Thứ 6, 10/01/2025 | English | Vietnamese
Xem chi tiết văn bản
NGHỊ ĐỊNH
CỦA CHÍNH PHỦ SỐ 109/2004/NĐ-CP NGÀY 02 THÁNG 4 NĂM 2004
VỀ ĐĂNG KÝ KINH DOANH
CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Luật Doanh nghiệp ngày 12 tháng 6 năm 1999;
Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư,
NGHỊ ĐỊNH:
CHƯƠNG I
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Nghị định này quy định về cơ quan đăng ký kinh doanh và việc đăng ký kinh doanh đối với các doanh nghiệp hoạt động theo Luật Doanh nghiệp và hộ kinh doanh cá thể.
Điều 2. Quyền đăng ký kinh doanh
1. Thành lập doanh nghiệp và đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật là quyền của cá nhân và tổ chức được nhà nước bảo hộ.
2. Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương không được ban hành các quy định về đăng ký kinh doanh áp dụng riêng cho ngành hoặc địa phương mình.
3. Nghiêm cấm cơ quan đăng ký kinh doanh sách nhiễu, gây phiền hà đối với tổ chức, cá nhân trong khi tiếp nhận hồ sơ và giải quyết việc đăng ký kinh doanh, đăng ký thay đổi nội dung đăng ký kinh doanh.
CHƯƠNG II
NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN, TỔ CHỨC BỘ MÁY
CỦA CƠ QUAN ĐĂNG KÝ KINH DOANH
Điều 3. Cơ quan đăng ký kinh doanh
1. Cơ quan đăng ký kinh doanh được tổ chức ở tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là cấp tỉnh) và ở huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (sau đây gọi chung là cấp huyện), bao gồm:
a) Phòng đăng ký kinh doanh trong Sở Kế hoạch và Đầu tư (sau đây gọi chung là Phòng đăng ký kinh doanh cấp tỉnh).
b) Căn cứ vào yêu cầu và nhiệm vụ cụ thể của công tác đăng ký kinh doanh ở địa phương, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh quyết định thành lập Phòng đăng ký kinh doanh cấp huyện; trường hợp không thành lập Phòng đăng ký kinh doanh cấp huyện, thì giao Phòng tài chính - kế hoạch hoặc Phòng kinh tế thực hiện nhiệm vụ đăng ký kinh doanh quy định tại Điều 5 Nghị định này (sau đây gọi chung là Cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện).
2. Phòng đăng ký kinh doanh cấp tỉnh và Phòng đăng ký kinh doanh cấp huyện (đối với những quận, huyện được thành lập Phòng đăng ký kinh doanh) có tài khoản và con dấu riêng.
Điều 4. Nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của Phòng đăng ký kinh doanh cấp tỉnh
1. Trực tiếp nhận hồ sơ đăng ký kinh doanh; xem xét tính hợp lệ của hồ sơ đăng ký kinh doanh và cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh cho doanh nghiệp.
2. Hướng dẫn người đăng ký kinh doanh về ngành, nghề kinh doanh phải có điều kiện và điều kiện kinh doanh các ngành, nghề đó.
3. Xây dựng, quản lý hệ thống thông tin về doanh nghiệp trong phạm vi địa phương; cung cấp thông tin về doanh nghiệp trong phạm vi địa phương cho Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh, các sở có liên quan và Bộ Kế hoạch và Đầu tư theo định kỳ, cho các tổ chức, cá nhân có yêu cầu.
4. Yêu cầu doanh nghiệp báo cáo tình hình kinh doanh của doanh nghiệp khi xét thấy cần thiết theo quy định tại khoản 3 Điều 116 Luật Doanh nghiệp; đôn đốc việc thực hiện chế độ báo cáo tài chính hàng năm của doanh nghiệp theo quy định tại Điều 118 Luật Doanh nghiệp.
5. Khi xem xét hồ sơ đăng ký kinh doanh, nếu phát hiện nội dung đăng ký kê khai không chính xác, không đầy đủ, thì yêu cầu người đăng ký kinh doanh hiệu đính hoặc làm lại hồ sơ đăng ký kinh doanh; nếu phát hiện nội dung đăng ký kê khai là giả mạo, thì từ chối cấp đăng ký kinh doanh.
Sau khi cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, nếu phát hiện có nội dung kê khai trong hồ sơ đăng ký kinh doanh là không chính xác, thì tùy theo mức độ vi phạm mà xử lý theo quy định tại Nghị định số 37/2003/NĐ-CP ngày 10 tháng 4 năm 2003 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về đăng ký kinh doanh.
6. Trực tiếp kiểm tra hoặc yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền kiểm tra doanh nghiệp theo nội dung đăng ký kinh doanh.
7. Thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh đối với doanh nghiệp trong các trường hợp sau đây:
a) Có nội dung kê khai trong hồ sơ đăng ký kinh doanh là giả mạo hoặc trái với Điều 9 Luật Doanh nghiệp;
b) Không đăng ký mã số thuế trong thời hạn một năm kể từ khi được cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh;
c) Không hoạt động tại trụ sở đăng ký trong thời hạn một năm kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc chứng nhận thay đổi trụ sở chính;
d) Ngừng hoạt động kinh doanh một năm liên tục mà không báo cáo cơ quan đăng ký kinh doanh;
đ) Không báo cáo về hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp với cơ quan đăng ký kinh doanh trong 2 năm liên tiếp;
e) Không gửi báo cáo theo quy định tại khoản 3 Điều 116 Luật Doanh nghiệp đến cơ quan đăng ký kinh doanh trong thời hạn 6 tháng kể từ ngày có yêu cầu bằng văn bản;
g) Kinh doanh các ngành, nghề bị cấm.
Cơ quan đăng ký kinh doanh không được quyền thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh của doanh nghiệp trong bất cứ trường hợp nào khác ngoài các trường hợp quy định tại khoản này.
Điều 5. Nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của Cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện
1. Trực tiếp nhận đơn đăng ký kinh doanh của hộ kinh doanh cá thể, xem xét tính hợp lệ của đơn đăng ký kinh doanh và cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh cho hộ kinh doanh cá thể.
2. Hướng dẫn người đăng ký kinh doanh về ngành, nghề kinh doanh phải có điều kiện và điều kiện kinh doanh các ngành, nghề đó.
3. Xây dựng, quản lý hệ thống thông tin về hộ kinh doanh cá thể hoạt động trên phạm vi địa bàn; định kỳ báo cáo Uỷ ban nhân dân cấp huyện, Phòng đăng ký kinh doanh cấp tỉnh về hộ kinh doanh cá thể và doanh nghiệp, chi nhánh, văn phòng đại diện doanh nghiệp trên phạm vi địa bàn.
4. Trực tiếp hoặc phối hợp với cơ quan nhà nước có thẩm quyền kiểm tra doanh nghiệp, hộ kinh doanh cá thể theo nội dung đăng ký kinh doanh trên phạm vi địa bàn; xác minh nội dung đăng ký kinh doanh của doanh nghiệp, chi nhánh và văn phòng đại diện trên phạm vi địa bàn theo yêu cầu của Phòng đăng ký kinh doanh cấp tỉnh.
5. Thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh đối với hộ kinh doanh cá thể trong các trường hợp sau đây:
a) Không tiến hành hoạt động kinh doanh trong thời hạn sáu mươi ngày, kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh;
b) Ngừng hoạt động kinh doanh quá sáu mươi ngày liên tục mà không thông báo với cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện nơi đăng ký kinh doanh;
c) Chuyển địa điểm kinh doanh sang quận, huyện khác;
d) Kinh doanh ngành, nghề bị cấm.
Cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện không có quyền thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh của hộ kinh doanh cá thể trong bất kỳ trường hợp nào khác ngoài các trường hợp quy định tại khoản này.
Điều 6. Nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về đăng ký kinh doanh
1. Ban hành theo thẩm quyền những văn bản hướng dẫn về chuyên môn, nghiệp vụ, biểu mẫu phục vụ công tác đăng ký kinh doanh.
2. Hướng dẫn, đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ đăng ký kinh doanh cho cán bộ làm công tác đăng ký kinh doanh.
3. Quy định chế độ báo cáo về công tác đăng ký kinh doanh và kiểm tra việc chấp hành chế độ báo cáo đó trong phạm vi toàn quốc.
4. Xây dựng, quản lý hệ thống thông tin về doanh nghiệp trong phạm vi toàn quốc; cung cấp thông tin về doanh nghiệp cho các cơ quan có liên quan của Chính phủ theo định kỳ, cho tổ chức, cá nhân có yêu cầu.
5. Giám sát, kiểm tra công tác đăng ký kinh doanh; kiểm tra các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến đăng ký kinh doanh do các Bộ, Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ban hành; phát hiện những quy định do các cơ quan đó ban hành không đúng thẩm quyền hoặc trái với Luật Doanh nghiệp hoặc nghị định hướng dẫn thi hành Luật và giải quyết theo quy định tại các khoản 3, 4, 5 Điều 13 Nghị định số 86/2002/NĐ-CP ngày 05 tháng 11 năm 2002 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ, cơ quan ngang Bộ.
6. Hợp tác quốc tế trong lĩnh vực đăng ký kinh doanh.
CHƯƠNG III
ĐẶT TÊN DOANH NGHIỆP
Điều 7. Tên doanh nghiệp
1. Tên doanh nghiệp ít nhất phải có 2 thành tố sau đây:
a) Loại hình doanh nghiệp;
b) Tên riêng.
Tên riêng phải viết được bằng tiếng Việt, có thể kèm theo chữ số và ký hiệu, phát âm được.
2. Doanh nghiệp có thể sử dụng ngành, nghề kinh doanh hay phụ trợ khác để cấu thành tên doanh nghiệp.
Điều 8. Những điều cấm trong đặt tên doanh nghiệp
1. Không được đặt tên trùng hoặc tên gây nhầm lẫn với tên của doanh nghiệp đã đăng ký.
2. Không được sử dụng tên cơ quan nhà nước, đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân, tên của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội để làm toàn bộ hoặc một phần tên riêng của doanh nghiệp, trừ trường hợp có sự chấp thuận của cơ quan, đơn vị hoặc tổ chức đó.
3. Không được sử dụng từ ngữ, ký hiệu vi phạm truyền thống lịch sử, văn hóa, đạo đức và thuần phong mỹ tục của dân tộc để đặt tên riêng cho doanh nghiệp.
Điều 9. Tên doanh nghiệp viết bằng tiếng nước ngoài
Tên doanh nghiệp viết bằng tiếng nước ngoài là tên được dịch từ tiếng Việt sang tiếng nước ngoài tương ứng. Khi dịch sang tiếng nước ngoài, tên riêng của doanh nghiệp có thể giữ nguyên hoặc dịch tương ứng toàn bộ sang tiếng nước ngoài.
Điều 10. Tên trùng và tên gây nhầm lẫn
1. Tên trùng là trường hợp tên của doanh nghiệp yêu cầu đăng ký được viết và đọc bằng tiếng Việt hoàn toàn giống với tên của doanh nghiệp đã đăng ký.
2. Các trường hợp sau đây được coi là gây nhầm lẫn với tên của các doanh nghiệp khác:
a) Tên bằng tiếng Việt của doanh nghiệp yêu cầu đăng ký được đọc giống như tên doanh nghiệp đã đăng ký;
b) Tên bằng tiếng Việt của doanh nghiệp yêu cầu đăng ký chỉ khác tên doanh nghiệp đã đăng ký bởi ký hiệu “&”;
c) Tên viết tắt của doanh nghiệp yêu cầu đăng ký trùng với tên viết tắt của doanh nghiệp đã đăng ký;
d) Tên bằng tiếng nước ngoài của doanh nghiệp yêu cầu đăng ký trùng với tên bằng tiếng nước ngoài của doanh nghiệp đã đăng ký;
đ) Tên của doanh nghiệp yêu cầu đăng ký khác với tên của doanh nghiệp đã đăng ký bởi số tự nhiên, số thứ tự hoặc các chữ cái tiếng Việt (A, B, C,...) ngay sau tên riêng của doanh nghiệp đó, trừ trường hợp doanh nghiệp yêu cầu đăng ký là doanh nghiệp con của doanh nghiệp đã đăng ký.
e) Tên của doanh nghiệp yêu cầu đăng ký khác với tên của doanh nghiệp đã đăng ký bởi từ “tân” ngay trước, hoặc "mới" ngay sau tên của doanh nghiệp đã đăng ký.
g) Tên của doanh nghiệp yêu cầu đăng ký chỉ khác tên của doanh nghiệp đã đăng ký bởi các từ “Bắc”, “miền Bắc”, “Nam”, “miền Nam”, “Trung”, “miền Trung”, “Tây”, “miền Tây”, “Đông”, “miền Đông”, trừ trường hợp doanh nghiệp yêu cầu đăng ký là doanh nghiệp con của doanh nghiệp đã đăng ký.
h) Các trường hợp tên gây nhầm lẫn khác theo quyết định của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Điều 11. Các vấn đề khác liên quan đến đặt tên doanh nghiệp
1. Căn cứ quy định tại Chương này, trong thời hạn ba tháng kể từ khi Nghị định này có hiệu lực Phòng đăng ký kinh doanh cấp tỉnh tập hợp danh mục doanh nghiệp trùng tên và doanh nghiệp có tên gây nhầm lẫn với tên của doanh nghiệp khác trên phạm vi địa phương; Trung tâm thông tin doanh nghiệp quốc gia tập hợp và đưa danh mục doanh nghiệp trùng tên và doanh nghiệp có tên gây nhầm lẫn với doanh nghiệp khác trong cả nước lên trang thông tin doanh nghiệp trong nước của hệ thống thông tin doanh nghiệp quốc gia.
2. Các doanh nghiệp đăng ký trước khi Nghị định này có hiệu lực có tên gây nhầm lẫn với tên doanh nghiệp khác không bị buộc phải đăng ký đổi tên.
3. Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn chi tiết việc đặt tên doanh nghiệp quy định tại Chương này.
CHƯƠNG IV
TRÌNH TỰ, THỦ TỤC ĐĂNG KÝ KINH DOANH ĐỐI VỚI CÁC DOANH NGHIỆP HOẠT ĐỘNG THEO LUẬT DOANH NGHIỆP
Điều 12. Hồ sơ đăng ký kinh doanh
1. Hồ sơ đăng ký kinh doanh đối với công ty trách nhiệm hữu hạn và công ty cổ phần bao gồm:
a) Đơn đăng ký kinh doanh lập theo mẫu do Bộ Kế hoạch và Đầu tư quy định;
b) Điều lệ công ty;
c) Danh sách thành viên đối với công ty trách nhiệm hữu hạn có từ hai thành viên trở lên, danh sách cổ đông sáng lập đối với công ty cổ phần.
Đối với công ty kinh doanh các ngành, nghề phải có vốn pháp định, thì phải có thêm xác nhận của cơ quan có thẩm quyền hoặc chứng chỉ hợp pháp chứng minh về số vốn của công ty.
Đối với công ty kinh doanh các ngành, nghề phải có chứng chỉ hành nghề, thì phải có thêm bản sao hợp lệ chứng chỉ hành nghề của một trong số những người quản lý công ty theo quy định tại khoản 12 Điều 3 Luật Doanh nghiệp.
