Tel: +84 24 35742022 | Fax: +84 24 35742020

“Cái chết” vì tụt hậu chuyển đổi số và câu chuyện mô hình kinh doanh mới

Thứ tư, 07-04-2021 | 09:39:00 AM GMT+7 Bản in
Khoảng một năm rưỡi trước, đế chế du lịch thuộc hàng lâu đời nhất thế giới của Anh - Thomas Cook - đã hoàn toàn sụp đổ và để lại món nợ lên đến 2,1 tỉ USD vì tụt hậu về chuyển đổi số trong mô hình kinh doanh.

Sụp đổ vì không chuyển đổi số

Một năm rưỡi trước, không ít hành khách là khách hàng của Thomas Cook tại Châu Âu đã dở khóc dở cười vì tuyên bố phá sản và ngừng ngay lập tức các giao dịch, khiến các chuyến bay của hãng đình trệ, và hàng trăm ngàn hành khách của hãng du lịch danh tiếng này bị mắc kẹt tại các điểm đến không thể trở về nhà.

Thomas Cook đành phải tuyên bố phá sản vì không thể huy động được thêm 250 triệu USD để trang trải cho các món nợ đến kì đáo hạn trong khi tình hình kinh doanh thì ngày càng bê bết lún sâu vào lỗ.

Đế chế du lịch Thomas Cook với gần 200 năm tuổi, với những điểm giao dịch nằm trên các con phố thương mại nổi tiếng và sang trọng ở Anh quốc và các quốc gia Châu Âu, cùng với bộ máy nhân sự cồng kềnh ngốn nhiều chi phí, không thể cạnh tranh nổi với những đại lí du lịch trực tuyến (Online Travel Agency – OTA), cuối cùng đành phải “thúc thủ”.

Những OTA lớn như Expedia hay Booking.com ngày nay phủ rộng toàn cầu nhờ tiện ích Internet và nền tảng kinh doanh được số hóa. Trong khi đó, cho đến khi tuyên bố phá sản, Thomas Cook vẫn còn đến hơn 600 điểm văn phòng, và giao dịch chủ yếu dựa vào tổng đài với nhân viên thường xuyên túc trực.

Vì chậm chuyển đổi số mà kinh doanh sa sút

Năm 2014, Grab bắt đầu vào thị trường Việt Nam. Vào thời điểm đó, ngành taxi truyền thống vẫn đang ở đỉnh cao vàng son chiếm lĩnh thị trường vận tải hành khách bằng taxi.

Tuy nhiên, mô hình kinh doanh mới theo kiểu Grab và sau đó là Go-Viet (nay là Go-Jek) rồi Be… đã dần dần lấn lướt dịch vụ taxi truyền thống nhờ tiện ích công nghệ linh hoạt hơn, giá cước mềm mại hơn, đặt chuyến xe thuận tiện hơn…

Nhưng tới năm 2018, khi vụ hãng taxi truyền thống Vinasun kiện Grab diễn ra, thị trường dịch vụ vận tải hành khách bằng taxi đã ghi nhận loại hình taxi công nghệ chiếm hơn 50% thị phần. Bên cạnh đó, loại hình xe ôm công nghệ cũng dần khiến xe ôm truyền thống thu hẹp địa bàn hoạt động.

Sự kinh doanh sa sút của dịch vụ taxi và xe ôm truyền thống đã quá rõ ràng. Vinasun là một điển hình. Một thời Vinasun là doanh nghiệp taxi đầu ngành, sau khi lên sàn giá cổ phiếu VNS của Vinasun ở mức khá cao (năm 2014 nhiều thời điểm giá cổ phiếu VNS của Vinasun trên 50.000 đồng). Nhưng đến thời điểm này, giá cổ phiếu VNS sa sút chỉ dừng ở mức quanh tham chiếu.

Ngày 5.4.2021 vừa qua, cổ phiếu VNS đã bị Sở Giao dịch chứng khoán TPHCM đưa vào diện cảnh báo vì lí do lợi nhuận sau thuế của công ty mẹ năm 2020 âm hơn 207 tỉ đồng.

Cuộc cạnh tranh giữa mô hình taxi truyền thống với các ứng dụng đặt xe thực chất chính là đại diện của 2 mô hình kinh tế cũ và mới, trong đó mô hình kinh tế cũ gặp rất nhiều bất lợi trước mô hình mới là kinh tế số. Kinh tế số với sự ứng dụng công nghệ và tận dụng các tiện ích mang đến nhiều lợi thế cạnh tranh hơn và nhiều lợi ích hơn cho công việc kinh doanh và người dùng.

Trên thực tế, không ít hãng taxi truyền thống sau đó cũng chạy theo bằng việc đưa ra các ứng dụng đặt xe của riêng mình, thậm chí có cả khuyến mãi, nhưng về thực chất thì lại mang tính nửa vời, cho thấy việc chuyển đổi số không tới nơi tới chốn. Yếu tố điển hình nhất chính là các tài xế taxi truyền thống của một số hãng, rất lười nhận đặt cuốc xe qua ứng dụng.

Theo THẾ LÂM(Báo Lao động)

 

 

Ý kiến bạn đọc (0)