VCCI logo

LIÊN ĐOÀN THƯƠNG MẠI VÀ CÔNG NGHIỆP VIỆT NAM

Vietnam Chamber of Commerce and Industry

Thứ 7, 23/11/2024 | English | Vietnamese

Trang chủVăn bản pháp luậtThông tư 70-TC/TCDN của Bộ Tài chính về việc hướng dẫn chế độ phân phối lợi tức sau thuế và quản lý các quỹ của doanh nghiệp nhà nước

Thông tin chi tiết

Thông tư 70-TC/TCDN của Bộ Tài chính về việc hướng dẫn chế độ phân phối lợi tức sau thuế và quản lý các quỹ của doanh nghiệp nhà nước

Số/Ký hiệu
70-TC/TCDN
Cơ quan ban hành
Bộ Tài chính
Loại văn bản
Thông tư
Người ký
Hồ Tế
Ngày ban hành
05/11/1996
Ngày hiệu lực
01/01/1997
Ngày hết hiệu lực
01/01/1999
Hiệu lực văn bản
Hết hiệu lực
Tệp đính kèm

Xem chi tiết văn bản

BỘ TÀI CHÍNH
-----------

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 70-TC/TCDN

Hà Nội, ngày 05 tháng 11 năm 1996

THÔNG TƯ

CỦA BỘ TÀI CHÍNH SỐ 70 TC/TCDN NGÀY 5 THÁNG 11 NĂM 1996 HƯỚNG DẪN CHẾ ĐỘ PHÂN PHỐI LỢI TỨC SAU THUẾ VÀ QUẢN LÝ CÁC QUỸ CỦA DOANH NGHIỆP NHÀ NƯỚC

Căn cứ Nghị định số 178/CP ngày 28 tháng 10 năm 1994 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ và tổ chức bộ máy cả Bộ Tài chính;
Căn cứ Nghị định số 59/CP ngày 3 tháng 10 năm 1996 của Chính phủ ban hành Quy chế quản lý tài chính và hạch toán kinh doanh đối với doanh nghiệp Nhà nước;
Bộ Tài chính ban hành Thông tư hướng dẫn chế độ phân phối lợi tức sau thuế và quản lý các quỹ đối với doanh nghiệp Nhà nước như sau:

I- LỢI TỨC DOANH NGHIỆP

1- Lợi tức thực hiện cả năm là kết quả kinh doanh của doanh nghiệp, bao gồm lợi tức hoạt động kinh doanh và hoạt động khác.

a) Lợi tức hoạt động kinh doanh là khoản chênh lệch giữa tổng doanh thu bán sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ trừ đi giá thành toàn bộ sản phẩm hàng hoá, dịch vụ đã tiêu thụ và thuế theo quy định của pháp lật (trừ thuế lợi tức).

b) Lợi tức hoạt động khác bao gồm:

- Lợi tức hoạt động tài chính là số thu lớn hơn chi của các hoạt động tài chính, bao gồm các hoạt động cho thuê tài sản, mua, bán trái phiếu, chứng khoán, mua bán ngoại tệ, lãi tiền gửi ngân hàng thuộc vốn kinh doanh, lãi cho vay thuộc các nguồn vốn và quỹ, lãi cổ phần và lãi do góp vốn liên doanh, hoàn nhập số dư khoản dự phòng giảm giá đầu tư chứng khoán ngắn hạn, dài hạn.

- Lợi tức của hoạt động bất thường là khoản thu nhập bất thường lớn hơn các chi phí bất thường, bao gồm các khoản phải trả không có chủ nợ, thu hồi lại các khoản nợ khó đòi đã được duyệt bỏ (đang theo dõi ngoài bảng cân đối kế toán; các khoản vật tự, tài sản thừa sau khi đã bù trừ hao hụt mất mát các vật tư cùng loại; chênh lệch thanh lý, nhượng bán tài sản (là số thu về nhượng bán trừ giá trị còn lại trên sổ sách kế toán của tài sản và các chi phí thanh lý, nhượng bán); các khoản lợi tức các năm trước phát hiện năm nay; số dư hoàn nhập các khoản dự phòng giảm giá hàng tồn kho, phải thu khó đòi, khoản tiền trích bảo hành sản phẩm còn thừa khi hết hạn bảo hành.

2- Nhà nước là chủ sở hữu các doanh nghiệp Nhà nước, thực hiện kiểm tra việc trích và sử dụng các quỹ của doanh nghiệp theo mục đích quy định tại Thông tư này.

Phân phối lợi tức sau thuế nhằm mục đích chủ yếu tái đầu tư mở rộng năng lực hoạt động kinh doanh, bảo toàn và phát triển vốn của doanh nghiệp, đồng thời khuyến khích người lao động nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.