2. Hồ sơ đăng ký kinh doanh đối với công ty hợp danh bao gồm:
a) Đơn đăng ký kinh doanh lập theo mẫu do Bộ Kế hoạch và Đầu tư quy định;
b) Điều lệ công ty;
c) Danh sách thành viên hợp danh.
Đối với công ty kinh doanh các ngành, nghề phải có vốn pháp định, thì phải có thêm xác nhận của cơ quan có thẩm quyền hoặc chứng chỉ hợp pháp chứng minh về số vốn của công ty.
Đối với công ty kinh doanh các ngành, nghề phải có chứng chỉ hành nghề, thì phải có thêm bản sao hợp lệ chứng chỉ hành nghề của các thành viên hợp danh.
3. Hồ sơ đăng ký kinh doanh đối với doanh nghiệp tư nhân bao gồm:
Đơn đăng ký kinh doanh lập theo mẫu do Bộ Kế hoạch và Đầu tư quy định.
Đối với doanh nghiệp tư nhân kinh doanh các ngành, nghề phải có vốn pháp định, thì phải có thêm xác nhận của cơ quan có thẩm quyền hoặc chứng chỉ hợp pháp chứng minh về số vốn của doanh nghiệp.
Đối với doanh nghiệp tư nhân kinh doanh các ngành, nghề phải có chứng chỉ hành nghề, thì phải có thêm bản sao hợp lệ chứng chỉ hành nghề của chủ doanh nghiệp tư nhân hoặc giám đốc quản lý doanh nghiệp.
Điều 13. Trình tự và thủ tục đăng ký kinh doanh
Trình tự và thủ tục đăng ký kinh doanh được thực hiện như sau:
1. Người thành lập doanh nghiệp hoặc người đại diện theo uỷ quyền nộp đủ hồ sơ theo quy định tại Điều 12 Nghị định này tại Phòng đăng ký kinh doanh cấp tỉnh nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính. Thành viên sáng lập, cổ đông sáng lập, chủ sở hữu công ty, chủ sở hữu doanh nghiệp tư nhân, thành viên hợp danh cùng với người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp liên đới chịu trách nhiệm về tính chính xác, trung thực của nội dung hồ sơ đăng ký kinh doanh.
Phòng đăng ký kinh doanh cấp tỉnh không được yêu cầu người thành lập doanh nghiệp nộp thêm bất kỳ giấy tờ nào khác ngoài hồ sơ quy định tại Điều 12 Nghị định này đối với từng loại hình doanh nghiệp.
2. Khi tiếp nhận hồ sơ, Phòng đăng ký kinh doanh cấp tỉnh phải trao giấy biên nhận về việc nhận hồ sơ cho người nộp hồ sơ. Phòng đăng ký kinh doanh cấp tỉnh chịu trách nhiệm về tính hợp lệ của hồ sơ, không chịu trách nhiệm về những hành vi vi phạm pháp luật của doanh nghiệp xảy ra sau đăng ký kinh doanh.
3. Phòng đăng ký kinh doanh cấp tỉnh cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh cho doanh nghiệp trong thời hạn mười lăm ngày, kể từ ngày nhận hồ sơ, nếu có đủ các điều kiện sau đây:
a) Ngành, nghề kinh doanh không thuộc danh mục ngành, nghề cấm kinh doanh;
b) Tên doanh nghiệp được đặt đúng theo quy định tại Chương III Nghị định này.
c) Hồ sơ đăng ký kinh doanh hợp lệ theo quy định tại khoản 3 Điều 3 Luật Doanh nghiệp;
d) Nộp đủ lệ phí đăng ký kinh doanh theo quy định.
Sau khi được cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, doanh nghiệp được khắc dấu và có quyền sử dụng con dấu của mình.
4. Trường hợp hồ sơ không hợp lệ hoặc tên doanh nghiệp được đặt không đúng theo quy định, thì Phòng đăng ký kinh doanh cấp tỉnh phải thông báo bằng văn bản cho người thành lập doanh nghiệp biết trong thời hạn bảy ngày, kể từ ngày nhận hồ sơ. Thông báo phải nêu rõ nội dung cần sửa đổi và cách thức sửa đổi. Quá thời hạn nói trên mà không có thông báo, thì tên của doanh nghiệp coi như được chấp nhận, hồ sơ đăng ký kinh doanh được coi là hợp lệ.
5. Nếu sau mười lăm ngày, kể từ ngày nộp hồ sơ đăng ký kinh doanh, mà không nhận được Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, thì người thành lập doanh nghiệp có quyền khiếu nại đến Phòng đăng ký kinh doanh cấp tỉnh, nơi tiếp nhận hồ sơ đăng ký kinh doanh. Sau thời hạn bảy ngày, kể từ ngày nộp đơn khiếu nại, mà không nhận được trả lời của Phòng đăng ký kinh doanh cấp tỉnh, thì người thành lập doanh nghiệp có quyền khiếu nại lên Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh hoặc kiện ra Toà hành chính cấp tỉnh nơi nộp hồ sơ đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật.
6. Kể từ khi được cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, doanh nghiệp có quyền hoạt động kinh doanh mà không cần phải xin phép bất cứ cơ quan nhà nướcnào, trừ trường hợp doanh nghiệp kinh doanh ngành, nghề phải có điều kiện.
7. Trong thời hạn bảy ngày, kể từ ngày cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh cho doanh nghiệp, Phòng đăng ký kinh doanh cấp tỉnh gửi bản sao Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh đến Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Trung tâm thông tin doanh nghiệp, cơ quan thuế, cơ quan thống kê, cơ quan quản lý ngành kinh tế - kỹ thuật cùng cấp, cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính.
8. Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh do Phòng đăng ký kinh doanh cấp tỉnh cấp có hiệu lực trong phạm vi toàn quốc.
Điều 14. Đăng ký lập chi nhánh, văn phòng đại diện
1. Khi lập chi nhánh, văn phòng đại diện, doanh nghiệp phải gửi thông báo tới Phòng đăng ký kinh doanh cấp tỉnh nơi đặt chi nhánh, văn phòng đại diện. Nội dung thông báo gồm có:
a) Tên và địa chỉ trụ sở chính của doanh nghiệp;
b) Ngành, nghề kinh doanh của doanh nghiệp;
c) Tên chi nhánh, văn phòng đại diện dự định thành lập; tên phải kèm theo chữ “Chi nhánh” đối với đăng ký thành lập chi nhánh và chữ “Văn phòng đại diện” đối với trường hợp đăng ký thành lập văn phòng đại diện;
d) Họ tên, số chứng minh nhân dân, chữ ký và nơi cư trú của người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp;
đ) Tên và địa chỉ trụ sở chi nhánh, văn phòng đại diện;
e) Nội dung, phạm vi hoạt động của chi nhánh, văn phòng đại diện;
g) Họ tên, nơi cư trú, số chứng minh nhân dân của người đứng đầu chi nhánh, văn phòng đại diện.
2. Kèm theo thông báo quy định tại khoản 1 Điều này, phải có:
a) Bản sao Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh của doanh nghiệp;
b) Bản sao Điều lệ công ty đối với công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh.
c) Quyết định bằng văn bản, kèm bản sao biên bản họp của Hội đồng thành viên đối với công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên, của chủ sở hữu công ty đối với công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên, của Hội đồng quản trị đối với công ty cổ phần, của các thành viên hợp danh đối với công ty hợp danh về việc thành lập chi nhánh, văn phòng đại diện.
