VCCI logo

LIÊN ĐOÀN THƯƠNG MẠI VÀ CÔNG NGHIỆP VIỆT NAM

Vietnam Chamber of Commerce and Industry

Tuesday, 05/11/2024 | English | Vietnamese

Trang chủLegal documentNghị định 104/2024/NĐ-CP quy định về Quỹ phát triển đất

Detailed information

Nghị định 104/2024/NĐ-CP quy định về Quỹ phát triển đất

Number/Symbol
104/2024/NĐ-CP
Issuing agency
Chính phủ
Type of document
Nghị định
Signer
Lê Minh Khái
Date of issue
31/07/2024
Effective date
01/08/2024
Expiration date
Document validity
Còn hiệu lực
Attached file

View detail document

CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 104/2024/NĐ-CP

Hà Nội, ngày 31 tháng 7 năm 2024

 

NGHỊ ĐỊNH

QUY ĐỊNH VỀ QUỸ PHÁT TRIỂN ĐẤT

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Luật Ngân sách nhà nước ngày 25 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật Đầu tư công ngày 13 tháng 6 năm 2019;

Căn cứ Luật Nhà ở ngày 27 tháng 11 năm 2023;

Căn cứ Luật Đất đai ngày 18 tháng 01 năm 2024;

Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Tài chính;

Chính phủ ban hành Nghị định quy định về Quỹ phát triển đất.

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Nghị định này quy định chi tiết về tổ chức, hoạt động và cơ chế tài chính của Quỹ phát triển đất.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

1. Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

2. Quỹ phát triển đất.

3. Tổ chức được ứng vốn từ Quỹ phát triển đất theo quy định tại khoản 1 Điều 14 Nghị định này.

4. Các cơ quan, tổ chức, đơn vị khác có liên quan đến Quỹ phát triển đất.

Chương II

THÀNH LẬP, TỔ CHỨC CỦA QUỸ PHÁT TRIỂN ĐẤT

Mục 1. THÀNH LẬP QUỸ PHÁT TRIỂN ĐẤT

Điều 3. Thẩm quyền, trình tự, thủ tục thành lập

1. Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi là cấp tỉnh) quyết định thành lập Quỹ phát triển đất.

2. Căn cứ tình hình thực tế tại địa phương, trường hợp cần thiết thành lập Quỹ phát triển đất. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh giao cho cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chủ trì, phối hợp với các cơ quan chức năng của địa phương lập hồ sơ đề nghị thành lập Quỹ phát triển đất, trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh. Hồ sơ đề nghị gồm:

a) Tờ trình của cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh về việc đề nghị thành lập Quỹ phát triển đất: 01 bản chính.

b) Đề án thành lập Quỹ phát triển đất do cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh lập: 01 bản chính. Nội dung chủ yếu của Đề án thành lập Quỹ phát triển đất gồm:

Mục tiêu, sự cần thiết và tính khả thi của việc thành lập Quỹ phát triển đất, tác động của việc thành lập Quỹ phát triển đất đến sự phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương;

Tên gọi và nơi đặt trụ sở chính của Quỹ phát triển đất;

Địa vị pháp lý, tư cách pháp nhân, chức năng, nguyên tắc hoạt động, người đại diện theo pháp luật của Quỹ phát triển đất;

Nhiệm vụ, quyền hạn của Quỹ phát triển đất;

Dự kiến nguồn vốn hoạt động của Quỹ phát triển đất bao gồm: vốn điều lệ do ngân sách nhà nước cấp (mức vốn điều lệ) và vốn huy động hợp pháp khác theo quy định của pháp luật; tiến độ cấp vốn điều lệ từ ngân sách nhà nước và tiến độ huy động vốn hợp pháp khác;

Thuyết minh cụ thể về cơ cấu tổ chức và mô hình hoạt động của Quỹ phát triển đất theo quy định tại các Điều 8, 9, 10, 11 và 12 Nghị định này;

Dự kiến số lượng, thành phần, chế độ hoạt động (chuyên trách, kiêm nhiệm) của Hội đồng quản lý, Ban kiểm soát, Cơ quan điều hành nghiệp vụ Quỹ phát triển đất; dự kiến nhân sự chủ chốt của Quỹ phát triển đất (gồm: Chủ tịch, Phó Chủ tịch Hội đồng quản lý; Trưởng ban kiểm soát; Giám đốc) đáp ứng theo các tiêu chuẩn, điều kiện quy định tại các Điều 9, 10 và 11 Nghị định này và dự thảo Điều lệ tổ chức và hoạt động của Quỹ phát triển đất;

Việc quản lý vốn điều lệ và vốn huy động hợp pháp khác của Quỹ phát triển đất;

Thẩm quyền, quy trình lập, tổng hợp, phê duyệt Kế hoạch ứng vốn từ Quỹ phát triển đất; thẩm quyền, quy trình quyết định ứng vốn từ Quỹ phát triển đất; chế tài xử lý các vi phạm trong việc sử dụng, hoàn trả vốn ứng;

Chế độ tài chính của Quỹ phát triển đất.

c) Dự thảo Điều lệ tổ chức và hoạt động của Quỹ phát triển đất với các nội dung theo quy định tại khoản 1 Điều 4 Nghị định này.

d) Bản tổng hợp, giải trình, tiếp thu ý kiến của các cơ quan có liên quan (nếu có): 01 bản chính.

đ) Ý kiến của các cơ quan có liên quan (nếu có): 01 bản sao.

3. Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận được đầy đủ hồ sơ quy định tại khoản 2 Điều này, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xem xét, trình Hội đồng nhân dân cấp tỉnh để xem xét, thông qua Đề án.

4. Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày Đề án được Hội đồng nhân dân cấp tỉnh thông qua, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm:

a) Phê duyệt Đề án thành lập Quỹ phát triển đất và ban hành Quyết định thành lập Quỹ phát triển đất.

b) Ban hành Điều lệ tổ chức và hoạt động của Quỹ phát triển đất.

c) Có văn bản thông báo đến Bộ Tài chính về việc thành lập Quỹ phát triển đất.

Điều 4. Điều lệ tổ chức và hoạt động của Quỹ phát triển đất

1. Điều lệ tổ chức và hoạt động của Quỹ phát triển đất bao gồm các nội dung chủ yếu sau:

a) Tên gọi và nơi đặt trụ sở chính.

b) Địa vị pháp lý, tư cách pháp nhân, chức năng, nguyên tắc hoạt động, người đại diện theo pháp luật.

c) Nguồn vốn hoạt động của Quỹ phát triển đất (vốn điều lệ, vốn huy động hợp pháp khác).

d) Nhiệm vụ, quyền hạn của Quỹ phát triển đất.

đ) Cơ cấu tổ chức và mô hình hoạt động của Quỹ phát triển đất.

e) Số lượng, thành phần, nhiệm vụ và quyền hạn của Hội đồng quản lý, Ban kiểm soát, Cơ quan điều hành nghiệp vụ; chế độ làm việc của Hội đồng quản lý.

g) Tiêu chuẩn, điều kiện bổ nhiệm, bổ nhiệm lại đối với các chức danh của Hội đồng quản lý hoạt động chuyên trách, các chức danh của Ban kiểm soát hoạt động chuyên trách, Giám đốc, Phó Giám đốc, Kế toán trưởng của Quỹ. Việc tuyển dụng, quy hoạch, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, từ chức, miễn nhiệm, điều động, luân chuyển, khen thưởng, kỷ luật, thôi việc, nghỉ hưu đối với các chức danh hoạt động chuyên trách của Quỹ phát triển đất.

h) Việc quản lý vốn điều lệ và vốn huy động hợp pháp khác của Quỹ phát triển đất tại Kho bạc Nhà nước, ngân hàng thương mại có vốn chi phối của Nhà nước trên địa bàn.

i) Thẩm quyền, quy trình lập, tổng hợp, phê duyệt Kế hoạch ứng vốn từ Quỹ phát triển đất; thẩm quyền quyết định ứng vốn từ Quỹ phát triển đất; chế tài xử lý các vi phạm trong việc sử dụng, hoàn trả vốn ứng.

k) Chế độ tài chính, quản lý tài sản, kế toán và kiểm toán.

l) Mối quan hệ và trách nhiệm giữa Hội đồng quản lý, Ban kiểm soát và Giám đốc trong quản lý, điều hành hoạt động của Quỹ phát triển đất, giữa Quỹ phát triển đất với các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan, các tổ chức được ứng vốn, tổ chức nhận ủy thác quản lý Quỹ phát triển đất.

m) Các nội dung khác nhằm đáp ứng yêu cầu quản lý Quỹ phát triển đất.

