![]() |
Tài sản công dôi dư sau sắp xếp nếu không được xử lý hợp lý sẽ lãng phí lớn. Ảnh tư liệu |
Thực hiện chính quyền địa phương 2 cấp không chỉ là bước ngoặt trong tổ chức bộ máy hành chính nhà nước, mà còn mở ra một không gian phát triển mới, rộng lớn hơn, linh hoạt hơn cho từng địa phương và cả đất nước. Nhưng đi kèm với đó là một bài toán xử lý hàng nghìn trụ sở, tài sản công dôi dư sau sắp xếp như thế nào?. Nếu không được xử lý hợp lý và hiệu quả, tài sản công sẽ tiếp tục là gánh nặng ngân sách kéo dài - một sự lãng phí lớn “tiền của dân”.
Không thể lặp lại bài học cũ
Việc sáp nhập đơn vị hành chính không phải bây giờ mới làm mà đã được thực hiện từ năm 2019 - 2021 với 21 đơn vị hành chính cấp huyện và 1.056 đơn vị hành chính cấp xã tại 45 tỉnh, thành phố, qua đó đã giảm được 8 đơn vị hành chính cấp huyện và 561 đơn vị hành chính cấp xã. Tuy nhiên, ở giai đoạn này, nhiều địa phương đã “loay hoay” trong xác định phương án sử dụng, chuyển đổi công năng, thậm chí chưa rõ trách nhiệm giữa các cấp quản lý tài sản công. Kết quả, rất nhiều trụ sở cũ tại cấp xã và cấp huyện bị bỏ hoang trong nhiều năm, dẫn đến tình trạng xuống cấp, mất an toàn, khó xử lý và đặc biệt là lãng phí.
Đơn cử tại Hà Tĩnh, giai đoạn 2019 - 2021, tỉnh đã thực hiện sắp xếp 80 đơn vị hành chính cấp xã thuộc địa bàn 12 huyện, thị xã, thành phố (trừ thị xã Hồng Lĩnh) để thành lập 34 đơn vị. Việc sắp xếp lại đã giúp tỉnh cắt giảm được 46 xã nhưng cũng đồng nghĩa với việc thừa ra 46 trụ sở xã, chưa có kế hoạch sử dụng và đã bỏ không.
Điều đáng nói ở đây là có một sự lãng phí ngân sách nhà nước rất lớn từ việc bỏ không các trụ sở. Tiêu biểu như trụ sở xã Thạch Hương (thuộc xã Tân Lâm Hương, huyện Thạch Hà), được đầu tư xây dựng mới vào năm 2018 với tổng mức đầu tư khoảng 8 tỷ đồng, nhưng chưa đầy 2 năm đưa vào sử dụng, công trình đã bị bỏ hoang do xã sáp nhập. Hiện trụ sở này xuống cấp nghiêm trọng, không còn phát huy được hiệu quả công năng.
Tại huyện Đức Thọ, sau khi 3 xã Bùi Xá, Đức La, Đức Nhân được sáp nhập thành xã Bùi La Nhân, cả 3 trụ sở cũ đều bị bỏ không. Trong khi đó, chính quyền mới lại đầu tư xây dựng trụ sở mới với kinh phí hơn 12 tỷ đồng, gây lãng phí lớn ngân sách địa phương. Tình trạng này cũng diễn ra tại nhiều địa phương khác.
Còn tại báo cáo giám sát tối cao của Quốc hội về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016 - 2021 cũng đánh giá công tác sắp xếp lại nhà, đất, trụ sở của các bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp theo Nghị định số 167/2017/NĐ-CP và Nghị định số 67/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 167/2017/NĐ-CP của Chính phủ về việc sắp xếp lại, xử lý tài sản công còn chậm, chưa hiệu quả, gây thất thoát, lãng phí nguồn lực của Nhà nước. Do đó, số lượng nhà, đất chưa được phê duyệt phương án sắp xếp còn khá lớn. Theo Bộ Tài chính, đến cuối năm 2024, cả nước còn hơn 11.000 cơ sở đất, nhà là tài sản công chưa được khai thác hoặc xử lý hợp lý.
Số lượng trụ sở dôi dư của đợt sắp xếp này chưa được xử lý dứt điểm, thì nay, với quy mô sắp xếp đơn vị hành chính trong nước, kéo theo việc xóa bỏ cấp hành chính huyện, số lượng tài sản công dôi dư lại càng lớn hơn. Báo cáo tại Phiên họp thứ 46 ngày 5/6/2025 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho thấy, trong tổng số 38.182 trụ sở công cấp tỉnh tại 52 địa phương đã thực hiện sắp xếp (trừ 11 địa phương giữ nguyên), có 4.226 trụ sở dôi dư cần xử lý theo đúng quy định pháp luật. Con số này cho thấy quy mô tài sản công dôi dư là rất lớn - không chỉ về số lượng, mà còn về giá trị tài chính và tiềm năng khai thác phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Hải Dũng (tỉnh Nam Định cũ), nay là tỉnh Ninh Bình đã cảnh báo, một trong những nguy cơ hiện hữu sau khi bỏ cấp huyện là việc dôi dư tài sản công. Nhiều địa phương đang lúng túng trong xây dựng phương án xử lý, do còn thiếu hướng dẫn cũng như thiếu sự phối hợp đồng bộ giữa các sở, ngành tại địa phương.
