VCCI logo

LIÊN ĐOÀN THƯƠNG MẠI VÀ CÔNG NGHIỆP VIỆT NAM

Vietnam Chamber of Commerce and Industry

Thứ 7, 30/11/2024 | English | Vietnamese

Trang chủDoanh nghiệpXuất khẩu da giày 27 tỷ USD: Vẫn chưa khai thác hết lợi thế các FTA

Xuất khẩu da giày 27 tỷ USD: Vẫn chưa khai thác hết lợi thế các FTA

03:11:00 PM GMT+7Thứ 6, 11/10/2024

Theo ông Ngô Chung Khanh, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên, Bộ Công Thương, doanh nghiệp da giày Việt Nam vẫn chưa tận dụng hết lợi thế và dư địa của các Hiệp định thương mại tự do (FTA) mang lại

Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, năm 2023, xuất khẩu giày dép của Việt Nam đã mang về hơn 20,2 tỷ USD, giảm 15,3% so với năm 2022. Hiện Việt Nam đang xếp thứ 2 thế giới về xuất khẩu giày dép với lượng xuất khẩu ước tính chiếm 10% của thế giới.

Mặt hàng giày dép của Việt Nam đã được xuất khẩu tới hơn 150 thị trường trên thế giới, trong đó, tập trung ở những thị trường chính như Mỹ, EU, Trung Quốc, Nhật Bản, Anh...

Dự kiến, kim ngạch xuất khẩu da giày cả năm 2024 sẽ đạt khoảng 26 - 27 tỷ USD. Tuy nhiên, theo ông Ngô Chung Khanh, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên, Bộ Công Thương, doanh nghiệp da giày Việt Nam vẫn chưa tận dụng hết lợi thế và dư địa của các Hiệp định thương mại tự do (FTA) mang lại.

Tăng trưởng chưa bền

Là đơn vị trực tiếp đàm phán và theo dõi thực thi các FTA, ông đánh giá như thế nào về việc tận dụng FTA của doanh nghiệp Việt Nam nói chung và doanh nghiệp da giày nói riêng?

Ông Ngô Chung Khanh: Bên cạnh những mặt tích cực về kim ngạch xuất khẩu thì ngành da giày còn có "điểm sáng" khi xuất khẩu sang các thị trường FTA là tận dụng rất tốt tỷ lệ sử dụng mẫu chứng thư xuất xứ EURO với gần 100%.

Điều đó cho thấy, doanh nghiệp Việt Nam đang tận dụng rất hiệu quả từ FTA. Tuy nhiên, nói như thế không có nghĩa rằng chúng ta hoàn hảo mà cũng cần phải nhìn những điểm tồn tại.

Theo tổng hợp, hiện có 5 nhóm vấn đề liên quan đến ngành da giày:

Thứ nhất là vấn đề nguồn nguyên liệu. Việt Nam chưa hoàn toàn làm chủ nguồn nguyên liệu, vẫn phải nhập khẩu khá nhiều. Nguồn nguyên liệu để đảm bảo đủ chất lượng, đủ quy tắc xuất xứ, đáp ứng được các tiêu chuẩn hiện nay ở các thị trường FTA là một vấn đề rất lớn.

Tôi nghĩ đó là "nút thắt" rất lớn với ngành da giày, đó cũng là lý do tại sao vừa rồi Hiệp hội Da - Giày - Túi xách Việt Nam đề xuất thành lập trung tâm giao dịch nguyên liệu cho cả ngành.

Thứ hai là thiếu thông tin thị trường, đơn hàng không ổn định. Năm 2023, khi thị trường khó khăn thì đơn hàng của một số doanh nghiệp da giày, dệt may rất bấp bênh. Mặc dù đơn hàng năm nay đã quay trở lại nhưng thực sự cũng chưa được ổn định.

Thứ ba là vốn và công nghệ. Đối với một số doanh nghiệp FDI thì vốn không thành vấn đề, nhưng với các doanh nghiệp Việt Nam thì vốn lại là vấn đề quan trọng. Còn vấn đề công nghệ, tôi nghĩ đây chính là một điểm mà doanh nghiệp Việt Nam còn thiếu.\

Thứ tư đó là cập nhật chính sách.

Cuối cùng là vấn đề thương hiệu. Khách quan mà nói, trong chiến lược phát triển của ngành da giày, chúng ta đặt kỳ vọng rất lớn để xây dựng các thương hiệu có tầm cỡ khu vực, nhưng để làm điều đó không đơn giản, bởi vì đa số hiện nay chúng ta vẫn là gia công.

