trên trường quốc tế.

Xếp hạng tín nhiệm quốc gia Việt Nam và các nước Asean

Xếp hạng tín nhiệm quốc gia được xem là đồng hồ đo đáng tin cậy nhất về uy tín tài chính của mỗi quốc gia trên thị trường quốc tế. Đây là chìa khóa giúp xác định chi phí vay và khả năng thu hút đầu tư nước ngoài.

Tháng 12/2023, Fitch Ratings xếp hạng Việt Nam ở mức BB+, triển vọng "Ổn định". Theo Fitch, Việt Nam đã cho thấy khả năng duy trì tăng trưởng kinh tế ổn định, dòng vốn FDI và tài chính công bền vững.

Moody’s xếp Việt Nam mức Ba2, triển vọng "Ổn định". Moody’s đánh giá cao khả năng kiểm soát lạm phát và đầu tư vào hạ tầng năm 2023.

S&P Global Ratings cũng đánh giá Việt Nam ở Mức BB+, triển vọng "Ổn định" vào tháng 5/2022. S&P ghi nhận những bước đột phá về khả năng quản lý kinh tài chính công và tăng trưởng kinh tế.

Bảng Xếp Hạng Tín Nhiệm của Moody's, S&P, và Fitch

Gần đây nhất, tháng 6/2024, S&P giữ nguyên xếp hạng tín nhiệm dài hạn của Việt Nam ở mức BB+ với triển vọng ổn định. Tổ chức này dự báo kinh tế Việt Nam sẽ tăng tốc trong 12 tháng tới khi nhu cầu toàn cầu phục hồi và Việt Nam dần giải quyết được những khó khăn trong nước.

Đại diện Cục Quản lý nợ và tài chính đối ngoại (Bộ Tài chính) cho biết, việc tổ chức xếp hạng tín nhiệm Fitch nâng hạng Việt Nam từ mức BB lên mức BB+ vào tháng 12/2023 sau khi tổ chức Moody’s và S&P nâng hạng Việt Nam từ Ba3 lên Ba2 và BB lên BB+ trong năm 2022 đều có dấu ấn từ kết quả của việc triển khai đồng bộ, hiệu quả các biện pháp ổn định kinh tế vĩ mô, tăng cường hệ thống tài chính - ngân hàng của Quốc hội và Chính phủ; đồng thời cũng là kết quả của việc các Bộ, ngành tích cực trao đổi, chia sẻ, cập nhật thông tin với các tổ chức xếp hạng tín nhiệm củng cố tài khóa và kiểm soát nợ công của Việt Nam.

Trong tương quan với các nước Asean cho thấy:

Các nước ASEAN ở nhóm "Đầu tư" (Investment Grade):

- Singapore: AAA (cao nhất, theo tất cả các tổ chức).

- Malaysia: A-/A3.

- Indonesia: BBB/Baa2.

- Thái Lan: BBB+/Baa1.

Các nước ở nhóm "Đầu cơ" (Speculative Grade):

- Philippines: BBB/Baa2 (chuyển tiếp vào nhóm "Đầu tư").

- Việt Nam: BB+/Ba2 (gần nhóm "Đầu tư").

- Campuchia, Myanmar: B/B3 hoặc thấp hơn.

Mặc dù Việt Nam đang nằm trong nhóm "Đầu cơ cao" (mức cao nhất trước khi đạt mức Đầu tư), các tổ chức xếp hạng đều nhận định Việt Nam có tiềm năng đạt đến mức "Đầu tư" trong trung hạn.

Các yếu tố ảnh hưởng đến xếp hạng tín nhiệm quốc gia

Các yếu tố ảnh hưởng đến xếp hạng tín nhiệm bao gồm ổn định kinh tế vĩ mô, khả năng quản lý tài chính công và môi trường đầu tư.

Về tăng trưởng kinh tế, GDP Việt Nam tăng trung bình 6 - 7%/năm trong những năm qua, một tốc độ cao đối với các nước trong khu vực. Năm 2024 ghi nhận chỉ số này là 7,09%. Trong khi đó, mặc dù ảnh hưởng từ làn sóng lạm phát toàn cầu, Việt Nam duy trì lạm phát dưới mức 4% nhờ chính sách tiền tệ hợp lý.

Theo Bộ Tài chính, tỷ lệ nợ công/GDP của Việt Nam được duy trì dưới 40%, thấp hơn mức trung bình của khu vực. Việt Nam cũng đã tận dụng hiệu quả để huy động vốn với chi phí thấp nhờ việc duy trì mức tín nhiệm tốt.

Báo cáo của Fitch Ratings cập nhật tháng 12/2023 cũng ghi nhận Việt Nam duy trì tỷ lệ nợ công thấp và có khả năng huy động vốn với chi phí cạnh tranh.