2. Việc sửa đổi, bổ sung Điều lệ tổ chức và hoạt động của Quỹ phát triển đất do Hội đồng quản lý Quỹ phát triển đất trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định. Trường hợp thay đổi mức vốn điều lệ, mô hình hoạt động của Quỹ phát triển đất thì Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phải báo cáo Hội đồng nhân dân cấp tỉnh thông qua trước khi quyết định.

Mục 2. ĐỊA VỊ PHÁP LÝ, CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ VÀ QUYỀN HẠN CỦA QUỸ PHÁT TRIỂN ĐẤT

Điều 5. Địa vị pháp lý, tư cách pháp nhân và chức năng của Quỹ phát triển đất

1. Quỹ phát triển đất là quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách, trực thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định thành lập, hoạt động độc lập với ngân sách nhà nước, không vì mục đích lợi nhuận, bảo toàn và phát triển vốn.

2. Quỹ phát triển đất có tư cách pháp nhân, có con dấu, có tài khoản, hạch toán độc lập, có vốn điều lệ.

3. Tên gọi: “Quỹ phát triển đất” ghép với tên tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

4. Quỹ phát triển đất có chức năng tiếp nhận, huy động vốn theo quy định để thực hiện nhiệm vụ ứng vốn và được hoàn trả vốn ứng theo quy định tại Điều 114 Luật Đất đai năm 2024, Nghị định này và pháp luật có liên quan.

Điều 6. Nhiệm vụ của Quỹ phát triển đất

1. Quản lý, bảo toàn và phát triển vốn.

2. Thực hiện các nhiệm vụ ứng vốn theo quyết định của cơ quan, người có thẩm quyền; thực hiện thu hồi vốn ứng theo quy định.

3. Chấp hành các quy định của pháp luật về quản lý tài chính, tài sản, kế toán, kiểm toán và các quy định khác có liên quan.

4. Quyết định dừng, thu hồi vốn ứng khi phát hiện tổ chức được ứng vốn vi phạm quy định về sử dụng vốn ứng hoặc chậm hoàn trả vốn ứng.

5. Kiểm tra đối với việc sử dụng vốn ứng và thu hồi vốn ứng theo quy định tại khoản 7 Điều 16 Nghị định này; xác định chi phí quản lý vốn ứng theo quy định tại Điều 17 Nghị định này.

6. Thực hiện chế độ báo cáo định kỳ theo quy định; báo cáo đột xuất về tình hình quản lý, sử dụng vốn hoạt động của Quỹ phát triển đất theo yêu cầu của cơ quan, người có thẩm quyền.

7. Thực hiện các nhiệm vụ khác theo quy định tại Nghị định này và pháp luật có liên quan.

Điều 7. Quyền hạn của Quỹ phát triển đất

1. Tổ chức quản lý, điều hành hoạt động của Quỹ phát triển đất theo đúng mục tiêu và các nhiệm vụ được giao.

2. Ban hành quy chế, quy trình nghiệp vụ để điều hành hoạt động của Quỹ phát triển đất.

3. Kiểm tra việc tuân thủ mục đích sử dụng vốn ứng của dự án, nhiệm vụ được Quỹ phát triển đất ứng vốn.

4. Xử lý theo thẩm quyền hoặc báo cáo cơ quan, người có thẩm quyền xử lý vi phạm của tổ chức, cá nhân trong việc quản lý, sử dụng, hoàn trả vốn ứng.

5. Các quyền hạn khác theo quy định tại Nghị định này và pháp luật có liên quan.

Mục 3. CƠ CẤU TỔ CHỨC VÀ MÔ HÌNH HOẠT ĐỘNG CỦA QUỸ PHÁT TRIỂN ĐẤT

Điều 8. Cơ cấu tổ chức và mô hình hoạt động

1. Cơ cấu tổ chức của Quỹ phát triển đất gồm có:

a) Hội đồng quản lý.

b) Ban kiểm soát.

c) Cơ quan điều hành nghiệp vụ.

2. Thành phần, nhiệm vụ, quyền hạn, chế độ làm việc của Hội đồng quản lý, Ban kiểm soát, Cơ quan điều hành nghiệp vụ Quỹ được thực hiện theo quy định tại các Điều 9, 10 và 11 Nghị định này.

3. Quỹ phát triển đất hoạt động theo mô hình độc lập hoặc mô hình ủy thác.

Trường hợp Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định Quỹ phát triển đất hoạt động theo mô hình độc lập thì thực hiện theo quy định tại các Điều 9, 10 và 11 Nghị định này.

Trường hợp Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định ủy thác cho Quỹ đầu tư phát triển địa phương hoặc Quỹ tài chính khác của địa phương quản lý Quỹ phát triển đất thì thực hiện theo quy định tại Điều 12 Nghị định này.

Điều 9. Hội đồng quản lý

1. Hội đồng quản lý Quỹ phát triển đất có tối đa 07 thành viên, gồm: Chủ tịch Hội đồng quản lý, tối đa 02 Phó Chủ tịch Hội đồng quản lý và các thành viên khác, số lượng, thành phần cụ thể của Hội đồng quản lý được quy định tại Điều lệ tổ chức và hoạt động của Quỹ phát triển đất bảo đảm các nguyên tắc sau:

a) Số lượng thành viên của Hội đồng quản lý là số lẻ.

b) Chủ tịch Hội đồng quản lý là Lãnh đạo Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.

c) 01 Phó Chủ tịch Hội đồng quản lý là Giám đốc Quỹ; 01 Phó Chủ tịch còn lại (nếu có) và thành viên khác của Hội đồng quản lý phải có Lãnh đạo các Sở: Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Tài nguyên và Môi trường.

d) Thành viên của Hội đồng quản lý không phải là vợ hoặc chồng, cha đẻ, cha nuôi, mẹ đẻ, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi, anh chị em ruột, anh rể, em rể, chị dâu, em dâu của các thành viên Ban kiểm soát, Giám đốc, Phó giám đốc, Kế toán trưởng Quỹ và các trường hợp khác theo quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng.

2. Thành viên của Hội đồng quản lý hoạt động kiêm nhiệm hoặc chuyên trách.

3. Việc quy hoạch, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, từ chức, miễn nhiệm, điều động, luân chuyển, khen thưởng, kỷ luật, thôi việc, nghỉ hưu đối với thành viên Hội đồng quản lý hoạt động chuyên trách thực hiện theo Điều lệ tổ chức và hoạt động của Quỹ phát triển đất và pháp luật có liên quan.

