Saturday, 28/12/2024 | English | Vietnamese
View detail document
BỘ TÀI CHÍNH --------- Số: 80 /2002/TT-BTC |
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc ---------------------
|
|
Hà Nội, ngày 12 tháng 09 năm 2002 |
Hướng dẫn bảo lãnh phát hành và đấu giá bán cổ phần ra bên ngoài của các doanh nghiệp nhà nước thực hiện cổ phần hoá.
Thi hành Nghị định số 64/2002/NĐ-CP ngày 19/6/2002 của Chính phủ về chuyển doanh nghiệp nhà nước thành công ty cổ phần, Bộ Tài chính hướng dẫn những thủ tục và phương pháp bán cổ phần ra bên ngoài của các doanh nghiệp nhà nước thực hiện cổ phần hoá theo hình thức đấu giá hoặc bảo lãnh phát hành như sau:
1. Phạm vi, đối tượng áp dụng
Các doanh nghiệp nhà nước và đơn vị phụ thuộc doanh nghiệp nhà nước tiến hành cổ phần hoá khi bán cổ phần lần đầu cho các đối tượng bên ngoài doanh nghiệp phải thực hiện theo hướng dẫn tại Thông tư này.
2. Các từ ngữ trong Thông tư này được hiểu như sau:
2.1. Bán đấu giá cổ phần là hình thức bán cổ phần của doanh nghiệp nhà nuớc cổ phần hoá công khai cho các đối tượng bên ngoài có sự cạnh tranh về giá.
2.2. Bảo lãnh phát hành (trong trường hợp bán cổ phần lần đầu của doanh nghiệp nhà nước cổ phần hoá) là việc tổ chức nhận bảo lãnh đảm bảo thực hiện phương án bán cổ phần của doanh nghiệp nhà nước cổ phần hoá cho các đối tượng bên ngoài theo hình thức đấu giá. Trường hợp không bán hết tổ chức nhận bảo lãnh phải mua số cổ phần còn lại theo giá khởi điểm.
2.3. Tổ chức nhận bảo lãnh là một hoặc một nhóm các tổ chức tài chính trung gian cùng phối hợp có đủ điều kiện để thực hiện nghiệp vụ bảo lãnh phát hành cho doanh nghiệp theo qui định của pháp luật về Chứng khoán và thị trường chứng khoán.
2.4. Tổ chức thực hiện bán đấu giá cổ phần là các doanh nghiệp cổ phần hoá và các tổ chức tài chính trung gian được cơ quan quyết định cổ phần hoá lựa chọn để thực hiện việc bán đấu giá cổ phần phát hành lần đầu của doanh nghiệp cổ phần hoá cho các đối tượng bên ngoài.
2.5. Tổ chức tài chính trung gian được tham gia thực hiện các nghiệp vụ bảo lãnh hoặc tổ chức bán đấu giá cổ phần là: các công ty chứng khoán, công ty tài chính, các ngân hàng thương mại và các tổ chức tài chính tín dụng khác...
2.6. Người tham gia đấu giá là tổ chức kinh tế và cá nhân trong nước và nước ngoài theo quy định của pháp luật.
2.7. Tiền đặt cọc là một khoản tiền của người tham gia đấu giá ứng trước để đảm bảo quyền tham gia đấu giá.
2.8. Giá khởi điểm là mức giá ban đầu của một cổ phần được chào bán ra bên ngoài do Hội đồng đấu giá qui định để thực hiện đấu giá nhưng không thấp hơn giá sàn.
2.9. Giá sàn của một cổ phần được xác định là 100.000 đồng Việt Nam.
3. Chi phí cho hoạt động đấu giá, bảo lãnh phát hành do doanh nghiệp cổ phần hoá và cơ quan tổ chức đấu giá hoặc tổ chức nhận bảo lãnh thoả thuận nhưng không làm vượt quá mức chi phí cổ phần hoá mà doanh nghiệp nhà nước được phép chi.
1. Việc tổ chức bán đấu giá cổ phần phát hành lần đầu cho các đối tượng bên ngoài của các doanh nghiệp cổ phần hoá được thực hiện thông qua tổ chức tài chính trung gian hoặc do chính doanh nghiệp đó (nếu được cơ quan quyết định cổ phần hoá giao) và phải đảm bảo công khai, minh bạch, công bằng và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của các bên tham gia.