Đại biểu Quốc hội Đặng Bích Ngọc (tỉnh Hòa Bình cũ), nay là tỉnh Phú Thọ cũng đưa ra nhận định, sau khi sáp nhập đơn vị hành chính, việc quản lý tài sản công dôi dư chưa được chú trọng đúng mức.
Việc đầu tư xây dựng trụ sở, tài sản công đều được thực hiện từ nguồn ngân sách nhà nước, tức là từ tiền thuế của nhân dân. Như lời Tổng Bí thư Tô Lâm trong bài viết về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí: “Mỗi đồng chi ra từ ngân sách là mồ hôi, nước mắt của nhân dân. Nếu không sử dụng hiệu quả là có tội với dân, với nước”.
Chính vì vậy, với việc dôi dư hàng nghìn tài sản công và xử lý thế nào đang là bài toán đặt ra đối với các cấp lãnh đạo, chính quyền địa phương cùng với đó là yêu cầu không được để lặp lại tình trạng lãng phí, bỏ hoang như giai đoạn 2019 - 2021.
Cần hành động quyết liệt ngay từ đầu
Việc xử lý tài sản công sau sáp nhập đơn vị hành chính có những đặc thù riêng, đặc biệt là đối với các trụ sở cũ, do quá trình này đòi hỏi sự tính toán kỹ lưỡng để vừa đảm bảo hiệu quả sử dụng tài sản, vừa tuân thủ quy định pháp luật và các mục tiêu phát triển lâu dài.
Để không tái diễn lại tình trạng lãng phí tài sản công, ngay sau khi Quốc hội thông qua nghị quyết sắp xếp các đơn vị hành chính, bỏ cấp huyện, Chính phủ đã ban hành công điện yêu cầu các địa phương khẩn trương rà soát tài sản công dôi dư để kịp thời xây dựng phương án sử dụng hoặc xử lý. Bộ Tài chính cũng đã có hướng dẫn chi tiết về quy trình xử lý, thẩm quyền quyết định và phương án tái sử dụng tài sản công phù hợp với Luật Quản lý, sử dụng tài sản công.
Tuy vậy, theo khảo sát nhanh của phóng viên tại một số địa phương, tiến độ triển khai vẫn chưa đồng đều. Nhiều tỉnh, thành phố còn lúng túng trong bước phân loại tài sản…
Trong khi đó, theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, việc xử lý tài sản công sau sắp xếp không thể là phần việc sau cùng, mà phải đi song song, đồng bộ với quá trình tinh gọn bộ máy. Mỗi mét vuông trụ sở, mỗi phương tiện, mỗi tài sản công đều mang giá trị vật chất và biểu trưng cho hiệu lực của kỷ cương quản lý nhà nước. Không thể để tình trạng một bên sắp xếp tinh gọn bộ máy rất quyết liệt, nhưng một bên lại thả nổi, để tài sản công rơi vào tình trạng “xếp xó”. Đặc biệt, càng trì hoãn, chi phí xã hội càng lớn và cơ hội phát huy nguồn lực càng bị bỏ lỡ.
Tổng Bí thư Tô Lâm đã nói: “Tài sản công là của dân, phải vì dân mà dùng cho đúng, cho tiết kiệm, cho sinh lợi”. Vậy làm gì để không lặp lại sự lãng phí sau sáp nhập? Câu trả lời là phải hành động nhanh, trách nhiệm rõ, giám sát chặt, và đặc biệt là thay đổi tư duy về tài sản công. Nếu không hành động ngay từ bây giờ, chúng ta có nguy cơ đánh mất một cơ hội lớn để chuyển hóa phần tài sản dôi dư thành động lực mới cho phát triển.
Xử lý tài sản công dôi dư phải được coi là nhiệm vụ phát triển
Tài sản công dôi dư sẽ là nguồn lực to lớn để phát triển đất nước nếu như được xử lý đúng cách, hiệu quả. Trong bối cảnh đất nước đang bước vào một giai đoạn phát triển mới với yêu cầu tiết kiệm - hiệu quả - công khai, thì mỗi địa phương cần coi việc xử lý tài sản công là một “nhiệm vụ phát triển”, chứ không phải “gánh nặng hành chính”. |