II- PHÂN PHỐI LỢI TỨC SAU THUẾ

Tổng lợi tức thực hiện cả năm của doanh nghiệp sau khi nộp thuế lợi tức theo luật định (kể cả thuế lợi tức bổ sung nếu có) được phân phối theo thứ tự sau đây:

1- Nộp tiền thu về sử dụng vốn ngân sách Nhà nước:

- Trường hợp doanh nghiệp bị lỗ thị không phải nộp tiền thu về sử dụng vốn.

- Trường hợp lợi tức sau thuế không đủ để nộp tiền thu sử dụng vốn theo mức quy định thì doanh nghiệp phải nộp toàn bộ lợi tức sau thuế.

2- Trả tiền phạt, như: Tiền phạt vi phạm kỷ luật thu nộp ngân sách, tiền phạt vi phạm hành chính; phạt vi phạm hợp đồng, phạt nợ quá hạn (sau khi trừ tiền phạt thu được), các khoản chi phí hợp lệ chưa được trừ khi xác định thuế lợi tức phải nộp.

3- Trừ các khoản lỗ không được trừ vào lợi tức trước thuế.

4- Đối với những doanh nghiệp kinh doanh trong một số ngành đặc thù (như Ngân hàng thương mại, bảo hiểm...) mà pháp luật quy định phải trích lập các quỹ đặc biệt từ lợi tức, thì sau khi trừ các khoản từ 1 đến 3 nêu trên, doanh nghiệp trích lập các quỹ đó theo tỷ lệ do Nhà nước quy định.

5- Chia lãi cho các đối tác góp vốn theo hợp đồng hợp tác kinh doanh (nếu có).

6- Phần lợi tức còn lại trích lập các quỹ của doanh nghiệp theo quy định trong Thông tư này.

III- TRÍCH LẬP CÁC QUỸ DOANH NGHIỆP TỪ LỢI TỨC

1- Các quỹ doanh nghiệp: Lợi tức còn lại sau khi trừ các khoản từ 1 đến 5 nêu tại mục II trên đây, doanh nghiệp trích lập các quỹ theo tỷ lệ như sau:

1.1- Quỹ Đầu tư phát triển: trích từ 50% trở lên không hạn chế mức tối đa.

1.2- Quỹ dự phòng tài chính: trích 10%. Số dư của quỹ này không vượt quá 25% vốn điều lệ của doanh nghiệp.

1.3- Quỹ dự phòng về trợ cấp mất việc làm: trích 5%. Số dư quỹ này không vượt quá 6 tháng lương thực hiện của doanh nghiệp.

1.4- Số lợi tức còn lại sau khi trích các quỹ nói trên được trích lập quỹ khen thưởng và quỹ phúc lợi theo quy định dưới đây:

a) Doanh nghiệp được trích vào 2 quỹ khên thưởng và phúc lợi tối đa bằng 3 tháng lương thực hiện, với điều kiện tỷ suất lợi tức thực hiện trên vốn Nhà nước (gồm vốn ngân sách Nhà nước cấp, vốn có nguồn gốc ngân sách cấp và vốn do doanh nghiệp tự bổ sung) dùng trong hoạt động kinh doanh năm nay không thấp hơn tỷ suất lợi tức thực hiện trên vốn nhà nước năm trước.

b) Doanh nghiệp được trích vào 2 quỹ khen thường và phúc lợi tối đa bằng 2 tháng lương thực hiện, nếu tỷ suất lợi tức thực hiện trên vốn Nhà nước năm nay thấp hơn tỷ suất lợi tức thực hiện trên vốn Nhà nước năm trước.

Vốn Nhà nước nói ở đây là số trung bình cộng của vốn Nhà nước tính ở thời điểm 1/1 - 31/12 cùng năm.

Tỷ lệ trích vào mỗi quý do Hội đồng quản trị, Giám đốc (đối với doanh nghiệp không có hội đồng quản trị) quyết định sau khi tham khảo ý kiến của công đoàn doanh nghiệp.

Trường hợp số dư các quỹ dự phòng tài chính, quỹ dự phòng mất việc làm đã đạt mức khống chế; quỹ phúc lợi, quỹ khen thưởng đã trích đủ theo mức quy định, thì chuyển số lợi tức còn lại vào quỹ đầu tư phát triển.

2- Thủ tục và thời điểm trích lập các quỹ:

a) Trên cơ sở báo cáo tài chính định kỳ (tháng, quý) về số lợi tức thực hiện, doanh nghiệp nộp thuế lợi tức theo luật định. Lợi tức còn lại doanh nghiệp thực hiện việc phân phối và tạm trích vào các quỹ như quy định ở phần II và III nói trên nhưng không vượt quá 70% tổng số lợi tức sau thuế từng kỳ. Các doanh nghiệp chỉ được tạm trích các quỹ doanh nghiệp tương ứng với số thuế lợi tức đã nộp.

b) Sau khi doanh nghiệp công bố công khai báo cáo tài chính năm theo hướng dẫn của Bộ Tài chính, doanh nghiệp được phân phối toàn bộ số lợi tức sau thuế cả năm theo quy định ở mục II và III Thông tư này.