Đối với chi nhánh kinh doanh các ngành nghề phải có chứng chỉ hành nghề, thì phải có thêm bản sao chứng chỉ hành nghề của ít nhất một trong số người những người làm việc tại chi nhánh, văn phòng đại diện.
3. Nếu ngành, nghề kinh doanh của chi nhánh phù hợp với ngành, nghề kinh doanh của doanh nghiệp, nội dung hoạt động của văn phòng đại diện phù hợp với nội dung hoạt động của doanh nghiệp thì trong thời hạn bảy ngày, kể từ ngày nhận được thông báo, Phòng đăng ký kinh doanh cấp tỉnh cấp Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động của chi nhánh, văn phòng đại diện.
Sau khi được cấp Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động, chi nhánh, văn phòng đại diện được khắc dấu và có quyền sử dụng con dấu của mình.
4. Trường hợp doanh nghiệp lập chi nhánh, văn phòng đại diện tại tỉnh, thành phố khác nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính, thì trong thời hạn bảy ngày, kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động chi nhánh, văn phòng đại diện, doanh nghiệp phải thông báo bằng văn bản tới Phòng đăng ký kinh doanh cấp tỉnh nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính và bổ sung vào hồ sơ đăng ký kinh doanh.
5. Việc lập chi nhánh, văn phòng đại diện của doanh nghiệp ở nước ngoài được thực hiện theo quy định của pháp luật nước đó.
Trong thời hạn mười lăm ngày, kể từ ngày chính thức mở chi nhánh, văn phòng đại diện ở nước ngoài, doanh nghiệp phải thông báo bằng văn bản cho Phòng đăng ký kinh doanh cấp tỉnh nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính để bổ sung vào hồ sơ đăng ký kinh doanh.
Điều 15. Đăng ký bổ sung, thay đổi ngành, nghề kinh doanh
1. Khi bổ sung, thay đổi ngành, nghề kinh doanh, doanh nghiệp gửi thông báo đến Phòng đăng ký kinh doanh cấp tỉnh nơi doanh nghiệp đã đăng ký. Nội dung thông báo gồm có:
a) Tên doanh nghiệp, số đăng ký kinh doanh, ngày cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh;
b) Địa chỉ trụ sở chính của doanh nghiệp;
c) Ngành, nghề kinh doanh đã đăng ký;
d) Ngành, nghề đăng ký bổ sung hoặc thay đổi;
đ) Họ tên, số chứng minh nhân dân, chữ ký và nơi cư trú của người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp.
Đối với bổ sung, thay đổi ngành, nghề phải có vốn pháp định, thì phải có thêm xác nhận của cơ quan có thẩm quyền hoặc chứng chỉ hợp pháp chứng minh số vốn của doanh nghiệp.
Đối với bổ sung, thay đổi ngành, nghề phải có chứng chỉ hành nghề, thì phải có thêm bản sao hợp lệ chứng chỉ hành nghề theo quy định.
Kèm theo thông báo phải có quyết định bằng văn bản và bản sao biên bản họp của Hội đồng thành viên đối với công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên, của chủ sở hữu công ty đối với công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên, của Đại hội đồng cổ đông đối với công ty cổ phần và của các thành viên hợp danh đối với công ty hợp danh về việc bổ sung, thay đổi ngành, nghề kinh doanh.
2. Khi nhận thông báo, Phòng đăng ký kinh doanh cấp tỉnh phải trao giấy biên nhận và thực hiện đăng ký bổ sung, thay đổi ngành, nghề kinh doanh trong thời hạn bảy ngày, kể từ ngày nhận thông báo.
Điều 16. Đăng ký thay đổi địa chỉ trụ sở chính của doanh nghiệp
1. Khi chuyển địa chỉ trụ sở chính đến nơi khác trong phạm vi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, doanh nghiệp gửi thông báo đến Phòng đăng ký kinh doanh cấp tỉnh. Nội dung thông báo gồm có:
a) Tên doanh nghiệp, số đăng ký kinh doanh, ngày cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh;
b) Địa chỉ trụ sở chính của doanh nghiệp;
c) Địa chỉ trụ sở chính dự định chuyển đến;
d) Họ tên, số chứng minh nhân dân, chữ ký và nơi cư trú của người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp.
Kèm theo thông báo phải có quyết định bằng văn bản và bản sao biên bản họp của Hội đồng thành viên đối với công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên, của chủ sở hữu công ty đối với công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên, của Đại hội đồng cổ đông đối với công ty cổ phần và của các thành viên hợp danh đối với công ty hợp danh về việc đăng ký thay đổi địa chỉ trụ sở chính của doanh nghiệp.
Khi nhận thông báo, Phòng đăng ký kinh doanh cấp tỉnh phải trao giấy biên nhận và thực hiện đăng ký thay đổi địa chỉ trụ sở chính của doanh nghiệp trong thời hạn bảy ngày, kể từ ngày nhận thông báo.
Sau thời hạn bảy ngày nói trên mà doanh nghiệp vẫn không được đăng ký thay đổi trụ sở chính, thì doanh nghiệp vẫn có quyền chuyển sang trụ sở mới, nhưng phải gửi thông báo về địa chỉ trụ sở mới cho tất cả các chủ nợ biết trước khi chuyển địa chỉ.
2. Khi chuyển địa chỉ trụ sở chính của doanh nghiệp sang tỉnh khác, doanh nghiệp gửi thông báo đến Phòng đăng ký kinh doanh cấp tỉnh nơi doanh nghiệp đã đăng ký và Phòng đăng ký kinh doanh cấp tỉnh nơi doanh nghiệp dự định đặt trụ sở mới. Nội dung thông báo gồm có:
a) Tên doanh nghiệp, số đăng ký kinh doanh, ngày và nơi cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh;
b) Địa chỉ trụ sở chính của doanh nghiệp;
c) Địa chỉ trụ sở chính dự định chuyển đến;
d) Họ tên, số chứng minh nhân dân, chữ ký và nơi cư trú của người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp.
Kèm theo thông báo gửi đến Phòng đăng ký kinh doanh cấp tỉnh nơi doanh nghiệp dự định đặt trụ sở mới, phải có Điều lệ công ty và danh sách thành viên đối với công ty trách nhiệm hữu hạn có từ hai thành viên trở lên, danh sách cổ đông sáng lập đối với công ty cổ phần, danh sách thành viên hợp danh đối với công ty hợp danh; quyết định bằng văn bản và bản sao biên bản họp của Hội đồng thành viên đối với công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên, của chủ sở hữu công ty đối với công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên, của Đại hội đồng cổ đông đối với công ty cổ phần và của các thành viên hợp danh đối với công ty hợp danh.
Trường hợp tên của doanh nghiệp không trùng hoặc không gây nhầm lẫn với tên của doanh nghiệp đã đăng ký trong phạm vi địa phương nơi doanh nghiệp chuyển đến, thì Phòng đăng ký kinh doanh cấp tỉnh, nơi doanh nghiệp dự định đặt trụ sở mới, đăng ký việc chuyển đổi địa chỉ trụ sở chính và cấp lại Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh cho doanh nghiệp trong thời hạn mười lăm ngày kể từ ngày nhận được thông báo.
Trường hợp tên của doanh nghiệp trùng hoặc gây nhầm lẫn với tên của doanh nghiệp đã đăng ký trong phạm vi địa phương nơi doanh nghiệp chuyển đến, thì trong thời hạn bảy ngày, kể từ ngày nhận được thông báo, Phòng đăng ký kinh doanh cấp tỉnh, nơi doanh nghiệp dự định đặt trụ sở mới phải thông báo bằng văn bản cho doanh nghiệp biết, đồng thời hướng dẫn doanh nghiệp chọn tên khác và thay đổi các nội dung có liên quan trong hồ sơ của doanh nghiệp. Trong trường hợp này, Phòng đăng ký kinh doanh cấp tỉnh đăng ký chuyển đổi địa chỉ trụ sở chính khi doanh nghiệp thực hiện đúng các yêu cầu nói trên.