Có hệ sinh thái FTA sẽ giải quyết được 5 thách thức

Được biết, Chính phủ đã giao Bộ Công Thương phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương và các hiệp hội triển khai xây dựng Hệ sinh thái tận dụng FTA. Ông có thể giới thiệu rõ hơn về những hệ sinh thái này và lợi ích khi tham gia xây dựng, vận hành Hệ sinh thái tận dụng FTA cho doanh nghiệp da giày?

Ông Ngô Chung Khanh: 5 nhóm vấn đề của ngành da giày như tôi vừa nêu là thực tế đang tồn tại, được tổng hợp từ ý kiến của các doanh nghiệp, các chủ thể tham gia. Với 5 nhóm vấn đề đó chúng tôi nhận thấy rằng không thể nào chỉ có một hoặc hai chủ thể có thể giải quyết được.

Ví dụ vấn đề liên quan đến vốn thì doanh nghiệp không thể giải quyết triệt để được, phải có sự hỗ trợ từ tổ chức tín dụng.

Còn vấn đề liên quan đến chính sách, kể cả các doanh nghiệp trong chuỗi giá trị cũng không thể xử lý được vì liên quan đến cơ quan quản lý; thực thi là địa phương, ban hành là Trung ương.

Do đó, để xử lý cả 5 nhóm vấn đề trên phải có chung tay của tất cả các chủ thể có liên quan, từ khâu đầu vào, từ bên cung cấp nguyên liệu… làm sao đảm bảo được các tiêu chuẩn, đảm bảo được truy xuất nguồn gốc nguyên liệu.

Rồi đến chuyện xử lý nguyên liệu, gia công và các bên liên quan, kể cả các nhà nhập khẩu, các nhà phân phối tại thị trường nước ngoài, logistics, tổ chức tín dụng, cơ quan quản lý…

Ông Ngô Chung Khanh, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên, Bộ Công Thương

Tư duy của chúng tôi là đưa tất cả mọi người vào một chỗ, vào trong một hệ sinh thái. Và hệ sinh thái đấy làm thế nào để hiệu quả thì đó là vấn đề xây dựng mô hình kết hợp giữa các cơ quan quản lý Trung ương, địa phương, các doanh nghiệp mà hiện nay chưa có.

Xây dựng một mô hình phù hợp với quy định pháp luật, phù hợp với thực tế cũng là điều chúng tôi đang trăn trở. Vừa rồi chúng tôi đã đề xuất mô hình này và đang lấy ý kiến.

Về lợi ích của mô hình này với ngành da giày, tôi nghĩ đầu tiên là sẽ xử lý được những vấn đề đang gặp phải. Ví dụ doanh nghiệp đang thiếu nguyên liệu nhưng không biết mua từ đâu, không biết ai cung cấp được. Nếu muốn mua phải sang thị trường A, thị trường B để đàm phán và nhiều khi chưa biết được giá cả hay chất lượng như thế nào… nhưng nếu doanh nghiệp biết rằng trong hệ sinh thái có một công ty cung cấp đầy đủ nguồn nguyên liệu thì rất yên tâm nhập. Đó là lợi ích giải quyết được nguồn nguyên liệu, giải quyết được "nút thắt" quan trọng.

Mô hình tận dụng FTA cho ngành da giày nếu được thực hiện thành công rõ ràng có thể giúp nâng cao hiệu quả tận dụng FTA cho các doanh nghiệp Việt Nam. Tuy nhiên, để xây dựng thành công không phải điều dễ dàng, xin ông cho biết những thách thức chính khi xây dựng hệ sinh thái này là gì?

Ông Ngô Chung Khanh: Thực tế chúng tôi đã đánh giá đó là việc rất khó, không hề đơn giản và có 3 thách thức chính.

Thứ nhất, để hệ sinh thái này vận hành thì trong cơ cấu tổ chức phải có ban điều hành hoạt động theo hình thức như một công ty độc lập, có ban giám đốc, có các phòng, ban. Ban điều hành sẽ là "linh hồn" để điều hành, giúp cho các sáng kiến, các kết nối của các chủ thể đi vào cuộc sống.

Muốn có ban điều hành đấy thì phải có nhân sự, văn phòng, trụ sở, có nguồn tài chính để hoạt động. Chúng tôi kỳ vọng trong tương lai sẽ có nguồn phí từ đóng góp của các hội viên, còn ở giai đoạn đầu sẽ miễn phí để mọi người thấy lợi ích.