4. Nhiệm vụ và quyền hạn của Hội đồng quản lý:

a) Quản lý và sử dụng nguồn vốn của Quỹ phát triển đất theo đúng quy định tại Nghị định này và Điều lệ tổ chức và hoạt động của Quỹ phát triển đất; bảo toàn và phát triển vốn.

b) Ban hành hoặc sửa đổi quy chế, quy trình nghiệp vụ và các quy chế khác theo quy định tại Điều lệ tổ chức và hoạt động của Quỹ phát triển đất; phân công nhiệm vụ cho các thành viên Hội đồng quản lý.

c) Giám sát, kiểm tra Cơ quan điều hành nghiệp vụ Quỹ phát triển đất trong việc chấp hành chính sách, pháp luật và việc thực hiện các quyết định của Hội đồng quản lý.

d) Phê duyệt kế hoạch hoạt động của Ban kiểm soát; phê duyệt theo thẩm quyền hoặc thông qua kế hoạch ứng vốn từ Quỹ phát triển đất để trình cơ quan, người có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.

đ) Trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh sửa đổi, bổ sung Điều lệ tổ chức và hoạt động của Quỹ phát triển đất.

e) Quyết định việc quy hoạch, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, từ chức, miễn nhiệm, điều động, luân chuyển, khen thưởng, kỷ luật, thôi việc, nghỉ hưu đối với các chức danh theo thẩm quyền quy định tại Điều lệ tổ chức và hoạt động của Quỹ phát triển đất và quy định của pháp luật có liên quan.

g) Chịu trách nhiệm tập thể về hoạt động của Hội đồng quản lý Quỹ và chịu trách nhiệm cá nhân về phần việc được phân công trước Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và pháp luật.

h) Được sử dụng con dấu của Quỹ phát triển đất và Cơ quan điều hành nghiệp vụ để thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng quản lý.

i) Các nhiệm vụ, quyền hạn khác theo quy định tại Điều lệ tổ chức và hoạt động của Quỹ phát triển đất và pháp luật có liên quan.

5. Chế độ làm việc của Hội đồng quản lý được quy định cụ thể tại Điều lệ tổ chức và hoạt động của Quỹ phát triển đất đảm bảo một số nội dung sau:

a) Các cuộc họp của Hội đồng quản lý chỉ có hiệu lực khi có ít nhất 2/3 số thành viên tham dự. Trường hợp không tổ chức họp, việc lấy ý kiến thành viên Hội đồng quản lý được thực hiện bằng văn bản.

b) Các kết luận của Hội đồng quản lý được thể hiện bằng nghị quyết hoặc quyết định của Hội đồng quản lý.

c) Hội đồng quản lý quyết định các vấn đề theo nguyên tắc đa số bằng biểu quyết, mỗi thành viên Hội đồng quản lý có một phiếu biểu quyết với quyền biểu quyết ngang nhau. Nghị quyết, quyết định của Hội đồng quản lý có hiệu lực khi có trên 50% trong tổng số thành viên Hội đồng quản lý biểu quyết hoặc lấy ý kiến bằng văn bản có ý kiến tán thành. Trường hợp số phiếu bằng nhau thì quyết định cuối cùng thuộc về phía có ý kiến của Chủ tịch Hội đồng quản lý hoặc người chủ trì cuộc họp Hội đồng quản lý (trong trường hợp biểu quyết tại cuộc họp).

Điều 10. Ban kiểm soát

1. Ban kiểm soát giúp Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và Hội đồng quản lý kiểm soát hoạt động của Quỹ phát triển đất.

2. Ban kiểm soát có tối đa 03 thành viên, gồm: Trưởng ban và các thành viên Ban kiểm soát. Thành viên Ban kiểm soát hoạt động kiêm nhiệm hoặc chuyên trách.

3. Thành viên của Ban kiểm soát không phải là vợ hoặc chồng, cha đẻ, cha nuôi, mẹ đẻ, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi, anh chị em ruột, anh rể, em rể, chị dâu, em dâu của các thành viên Hội đồng quản lý, Giám đốc, Phó giám đốc, Kế toán trưởng Quỹ và các trường hợp khác theo quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng.

4. Việc quy hoạch, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, từ chức, miễn nhiệm, điều động, luân chuyển, khen thưởng, kỷ luật, thôi việc, nghỉ hưu đối với Trưởng ban và các thành viên Ban kiểm soát thực hiện theo quy định tại Điều lệ tổ chức và hoạt động của Quỹ phát triển đất và pháp luật có liên quan.

5. Nhiệm vụ và quyền hạn của Ban kiểm soát:

a) Kiểm tra, giám sát việc chấp hành chính sách pháp luật, Điều lệ tổ chức và hoạt động của Quỹ phát triển đất, các quy chế, quy trình của Quỹ.

b) Kiểm tra, giám sát tính hợp pháp, trung thực của Hội đồng quản lý, Giám đốc Quỹ trong việc quản lý, điều hành hoạt động của Quỹ.

c) Thẩm định báo cáo tài chính của Quỹ theo quy định của pháp luật.

d) Lập kế hoạch hoạt động, trình Hội đồng quản lý phê duyệt; báo cáo định kỳ hoặc đột xuất về công tác kiểm tra, giám sát.

đ) Thực hiện nhiệm vụ khác do Hội đồng quản lý và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh giao.

Điều 11. Cơ quan điều hành nghiệp vụ

1. Cơ quan điều hành nghiệp vụ Quỹ phát triển đất gồm: Giám đốc, không quá 02 Phó Giám đốc; Kế toán trưởng và không quá 03 phòng (thực hiện chức năng hành chính và nghiệp vụ Quỹ). Các phòng của Cơ quan điều hành nghiệp vụ do Hội đồng quản lý trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xem xét, quyết định. Giám đốc Quỹ là người đại diện theo pháp luật của Quỹ phát triển đất, chịu trách nhiệm trước Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Hội đồng quản lý và trước pháp luật về toàn bộ hoạt động của Quỹ phát triển đất. Phó Giám đốc Quỹ có nhiệm vụ giúp Giám đốc Quỹ điều hành hoạt động của Quỹ phát triển đất theo phân công và ủy quyền; chịu trách nhiệm trước Giám đốc và trước pháp luật về nhiệm vụ được phân công và ủy quyền.

2. Cơ quan điều hành nghiệp vụ Quỹ phát triển đất hoạt động chuyên trách hoặc kiêm nhiệm.

3. Biên chế trong trường hợp Cơ quan điều hành nghiệp vụ hoạt động chuyên trách là viên chức.

4. Việc tuyển dụng, quy hoạch, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, từ chức, miễn nhiệm, điều động, luân chuyển, khen thưởng, kỷ luật, thôi việc, nghỉ hưu đối với Giám đốc, Phó Giám đốc, Kế toán trưởng và các chức danh khác của Cơ quan điều hành nghiệp vụ thực hiện theo quy định tại Điều lệ tổ chức và hoạt động của Quỹ phát triển đất và pháp luật có liên quan.

5. Nhiệm vụ và quyền hạn của Cơ quan điều hành nghiệp vụ:

a) Tổ chức điều hành hoạt động của Quỹ theo quy định tại Nghị định này, Điều lệ tổ chức và hoạt động của Quỹ, các quyết định của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, các nghị quyết, quyết định của Hội đồng quản lý Quỹ.

b) Trình Hội đồng quản lý ban hành quy chế, quy trình nghiệp vụ và các quy chế khác quy định tại Điều lệ tổ chức và hoạt động của Quỹ.

c) Tổng hợp, xây dựng Kế hoạch ứng vốn của Quỹ để trình Hội đồng quản lý Quỹ theo quy định tại Nghị định này.

d) Trực tiếp quản lý nguồn vốn hoạt động, tài sản của Quỹ.

đ) Thực hiện các quyền hạn và nhiệm vụ khác theo quy định tại Nghị định này, Điều lệ tổ chức và hoạt động của Quỹ và quy định của pháp luật.

Điều 12. Ủy thác quản lý Quỹ phát triển đất

1. Việc ủy thác quản lý Quỹ phát triển đất cho Quỹ đầu tư phát triển địa phương hoặc quỹ tài chính khác của địa phương (sau đây gọi là Quỹ nhận ủy thác) do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định.