2. Hội đồng đấu giá.
2.1. Hội đồng đấu giá do cơ quan quyết định cổ phần hoá thành lập để hướng dẫn và giám sát hoạt động bán đấu giá cổ phần.
2.2. Thành phần Hội đồng đấu giá được xác định như sau:
a. Trường hợp tổ chức tài chính trung gian (bao gồm cả tổ chức nhận bảo lãnh) thực hiện bán đấu giá cổ phần thì thành phần Hội đồng đấu giá gồm:
- Giám đốc hoặc người được uỷ quyền của tổ chức tài chính trung gian được giao nhiệm vụ bán đấu giá làm chủ tịch Hội đồng đấu giá.
- Đại diện cơ quan quyết định cổ phần hoá doanh nghiệp.
- Đại diện Tổng công ty hoặc công ty (nếu cổ phần hoá đơn vị thành viên hoặc bộ phận doanh nghiệp).
- Đại diện cơ quan tài chính doanh nghiệp cùng cấp.
- Đại diện doanh nghiệp cổ phần hoá.
b. Trường hợp doanh nghiệp nhà nước cổ phần hoá được cơ quan quyết định cổ phần hoá giao trực tiếp bán đấu giá cổ phần thì thành phần Hội đồng đấu giá gồm:
- Giám đốc doanh nghiệp cổ phần hoá hoặc người được giám đốc uỷ quyền làm Chủ tịch Hội đồng đấu giá.
- Đại diện cơ quan quyết định cổ phần hoá doanh nghiệp.
- Đại diện cơ quan tài chính doanh nghiệp cùng cấp.
- Đại diện Công ty mẹ hoặc Tổng Công ty (nếu có).
2.3. Trách nhiệm và quyền hạn của Hội đồng đấu giá:
a. Ban hành quy chế đấu giá bán cổ phần ra bên ngoài của doanh nghiệp cổ phần hoá theo đúng quy định của Pháp luật và hướng dẫn của Thông tư này.
b. Kiểm tra, giám sát hoạt động bán đấu giá cổ phần theo đúng quy chế đã ban hành.
c. Quyết định công bố giá khởi điểm.
d. Giám sát và quản lý việc phát phiếu tham dự.
e. Lập biên bản và công bố kết quả đấu giá
g. Tuyên bố cuộc đấu giá không thành (nếu xảy ra).
h. Báo cáo cơ quan quyết định cổ phần hoá tình hình và kết quả bán đấu giá.
3. Trách nhiệm của tổ chức thực hiện bán đấu giá cổ phần
3.1. Phối hợp với các cơ quan có liên quan thành lập Hội đồng đấu giá theo quy định tại điểm 2 phần II của Thông tư này.
3.2. Dự thảo quy chế đấu giá bán cổ phần trình Hội đồng đấu giá ban hành.
3.3. Xây dựng và đề xuất giá khởi điểm để báo cáo Hội đồng đấu giá quyết định và công bố chính thức.
3.4. Niêm yết các thông tin về việc bán đấu giá cổ phần của doanh nghiệp cổ phần hoá tại nơi bán đấu giá hoặc nơi đặt trụ sở của doanh nghiệp cổ phần hoá và thông báo trên 5 số báo ngày liên tiếp của 1 tờ báo trung ương và 1 tờ báo địa phương nơi doanh nghiệp cổ phần hoá có trụ sở chính trong thời hạn 30 ngày trước khi thực hiện cuộc đấu giá.
3.5. Kiểm tra điều kiện tham dự đấu giá, thông báo và tổ chức cho các cá nhân, pháp nhân đủ điều kiện để thực hiện đăng ký tham dự đấu giá.
3.6. Tổ chức cuộc đấu giá và thực hiện bán cổ phần theo kết quả đấu giá.
3.7. Hoàn trả tiền đặt cọc cho các bên tham dự đấu giá nhưng không trúng thầu.
3.8. Thực hiện các hoạt động khác có liên quan đến đấu giá bán cổ phần hoặc bảo lãnh phát hành.
4. Thông tin chủ yếu về việc bán đấu giá cổ phần phải được niêm yết và thông báo công khai gồm:
4.1. Tên, địa chỉ của doanh nghiệp cổ phần hoá;
4.2. Số lượng cổ phần bán đấu giá;
4.3. Các thông tin kinh tế - tài chính chủ yếu của doanh nghiệp 3 năm trước khi cổ phần hoá (bao gồm cả vấn đề về sản phẩm và ngành nghề kinh doanh, thị trường tiêu thụ, trình độ lao động) và kế hoạch sản xuất kinh doanh sau 3 năm;
4.4. Thời gian, địa điểm tổ chức cuộc bán đấu giá;
4.5. Tên, địa chỉ cơ quan tổ chức bán đấu giá;
4.6. Điều kiện tham gia đấu giá.
