9 tháng năm 2024, tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt 7,16 tỷ USD, tăng 8,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Ảnh tư liệu |
7 nhóm hàng xuất khẩu đạt mốc 10 tỷ USD
Đánh giá về tình hình hoạt động công thương tháng 9 và 9 tháng của năm 2024, Bộ trưởng Bộ Công thương cho rằng, xuất nhập khẩu tiếp tục là điểm sáng nổi bật, ghi nhận sự phục hồi tích cực so với cùng kỳ năm trước. Cho đến thời điểm này, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của cả nước đạt gần 580 tỷ USD, tăng 16,2% so với cùng kỳ.
Thúc đẩy ký kết các FTA mớiBộ Công thương sẽ đẩy nhanh đàm phán, ký kết, phê chuẩn các FTA, liên kết kinh tế mới, trước mắt với Israel, Các tiểu Vương quốc Ả rập Thống nhất (UAE) nhằm đa dạng hóa thị trường, chuỗi cung ứng và đẩy mạnh xuất khẩu. Hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện xúc tiến thương mại tại thị trường mới, thị trường tiềm năng mà doanh nghiệp riêng lẻ chưa có điều kiện trực tiếp thâm nhập. |
Theo đà tăng trưởng như vậy, khả năng đến cuối năm, giá trị kim ngạch xuất nhập khẩu của nước ta có thể đạt 800 tỷ USD. Đặc biệt, hàng xuất khẩu tăng trưởng ở tất cả các nhóm hàng và xuất khẩu của khu vực doanh nghiệp trong nước có tốc độ tăng gấp gần 2 lần so với tốc độ tăng của khối doanh nghiệp FDI, đây cũng là tín hiệu rất đáng hoan nghênh. Cán cân thương mại tính đến thời điểm này xuất siêu gần 31 tỷ USD.
Phân tích cụ thể về hoạt động xuất khẩu, ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) cho hay, trong 9 tháng, các mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu cao là máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; điện thoại và linh kiện; hàng dệt may; giày dép; gỗ và sản phẩm gỗ; thủy sản; rau quả.
Cùng đó, ghi nhận có 7 nhóm hàng có kim ngạch xuất khẩu trên 10 tỷ USD, gồm máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng; điện thoại và linh kiện; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; giày dép; dệt may; gỗ và sản phẩm gỗ; phương tiện vận tải và phụ tùng. Có 11 nhóm hàng có kim ngạch xuất khẩu trên 5 tỷ USD và có 31 nhóm hàng có kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD.
Đặc biệt, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 89,5 tỷ USD. Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 105 tỷ USD. Cán cân thương mại hàng hóa tháng 9 sơ bộ xuất siêu 2,29 tỷ USD. Tính chung 9 tháng, cán cân thương mại hàng hóa sơ bộ xuất siêu 20,79 tỷ USD.
Ở góc độ doanh nghiệp, ông Vũ Đức Giang - Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho biết, tuy đối mặt với nhiều thách thức nhưng nhóm hàng dệt may vẫn duy trì phong độ khi mang về hơn 32,4 tỷ USD, tăng 9% so với cùng kỳ năm ngoái. Với tình hình hiện nay, dự kiến xuất khẩu dệt may mỗi tháng thu về hơn 4 tỷ USD. Như vậy, tổng kim ngạch xuất khẩu mặt hàng dệt may dự kiến thu về hơn 41 tỷ USD.
Tiếp tục tận dụng cơ hội từ FTA để gia tăng xuất khẩu
Theo đánh giá của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, quý IV là thời điểm doanh nghiệp FDI sẽ chạy đua nhằm hoàn thiện kế hoạch đã đặt ra cho cả năm 2024. Hiện tại, cộng đồng doanh nghiệp đang quyết tâm đẩy đà tăng trưởng xuất khẩu trong quý cuối của năm, tận dụng tối đa lợi thế về thị trường, nhất là các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (FTAs). Hơn nữa, nhu cầu của các thị trường nhập khẩu cuối năm với nhiều lễ hội lớn vẫn đang tăng và điều này có lợi cho tăng trưởng xuất khẩu quý còn lại, đặc biệt với các ngành may mặc, giày dép, điện tử và nông lâm thủy sản.
Bên cạnh những thuận lợi, xuất khẩu hàng hóa của nước ta cũng gặp không ít khó khăn thách thức mà không thể chủ quan. Đó là, hầu hết các nền kinh tế trên thế giới đều có mức tăng trưởng thấp hơn kỳ vọng do tổng cầu suy giảm; lạm phát đã hạ nhiệt nhưng vẫn ở mức cao; bất ổn địa chính trị, an ninh lương thực, thiên tai, biến đổi khí hậu… ngày càng gia tăng. Sức mua của thị trường, đặc biệt là thị trường xuất khẩu suy yếu, doanh thu sụt giảm, đơn hàng có dấu hiệu phục hồi nhưng còn chậm. Minh chứng là, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 9/2024 đạt 34,05 tỷ USD, tăng 10,7% so với cùng kỳ năm ngoái nhưng so với tháng 8 giảm 9,9%.
Để tiếp tục duy trì đà xuất khẩu hàng hóa cho năm 2024 và của năm 2025 đang đến gần, lãnh đạo Bộ Công thương cho biết, Bộ này sẽ tiếp tục tập trung đẩy mạnh xúc tiến xuất khẩu đối với các thị trường trọng điểm, đặc biệt tận dụng tối đa ưu đãi do các FTAs như: Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP)…
Về hiệu quả FTA, thực tế cho thấy, sau 5 năm thực thi CPTPP, doanh nghiệp Việt Nam đã tận dụng hiệu quả ưu đãi từ CPTPP, đưa kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hoá tăng hơn 56%. Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu sang các thị trường CPTPP khu vực châu Mỹ đã tăng 56,3%, từ 8,7 tỷ USD năm 2018 lên đến 13,6 tỷ USD năm 2023, mặc dù đây là giai đoạn có nhiều thách thức như suy thoái kinh tế toàn cầu và đại dịch Covid-19. Trong đó, xuất khẩu của Việt Nam sang các thị trường này tăng gần gấp đôi, từ 6,3 tỷ USD vào năm 2018 lên 11,7 tỷ USD năm 2023./.