2. Trường hợp Quỹ phát triển đất hoạt động theo mô hình ủy thác:

a) Hội đồng quản lý, Ban kiểm soát Quỹ phát triển đất thực hiện theo quy định tại Điều 9, Điều 10 Nghị định này.

b) Cơ quan điều hành nghiệp vụ Quỹ phát triển đất là Cơ quan điều hành nghiệp vụ (Ban điều hành) của Quỹ nhận ủy thác.

3. Quỹ nhận ủy thác chịu trách nhiệm về hoạt động của Quỹ phát triển đất theo quy định tại Nghị định này, pháp luật có liên quan và Quyết định ủy thác của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh; không được sử dụng nguồn vốn hoạt động của Quỹ phát triển đất vào các mục đích khác; thực hiện hạch toán và theo dõi riêng toàn bộ vốn nhận ủy thác từ Quỹ phát triển đất theo quy định tại Nghị định này.

Chương III

HOẠT ĐỘNG CỦA QUỸ PHÁT TRIỂN ĐẤT

Điều 13. Nguồn vốn hoạt động của Quỹ phát triển đất

1. Nguồn vốn hoạt động của Quỹ phát triển đất gồm:

a) Vốn điều lệ

Vốn điều lệ của Quỹ phát triển đất được cấp từ nguồn chi đầu tư phát triển của ngân sách địa phương và cấp từ nguồn chênh lệch thu lớn hơn chi (nếu có) của Quỹ phát triển đất sau khi trích lập các quỹ và thực hiện nghĩa vụ tài chính với Nhà nước theo quy định của pháp luật. Căn cứ vào tình hình thực tế và khả năng cân đối ngân sách của địa phương, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trình Hội đồng nhân dân cùng cấp quyết định mức vốn điều lệ ban đầu, vốn điều lệ bổ sung cấp cho Quỹ phát triển đất.

b) Vốn huy động hợp pháp khác theo quy định của pháp luật, gồm: Vốn viện trợ, tài trợ, hỗ trợ của các tổ chức quốc tế, tổ chức, cá nhân trong nước, ngoài nước theo chương trình hoặc dự án viện trợ, tài trợ và các nguồn vốn hợp pháp khác theo quy định.

2. Việc cấp vốn điều lệ cho Quỹ phát triển đất được thực hiện theo quy định của pháp luật về đầu tư công và pháp luật về ngân sách nhà nước áp dụng đối với quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách.

3. Vốn hoạt động của Quỹ phát triển đất được gửi tại Kho bạc Nhà nước cấp tỉnh, các ngân hàng thương mại có vốn chi phối của Nhà nước trên địa bàn bảo đảm an toàn, hiệu quả và được quy định tại Điều lệ tổ chức và hoạt động của Quỹ phát triển đất.

Quỹ phát triển đất mở tài khoản riêng tại Kho bạc Nhà nước cấp tỉnh, tài khoản thanh toán tại các ngân hàng thương mại có vốn chi phối của Nhà nước trên địa bàn để quản lý vốn điều lệ của Quỹ. Vốn điều lệ của Quỹ chỉ được sử dụng để thực hiện nhiệm vụ ứng vốn và được hoàn trả vốn ứng theo quy định tại Nghị định này.

Điều 14. Sử dụng vốn hoạt động của Quỹ phát triển đất

1. Vốn hoạt động của Quỹ phát triển đất được sử dụng để:

a) Ứng vốn cho chủ đầu tư dự án sử dụng vốn ngân sách nhà nước, đơn vị, tổ chức của Nhà nước thực hiện nhiệm vụ bồi thường, hỗ trợ, tái định cư để thực hiện việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư theo quy định của pháp luật về đất đai và pháp luật về nhà ở (trừ các dự án đầu tư bằng nguồn vốn không phải nguồn ngân sách nhà nước).

b) Ứng vốn cho tổ chức phát triển quỹ đất để tạo lập, phát triển quỹ đất tái định cư, tạo quỹ đất để tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất nộp ngân sách nhà nước.

c) Ứng vốn cho tổ chức được giao thực hiện chính sách hỗ trợ về đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số.

d) Ứng vốn thực hiện các nhiệm vụ khác theo quy định của pháp luật.

2. Việc ứng vốn từ Quỹ thực hiện theo quy định tại Điều 15, Điều 16 Nghị định này; việc hoàn trả vốn ứng cho Quỹ thực hiện theo quy định tại Điều 18 Nghị định này.

Điều 15. Kế hoạch ứng vốn và điều kiện ứng vốn từ Quỹ phát triển đất

1. Kế hoạch ứng vốn:

Thẩm quyền, quy trình lập, tổng hợp, phê duyệt Kế hoạch ứng vốn từ Quỹ phát triển đất được thực hiện theo quy định của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh. Cơ quan, người có thẩm quyền phê duyệt Kế hoạch ứng vốn từ Quỹ phát triển đất có trách nhiệm rà soát đề xuất ứng vốn trước khi phê duyệt để đảm bảo Kế hoạch ứng vốn được cân đối phù hợp.

2. Điều kiện ứng vốn gồm:

a) Có văn bản đề nghị ứng vốn của tổ chức được ứng vốn.

b) Có trong Kế hoạch ứng vốn từ Quỹ phát triển đất được cơ quan, người có thẩm quyền phê duyệt.

c) Dự án, nhiệm vụ đã được cơ quan, người có thẩm quyền phê duyệt hoặc giao thực hiện.

d) Có phương án hoàn trả vốn ứng.

đ) Vốn hoạt động của Quỹ tại thời điểm ứng vốn đáp ứng được yêu cầu ứng vốn.

Điều 16. Thẩm quyền quyết định, trình tự, thủ tục thực hiện ứng vốn

1. Thẩm quyền quyết định ứng vốn:

Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định thẩm quyền quyết định ứng vốn từ Quỹ phát triển đất. Cơ quan, người có thẩm quyền trước khi phê duyệt quyết định ứng vốn từ Quỹ phát triển đất có trách nhiệm rà soát điều kiện ứng vốn quy định tại khoản 2 Điều 15 Nghị định này đảm bảo phù hợp và chịu trách nhiệm về việc phê duyệt số tiền ứng vốn từ Quỹ phát triển đất.

2. Trên cơ sở Kế hoạch ứng vốn đã được cơ quan, người có thẩm quyền phê duyệt, tổ chức được ứng vốn lập 01 bộ hồ sơ đề nghị ứng vốn gửi Quỹ phát triển đất. Hồ sơ đề nghị gồm:

Văn bản của tổ chức được ứng vốn về việc đề nghị ứng vốn (trong đó nêu rõ kế hoạch, tiến độ thực hiện khối lượng công việc; phương án hoàn trả vốn ứng; cam kết sử dụng vốn ứng đúng mục đích và hoàn trả vốn ứng đúng thời hạn): 01 bản chính.

Hồ sơ, tài liệu liên quan đến điều kiện ứng vốn quy định tại khoản 2 Điều 15 Nghị định này: 01 bản sao.

3. Trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Quỹ phát triển đất trình cơ quan, người có thẩm quyền quy định tại khoản 1 Điều này quyết định việc ứng vốn cho tổ chức được ứng vốn nếu đủ điều kiện hoặc có văn bản thông báo và trả lại hồ sơ cho tổ chức đề nghị ứng vốn nếu không đủ điều kiện theo quy định.

4. Căn cứ Quyết định ứng vốn từ Quỹ phát triển đất của cơ quan, người có thẩm quyền quy định tại khoản 1 Điều này, Quỹ phát triển đất kiểm soát hồ sơ quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều này và chịu trách nhiệm về tính hợp pháp của hồ sơ, lập chứng từ chuyển tiền gửi Kho bạc Nhà nước, ngân hàng thương mại nơi mở tài khoản. Chậm nhất 01 ngày làm việc, Kho bạc Nhà nước nơi mở tài khoản chuyển tiền cho đối tượng thụ hưởng theo đề nghị của Quỹ phát triển đất. Ngân hàng thương mại nơi mở tài khoản thanh toán thực hiện lệnh chuyển tiền của Quỹ phát triển đất cho đối tượng thụ hưởng theo quy định.