Trong thời hạn bảy ngày, kể từ ngày được cấp lại Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, doanh nghiệp phải gửi bản sao hợp lệ đến Phòng đăng ký kinh doanh cấp tỉnh, nơi trước đây doanh nghiệp đã đăng ký kinh doanh.
3. Việc thay đổi địa chỉ trụ sở chính của doanh nghiệp không làm thay đổi quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp.
Điều 17. Đăng ký đổi tên doanh nghiệp
1. Khi đổi tên, doanh nghiệp gửi thông báo đến Phòng đăng ký kinh doanh cấp tỉnh, nơi doanh nghiệp đã đăng ký. Nội dung thông báo gồm có:
a) Tên hiện tại của doanh nghiệp; số đăng ký kinh doanh và ngày cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh;
b) Địa chỉ trụ sở chính của doanh nghiệp;
c) Tên dự kiến thay đổi;
d) Họ tên, số chứng minh nhân dân, chữ ký và nơi cư trú của người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp.
Kèm theo thông báo phải có quyết định bằng văn bản và bản sao biên bản họp của Hội đồng thành viên đối với công ty trách nhiệm hữu hạn, của chủ sở hữu công ty đối với công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên, của Đại hội đồng cổ đông đối với công ty cổ phần và của các thành viên hợp danh đối với công ty hợp danh về việc đổi tên doanh nghiệp.
2. Khi nhận thông báo, Phòng đăng ký kinh doanh cấp tỉnh phải trao giấy biên nhận và thực hiện đăng ký đổi tên doanh nghiệp trong thời hạn bảy ngày kể từ ngày nhận thông báo, nếu tên dự kiến thay đổi của doanh nghiệp không trái với quy định về đặt tên doanh nghiệp.
3. Việc thay đổi tên của doanh nghiệp không làm thay đổi quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp.
Điều 18. Đăng ký thay đổi người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp
1. Trường hợp công ty hợp danh tiếp nhận thành viên hợp danh, khai trừ thành viên hợp danh, có thành viên hợp danh rút khỏi công ty, thì công ty hợp danh gửi thông báo đến Phòng đăng ký kinh doanh cấp tỉnh, nơi công ty đăng ký kinh doanh. Nội dung thông báo gồm có:
a) Tên công ty, số đăng ký kinh doanh, ngày cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh;
b) Địa chỉ trụ sở chính của công ty;
c) Họ tên, nơi cư trú của thành viên hợp danh mới; của thành viên hợp danh bị khai trừ hoặc tự nguyện rút khỏi công ty;
d) Chữ ký của tất cả thành viên hợp danh hoặc thành viên hợp danh được ủy quyền.
Khi nhận thông báo, Phòng đăng ký kinh doanh cấp tỉnh trao giấy biên nhận và thực hiện đăng ký thay đổi thành viên hợp danh trong thời hạn bảy ngày, kể từ ngày nhận thông báo.
2. Trường hợp thay đổi người đại diện theo pháp luật của công ty trách nhiệm hữu hạn và công ty cổ phẩn, thì công ty gửi thông báo đến Phòng đăng ký kinh doanh cấp tỉnh nơi công ty đã đăng ký. Nội dung thông báo gồm có:
a) Tên công ty, số đăng ký kinh doanh, ngày cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh;
b) Địa chỉ trụ sở chính của công ty;
c) Họ tên, số chứng minh nhân dân, chức danh, nơi cư trú của người đang là đại diện theo pháp luật của công ty;
d) Họ tên, số chứng minh nhân dân, chức danh, nơi cư trú của người thay thế làm đại diện theo pháp luật của công ty;
đ) Họ tên và chữ ký của Chủ tịch Hội đồng thành viên đối với công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên, của đại diện có thẩm quyền của chủ sở hữu công ty đối với công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên, của Chủ tịch Hội đồng quản trị đối với công ty cổ phần và công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên theo mô hình Hội đồng quản trị. Trường hợp Chủ tịch Hội đồng thành viên, Chủ tịch Hội đồng quản trị hoặc người đại diện theo pháp luật của công ty bỏ trốn khỏi nơi cư trú, bị tạm giam, bị bệnh tâm thần hoặc các bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được bản thân hoặc từ chối ký tên vào thông báo của công ty, thì phải có họ tên và chữ ký của các thành viên Hội đồng thành viên hoặc các thành viên Hội đồng quản trị đã tham dự và biểu quyết nhất trí về việc thay đổi người đại diện theo pháp luật của công ty.
Kèm theo thông báo phải có quyết định và bản sao biên bản họp của Hội đồng thành viên đối với công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên, của chủ sở hữu công ty đối với công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên, của Hội đồng quản trị đối với công ty cổ phần và công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên tổ chức theo mô hình có Hội đồng quản trị.
Khi nhận thông báo, Phòng đăng ký kinh doanh cấp tỉnh phải trao giấy biên nhận và thực hiện đăng ký thay đổi thành viên hợp danh trong thời hạn bảy ngày, kể từ ngày nhận thông báo.
Điều 19. Đăng ký thay đổi vốn đầu tư của chủ doanh nghiệp tư nhân và vốn điều lệ của công ty
1. Khi tăng, giảm vốn đầu tư đã đăng ký, chủ doanh nghiệp tư nhân phải thông báo về việc thay đổi vốn với Phòng đăng ký kinh doanh cấp tỉnh nơi doanh nghiệp đã đăng ký. Nội dung thông báo gồm có:
a) Tên doanh nghiệp, số đăng ký kinh doanh, ngày cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh;
b) Họ tên, số chứng minh nhân dân, chữ ký và nơi cư trú của chủ doanh nghiệp;
c) Địa chỉ trụ sở chính của doanh nghiệp;
d) Ngành, nghề kinh doanh;
đ) Mức vốn đầu tư đã đăng ký, mức vốn đăng ký thay đổi, phương thức và thời điểm thay đổi vốn đầu tư.
Khi nhận thông báo, Phòng đăng ký kinh doanh cấp tỉnh trao giấy biên nhận và thực hiện đăng ký thay đổi vốn đầu tư trong thời hạn bảy ngày, kể từ ngày nhận thông báo.
2. Khi tăng, giảm vốn điều lệ, công ty gửi thông báo đến Phòng đăng ký kinh doanh cấp tỉnh nơi công ty đã đăng ký. Nội dung thông báo gồm có:
a) Tên công ty, số đăng ký kinh doanh, ngày cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh;
b) Địa chỉ trụ sở chính của công ty;
c) Ngành, nghề kinh doanh;
d) Vốn điều lệ đã đăng ký và vốn điều lệ đăng ký sau khi tăng hoặc giảm; phương thức và thời điểm thực hiện tăng hoặc giảm vốn;
đ) Họ tên, số chứng minh nhân dân, chữ ký và nơi cư trú của người đại diện theo pháp luật của công ty hoặc của thành viên hợp danh được ủy quyền đối với công ty hợp danh.
Kèm theo thông báo phải có quyết định và bản sao biên bản họp của Hội đồng thành viên đối với công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên, của chủ sở hữu công ty đối với công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên, của Đại hội đồng cổ đông đối với công ty cổ phần và của các thành viên hợp danh đối với công ty hợp danh; đối với trường hợp giảm vốn điều lệ, kèm theo thông báo còn phải có thêm bảng cân đối tài sản của công ty tại thời điểm quyết định giảm vốn điều lệ.