IV- SỬ DỤNG CÁC QUỸ DOANH NGHIỆP

1- Quỹ đầu tư phát triển:

Được sử dụng vào các mục đích sau:

- Đầu tư mở rộng và phát triển kinh doanh.

- Đổi mới, thay thế hoàn chỉnh máy móc thiết bị dây truyền công nghệ, nghiên cứu áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật.

- Đồi mới trang thiết bị và điều kiện làm việc trong doanh nghiệp.

- Nghiên cứu khoa học, đào tạo, nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ thuật nghiệp vụ cho công nhân viên của doanh nghiệp.

- Bổ sung vốn lưu động.

- Tham gia liên doanh, mua cổ phiếu, góp vốn cổ phần theo quy định hiện hành.

- Trích nộp để hình thành quỹ đầu tư phát triển , quỹ nghiên cứu khoa học và đào tạo tập trung của Tổng Công ty (nếu là thành viên Tổng công ty) theo tỷ lệ do Hội đồng quản trị Tổng công ty quyết định hàng năm và được sử dụng cho các mục tiêu quy định trong Quy chế tài chính Tổng công ty.

Trường hợp cần thiết, Nhà nước có thể điều động một phần quỹ đầu tư phát triển của doanh nghiệp để đầu tư phát triển doanh nghiệp Nhà nước khác. Việc điều động chủ yếu thực hiện dưới hình thức góp vốn vào quỹ hỗ trợ đầu tư quốc gia và các quỹ khác theo quy định của Chính phủ.

2- Quỹ dự phòng tài chính: dùng để bù đắp khoản chênh lệch từ những tổn thất, thiệt hại về tài sản do thiên tai, địch hoạ, hoả hoạn, những rủi ro trong kinh doanh không được tính trong giá thành và đền bù của cơ quan bảo hiểm.

- Trích nộp để hình thành quỹ dự phòng tài chính của Tổng công ty (nếu là thành viên của Tổng công ty) theo tỷ lệ do Hội đồng quản trị Tổng công ty quyết định hàng năm và được sử dụng để hỗ trợ các tổn thất, thiệt hại trong quá trình kinh doanh của các doanh nghiệp thành viên theo quy định trong Quy chế tài chính Tổng công ty.

3- Quỹ dự phòng về trợ cấp mất việc làm: Dùng để trợ cấp cho người lao động có thời gian làm việc tại doanh nghiệp đủ một năm trở lên bị mất việc làm và chi cho việc đào tạo lại chuyên môn, kỹ thuật cho người lao động do thay đổi công nghệ hoặc chuyển sang việc mới, đặc biệt là đào tạo nghề dự phòng cho lao động nữ của doanh nghiệp.

Đối với những doanh nghiệp là thành viên Tổng công ty, mà các mục đích chi trên được Tổng công ty đảm nhận theo quy chế tài chính Tổng công ty thì không lập quỹ này.

Quỹ này chỉ dùng trợ cấp cho người lao động mất việc làm do các nguyên nhân khách quan như: lao động dôi ra vì thay đổi công nghệ, do liên doanh, do thay đổi tổ chức trong khi chưa bố trí công việc khác, hoặc chưa kịp giải quyết cho thôi việc.

Mức trợ cấp cho thời gian mất việc làm do Giám đốc và Chủ tịch công đoàn doanh nghiệp xét cụ thể theo pháp luật hiện hành.

Trích nộp để hình thành quỹ dự phòng trợ cấp mất việc làm của Tổng công ty (nếu là thành viên Tổng công ty) theo tỷ lệ do Hội đồng quản trị Tổng công ty quyết định.

4- Quỹ phúc lợi dùng để:

- Đầu tư xây dựng hoặc sửa chữa, bổ sung vốn xây dựng các công trình phúc lợi công cộng của doanh nghiệp, góp vốn đầu tư xây dựng các công trình phúc lợi chung trong ngành, hoặc với các đơn vị khác theo hợp đồng thoả thuận.

- Chi cho các hoạt động phúc lợi xã hội, thể thao, văn hoá, phúc lợi công cộng của tập thể công nhân viên doanh nghiệp.

- Đóng góp cho quỹ phúc lợi xã hội (các hoạt động từ thiện, phúc lợi xã hội công cộng...).

- Trợ cấp khó khăn thường xuyên, đột xuất cho cán bộ công nhân viên doanh nghiệp.