5. Việc ứng vốn được thực hiện một lần hoặc nhiều lần trên cơ sở tiến độ thực hiện và nhu cầu ứng vốn của từng dự án, nhiệm vụ. Trường hợp thực hiện ứng vốn nhiều lần cho cùng một dự án, nhiệm vụ thì tổ chức được ứng vốn có văn bản đề nghị ứng vốn và hồ sơ, tài liệu khác có liên quan đến việc ứng vốn theo từng lần.

6. Tổ chức được ứng vốn có trách nhiệm:

a) Sử dụng vốn ứng để thực hiện các nhiệm vụ quy định tại khoản 1 Điều 14 Nghị định này đúng mục đích, đúng quy định của pháp luật và chịu trách nhiệm về việc sử dụng vốn ứng theo quy định của pháp luật. Không sử dụng vốn ứng thực hiện các nhiệm vụ quy định tại khoản 1 Điều 14 Nghị định này để sử dụng vào mục đích khác.

b) Thực hiện trả chi phí quản lý vốn ứng từ Quỹ phát triển đất theo quy định tại Điều 17 Nghị định này.

c) Thông báo cho cơ quan, người có thẩm quyền ban hành Quyết định hoàn trả vốn ứng cho Quỹ phát triển đất và thực hiện hoàn trả vốn ứng cho Quỹ phát triển đất theo quy định tại Điều 18 Nghị định này.

7. Quỹ phát triển đất có trách nhiệm kiểm tra đối với việc sử dụng vốn ứng từ Quỹ và thu hồi vốn ứng theo quy định.

Điều 17. Chi phí quản lý vốn ứng từ Quỹ phát triển đất

1. Mức chi phí quản lý vốn ứng từ Quỹ phát triển đất bằng mức lãi suất áp dụng đối với tiền gửi bằng đồng Việt Nam của Kho bạc Nhà nước tại Ngân hàng Nhà nước Việt Nam theo quyết định của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trong cùng thời kỳ.

2. Chi phí quản lý vốn ứng từ Quỹ phát triển đất được tính trong chi phí khác thuộc tổng mức đầu tư của dự án, dự toán của nhiệm vụ.

Điều 18. Quy định về hoàn trả vốn ứng cho Quỹ phát triển đất

1. Hoàn trả vốn ứng từ nguồn vốn của dự án được cơ quan, người có thẩm quyền phê duyệt:

a) Tổ chức được ứng vốn theo quy định tại khoản 1 Điều 14 Nghị định này lập hồ sơ đề nghị hoàn trả vốn ứng cho Quỹ phát triển đất, gửi Kho bạc Nhà nước (nơi tổ chức được ứng vốn mở tài khoản). Hồ sơ gồm:

Giấy đề nghị hoàn trả vốn ứng cho Quỹ phát triển đất (trong đó nêu rõ số tiền ứng vốn từ Quỹ phát triển đất chưa hoàn trả, thời hạn ứng): 02 bản chính;

Giấy rút vốn theo Mẫu tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này: 02 bản chính và đối với trường hợp gửi hồ sơ qua Trang thông tin dịch vụ công của Kho bạc Nhà nước, các thành phần hồ sơ phải được ký số theo quy định;

Quyết định ứng vốn từ Quỹ phát triển đất của cơ quan, người có thẩm quyền quy định tại khoản 1 Điều 16 Nghị định này: 01 bản sao;

Quyết định giao kế hoạch vốn hằng năm của dự án (trong đó có số tiền hoàn trả vốn ứng cho Quỹ): 01 bản sao;

Quyết định hoàn trả vốn ứng cho Quỹ phát triển đất của cơ quan, người có thẩm quyền quyết định phê duyệt dự án đầu tư: 01 bản chính.

b) Chậm nhất 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đầy đủ hồ sơ quy định tại điểm a khoản này, Kho bạc Nhà nước kiểm soát tính hợp pháp của hồ sơ do tổ chức được ứng vốn gửi; trường hợp đảm bảo đúng quy định thì Kho bạc Nhà nước chuyển tiền cho Quỹ phát triển đất; trường hợp không đúng quy định thì Kho bạc Nhà nước từ chối chuyển tiền.

Các nội dung khác về quy trình thủ tục giao dịch tại Kho bạc Nhà nước thực hiện theo quy định của Chính phủ về thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực Kho bạc Nhà nước.

c) Việc quyết toán dự án hoàn thành thực hiện theo quy định của pháp luật về quyết toán dự án sử dụng vốn đầu tư công.

2. Hoàn trả vốn ứng trong trường hợp còn lại (không thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này):

a) Căn cứ vào số tiền ứng vốn chưa hoàn trả cho Quỹ phát triển đất (bao gồm cả số tiền ứng vốn của kỳ trước nếu có), thời hạn ứng và phương án hoàn trả vốn ứng cho Quỹ, tổ chức được ứng vốn theo quy định tại khoản 1 Điều 14 Nghị định này báo cáo cấp có thẩm quyền của địa phương để bố trí trong dự toán ngân sách chi đầu tư phát triển khác của cấp tương ứng để hoàn trả vốn ứng cho Quỹ.

b) Nguồn hoàn trả vốn ứng cho Quỹ phát triển đất được bố trí trong dự toán chi đầu tư phát triển khác. Việc lập, thẩm định, phê duyệt dự toán ngân sách được thực hiện theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước.

c) Căn cứ dự toán ngân sách được cơ quan, người có thẩm quyền phê duyệt, tổ chức được ứng vốn lập hồ sơ đề nghị hoàn trả vốn ứng cho Quỹ phát triển đất, gửi Kho bạc Nhà nước. Hồ sơ gồm:

Giấy đề nghị hoàn trả vốn ứng (trong đó nêu rõ số tiền ứng vốn từ Quỹ phát triển đất chưa hoàn trả, thời hạn ứng): 02 bản chính;

Giấy rút vốn theo Mẫu tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này: 02 bản chính và đối với trường hợp gửi hồ sơ qua Trang thông tin dịch vụ công của Kho bạc Nhà nước, các thành phần hồ sơ phải được ký số theo quy định;

Quyết định giao dự toán ngân sách của cơ quan, người có thẩm quyền: 01 bản sao;

Quyết định hoàn trả vốn ứng của cơ quan, người có thẩm quyền giao thực hiện nhiệm vụ: 01 bản chính.

d) Chậm nhất 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đầy đủ hồ sơ quy định tại điểm c khoản này, Kho bạc Nhà nước kiểm soát tính hợp pháp của hồ sơ; trường hợp đảm bảo đúng quy định thì Kho bạc Nhà nước chuyển tiền cho Quỹ phát triển đất; trường hợp không đúng quy định thì Kho bạc Nhà nước từ chối chuyển tiền.

Các nội dung khác về quy trình thủ tục giao dịch tại Kho bạc Nhà nước thực hiện theo quy định của Chính phủ về thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực Kho bạc Nhà nước.

đ) Tổ chức được ứng vốn thực hiện quyết toán số tiền hoàn trả vốn ứng cho Quỹ phát triển đất cùng với quyết toán ngân sách nhà nước hàng năm.

3. Số tiền thanh toán quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều này được hoàn trả vốn ứng cho Quỹ phát triển đất để tiếp tục thực hiện nhiệm vụ ứng vốn quy định tại Nghị định này, không được sử dụng vào mục đích khác.