Khi nhận thông báo, Phòng đăng ký kinh doanh cấp tỉnh trao giấy biên nhận và thực hiện đăng ký tăng, giảm vốn cho công ty trong thời hạn bảy ngày, kể từ ngày nhận được thông báo.
3. Trường hợp giảm vốn đối với doanh nghiệp kinh doanh ngành, nghề phải có vốn pháp định, thì Phòng đăng ký kinh doanh cấp tỉnh chỉ đăng ký giảm vốn đầu tư hoặc giảm vốn điều lệ, nếu mức vốn đăng ký sau khi giảm không thấp hơn mức vốn pháp định áp dụng đối với ngành, nghề đó.
Điều 20. Đăng ký thay đổi thành viên công ty
1. Không thực hiện đăng ký thay đổi cổ đông sáng lập công ty cổ phần; việc thay đổi cổ đông công ty cổ phần được đăng ký tại Sổ đăng ký cổ đông của công ty; việc đăng ký do Chủ tịch Hội đồng quản trị thực hiện trên cơ sở chứng từ xác nhận chuyển nhượng cổ phần hoặc mua cổ phần mới phát hành của công ty.
Cổ đông là tổ chức nước ngoài, cá nhân người nước ngoài không thường trú ở Việt Nam chỉ được đăng ký vào Sổ đăng ký cổ đông và trở thành cổ đông của công ty, nếu tổng số cổ phần của các cổ đông nước ngoài chưa vượt quá 30% tổng số cổ phần được quyền phát hành của công ty.
2. Việc đăng ký thay đổi thành viên công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên được thực hiện như sau:
a) Đối với trường hợp thay đổi do công ty tiếp nhận thêm thành viên mới, công ty gửi thông báo đến Phòng đăng ký kinh doanh cấp tỉnh, nơi công ty đã đăng ký. Thông báo phải có các nội dung chủ yếu sau đây:
- Tên công ty;
- Số đăng ký kinh doanh;
- Địa chỉ trụ sở chính;
- Tên, trụ sở chính (đối với thành viên là tổ chức), họ tên, số chứng minh nhân dân hoặc số hộ chiếu (đối với thành viên là cá nhân), quốc tịch, giá trị vốn góp và phần vốn góp, thời điểm góp vốn, loại tài sản góp vốn, số lượng và giá trị của từng loại tài sản góp vốn của các thành viên mới;
- Phần vốn góp đã thay đổi tương ứng đối với thành viên hiện có sau khi tiếp nhận thêm thành viên mới;
- Vốn điều lệ của công ty sau đăng ký tiếp nhận thêm thành viên mới;
- Họ tên, số chứng minh nhân dân, chữ ký của người đại diện theo pháp luật của công ty.
Kèm theo thông báo phải có quyết định và bản sao biên bản họp của Hội đồng thành viên về việc tiếp nhận thêm thành viên mới, giấy tờ xác nhận việc góp vốn của thành viên mới vào công ty; đối với thành viên là tổ chức nước ngoài, phải có thêm bản sao hợp lệ Giấy phép thành lập hoặc Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh; đối với thành viên là cá nhân người nước ngoài phải có thêm bản sao hộ chiếu còn hiệu lực của người đó.
Khi nhận thông báo, Phòng đăng ký kinh doanh cấp tỉnh trao giấy biên nhận và đăng ký thay đổi thành viên, đăng ký tăng vốn điều lệ công ty trong thời hạn bảy ngày, kể từ ngày nhận thông báo. Trường hợp thành viên mới là tổ chức nước ngoài hoặc cá nhân người nước ngoài không thường trú tại Việt Nam, thì việc đăng ký thay đổi thành viên chỉ thực hiện khi phần góp vốn của các cổ đông nước ngoài chưa vượt quá 30% vốn điều lệ của công ty.
b) Đối với trường hợp thay đổi thành viên do chuyển nhượng phần góp vốn, công ty gửi thông báo đến Phòng đăng ký kinh doanh cấp tỉnh, nơi công ty đã đăng ký kinh doanh. Thông báo phải có các nội dung chủ yếu sau đây:
- Tên công ty;
- Số đăng ký kinh doanh;
- Địa chỉ trụ sở chính;
- Tên, địa chỉ trụ sở chính (đối với tổ chức) hoặc họ và tên, số chứng minh nhân dân hoặc số hộ chiếu (đối với cá nhân), quốc tịch, phần vốn góp của thành viên chuyển nhượng;
- Tên, địa chỉ trụ sở chính (đối với tổ chức) hoặc họ và tên, số chứng minh nhân dân hoặc số hộ chiếu (đối với cá nhân), quốc tịch của người nhận chuyển nhượng và phần vốn góp tương ứng vào công ty sau chuyển nhượng;
- Thời điểm thực hiện chuyển nhượng;
- Họ tên, chữ ký, số chứng minh nhân dân của người đại diện theo pháp luật của công ty, của người chuyển nhượng và người nhận chuyển nhượng.
Kèm theo thông báo phải có hợp đồng chuyển nhượng và các giấy tờ chứng thực đã hoàn tất việc chuyển nhượng, có xác nhận của công ty. Phòng đăng ký kinh doanh cấp tỉnh nhận thông báo, trao giấy biên nhận và thực hiện đăng ký thay đổi thành viên trong thời hạn bảy ngày, kể từ khi nhận thông báo; nếu người nhận chuyển nhượng là tổ chức nước ngoài, người nước ngoài không thường trú tại Việt Nam, thì việc đăng ký thay đổi thành viên được thực hiện, khi phần góp vốn của các cổ đông nước ngoài chưa vượt quá 30% vốn điều lệ của công ty.
c) Đối với thay đổi thành viên do thừa kế, công ty gửi thông báo thay đổi thành viên đến Phòng đăng ký kinh doanh cấp tỉnh nơi doanh nghiệp đã đăng ký kinh doanh. Thông báo phải có các nội dung chủ yếu sau đây:
- Tên công ty;
- Số đăng ký kinh doanh;
- Địa chỉ trụ sở chính;
- Họ tên, số chứng minh nhân dân hoặc số hộ chiếu, quốc tịch, phần vốn góp của thành viên để lại thừa kế;
- Họ tên, số chứng minh nhân dân hoặc số hộ chiếu (nếu có), quốc tịch, chữ ký và phần vốn góp của từng người nhận thừa kế;
- Thời điểm thừa kế;
- Họ tên, chữ ký, số chứng minh nhân dân của người đại diện theo pháp luật của công ty.
Kèm theo thông báo phải có bản sao các giấy tờ chứng thực việc thừa kế. Phòng đăng ký kinh doanh cấp tỉnh nhận thông báo, trao giấy biên nhận và thực hiện đăng ký thay đổi thành viên trong thời hạn bảy ngày, kể từ khi nhận thông báo.
Điều 21. Quyền khiếu nại của doanh nghiệp
Sau thời hạn bảy ngày, kể từ ngày gửi thông báo bổ sung thay đổi nội dung đăng ký kinh doanh quy định tại các Điều 15, 16, 17, 18, 19, và 20 của Nghị định này đến Phòng đăng ký kinh doanh cấp tỉnh, mà doanh nghiệp không được đăng ký bổ sung, thay đổi nội dung đăng ký kinh doanh như quy định, thì có quyền khiếu nại theo quy định tại khoản 5 Điều 13 của Nghị định này.
