VCCI logo

LIÊN ĐOÀN THƯƠNG MẠI VÀ CÔNG NGHIỆP VIỆT NAM

Vietnam Chamber of Commerce and Industry

Thứ 6, 25/04/2025 | English | Vietnamese

Trang chủTin tổng hợpĐề xuất cơ chế chia sẻ hài hòa lợi ích, rủi ro khi nghiên cứu khoa học

Đề xuất cơ chế chia sẻ hài hòa lợi ích, rủi ro khi nghiên cứu khoa học

09:55:00 AM GMT+7Thứ 3, 18/02/2025

Sáng 17/2, Quốc hội đã thảo luận tại hội trường về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội thí điểm một số chính sách để tháo gỡ vướng mắc trong hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo (KHCN & ĐMST).

Viên chức làm việc ở doanh nghiệp được hưởng lương ở đâu?

Phát biểu tại hội trường, các đại biểu Quốc hội tán thành việc ban hành Nghị quyết này nhằm khẩn trương thể chế hóa một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách trong Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị về đột phá phát triển KHCN, ĐMST và chuyển đổi số quốc gia nhằm giải phóng, khơi thông mọi nguồn lực để phát triển.

Theo các đại biểu, đây đều là các chính sách được giới khoa học, nghiên cứu và doanh nghiệp rất mong đợi, trông chờ. Sau khi được thông qua, việc thực hiện Nghị quyết sẽ góp phần đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện các nhiệm vụ để đạt mục tiêu tăng trưởng GDP từ 8% trở lên trong năm 2025 và tăng trưởng hai con số trong giai đoạn 2026-2030.

Để hoàn thiện dự thảo, các đại biểu đã góp ý về nhiều vấn đề như tự chủ tài chính, khoán chi, miễn trách nhiệm dân sự khi nghiên cứu khoa học.

Đề xuất cơ chế chia sẻ hài hòa lợi ích, rủi ro khi nghiên cứu khoa học
Đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp)

Đối với quy định viên chức làm việc tại tổ chức KH&CN công lập được làm việc tại doanh nghiệp do tổ chức đó thành lập, đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) bày tỏ đồng tình. Song, đề nghị làm rõ viên chức này sẽ hưởng lương ở đơn vị nào, cơ quan chủ quản hay ở doanh nghiệp. Nếu hưởng lương ở cả 2 bên thì không hợp lý, đại biểu nhận xét. Ngoài ra, quy định khoán chi là cần thiết, nhưng phải có hướng dẫn cụ thể trong khoán chi để tránh xảy ra tiêu cực.

Một vấn đề nhiều đại biểu quan tâm là quy định miễn trách nhiệm dân sự nếu để xảy ra thiệt hại cho Nhà nước trong quá trình nghiên cứu khoa học, dù đã thực hiện đầy đủ quy trình, quy định. Theo đại biểu Phạm Văn Hòa, quy trình ở đây là theo pháp luật hay theo hợp đồng. Nếu trường hợp để xảy ra rủi ro, thiệt hại nhiều lần thì có được miễn trách nhiệm không? Phải làm rõ quy trình nào, sai sót trong phạm vi bao nhiêu lần, đại biểu đề nghị.

Đồng tình với quy định về miễn trừ trách nhiệm, đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội) đề nghị làm rõ "đúng quy trình thì quy trình là gì". Nếu không cẩn trọng lại đi theo hướng "phải theo quy định của pháp luật", và cứ tuân thủ pháp luật là không làm cái gì cả.

Đại biểu đề nghị sửa lại theo hướng "khi đã thực hiện đúng quy trình nghiên cứu và đề tài đã đăng ký nhưng không đạt kết quả thì không phải hoàn trả lại kinh phí".

Cũng liên quan đến vấn đề này, đại biểu K’Nhiễu (đoàn Lâm Đồng) cho rằng, phải quy định rõ cơ quan, tổ chức nào đứng ra chứng minh, chứng thực việc đã làm đúng quy trình nhưng vẫn xảy ra thiệt hại.

Về việc thực hiện nghiên cứu khoa học đúng quy định, quy trình, nội dung nhưng không có kết quả thì không phải hoàn trả kinh phí, đại biểu cũng cho rằng, quy định chung chung như vậy rất dễ dẫn đến lạm dụng ngân sách, phải làm rõ hơn trách nhiệm của hội đồng xét duyệt.

Tán thành sự cần thiết phải có quy định cụ thể về miễn trừ trách nhiệm trong nghiên cứu khoa học, đại biểu Nguyễn Thị Thủy (đoàn Bắc Kạn) phân tích, việc miễn trừ trách nhiệm hình sự khi thực hiện nghiên cứu khoa học để xảy ra thiệt hại đã được quy định cụ thể tại điều 25, Bộ luật Hình sự. Tuy nhiên, việc miễn trừ trách nhiệm dân sự thì chưa được quy định, do đó nếu có thiệt hại thì vẫn phải bồi thường theo Luật Dân sự.