4.7. Thời hạn và cách thức nộp đơn đăng ký tham gia đấu giá;
4.8. Ngày, giờ và địa điểm đăng ký tham gia đấu giá;
4.9. Giá chào ban đầu của cuộc đấu giá (giá khởi điểm);
4.10. Phương thức thanh toán;
5. Điều kiện tham gia đấu giá
5.1. Các tổ chức kinh tế và cá nhân có đủ các điều kiện sau đây được tham dự đấu giá:
a. Có tư cách pháp nhân, thể nhân; có địa chỉ cụ thể, rõ ràng; Nếu người đại diện pháp nhân không phải là thủ trưởng đơn vị thì phải có giấy uỷ quyền; Nếu là cá nhân phải có chứng minh thư nhân dân, giấy tờ tuỳ thân hợp lệ hoặc được người có đủ quyền công dân bảo lãnh.
Đối với tổ chức, cá nhân người nước ngoài phải mở tài khoản tại các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán đang hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam và tuân thủ pháp luật Việt Nam.
b. Có đơn đăng ký tham gia đấu giá đúng mẫu (quy định tại Phụ lục 1 hoặc Phụ lục 2) và nộp đúng thời hạn được thông báo trong giấy mời tham dự đấu giá công khai.
c. Số cổ phần mỗi tổ chức và cá nhân đăng ký mua tối thiểu là 100 cổ phần
d. Đặt cọc 10% giá trị cổ phần đăng ký mua tính theo giá khởi điểm.
5.2. Các đối tượng sau không được quyền tham gia đấu giá:
a. Các thành viên của Hội đồng đấu giá.
b. Bố, mẹ, anh chị em ruột, vợ, chồng, con của các thành viên Hội đồng đấu giá.
c. Tổ chức kinh tế do thành viên Hội đồng đấu giá tham gia quản lý hoặc sở hữu.
d. Những người đã trực tiếp thực hiện việc xác định giá trị doanh nghiệp cổ phần hoá; Bố, mẹ, vợ chồng, con của người đó.
e. Các tổ chức và cá nhân khác theo quy định của pháp luật
6. Đăng ký tham gia đấu giá.
Trước khi thực hiện cuộc đấu giá bán cổ phần 03 ngày, tổ chức thực hiện bán đấu giá phải hoàn thành các thủ tục đăng ký tham gia, nộp tiền đặt cọc và phát phiếu tham dự đấu giá cho các cá nhân và tổ chức đã được chấp nhận đơn xin tham gia đấu giá.
Phiếu tham dự đấu giá có đánh số thứ tự, ghi rõ tên đơn vị, cá nhân tham dự, số lượng cổ phần đăng ký mua, số tiền đã đặt cọc và có đóng dấu treo của tổ chức thực hiện bán đấu giá.
7. Thực hiện đấu giá.
7.1. Trước khi cuộc đấu giá được bắt đầu, tổ chức thực hiện bán đấu giá phải báo cáo Hội đồng đấu giá về điều kiện để thực hiện cuộc đấu giá và danh sách các tổ chức, cá nhân có đủ điều kiện tham gia đấu giá.
7.2. Cuộc đấu giá được coi là đủ điều kiện tiến hành khi có ít nhất 2 người đủ tiêu chuẩn tham gia đấu giá (hoặc người đại diện được người đăng ký uỷ quyền) tham dự và có mặt tại cuộc đấu giá. Trường hợp người đăng ký tham gia đấu giá không có điều kiện tham dự trực tiếp cuộc đấu giá thì phải thông báo lý do vắng mặt và gửi phiếu tham dự đấu giá (đã ghi giá dự kiến mua số lượng cổ phần đăng ký) cho Hội đồng đấu giá trước 01 ngày mở cuộc đấu giá và được xác định là có tham dự.
Các bên đã đăng ký tham gia đấu giá nhưng không trực tiếp tham dự hoặc không tham dự đấu giá theo hình thức vắng mặt như đã nêu trên không được nhận lại số tiền đã đặt cọc.