4. Trường hợp số tiền đã ứng nhưng chưa sử dụng hết (nếu có) phải hoàn trả cho Quỹ phát triển đất trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày hoàn thành việc sử dụng vốn ứng cho nội dung đã đề nghị nhưng không sử dụng hết.

Điều 19. Hoạt động nhận ủy thác của Quỹ phát triển đất

1. Quỹ phát triển đất được nhận ủy thác quản lý quỹ tài chính nhà nước khác của địa phương theo quy định, trừ trường hợp Quỹ phát triển đất hoạt động theo mô hình ủy thác cho Quỹ đầu tư phát triển địa phương hoặc Quỹ tài chính khác của địa phương.

2. Việc nhận ủy thác của Quỹ phát triển đất thực hiện theo Quyết định của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoặc Hợp đồng nhận ủy thác ký kết giữa Quỹ phát triển đất với bên ủy thác. Quyết định hoặc Hợp đồng nhận ủy thác bao gồm các nội dung cơ bản sau đây:

a) Tên, địa chỉ, tư cách pháp nhân, người đại diện pháp luật của bên ủy thác (nếu có) và bên nhận ủy thác (Quỹ phát triển đất).

b) Mục đích ủy thác; nội dung ủy thác.

c) Số vốn ủy thác, việc quản lý vốn nhận ủy thác; thời hạn ủy thác; chi phí ủy thác;

d) Trách nhiệm thẩm định và giám sát hoạt động ủy thác; trách nhiệm xử lý rủi ro của bên ủy thác.

đ) Quyền và nghĩa vụ của các bên; xử lý các trường hợp chấm dứt Quyết định hoặc Hợp đồng ủy thác trước thời hạn; điều khoản về xử lý vi phạm, tranh chấp (nếu có).

e) Các nội dung khác do các bên thỏa thuận phù hợp với quy định của pháp luật.

3. Quỹ phát triển đất có trách nhiệm hạch toán và theo dõi riêng vốn nhận ủy thác và tài sản hình thành từ vốn nhận ủy thác (nếu có) của Quỹ.

4. Việc nhận ủy thác của Quỹ phát triển đất phải đảm bảo phù hợp với quy định của pháp luật và không ảnh hưởng đến thực hiện các nhiệm vụ của Quỹ theo quy định tại Nghị định này.

5. Quỹ phát triển đất được hưởng khoản thu từ việc nhận ủy thác và được xác định là khoản thu của Quỹ.

Chương IV

CHẾ ĐỘ TÀI CHÍNH, KẾ TOÁN, KIỂM TOÁN VÀ BÁO CÁO CỦA QUỸ PHÁT TRIỂN ĐẤT

Điều 20. Chế độ tài chính và quản lý, sử dụng tài sản của Quỹ phát triển đất

1. Năm tài chính của Quỹ phát triển đất bắt đầu từ ngày 01 tháng 01 và kết thúc vào ngày 31 tháng 12.

2. Chế độ tài chính (bao gồm cả cơ chế tiền lương, các khoản phụ cấp của cán bộ quản lý, người lao động) và quản lý, sử dụng tài sản của Quỹ phát triển đất thực hiện theo quy định áp dụng đối với đơn vị sự nghiệp công lập và được quy định tại Điều lệ tổ chức và hoạt động của Quỹ. Các nội dung cụ thể liên quan đến chế độ tài chính của Quỹ phát triển đất được quy định tại Nghị định này thì thực hiện theo quy định tại Nghị định này.

3. Đất trụ sở của Quỹ phát triển đất thực hiện theo chế độ sử dụng đất áp dụng đối với đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định của pháp luật về đất đai.

Điều 21. Các khoản thu, chi của Quỹ phát triển đất

1. Các khoản thu gồm:

a) Khoản thu từ chi phí quản lý vốn ứng từ Quỹ phát triển đất theo quy định tại Điều 17 Nghị định này.

b) Lãi tiền gửi theo quy định của pháp luật.

c) Khoản thu từ việc nhận ủy thác quản lý quỹ khác quy định tại khoản 5 Điều 19 Nghị định này.

d) Các khoản thu khác theo quy định của pháp luật.

2. Các khoản chi gồm:

a) Chi phục vụ hoạt động ứng vốn, thu hồi vốn ứng, quản lý vốn hoạt động của Quỹ phát triển đất.

b) Chi tiền lương, các khoản phụ cấp và các khoản chi khác cho các thành viên Hội đồng quản lý, Ban kiểm soát, Cơ quan điều hành nghiệp vụ Quỹ phát triển đất theo quy định áp dụng đối với đơn vị sự nghiệp công lập.

c) Các khoản nộp ngân sách nhà nước và các khoản chi khác theo quy định của pháp luật.

3. Trường hợp ủy thác quản lý Quỹ phát triển đất theo quy định tại Điều 12 Nghị định này, chi phí ủy thác quản lý Quỹ phát triển đất là toàn bộ các khoản thu được quy định tại các điểm a, b và d khoản 1 Điều này; Quỹ nhận ủy thác có trách nhiệm chi trả toàn bộ các khoản chi của Quỹ phát triển đất.

4. Hội đồng quản lý Quỹ phát triển đất có trách nhiệm ban hành Quy chế chi tiêu nội bộ của Quỹ để làm căn cứ thực hiện, quản lý việc chi tiêu của Quỹ.

5. Không sử dụng vốn điều lệ của Quỹ phát triển đất để chi cho các nội dung quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều này. Chênh lệch thu lớn hơn chi (nếu có) sau khi trích lập các quỹ và thực hiện nghĩa vụ tài chính với Nhà nước theo quy định được bổ sung vốn điều lệ của Quỹ phát triển đất.

6. Quỹ phát triển đất có trách nhiệm quyết toán các khoản thu, chi của Quỹ phát triển đất theo quy định của pháp luật.

Điều 22. Chế độ kế toán, báo cáo

1. Quỹ phát triển đất thực hiện chế độ kế toán theo quy định của pháp luật về kế toán áp dụng cho quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách, đảm bảo phản ánh đầy đủ, kịp thời, trung thực, chính xác, khách quan các hoạt động kinh tế, tài chính.

2. Hằng năm, Quỹ phát triển đất có trách nhiệm gửi báo cáo tài chính năm của Quỹ cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.

Báo cáo tài chính năm của Quỹ phát triển đất được kiểm toán bởi tổ chức kiểm toán độc lập theo quy định của pháp luật. Thời gian gửi báo cáo chậm nhất là 90 ngày, kể từ ngày kết thúc năm tài chính.

3. Việc kiểm tra, giám sát, kiểm soát, thanh tra và kiểm toán đối với Quỹ phát triển đất được thực hiện theo Điều lệ tổ chức và hoạt động của Quỹ phát triển đất và quy định của pháp luật.

Chương V

GIẢI THỂ QUỸ PHÁT TRIỂN ĐẤT

Điều 23. Quy trình giải thể Quỹ phát triển đất

1. Trường hợp Quỹ phát triển đất đã được thành lập nhưng không cần thiết phải duy trì Quỹ phát triển đất thì Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thành lập Hội đồng giải thể để tham mưu cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh về phương án và tổ chức thực hiện giải thể Quỹ. Thành phần Hội đồng giải thể bao gồm:

a) Lãnh đạo Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.

b) Đại diện lãnh đạo các sở, ngành cấp tỉnh có liên quan.

c) Hội đồng quản lý Quỹ, Ban kiểm soát Quỹ.

d) Đại diện của các cơ quan liên quan (nếu cần thiết) theo quyết định của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.