Theo Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, lượng FDI đăng ký vào Việt Nam đạt 38,23 tỷ USD trong năm 2024, tỷ lệ vốn FDI thực hiện đạt 25,35%, tăng 9,4% so với năm trước.

Các dự án đầu tư hạ tầng giao thông lớn như cao tốc Bắc - Nam và sân bay Long Thành góp phần tăng tính cạnh tranh của Việt Nam.

Mặc dù còn những thách thức cần khắc phục và nguy cơ bị ảnh hưởng bởi sự biến động toàn cầu và bất ổn trong khu vực, tuy nhiên nhờ vào những cải thiện đáng kể trong quản lý kinh tế vĩ mô, hạ tầng tài chính và môi trường đầu tư, Việt Nam cũng có những triển vọng cải thiện xếp hạng tín nhiệm quốc gia trong thời gian tới.

Triển vọng cho giai đoạn 2025-2030

Việt Nam đang triển khai nhiều biện pháp nhằm nâng cao xếp hạng tín nhiệm quốc gia. Về chiến lược, theo Quyết Định 412/QĐ-TTg, Việt Nam phấn đấu nâng hạng tín nhiệm quốc gia lên mức "Đầu tư" (BBB- hoặc Baa3) trước năm 2030.

Xếp hạng tín nhiệm quốc gia không chỉ là thước đo tính đồng bộ và uy tín kinh tế, mà còn là mục tiêu quốc gia để tăng cường khả năng cạnh tranh trên trường quốc tế. Việc nâng cao xếp hạng tín nhiệm, tăng cường khả năng thu hút nhà đầu tư quốc tế đòi hỏi sự quyết tâm trong quản trị kinh tế vĩ mô, chính sách tài chính và tài khóa, cũng như sự đồng bộ trong việc cải cách thị trường tài chính.

Báo cáo "Vietnam Country Overview" năm 2024 của Ngân hàng Thế giới nhấn mạnh sự cần thiết của việc duy trì ổn định kinh tế vĩ mô và cải cách thị trường tài chính và chính sách tài khóa cũng như tăng cường hợp tác quốc tế để tạo nền tảng vững chắc cho tăng trưởng bền vững.

Theo đó, để tăng trưởng GDP cần tiếp tục đầu tư vào hạ tầng, nâng cao sản xuất trong nước và đảm bảo dòng vốn FDI ổn định. Đồng thời thực hiện các chính sách tài chính linh hoạt, bảo đảm lãi suất ổn định nhằm tránh lạm phát tăng cao.

Các chính sách tài khóa, tăng cường hiệu quả quản lý nợ công/ GDP được ổn định. Đa dạng hóa nguồn thu ngân sách, giảm sự phụ thuộc vào thu thuế xuất khẩu bằng cách phát triển các ngành kinh tế nội địa.

Tăng cường quan hệ quốc tế, duy trì quan hệ tốt đẹp với các tổ chức như IMF, WB, và WTO nhằm nâng cao uy tín quốc tế đồng thời tăng cường khai thác hiệu quả các hiệp định thương mại FTA như CPTPP và EVFTA.

Các chuyên gia cho rằng, một chu kỳ đầu tư mạnh mẽ đang dần hiện hữu tại Việt Nam từ 2025 trở đi. Trong đó, dự báo 70% khả năng thị trường chứng khoán sẽ được nâng hạng vào tháng 3/2025. Việt Nam đã đạt phần lớn tiêu chí cần thiết để nâng hạng từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi thứ cấp. Với 9 tiêu chí nâng hạng thị trường chứng khoán mà Russell đưa ra, chỉ còn 2 tiêu chí Việt Nam đang thực hiện, bao gồm thanh toán bù trừ và chu kỳ thanh toán (DvP).

Hệ thống giao dịch KRX sắp triển khai cũng góp phần hỗ trợ việc nâng hạng Việt Nam lên thị trường mới nổi. Đây là 2 trong số các yếu tố quan trọng liên quan đến việc xếp hạng tín nhiệm quốc gia.

TheoHoàng Minh (Tạp chí điện tử Đầu tư Tài chính)
Copy link

Văn bản pháp luật

Liên kết

Website nội bộ của VCCI

Footer logo

Bản quyền bởi Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI 

  Tòa VCCI, Số 9 Đào Duy Anh, Đống Đa, Hà Nội, Việt Nam

Giấy phép xuất bản số 190/GP-TTĐT cấp ngày 27/10/2023

Người chịu trách nhiệm chính: Ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch VCCI

Quản lý và vận hành: Trung tâm Truyền thông và Thông tin Kinh tế - VCCI
Văn Phòng - Lễ tân:  Phụ trách website: Liên hệ quảng cáo:
📞 + 84-24-35742022 📞 + 84-24-35743084 📞 + 84-24-35743084
 + 84-24-35742020   vcci@vcci.com.vn   

Truy cập phiên bản website cũ.                                                     Thiết kế và phát triển bởi ADT Global