7.3. Trường hợp chỉ có ít hơn 2 người đủ tiêu chuẩn tham dự đấu giá thì Hội đồng đấu giá tuyên bố cuộc đấu giá không thành, hoàn trả lại tiền đặt cọc cho các bên đã đăng ký và có tham dự. Hội đồng đấu giá có trách nhiệm xem xét, điều chỉnh giảm giá khởi điểm để tổ chức lại cuộc đấu giá trong thời gian không quá 15 ngày kể từ ngày công bố cuộc đấu giá không thành.
Trường hợp giá khởi điểm đã được điều chỉnh bằng giá sàn nhưng cuộc đấu giá vẫn không thành thì:
- Nếu doanh nghiệp cổ phần hoá áp dụng hình thức bảo lãnh phát hành thì tổ chức nhận bảo lãnh phải mua lại theo giá khởi điểm và được hưởng số tiền đặt cọc của số cổ phần này.
- Nếu doanh nghiệp cổ phần hoá không áp dụng hình thức bảo lãnh phát hành thì Hội đồng đấu giá có trách nhiệm báo cáo cơ quan quyết định cổ phần hoá xem xét, quyết định việc điều chỉnh giá trị doanh nghiệp cổ phần hoá và cho phép tổ chức đấu giá lại. Việc tổ chức đấu giá lại phải được thực hiện trong thời gian 30 ngày kể từ ngày nhận được quyết định cho phép thực hiện đấu giá lại.
Nếu cuộc đấu giá lần thứ hai không bán hết số lượng cổ phần dự kiến bán ra thì Hội đồng đấu giá báo cáo cơ quan quyết định cổ phần hoá xem xét, điều chỉnh giảm vốn điều lệ trong phương án cổ phần hoá (đối với trường hợp có phát hành thêm cổ phần mới) hoặc điều chỉnh tăng vốn Nhà nước trong cơ cấu vốn điều lệ để thực hiện tiếp phương án chuyển doanh nghiệp nhà nước thành công ty cổ phần.
7.4. Tại thời điểm bắt đầu cuộc bán đấu giá, Chủ tịch Hội đồng đấu giá hoặc người được uỷ quyền công bố những thông tin chủ yếu về cuộc bán đấu giá như:
- Tên doanh nghiệp thực hiện cổ phần hoá, dự kiến vốn điều lệ và số lượng cổ phần bán ra bên ngoài.
- Giá khởi điểm của cổ phần chào bán và những hành vi bị coi là vi phạm quy chế đấu giá, bị loại trừ khỏi cuộc đấu giá, không được nhận lại tiền đặt cọc.
- Các bước trong quy trình đấu giá và nguyên tắc xác định quyền được mua cổ phần theo giá đấu.
- Giải thích những vấn đề mà người tham gia đấu giá còn thắc mắc.
7.5. Việc đấu giá mua cổ phần được thực hiện theo hình thức bỏ phiếu kín. Những người tham gia đấu giá ghi giá dự kiến mua số lượng cổ phần đã đăng ký vào phiếu tham dự đấu giá và gửi lên cho Hội đồng đấu giá để xét duyệt.
8. Xác định giá bán và công bố kết quả đấu giá:
8.1. Kết quả đấu giá bán cổ phần được xác định theo nguyên tắc:
a. Những người trả giá cao được quyền ưu tiên mua cổ phần trên cơ sở số lượng cổ phần đăng ký mua và số lượng cổ phần được chào bán. Trường hợp người bỏ giá cao nhất có số lượng cổ phần đăng ký mua ít hơn số cổ phần chào bán thì số cổ phần còn lại (sau khi đã duyệt bán cho người trả giá cao nhất) được xét bán cho người có mức giá liền kề. Nếu số cổ phần vẫn còn thì tiếp tục thực hiện nguyên tắc trên.
Ví dụ :
Tổng số cổ phần bán ra ngoài doanh nghiệp là 20.000 cổ phần = 20% vốn điều lệ. Giá khởi điểm được Hội đồng đấu giá ấn định là 102.000đ/1cổ phần.