2. Hội đồng giải thể xây dựng phương án giải thể, báo cáo Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trình Hội đồng nhân dân cấp tỉnh thông qua. Phương án giải thể Quỹ phát triển đất bao gồm các nội dung sau:

a) Đánh giá của tổ chức kiểm toán độc lập về thực trạng tài chính và xác định giá trị thực của vốn điều lệ của Quỹ, trừ trường hợp Quỹ đã có báo cáo tài chính được kiểm toán độc lập trong vòng 06 tháng trước thời điểm quyết định giải thể Quỹ.

b) Phương án xử lý vốn điều lệ, xử lý tài sản của Quỹ.

c) Phương án chuyển giao các khoản ủy thác, nhận ủy thác của Quỹ.

d) Phương án xử lý các nghĩa vụ phát sinh từ hợp đồng lao động.

đ) Điều khoản chấm dứt toàn bộ nhiệm vụ và quyền hạn của Quỹ.

3. Sau khi phương án giải thể được Hội đồng nhân dân cấp tỉnh thông qua, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định giải thể Quỹ phát triển đất, đồng thời gửi văn bản thông báo đến Bộ Tài chính và công bố việc giải thể trên các phương tiện thông tin đại chúng ở địa phương và trung ương.

4. Trong vòng 10 ngày làm việc, kể từ ngày quyết định giải thể có hiệu lực:

a) Quỹ phát triển đất có trách nhiệm thực hiện các quy định tại khoản 1 Điều 24 Nghị định này.

b) Hội đồng giải thể có trách nhiệm thực hiện các quy định tại khoản 2 Điều 24 Nghị định này.

5. Hội đồng giải thể tự động chấm dứt hoạt động khi Quỹ phát triển đất đã hoàn tất các thủ tục giải thể theo quy định tại Nghị định này và các quy định của pháp luật có liên quan.

6. Thời gian giải thể Quỹ phát triển đất không quá 02 năm, kể từ ngày quyết định giải thể có hiệu lực. Trường hợp cần thiết theo yêu cầu thực tiễn của địa phương, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định gia hạn thời gian giải thể nhưng thời gian gia hạn tối đa không quá 01 năm.

Điều 24. Trách nhiệm của Quỹ phát triển đất và trách nhiệm của Hội đồng giải thể sau khi có quyết định giải thể

1. Trách nhiệm của Quỹ phát triển đất

a) Chấm dứt việc ứng vốn từ Quỹ, nhận ủy thác và ủy thác quy định tại Nghị định này khi quyết định giải thể có hiệu lực.

b) Trong vòng 10 ngày làm việc, kể từ khi quyết định giải thể có hiệu lực, Quỹ phát triển đất phải thực hiện:

Khóa sổ kế toán; đối chiếu số liệu và kiểm kê tài sản; lập báo cáo tài chính đến thời điểm quyết định giải thể có hiệu lực;

Lập danh sách các khoản tiền gửi của Quỹ tại Kho bạc Nhà nước, ngân hàng; danh sách các khoản ứng vốn từ Quỹ phải thu hồi; danh sách các khoản ủy thác và nhận ủy thác;

Gửi văn bản đề nghị cơ quan thuế xác nhận việc thực hiện nghĩa vụ thuế của Quỹ.

c) Trong thời hạn 30 ngày làm việc, kể từ khi quyết định giải thể có hiệu lực, Quỹ phát triển đất phải bàn giao cho Hội đồng giải thể:

Báo cáo tài chính, sổ sách kế toán và các tài liệu liên quan đến việc giải thể của Quỹ; danh sách các khoản tiền gửi của Quỹ tại Kho bạc Nhà nước, ngân hàng; danh sách các khoản ứng vốn từ Quỹ phải thu hồi; danh sách các khoản ủy thác và nhận ủy thác;

Toàn bộ tài sản thuộc quyền sở hữu, quản lý, sử dụng hợp pháp của Quỹ.

2. Trách nhiệm của Hội đồng giải thể:

a) Trong vòng 05 ngày làm việc, kể từ ngày quyết định giải thể có hiệu lực, Hội đồng giải thể có trách nhiệm:

Thu hồi con dấu của Quỹ phát triển đất để phục vụ việc giải thể;

Tổ chức giải thể Quỹ phát triển đất theo phương án được duyệt.

b) Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày kết thúc việc giải thể, Hội đồng giải thể báo cáo Ủy ban nhân dân cấp tỉnh về kết quả giải thể.

c) Hội đồng giải thể được sử dụng con dấu của Quỹ phát triển đất để phục vụ công tác giải thể và yêu cầu Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan báo cáo Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phương án xử lý tài sản của Quỹ phát triển đất sau khi bàn giao cho Hội đồng giải thể.

Chương VI

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 25. Xử lý chuyển tiếp

1. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chỉ đạo rà soát đối với Quỹ phát triển đất hiện có tại thời điểm Nghị định này có hiệu lực thi hành; trường hợp cơ cấu tổ chức, Điều lệ tổ chức và hoạt động, hoạt động ủy thác, nhận ủy thác của Quỹ phát triển đất chưa phù hợp với quy định tại Nghị định này thì kiện toàn tổ chức bộ máy, sửa đổi, bổ sung Quyết định thành lập, Điều lệ tổ chức và hoạt động, điều chỉnh hoạt động ủy thác, nhận ủy thác của Quỹ theo quy định tại Nghị định này để báo cáo Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định sau khi được Hội đồng nhân dân cấp tỉnh thông qua. Việc rà soát, kiện toàn tổ chức bộ máy, sửa đổi, bổ sung Quyết định thành lập, Điều lệ, điều chỉnh hoạt động ủy thác, nhận ủy thác của Quỹ quy định tại khoản này phải hoàn thành trong thời hạn 12 tháng, kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành. Không phải thực hiện thủ tục thành lập Quỹ phát triển đất theo quy định tại Nghị định này đối với các trường hợp tiếp tục duy trì Quỹ phát triển đất.

Trường hợp không cần thiết phải duy trì Quỹ phát triển đất thì thực hiện giải thể Quỹ theo quy định tại Chương V Nghị định này.

Trong thời gian chưa hoàn thành việc kiện toàn tổ chức bộ máy, sửa đổi, bổ sung Điều lệ, điều chỉnh hoạt động ủy thác, nhận ủy thác của Quỹ theo quy định tại khoản này, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm chỉ đạo hoạt động ứng vốn và hoàn trả vốn ứng của Quỹ phát triển đất theo quy định tại Chương III Nghị định này, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này.

2. Trường hợp Quỹ phát triển đất đã ứng vốn theo đúng quy định của pháp luật để thực hiện việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, tạo quỹ đất theo quyết định của cơ quan, người có thẩm quyền trước ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành mà đến thời điểm Nghị định này có hiệu lực thi hành chưa hoàn thành việc hoàn trả vốn ứng cho Quỹ thì việc hoàn trả vốn ứng cho Quỹ được xử lý như sau:

a) Đối với trường hợp đã xác định nguồn hoàn trả vốn ứng cho Quỹ phát triển đất từ nguồn vốn của dự án hoặc nguồn đã được xác định theo quy định thì việc hoàn trả vốn ứng cho Quỹ từ nguồn vốn của dự án thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 18 Nghị định này hoặc từ nguồn đã được xác định theo quy định.

b) Đối với trường hợp còn lại (trừ trường hợp quy định tại điểm a khoản này) thì việc hoàn trả vốn ứng cho Quỹ phát triển đất thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 18 Nghị định này.

Điều 26. Trách nhiệm thi hành

1. Bộ Tài chính hướng dẫn, kiểm tra việc tổ chức thực hiện Nghị định này.

2. Hội đồng nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm:

a) Thông qua Đề án thành lập, phương án giải thể Quỹ phát triển đất theo quy định tại Nghị định này.

b) Quyết định mức vốn điều lệ ban đầu, vốn điều lệ bổ sung cấp cho Quỹ phát triển đất theo quy định tại Nghị định này.

c) Thông qua mức vốn điều lệ, mô hình hoạt động của Quỹ phát triển đất trong trường hợp có thay đổi mức vốn điều lệ, mô hình hoạt động của Quỹ theo quy định tại Nghị định này.

d) Giám sát việc chấp hành pháp luật của Quỹ phát triển đất.