Điều 22. Thông báo tạm ngừng hoạt động
Doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động phải thông báo bằng văn bản cho Phòng đăng ký kinh doanh cấp tỉnh nơi doanh nghiệp đã đăng ký và cơ quan thuế ít nhất mười lăm ngày trước khi tạm ngừng hoạt động. Nội dung thông báo gồm có:
1. Tên doanh nghiệp, số đăng ký kinh doanh và ngày cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh;
2. Địa chỉ trụ sở chính của doanh nghiệp;
3. Ngành, nghề kinh doanh;
4. Thời hạn tạm ngừng hoạt động, ngày bắt đầu và ngày kết thúc thời hạn tạm ngừng hoạt động;
5. Lý do tạm ngừng hoạt động;
6. Họ tên, số chứng minh nhân dân, chữ ký của người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp.
Kèm theo thông báo phải có quyết định và biên bản họp của Hội đồng thành viên đối với công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên, của chủ sở hữu công ty đối với công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên, của Đại hội đồng cổ đông đối với công ty cổ phần và của các thành viên hợp danh (đối với công ty hợp danh).
Phòng đăng ký kinh doanh cấp tỉnh nhận thông báo và ghi vào sổ theo dõi.
Điều 23. Thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh
1. Trường hợp cơ quan đăng ký kinh doanh phát hiện nội dung kê khai trong đăng ký kinh doanh là giả mạo, thì ra thông báo về vi phạm và quyết định thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.
2. Trường hợp chủ sở hữu doanh nghiệp tư nhân, thành viên công ty trách nhiệm hữu hạn, cổ đông sáng lập công ty cổ phần và thành viên hợp danh của doanh nghiệp đã đăng ký thuộc đối tượng bị cấm thành lập doanh nghiệp theo Điều 9 Luật Doanh nghiệp được xử lý theo các quy định sau đây:
a) Đối với doanh nghiệp tư nhân, Phòng đăng ký kinh doanh cấp tỉnh nơi doanh nghiệp đã đăng ký ra thông báo vi phạm và quyết định thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.
b) Đối với công ty trách nhiệm hữu hạn và công ty cổ phần, Phòng đăng ký kinh doanh cấp tỉnh nơi doanh nghiệp đã đăng ký thông báo bằng văn bản yêu cầu công ty thay đổi thành viên hoặc cổ đông thuộc đối tượng không được quyền thành lập doanh nghiệp và thực hiện đăng ký thay đổi thành viên, cổ đông trong thời hạn ba tháng kể từ ngày thông báo. Quá thời hạn nói trên mà không đăng ký thay đổi thành viên hoặc cổ đông, thì Phòng đăng ký kinh doanh cấp tỉnh ra thông báo vi phạm và quyết định thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.
c) Đối với công ty hợp danh, cơ quan đăng ký kinh doanh gửi thông báo bằng văn bản yêu cầu công ty thay đổi thành viên hợp danh thuộc đối tượng bị cấm thành lập doanh nghiệp và đăng ký thay đổi thành viên trong thời hạn mười lăm ngày, kể từ ngày thông báo. Quá thời hạn nói trên mà không đăng ký thay đổi thành viên hợp danh, thì Phòng đăng ký kinh doanh cấp tỉnh công bố vi phạm và quyết định thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.
3. Đối với các trường hợp doanh nghiệp vi phạm điểm b, c, d và đ khoản 7 Điều 4 của Nghị định này, Phòng đăng ký kinh doanh cấp tỉnh thông báo bằng văn bản về việc vi phạm và yêu cầu người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp đến trụ sở của Phòng để giải trình. Sau mười lăm ngày, kể từ ngày hẹn đến được định trong thông báo mà người được yêu cầu không đến, thì Phòng đăng ký kinh doanh cấp tỉnh công bố hành vi vi phạm của doanh nghiệp và thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.
4. Trường hợp doanh nghiệp không gửi báo cáo theo quy định tại khoản 3 Điều 116 Luật Doanh nghiệp đến Phòng đăng ký kinh doanh cấp tỉnh trong thời hạn sáu tháng, kể từ ngày có yêu cầu bằng văn bản theo quy định tại điểm d khoản 3 Điều 121 Luật Doanh nghiệp, thì trong thời hạn mười lăm ngày, kể từ ngày kết thúc thời hạn của yêu cầu báo cáo, Phòng đăng ký kinh doanh cấp tỉnh gửi thông báo bằng văn bản yêu cầu người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp đến trụ sở của Phòng để giải trình. Sau mười lăm ngày, kể từ ngày hẹn đến được định trong thông báo mà người được yêu cầu không đến, thì Phòng đăng ký kinh doanh cấp tỉnh công bố công khai hành vi vi phạm và thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.
5. Trường hợp Phòng đăng ký kinh doanh cấp tỉnh phát hiện doanh nghiệp kinh doanh ngành, nghề bị cấm, thì thông báo bằng văn bản yêu cầu doanh nghiệp chấm dứt ngay việc kinh doanh ngành, nghề đó. Nếu doanh nghiệp vẫn tiếp tục kinh doanh ngành, nghề bị cấm, thì Phòng đăng ký kinh doanh cấp tỉnh thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, đồng thời thông báo với các cơ quan nhà nước có thẩm quyền để xử lý theo quy định của pháp luật.
6. Sau khi ra thông báo về các hành vi vi phạm của doanh nghiệp theo quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4 và 5 Điều này, Phòng đăng ký kinh doanh cấp tỉnh yêu cầu doanh nghiệp làm thủ tục giải thể theo quy định tại khoản 5 Điều 112 Luật Doanh nghiệp. Sau sáu tháng, kể từ ngày quyết định thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, mà không nhận được hồ sơ giải thể doanh nghiệp, thì doanh nghiệp coi như đã được giải thể và Phòng đăng ký kinh doanh cấp tỉnh xoá tên doanh nghiệp trong Sổ đăng ký kinh doanh. Trong trường hợp này, người đại diện theo pháp luật, tất cả thành viên đối với công ty trách nhiệm hữu hạn, chủ sở hữu công ty đối với công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên, tất cả thành viên Hội đồng quản trị đối với công ty cổ phần và tất cả thành viên hợp danh liên đới chịu trách nhiệm về các khoản nợ chưa thanh toán (nếu có), gồm cả nợ thuế và nghĩa vụ tài chính chưa thực hiện của doanh nghiệp đã được giải thể.
CHƯƠNG V
ĐĂNG KÝ KINH DOANH ĐỐI VỚI HỘ KINH DOANH CÁ THỂ
Điều 24. Hộ kinh doanh cá thể
1. Hộ kinh doanh cá thể do một cá nhân hoặc hộ gia đình làm chủ, chỉ được đăng ký kinh doanh tại một địa điểm, sử dụng không quá mười lao động, không có con dấu và chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình đối với hoạt động kinh doanh.
2. Hộ gia đình sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp, làm muối và những người bán hàng rong, quà vặt, làm dịch vụ có thu nhập thấp không phải đăng ký kinh doanh. Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quy định mức thu nhập áp dụng trên phạm vi địa phương theo đó hộ gia đình kinh doanh hoặc làm dịch vụ có thu nhập thấp hơn mức quy định không phải đăng ký kinh doanh. Mức thu nhập thấp được quy định không được vượt quá mức khởi điểm chịu thuế thu nhập cá nhân đối với người có thu nhập cao.
3. Hộ kinh doanh cá thể có sử dụng hơn mười lao động hoặc có hơn một địa điểm kinh doanh phải chuyển đổi thành doanh nghiệp.
Điều 25. Quyền đăng ký kinh doanh
1. Tất cả công dân Việt Nam đủ 18 tuổi, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ; các hộ gia đình đều có quyền đăng ký kinh doanh theo quy định tại Chương này, trừ những người chưa thành niên, người bị hạn chế hoặc bị mất năng lực hành vi dân sự, người đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc đang phải chấp hành hình phạt tù hoặc bị Toà án tước quyền hành nghề.