* Mức giá trả của các bên tham gia đấu giá như sau:
- Pháp nhân A đăng ký mua 10.000 cổ phần với giá : 110.000đ/cp
- Cá nhân B đăng ký mua 3.000 cổ phần với giá : 125.000đ/cp
- Cá nhân C đăng ký mua 4.000 cổ phần với giá : 115.000đ/cp
- Pháp nhân D đăng ký mua 8.000 cổ phần với giá : 107.000đ/cp
- Cá nhân E đăng ký mua 4.000 cổ phần với giá : 103.000đ/cp
- Cá nhân G đăng ký mua 1.000 cổ phần với giá : 102.000đ/cp
* Kết quả đấu giá được xác định như sau:
- Cá nhân B được mua : 3.000 cổ phần với giá 125.000đ/cp
- Cá nhân C được mua : 4.000 cổ phần với giá 115.000đ/cp
- Pháp nhân A được mua: 10.000 cổ phần với giá 110.000đ/cp
- Pháp nhân D được mua: 3.000 cổ phần với giá 107.000đ/cp
* Như vậy, cá nhân E đăng ký mua 4.000 cổ phần với giá : 103.000đ/cp, cá nhân G đăng ký mua 1.000 cổ phần với giá : 102.000đ/cp và 5.000 cổ phần trong tổng số 8.000 cổ phần của cá nhân D đăng ký mua với giá : 107.000đ/cp không được bên bán chấp thuận.
b. Trường hợp các bên tham gia đấu giá có giá trả bằng nhau thì Hội đồng đấu giá ưu tiên bán cổ phần cho các nhà đầu tư có tiềm năng hơn về vốn, kinh nghiệm quản lý, trình độ công nghệ, thị trường hoặc các chủ nợ.
c. Trường hợp các bên tham gia đấu giá có tiềm năng như nhau, trả giá bằng nhau nhưng số lượng cổ phần chào bán ít hơn tổng số cổ phần đăng ký mua thì quyền mua cổ phần của các bên được xác định trên cơ sở: Tổng số cổ phần chào bán và tỷ lệ giữa cổ phần của từng bên đã đăng ký so với tổng số cổ phần của các bên đã đăng ký.
8.2. Mọi trường hợp trả giá thấp hơn so với giá khởi điểm đều bị coi là không hợp lệ và bị loại trừ khỏi cuộc đấu giá.
8.3. Kết quả đấu giá phải được phản ánh vào biên bản đấu giá cổ phần và có đủ chữ ký của các thành viên Hội đồng đấu giá. Biên bản đấu giá cổ phần được lập ít nhất ba bản và được lưu giữ tại: cơ quan có thẩm quyền quyết định cổ phần hoá, tổ chức thực hiện bán đấu giá và doanh nghiệp cổ phần hoá.
8.4. Hội đồng đấu giá có trách nhiệm công bố công khai kết quả đấu giá trước khi cuộc đấu giá kết thúc.
9. Căn cứ vào kết quả đấu giá, tổ chức thực hiện bán đấu giá và các bên có liên quan có trách nhiệm hoàn tất việc mua bán cổ phần trong thời hạn không quá 10 ngày (ngày làm việc) kể từ ngày công bố kết quả đấu giá .
Việc mua bán cổ phần được thanh toán bằng đồng Việt Nam. Trường hợp mua bằng ngoại tệ thì phải chuyển đổi thành đồng Việt Nam theo tỷ giá giao dịch bình quân trên thị trường ngoại tệ liên Ngân hàng do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố tại thời điểm đấu giá. Việc thanh toán có thể thực hiện theo phương thức trực tiếp tại trụ sở tổ chức thực hiện bán đấu giá hoặc chuyển khoản theo qui định của tổ chức này.
10. Trường hợp người tham gia đấu giá không mua hết số lượng cổ phần được quyền mua theo kết quả đấu giá thì không được lấy lại số tiền đặt cọc tương ứng với số cổ phần từ chối mua. Số cổ phần này được Hội đồng đấu giá xem xét, quyết định bán cho người trả giá kế tiếp có nhu cầu mua.
Trường hợp tất cả các bên tham gia đấu giá đều không có nhu cầu mua thêm thì số cổ phần còn lại được giải quyết như sau:
a. Nếu doanh nghiệp cổ phần hoá áp dụng hình thức bảo lãnh phát hành thì tổ chức nhận bảo lãnh phải mua lại theo giá khởi điểm và được hưởng số tiền đặt cọc của số cổ phần này.
b. Nếu doanh nghiệp cổ phần hoá không áp dụng hình thức bảo lãnh phát hành thì Hội đồng đấu giá báo cáo cơ quan quyết định cổ phần hoá để xem xét, quyết định cho phép tổ chức đấu giá lại hoặc điều chỉnh cơ cấu vốn điều lệ.
