Các chỉ số chứng khoán Mỹ biến động trái chiều trong phiên giao dịch ngày 25/9 giữa lúc xung đột leo thang tại Trung Đông.
Trong khi Dow Jones và S&P 500 thoái lui khỏi các mức kỷ lục gần đây và đóng cửa giảm điểm thì chỉ số Nasdaq Composite tiếp tục tăng nhẹ.
Gói kích thích kinh tế mạnh tay mới được Trung Quốc công bố đã tác động tích cực tới thị trường, song các nhà đầu tư vẫn đang thận trọng chờ đợi các chỉ số kinh tế và dấu hiệu về việc cắt giảm lãi suất sắp tới.
Kết thúc phiên này, chỉ số công nghiệp Dow Jones giảm 293,47 điểm, tương đương 0,70%, xuống còn 41.914,75 điểm. Chỉ số S&P 500 mất 10,67 điểm, tương đương 0,19%, còn 5.722,26 điểm, trong khi chỉ số công nghệ Nasdaq Composite tăng 7,68 điểm, tương đương 0,04%, đạt 18.082,21 điểm.
Chỉ số Dow Jones đi xuống trong phiên này sau khi đạt mức cao kỷ lục vào phiên trước đó, chịu áp lực từ sự sụt giảm giá cổ phiếu của công ty dược phẩm Amgen do lo ngại về sự cạnh tranh khốc liệt hơn trong lĩnh vực này.
Chỉ số S&P 500 và Nasdaq đã tăng khoảng 20% kể từ đầu năm nay, được thúc đẩy bởi kỳ vọng cắt giảm lãi suất và lạc quan về sự bùng nổ của trí tuệ nhân tạo. Tuy nhiên, S&P 500 đang giao dịch ở mức định giá cao hơn đáng kể so với trung bình dài hạn.
Ngày 25/9, Pháp và Mỹ đã đề xuất lệnh ngừng bắn kéo dài 21 ngày tại Liban, sau nhiều ngày Israel thực hiện các hành động quân sự nhắm vào lực lượng Hezbollah.
Ngay sau cuộc hội đàm giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden và người đồng cấp Pháp Emmanuel Macron tại Liên hợp quốc, Paris đã công bố đề xuất này tại phiên họp khẩn cấp của Hội đồng Bảo an.
Ngoại trưởng Pháp Jean-Noel Barrot cho biết 2 cường quốc phương Tây đang đề xuất "lệnh ngừng bắn tạm thời" trong 21 ngày "để tạo điều kiện cho các cuộc đàm phán."
Phiên này, có tới 9/11 nhóm ngành của S&P 500 giảm điểm, dẫn đầu là nhóm cổ phiếu năng lượng, giảm 1,9%. Cổ phiếu công nghệ đi ngược xu hướng với mức tăng 0,5%, được hỗ trợ bởi mức tăng 2,14% của cổ phiếu Nvidia.
Ba chỉ số chính của Phố Wall đang hướng tới mức tăng trong cả tháng Chín sau khi Cục Dự trữ liên bang (Fed) cắt giảm lãi suất vào ngày 18/9, làm tăng hy vọng về một cú "hạ cánh mềm" cho nền kinh tế. Tuy nhiên, báo cáo về niềm tin tiêu dùng đáng thất vọng của Mỹ vừa được công bố hôm 24/9 đã dấy lên lo ngại về “sức khỏe” của thị trường lao động.
Lợi suất trái phiếu dài hạn của Chính phủ Mỹ đã tăng do lo ngại rằng các điều kiện tài chính nới lỏng có thể làm gia tăng lạm phát. Theo công cụ FedWatch của CME Group, khả năng Fed cắt giảm lãi suất 0,5 điểm phần trăm tại cuộc họp vào tháng 11 tới đã tăng lên 57,4%.
Những phát biểu từ Thống đốc Fed Adriana Kugler, dự kiến diễn ra sau khi thị trường đóng cửa phiên này, cũng được theo dõi sát sao. Tuy nhiên, trọng tâm sẽ là bài phát biểu của Chủ tịch Fed Jerome Powell tại Hội nghị thị trường tài chính New York vào ngày 26/9.
Tại Việt Nam, chốt phiên giao dịch 25/9, VN-Index tăng 10,49 điểm lên 1.287,48 điểm. HNX-Index tăng 1,52 điểm lên 235,84 điểm./.
Khép phiên 24/9, chỉ số công nghiệp Dow Jones tăng 0,2% lên 42.208,22 điểm, xác lập đỉnh mới lần thứ tư liên tiếp, còn chỉ số S&P 500 tiến 0,3% lên 5.732,93 điểm.