Đề xuất cơ chế chia sẻ hài hòa lợi ích, rủi ro khi nghiên cứu khoa học
Đại biểu Nguyễn Thị Thủy (đoàn Bắc Kạn)

Do đó, cơ chế về miễn trách nhiệm dân sự nếu xảy ra thiệt hại trong nghiên cứu khoa học là rất cần thiết, theo yêu cầu của Nghị quyết 57-NQ/TW. Đây là sẽ động lực thúc đẩy nghiên cứu khoa học, công nghệ, chuyển đổi số trong thời gian tới, đại biểu khẳng định.

Vẫn phải bồi thường nếu gây thiệt hại cho các tổ chức, cá nhân khác

Góp ý thêm về nội dung này, đại biểu Nguyễn Thị Thủy đề nghị, nên có thêm điều kiện để miễn là đã áp dụng đầy đủ quy trình quy định của việc phòng ngừa thiệt hại trong nghiên cứu khoa học. Đồng thời không chỉ được miễn trách nhiệm dân sự trong nghiên cứu mà cả trong thử nghiệm và áp dụng kết quả nghiên cứu.

Tuy nhiên, đại biểu lưu ý chỉ được miễn trừ khi gây thiệt hại kinh tế cho Nhà nước, còn nếu gây thiệt hại cho các tổ chức cá nhân khác, thì vẫn phải chịu trách nhiệm bồi thường.

Nhìn từ kinh nghiệm thực tế của một số nước, đại biểu Nguyễn Hải Nam (đoàn Thừa Thiên – Huế) cho biết, hoạt động nghiên cứu khoa học được coi là hoạt động đầu tư có rủi ro. Do đó, một số nước, như Israel, đã thành lập các quỹ đầu tư mạo hiểm, theo cách nhà nước góp 70%, tư nhân góp 30%.

Đề xuất cơ chế chia sẻ hài hòa lợi ích, rủi ro khi nghiên cứu khoa học
Đại biểu Nguyễn Hải Nam (đoàn Thừa Thiên – Huế)

Nếu nghiên cứu thành công, thường đem lại lợi ích rất lớn, thì được chia sẻ hài hòa. Ngược lại, nếu thất bại, thì rủi ro được chia sẻ theo tỷ lệ này. Như vậy, trách nhiệm về thiệt hại không còn quá nặng nề như một số ý kiến băn khoăn.

Ngoài ra, do đặc điểm vòng đời của sản phẩm nghiên cứu khoa học rất ngắn, biến động nhanh theo thời gian, nhiều nước có chính sách hỗ trợ, khuyến khích các quỹ đầu tư mạo hiểm như miễn giảm thuế…

Để tạo thuận lợi cho việc thành lập và hoạt động của quỹ đầu tư mạo hiểm tại Việt Nam, đại biểu Nguyễn Hải Nam đề nghị sửa đổi một số quy định về thành lập quỹ đầu tư, chẳng hạn như gỡ quy định hạn mức đầu tư của các quỹ này để họ hoạt động đúng tính chất của quỹ đầu tư mạo hiểm là linh hoạt, huy động đủ vốn cho nghiên cứu, phát triển khoa học công nghệ…

Theo dự thảo Nghị quyết, tổ chức KH&CN công lập được nhà nước đầu tư và giao kinh phí thường xuyên để hỗ trợ, phát triển tổ chức; được giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm ở mức độ cao nhất. Một số đại biểu đề nghị ghi cụ thể giao tự chủ ở mức cao nhất là mức nào, không nên quy định chung chung.
TheoThời báo tài chính
Copy link

Văn bản pháp luật

Liên kết

Website nội bộ của VCCI

Footer logo

Bản quyền bởi Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI 

  Tòa VCCI, Số 9 Đào Duy Anh, Đống Đa, Hà Nội, Việt Nam

Giấy phép xuất bản số 190/GP-TTĐT cấp ngày 27/10/2023

Người chịu trách nhiệm chính: Ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch VCCI

Quản lý và vận hành: Trung tâm Truyền thông và Thông tin Kinh tế - VCCI
Văn Phòng - Lễ tân:  Phụ trách website: Liên hệ quảng cáo:
📞 + 84-24-35742022 📞 + 84-24-35743084 📞 + 84-24-35743084
 + 84-24-35742020   vcci@vcci.com.vn   

Truy cập phiên bản website cũ.                                                     Thiết kế và phát triển bởi ADT Global