11. Tổ chức thực hiện bán đấu giá cổ phần không chịu trách nhiệm về giá trị của cổ phần bán đấu giá, trừ trường hợp không thông báo đầy đủ, chính xác cho người tham gia đấu giá những thông tin cần thiết có liên quan đến cổ phần bán đấu giá.
Trong thời hạn 5 ngày, kể từ ngày mua được cổ phần bán đấu giá, người mua có quyền trả lại cổ phần cho người bán đấu giá và yêu cầu tổ chức thực hiện bán đấu giá bồi thường thiệt hại, nếu các thông tin của doanh nghiệp bán đấu giá cổ phần không đúng như đã thông báo.
12. Quản lý tiền đặt cọc:
- Đối với các bên tham dự cuộc đấu giá nhưng không được mua cổ phần thì trong 5 ngày (kể từ khi kết thúc cuộc đấu giá) tổ chức thực hiện bán đấu giá có trách nhiệm thanh toán lại tiền đặt cọc cho các đối tượng trên.
- Đối với các tổ chức, cá nhân được quyền mua cổ phần theo kết quả đấu giá thì khoản tiền đặt cọc được trừ vào tổng số tiền phải trả tương ứng với số lượng cổ phần được mua theo giá đấu.
- Đối với khoản tiền đặt cọc không phải trả theo qui định tại tiết 7.2 điểm 7 và điểm 10 Thông tư này thì được xử lý như sau:
+ Trường hợp bảo lãnh phát hành thì tổ chức nhận bảo lãnh được hưởng số tiền đặt cọc tương ứng với số cổ phần phải mua còn lại.
+ Các trường hợp khác thì tổ chức thực hiện bán đấu giá có trách nhiệm nộp về Quỹ sắp xếp doanh nghiệp cùng cấp.
Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày ký.
Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc thì đề nghị các Bộ, ngành, địa phương và các doanh nghiệp phản ánh về Bộ Tài chính để được nghiên cứu, giải quyết./.
Nơi nhận: - Văn phòng Chính phủ. - Văn phòng Trung ương. - Văn phòng Chủ tịch nước. - Văn phòng Quốc hội. - Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ. - Viện Kiểm sát NDTC, Toà án NDTC. - Cơ quan TW các đoàn thể. - Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc TW. - Sở Tài chính - vật giá, Cục Thuế, Kho bạc Nhà nước các tỉnh, thành phố trực thuộc TW. - Các Tổng Công ty 91. - Các Tổng cục, Cục, Vụ, Viện, đơn vị thuộc Bộ Tài chính. - Công báo. - Lưu: VP (2), TCDN (3) |
KT. BỘ TRƯỞNG BỘ TÀI CHÍNH THỨ TRƯỞNG
(ĐÃ KÝ)
Trần Văn Tá
|
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc --------------------- |
Hà Nội, ngày tháng năm 200... |
Phụ lục 1
ĐƠN ĐĂNG KÝ THAM GIA ĐẤU GIÁ MUA CỔ PHẦN
Kính gửi : Hội đồng đấu giá cổ phần công ty.........................
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc --------------------- |
.. .. .., ngày tháng năm ... |
Phụ lục 2
ĐƠN ĐĂNG KÝ THAM GIA ĐẤU GIÁ MUA CỔ PHẦN
Kính gửi : Hội đồng đấu giá cổ phần công ty.........................
Related documents
Short link
Bản quyền bởi Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI
Tòa VCCI, Số 9 Đào Duy Anh, Đống Đa, Hà Nội, Việt Nam
Giấy phép xuất bản số 190/GP-TTĐT cấp ngày 27/10/2023
Người chịu trách nhiệm chính: Ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch VCCI
Quản lý và vận hành: Trung tâm Truyền thông và Thông tin Kinh tế - VCCI | ||
Văn Phòng - Lễ tân: | Phụ trách website: | Liên hệ quảng cáo: |
📞 + 84-24-35742022 | 📞 + 84-24-35743084 | 📞 + 84-24-35743084 |
+ 84-24-35742020 | vcci@vcci.com.vn |
Truy cập phiên bản website cũ. Thiết kế và phát triển bởi ADT Global