đ) Thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn khác theo quy định tại Nghị định này và pháp luật có liên quan.

3. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm:

a) Phê duyệt Đề án thành lập Quỹ phát triển đất và ban hành Quyết định thành lập, Điều lệ tổ chức và hoạt động của Quỹ phát triển đất theo quy định tại Nghị định này.

b) Kiện toàn tổ chức bộ máy, sửa đổi, bổ sung Quyết định thành lập, Điều lệ tổ chức và hoạt động, điều chỉnh hoạt động ủy thác, nhận ủy thác của Quỹ phát triển đất theo quy định tại Nghị định này.

c) Trình Hội đồng nhân dân cùng cấp quyết định mức vốn điều lệ ban đầu, vốn điều lệ bổ sung cấp cho Quỹ phát triển đất theo quy định tại Nghị định này.

d) Ban hành quy định về thẩm quyền, quy trình lập, tổng hợp, phê duyệt Kế hoạch ứng vốn từ Quỹ phát triển đất; quy định thẩm quyền quyết định ứng vốn từ Quỹ phát triển đất.

đ) Chịu trách nhiệm quản lý việc sử dụng vốn hoạt động của Quỹ phát triển đất, đảm bảo việc sử dụng vốn ứng đúng mục đích, hiệu quả và đúng quy định của pháp luật.

e) Thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm liên quan đến Quỹ phát triển đất.

g) Báo cáo Bộ Tài chính tình hình tổ chức, hoạt động định kỳ hằng năm; thời hạn gửi báo cáo trước ngày 31 tháng 3 của năm sau.

h) Thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn khác quy định tại Nghị định này và pháp luật có liên quan.

Điều 27. Hiệu lực thi hành

1. Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 8 năm 2024.

2. Quyết định số 40/2010/QĐ-TTg ngày 12 tháng 5 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Quy chế mẫu về quản lý, sử dụng Quỹ phát triển đất hết hiệu lực kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành.

3. Trường hợp các văn bản quy phạm pháp luật dẫn chiếu tại Nghị định này được sửa đổi, bổ sung, thay thế thì thực hiện theo quy định tương ứng tại văn bản sửa đổi, bổ sung, thay thế đó.

4. Các tổ chức, cá nhân lợi dụng chức vụ, quyền hạn nhằm trục lợi; tham ô, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; cố ý làm trái gây thất thoát tiền và tài sản của Nhà nước trong hoạt động của Quỹ phát triển đất thì tùy theo tính chất, mức độ của hành vi vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.

5. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và Thủ trưởng các cơ quan, tổ chức, đơn vị liên quan chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này.

 


Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương Đảng
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;
- Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Tổng Bí thư;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội;
- Văn phòng Quốc hội;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Viện kiểm sát nhân dân tối cao;
- Kiểm toán nhà nước;
- Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia;
- Ngân hàng Chính sách xã hội;
- Ngân hàng Phát triển Việt Nam;
- Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
- Cơ quan trung ương của các đoàn thể;
- VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTg, TGĐ Cổng TTĐT; các Vụ, Cục, đơn vị trực thuộc, Công báo;
- Lưu: VT, KTTH (2).

TM. CHÍNH PHỦ
KT. THỦ TƯỚNG
PHÓ THỦ TƯỚNG




Lê Minh Khái

 

Phụ lục

(Kèm theo Nghị định số 104/2024/NĐ-CP ngày 31 tháng 7 năm 2024 của Chính phủ)

Không ghi vào khu vực này

 

Số: ……

Năm NS:

GIẤY RÚT VỐN

Thực chi □                                                        Chuyển khoản □

Hoàn trả vốn ứng cho Quỹ phát triển đất            Tiền mặt tại... □

                                                                        Tiền mặt tại... □

Tên dự án:...

Tổ chức được ứng vốn:...         Mã ĐVQHNS:...

Tài khoản: ...                             Tại cơ quan kiểm soát, thanh toán: ...

Số CKC, HĐK: ...

Số CKC, HĐTH ...

Căn cứ Giấy đề nghị hoàn trả vốn ứng cho Quỹ phát triển đất số:... ngày... /.. /..

Nội dung

Mã NDKT

Mã chương

Mã ngành KT

Mã nguồn NSNN

Năm KHV

Tổng số tiền

Chia ra

Nộp thuế

Thanh toán cho ĐV hưởng

(1)

(2)

(3)

(4)

(5)

(6)

(7)=(8)+(9)

(8)

(9)

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Tổng cộng:

 

 

 

Tổng số tiền ghi bằng chữ: ...

Trong đó:

NỘP THUẾ:

Tên đơn vị (Người nộp thuế): ...

Mã số thuế:... Mã NDKT:... Mã chương:...

Cơ quan quản lý thu: ... Kỳ thuế: ...

Cơ quan kiểm soát, thanh toán hạch toán khoản thu: ...

Tổng số tiền nộp thuế (ghi bằng chữ):...

 

THANH TOÁN CHO ĐƠN VỊ HƯỞNG

Đơn vị nhận tiền: ...

Địa chỉ:...

Tài khoản:..., Mã CTMT, DA và HTCT: ...

Tại cơ quan kiểm soát, thanh toán (NH): ...

Hoặc người nhận tiền:...

CMND/CCCD/Hộ chiếu số:…… cấp ngày: .... Nơi cấp: ...

Tổng số tiền thanh toán cho đơn vị hưởng (ghi bằng chữ):...

PHẦN CƠ QUAN KIỂM SOÁT, THANH TOÁN GHI

1. Nộp thuế:

Nợ TK: ….

Có TK: ….

Nợ TK: ….

Có TK: ….

Nợ TK: ….

Có TK: ….

Mã CQ thu: ...

Mã ĐBHC: ...

2. Thanh toán cho ĐV hưởng:

Nợ TK: ….

Có TK: ….

Nợ TK: ….

Có TK: ….

Nợ TK: ….

Có TK: ….

Mã ĐBHC:...

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Ngày... tháng... năm...
NGƯỜI LĨNH TIỀN
(Ký, ghi rõ họ tên)


KẾ TOÁN TRƯỞNG
(Ký, ghi rõ họ tên)

Ngày... tháng... năm...
LÃNH ĐẠO ĐƠN VỊ
(Ký, ghi họ tên, chức vụ, đóng dấu)

CƠ QUAN KIỂM SOÁT, THANH TOÁN
Ngày... tháng... năm...

THỦ QUỸ
(Ký, ghi rõ họ tên)

KẾ TOÁN
(Ký, ghi rõ họ tên)

KẾ TOÁN TRƯỞNG
(Ký, ghi rõ họ tên)

LÃNH ĐẠO CƠ QUAN KIỂM SOÁT, THANH TOÁN
(Ký, ghi họ tên, chức vụ, đóng dấu)

 

 

 

 

 

 

 

Related documents

Number/Symbol
Date of issue
Summary
Footer logo

Bản quyền bởi Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI 

  Tòa VCCI, Số 9 Đào Duy Anh, Đống Đa, Hà Nội, Việt Nam

Giấy phép xuất bản số 190/GP-TTĐT cấp ngày 27/10/2023

Người chịu trách nhiệm chính: Ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch VCCI

Quản lý và vận hành: Trung tâm Truyền thông và Thông tin Kinh tế - VCCI
Văn Phòng - Lễ tân:  Phụ trách website: Liên hệ quảng cáo:
📞 + 84-24-35742022 📞 + 84-24-35743084 📞 + 84-24-35743084
 + 84-24-35742020   vcci@vcci.com.vn   

Truy cập phiên bản website cũ.                                                     Thiết kế và phát triển bởi ADT Global