Trong khoảng thời gian miễn phí đó sẽ kiếm nguồn tài chính, tài trợ từ đâu để vận hành? Nguồn ngân sách thì rất khó, vì không có cơ chế nào. Vì vậy phải huy động xã hội hoá hay từ nguồn tài trợ quốc tế, chúng tôi hy vọng sẽ làm được.

Thứ hai, để hệ sinh thái hoạt động thì các chủ thể phải làm việc với nhau phải tuân thủ quy định luật lệ. Ở đây phải có nguyên tắc, "luật chơi" mà ai vi phạm "luật chơi" đấy sẽ bị loại ra ngoài. Nhưng làm thế nào để đảm bảo các chủ thể tuân thủ quy định đấy cũng là một thách thức.

Thứ ba, làm sao khuyến khích, vận động các doanh nghiệp, các chủ thể tham gia một cách tự nguyện và hiệu quả? Muốn khuyến khích, đầu tiên phải cho họ thấy lợi ích khi tham gia mô hình.

Ông có thể cho biết kế hoạch triển khai cụ thể trong thời gian tới của Bộ Công Thương sẽ như thế nào và làm thế nào để giải quyết được các thách thức nhằm đưa hệ sinh thái này sớm đi vào triển khai hiệu quả trong thời gian tới?

Ông Ngô Chung Khanh: Mô hình chúng tôi đã xây dựng và đang đi lấy ý kiến các tỉnh thành, hiệp hội, doanh nghiệp và người nông dân. Quá trình này sẽ triển khai đến hết năm 2024, sau đó sẽ tổng hợp tất cả những ý kiến thành dự thảo gửi các bộ, ngành, các tỉnh/thành, hiệp hội có liên quan.

Sau khi tổng hợp sẽ trình Chính phủ vào khoảng tháng 2/2024, cùng với đó tiếp tục tổ chức họp với các chuyên gia để cho ý kiến thêm. Chúng tôi kỳ vọng đến tháng 9/2025 hệ sinh thái này có thể bắt đầu hoạt động.

Khi chia sẻ mục tiêu này một số hiệp hội, địa phương cho rằng đây là mục tiêu tham vọng nhưng đây là chúng tôi đang tự đặt sức ép cho chính mình.

Về các thách thức thì chúng tôi cũng hình dung như tôi vừa trình bày. Đầu tiên phải xác định thách thức, sau khi xác định cần tìm cách xử lý.

Ví dụ, về vấn đề tài chính, chúng tôi đang thảo luận với các tổ chức tài trợ, các đại sứ quán và kết quả khá khả quan, bởi vì họ cũng nhận thấy rằng hệ sinh thái này không chỉ có ý nghĩa với Việt Nam mà có ý nghĩa với chính họ. Giúp họ có được kết nối hiệu quả cả hai chiều.

Bên cạnh đó, chúng tôi phải dự thảo dần các quy tắc hoạt động, quy định hoạt động sao cho dễ hiểu, thực tế để mọi người hiểu và tuân thủ.

Ngoài ra, chúng tôi cũng phải xác định rất rõ các lợi ích cho từng chủ thể tham gia. Từ cơ quan quan trung ương, cơ quan địa phương, các tổ chức tài chính, logistics, các hiệp hội, doanh nghiệp cái doanh nghiệp… Tức là tất cả mọi người phải hình dung rằng tham gia hệ sinh thái này họ đều có lợi ích, lợi ích đấy là những vấn đề gặp hằng ngày sẽ được giải quyết nhanh và hiệu quả.

TheoNgọc Diệp (Tạp chí điện tử Đầu tư Tài chính)
Copy link

Văn bản pháp luật

Liên kết

Website nội bộ của VCCI

Footer logo

Bản quyền bởi Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI 

  Tòa VCCI, Số 9 Đào Duy Anh, Đống Đa, Hà Nội, Việt Nam

Giấy phép xuất bản số 190/GP-TTĐT cấp ngày 27/10/2023

Người chịu trách nhiệm chính: Ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch VCCI

Quản lý và vận hành: Trung tâm Truyền thông và Thông tin Kinh tế - VCCI
Văn Phòng - Lễ tân:  Phụ trách website: Liên hệ quảng cáo:
📞 + 84-24-35742022 📞 + 84-24-35743084 📞 + 84-24-35743084
 + 84-24-35742020   vcci@vcci.com.vn   

Truy cập phiên bản website cũ.                                                     Thiết kế và phát triển bởi ADT Global