- Ngoài ra có thể chi trợ cấp khó khăn cho người lao động của doanh nghiệp đã về hưu, mất sức lâm vào hoàn cảnh khó khăn, không nơi nương tựa và chi cho công tác từ thiện xã hội. Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc (nếu doanh nghiệp không có Hội đồng quản trị) quyết định sử dụng sau khi có ý kiến thoả thuận của Công đoàn doanh nghiệp.

- Trích nộp để hình thành quỹ phúc lợi tập trung của Tổng công ty (nếu là thành viên Tổng công ty) theo tỷ lệ do Hội đồng quản trị Tổng công ty quyết định và được sử dụng cho các mục tiêu quyết định trong Quy chế tài chính mẫu Tổng công ty.

5- Quỹ khen thưởng dùng để:

- Thưởng cuối năm hoặc thưởng thường kỳ cho cán bộ công nhân viên trong doanh nghiệp. Mức thưởng do Hội đồng quản trị, Giám đốc (nếu doanh nghiệp không có Hội đồng quản trị) quyết định sau khi có ý kiến tham gia của Công đoàn doanh nghiệp trên cơ sở năng suất lao động, thành tích công tác và mức lương cơ bản của mỗi công nhân viên trong doanh nghiệp.

- Thưởng đột xuất cho những cá nhân, tập thể trong doanh nghiệp có sáng kiến cải tiến kỹ thuật mang lại hiệu quả kinh doanh. Mức thưởng do Hội đồng quản trị, Giám đốc (nếu doanh nghiệp không có Hội đồng quản trị) quyết định.

- Thưởng cho những cá nhân và đơn vị ngoài doanh nghiệp có quan hệ hợp đồng kinh tế đã hoàn thành tốt những điều kiện của hợp đồng, mang lại lợi ích cho doanh nghiệp. Mức thưởng do Hội đồng quản trị (nếu có), Giám đốc (nếu doanh nghiệp không có Hội đồng quản trị) quyết định.

- Trích nộp để hình thành quỹ khen thưởng tập trung của Tổng công ty (nếu là thành viên Tổng công ty) theo tỷ lệ do Hội đồng quản trị Tổng công ty quyết định và sử dụng để khen thưởng cho các đối tượng theo Quy chế tài chính mẫu Tổng công ty .

V- TRÁCH NHIỆM CỦA DOANH NGHIỆP VÀ CƠ QUAN QUẢN LÝ VỐN VÀ TÀI SẢN NHÀ NƯỚC TẠI DOANH NGHIỆP

1- Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc (nếu doanh nghiệp không có Hội đồng quản trị) phải chịu trách nhiệm về việc phân phối đúng đắn số lợi tức sau thuế thực hiện cả năm của doanh nghiệp, có kế hoạch sử dụng, quản lý và quyết toán việc sử dụng từng quỹ theo quy định tại Thông tư này.

2- Cơ quan quản lý vốn và tài sản Nhà nước tại doanh nghiệp có trách nhiện kiểm tra việc phân phối lợi tức sau thuế của doanh nghiệp, việc trích lập và sử dụng các quỹ theo quy định của Thông tư này.

Nếu phát hiện doanh nghiệp thực hiện sai những quy định trên thì tuỳ theo lỗi nặng nhẹ được quyết định hoặc đề nghị Bộ Tài chính quyết định giảm trừ 2 quỹ phúc lợi và khen thưởng của doanh nghiệp theo các quy định hiện hành. Việc giảm trừ phải phân tích rõ những sai trái và trao đổi với Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc (nếu doanh nghiệp không có Hội đồng quản trị) trước khi quyết định.

VI- ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Thông tư này có hiệu lực và áp dụng cho việc phân phối lợi tức phát sinh sau thuế từ 01/1/1997.

Các quy định về phân phối lợi tức sau thuế trái với quy định tại Thông tư này đều bãi bỏ.

Các cơ quan quản lý doanh nghiệp và các doanh nghiệp Nhà nước chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này.

 

Hồ Tế

(Đã ký)

 

Văn bản liên quan

Số/Ký hiệu
Ngày ban hành
Trích yếu
Footer logo

Bản quyền bởi Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI 

  Tòa VCCI, Số 9 Đào Duy Anh, Đống Đa, Hà Nội, Việt Nam

Giấy phép xuất bản số 190/GP-TTĐT cấp ngày 27/10/2023

Người chịu trách nhiệm chính: Ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch VCCI

Quản lý và vận hành: Trung tâm Truyền thông và Thông tin Kinh tế - VCCI
Văn Phòng - Lễ tân:  Phụ trách website: Liên hệ quảng cáo:
📞 + 84-24-35742022 📞 + 84-24-35743084 📞 + 84-24-35743084
 + 84-24-35742020   vcci@vcci.com.vn   

Truy cập phiên bản website cũ.                                                     Thiết kế và phát triển bởi ADT Global