2. Một cá nhân, hộ gia đình quy định tại khoản 1 Điều này chỉ được đăng ký kinh doanh một hộ kinh doanh cá thể.
Điều 26. Trình tự và thủ tục đăng ký kinh doanh đối với hộ kinh doanh cá thể
1. Cá nhân hoặc người đại diện hộ gia đình gửi đơn đăng ký kinh doanh hộ kinh doanh cá thể đến Cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện nơi đặt địa điểm kinh doanh.
2. Nội dung đơn đăng ký kinh doanh hộ kinh doanh cá thể gồm có:
a) Họ tên, số chứng minh nhân dân, chữ ký và nơi cư trú của cá nhân hoặc đại diện hộ gia đình;
b) Địa chỉ địa điểm kinh doanh;
c) Ngành, nghề kinh doanh;
d) Số vốn kinh doanh;
Đối với những ngành, nghề mà luật, pháp lệnh, nghị định quy định phải có chứng chỉ hành nghề, thì kèm theo đơn phải có bản sao hợp lệ chứng chỉ hành nghề của cá nhân hoặc đại diện hộ gia đình.
Cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện không được yêu cầu người đăng ký kinh doanh nộp thêm bất cứ giấy tờ nào khác ngoài hồ sơ quy định tại khoản này.
3. Cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện nhận đơn, trao giấy biên nhận, và cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh cho hộ kinh doanh cá thể trong thời hạn bảy ngày, kể từ ngày nhận đơn, nếu có đủ các điều kiện sau đây:
a) Ngành, nghề kinh doanh không thuộc danh mục ngành, nghề cấm kinh doanh;
b) Trường hợp hộ kinh doanh cá thể có tên riêng, thì tên đó không được trùng với tên của hộ kinh doanh cá thể đã đăng ký trong phạm vi huyện;
c) Nộp đủ lệ phí đăng ký kinh doanh theo quy định.
Cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện không có quyền trì hoãn hoặc từ chối việc đăng ký kinh doanh cho hộ kinh doanh cá thể với bất cứ lý do nào.
4. Trong thời hạn bảy ngày, kể từ ngày cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, Cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện gửi bản sao Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hộ kinh doanh cá thể cho cơ quan thuế cùng cấp và Sở chuyên ngành.
5. Nếu sau mười lăm ngày, kể từ ngày nộp hồ sơ đăng ký kinh doanh, mà không nhận được Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, thì người đăng ký hộ kinh doanh cá thể có quyền khiếu nại đến Cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện, nơi tiếp nhận hồ sơ đăng ký kinh doanh. Sau thời hạn bảy ngày, kể từ ngày nộp đơn khiếu nại, mà không nhận được trả lời của Cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện, thì người đăng ký hộ kinh doanh cá thể có quyền khiếu nại lên Uỷ ban nhân dân cấp huyện hoặc kiện ra Tòa hành chính cấp tỉnh nơi nộp hồ sơ đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật.
Điều 27. Thời điểm kinh doanh
Hộ kinh doanh cá thể có quyền tiến hành hoạt động kinh doanh sau khi được cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, trừ trường hợp kinh doanh các ngành, nghề kinh doanh phải có điều kiện.
Điều 28. Đăng ký thay đổi nội dung đăng ký kinh doanh
1. Khi thay đổi nội dung kinh doanh đã đăng ký, hộ kinh doanh cá thể thông báo nội dung thay đổi với Cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện nơi đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.
2. Nếu chuyển địa điểm kinh doanh sang quận, huyện khác, hộ kinh doanh cá thể nộp lại Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh cho Cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh và tiến hành đăng ký kinh doanh tại Cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện nơi đặt địa điểm kinh doanh mới.
3. Trường hợp tạm ngừng kinh doanh từ ba mươi ngày trở lên, hộ kinh doanh cá thể thông báo với Cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện nơi cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh và cơ quan thuế trực tiếp quản lý.
4. Khi chấm dứt hoạt động kinh doanh, hộ kinh doanh cá thể phải nộp lại Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh cho Cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện nơi hộ kinh doanh cá thể đã đăng ký.
CHƯƠNG VI
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 29. Xử lý vi phạm
1. Cán bộ, công chức yêu cầu người thành lập doanh nghiệp nộp thêm các giấy tờ, đặt thêm các thủ tục, điều kiện đăng ký kinh doanh trái với Nghị định này; có hành vi cửa quyền, hách dịch, sách nhiễu, gây khó khăn, phiền hà đối với tổ chức, cá nhân trong khi giải quyết việc đăng ký kinh doanh, trong kiểm tra các nội dung đăng ký kinh doanh, thì bị xử lý kỷ luật theo quy định của pháp luật.
2. Cán bộ, công chức từ chối cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh cho người có đủ điều kiện hoặc cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh cho người không đủ điều kiện, thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.
Trường hợp gây thiệt hại do hành vi vi phạm quy định tại khoản này gây ra, thì cán bộ, công chức có liên quan còn phải bồi thường cho tổ chức, cá nhân bị thiệt hại.
3. Người có một trong các hành vi vi phạm sau đây, thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật:
a) Kinh doanh dưới hình thức doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh, hộ kinh doanh cá thể mà không đăng ký kinh doanh theo Nghị định này;
b) Tiếp tục kinh doanh khi đã bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh;
c) Kê khai không trung thực, không chính xác, không kịp thời đăng ký thay đổi nội dung trong hồ sơ đăng ký kinh doanh của doanh nghiệp;
d) Cố ý định giá tài sản góp vốn cao hơn giá trị thực tế;
đ) Không gửi báo cáo tài chính hàng năm đến Cơ quan đăng ký kinh doanh, Cơ quan thuế hoặc gửi báo cáo không trung thực, không chính xác;
e) Kinh doanh ngành, nghề bị cấm hoặc không đủ điều kiện đối với những ngành nghề kinh doanh có điều kiện.
Điều 30. Hiệu lực thi hành
1. Nghị định này có hiệu lực thi hành sau mười lăm ngày, kể từ ngày đăng Công báo; những quy định trước đây trái với Nghị định này đều bãi bỏ.
2. Nghị định này thay thế Nghị định số 02/2000/NĐ-CP ngày 03 tháng 02 năm 2000 của Chính phủ về đăng ký kinh doanh.
3. Bãi bỏ Thông tư liên tịch số 05/2000/TTLB-BKH-TCCBCP ngày 07 tháng 6 năm 2000 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Ban Tổ chức Cán bộ Chính phủ (nay là Bộ Nội vụ) hướng dẫn việc tổ chức Phòng đăng ký kinh doanh ở cấp tỉnh và huyện.
Điều 31. Hướng dẫn thi hành
Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư thống nhất với Bộ trưởng Bộ Nội vụ ban hành Quy định hướng dẫn về tổ chức, bộ máy, biên chế và tiêu chuẩn cán bộ đăng ký kinh doanh.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư có trách nhiệm hướng dẫn thi hành Nghị định này.
Văn bản liên quan
Liên kết nhanh
Bản quyền bởi Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI
Tòa VCCI, Số 9 Đào Duy Anh, Đống Đa, Hà Nội, Việt Nam
Giấy phép xuất bản số 190/GP-TTĐT cấp ngày 27/10/2023
Người chịu trách nhiệm chính: Ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch VCCI
Quản lý và vận hành: Trung tâm Truyền thông và Thông tin Kinh tế - VCCI | ||
Văn Phòng - Lễ tân: | Phụ trách website: | Liên hệ quảng cáo: |
📞 + 84-24-35742022 | 📞 + 84-24-35743084 | 📞 + 84-24-35743084 |
+ 84-24-35742020 | vcci@vcci.com.vn |
Truy cập phiên bản website cũ. Thiết kế và phát triển bởi ADT Global